Thời trang liệu có phải nghệ thuật? (Phần 2)

Sau phần 1, chúng ta đã cùng nhìn nhận về những gánh nặng và sự phù phiếm của thời trang. Ở phần 2 này, hãy cùng tác giả Su.dden đến với các cuộc cách mạng thời trang, mối nhân duyên với nghệ thuật và khía cạnh kinh tế, lợi nhuận không thể phủ nhận của nó nhé! 

Con người đang sống trong một xã hội kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Internet và sự bùng nổ của mạng xã hội giúp việc gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe trở nên vô cùng đơn giản dù cách xa nhau hàng trăm cây số. Các ranh giới gần như biến mất, từ đó không gian được mở rộng cùng khả năng khám phá và kết nối, đem đến sự gần gũi, dễ dàng tiếp cận và giúp thực hành những lĩnh vực tưởng chừng xa vời trong các thời đại trước. 

Nghệ thuật không nằm ngoài những ranh giới được nới lỏng ấy. Trong các thời đại trước, nghệ thuật được coi là thú chơi đắt đỏ và tinh tế dành riêng cho giới thượng lưu hay là những tác phẩm được đóng khung trong không gian của các bảo tàng. Nói đến nghệ thuật, phần lớn sẽ nghĩ đến hoặc “phù phiếm”, “nghèo túng” hoặc “xa xỉ”, “xa vời”, “khó hiểu”. Nhưng quan điểm hiện đại “Art is everywhere” (“Nghệ thuật ở khắp mọi nơi”) đã định nghĩa lại về nghệ thuật một cách đời thường hơn, khách quan hơn, bao quát hơn nhưng không vì thế mà đánh mất ý nghĩa thực sự của nó. 

Và khi nghệ thuật mở rộng bản thân mình với thế giới, thời trang cũng xứng đáng có một chỗ đứng tại đó. 

Khi thời trang làm cách mạng 

Nghệ thuật và thời trang đều là hai lĩnh vực có sức ảnh hưởng và vai trò quan trọng đối với cuộc sống và sự phát triển chung của thế giới. Ở mỗi mốc sự kiện lịch sử quan trọng, cả hai đều ở đó chứng kiến những biến đổi, đấu tranh, sản sinh ra các trường phái hay trào lưu mới như một phương thức để phản ánh xã hội và đóng góp tiếng nói của mình. Một bức tranh, một bức tượng, một chiếc váy,… đều có thể cho chúng ta biết một phần lịch sử của thời đại, thậm chí đóng vai trò đánh dấu bước chuyển mình trong nhận thức, tư duy của con người. 

Triển lãm “The Items: Is Fashion Modern?” (ảnh: Martin Seck)

Tháng 10/2017, bảo tàng MoMA (The Museum of Modern Art) đã tổ chức triển lãm “The Items: Is Fashion Modern?” trưng bày 111 trang phục, phụ kiện có sức ảnh hưởng to lớn đến thế giới vào thế kỉ XX và XXI. Triển lãm khẳng định lần nữa một trong những cách để tìm hiểu về một thời đại, một dân tộc, một nền văn hoá chính là nhìn vào thời trang. Không chỉ vậy, những trang phục được diện một cách phổ biến trong cuộc sống ngày nay vào thời điểm được sinh ra rất có thể lại là biểu tượng mang tính thời đại và cách mạng.

Hãy thử nhìn vào chiếc “Little Black Dress” do Gabrielle “Coco” Chanel thiết kế vào tháng 10/1926. Vào thời kì đó, màu đen được xem là màu tang tóc, chỉ được mặc vào các lễ tang hoặc thứ màu sắc tầm thường, không có tính chất cao cấp.

Nhưng với chất vải jersey (loại vải ít được sử dụng trong thời trang cao cấp), những đường cắt may táo bạo cùng sắc đen cấm kỵ, bà đã đi ngược lại truyền thống và cho ra đời Little Black Dress. Chiếc váy không chỉ tạo tiếng vang cho thương hiệu Chanel mà còn là “một cuộc cách mạng trong thời trang” (theo BBC).

Cuộc cách mạng của thời trang còn diễn ra ở quần jeans, quần shorts của nam hay nữ, áo sơ mi,… Các NTK phá vỡ quy tắc của những trang phục vốn được quy định dành cho nam giới và dành tặng chúng cho người phụ nữ, với tình yêu tính nữ và mong muốn về bình đẳng giới. Những cuộc cách mạng ấy đã tạo nên nhiều “cú nổ” trong nhận thức và định kiến xã hội về quy định ăn mặc đối với người phụ nữ. Nhờ vậy, phụ nữ không còn phải giấu mình trong những trang phục kín đáo, bó buộc mà có thể tự do thử nghiệm những phong cách mới và thể hiện bản thân. 

Giống như văn chương sử dụng ngòi bút và những con chữ, hay hội hoạ sử dụng màu vẽ,… thời trang đã, đang và sẽ tiếp tục là nhân chứng cho những đổi thay của xã hội và sử dụng bản thân nó để bắt kịp, phản ánh hay đi trước thời đại. 

Mối nhân duyên giữa thời trang và nghệ thuật 

Năm 2011, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (thường được biết đến với cái tên “The Met”, bảo tàng nghệ thuật lớn nhất tại Mỹ) đã tổ chức triển lãm nghệ thuật “Alexander McQueen: Savage Beauty”. Triển lãm trưng bày những thiết kế trang phục và phụ kiện của cố NTK Alexander McQueen đã trở thành một trong những triển lãm thành công nhất tại New York, ghi nhận số lượng tham quan kỷ lục cho bảo tàng cũng như là triển lãm thời trang nổi tiếng nhất cho đến thời điểm hiện tại. 

Triển lãm “Alexander McQueen: Savage Beauty”
Chân dung cố NTK Alexander McQueen, 1997 (ảnh: Marc Hom)

Quay ngược lại thời gian, những người yêu thời trang và nghệ thuật chắc chắn sẽ không thể không biết đến chiếc váy Mondrian của NTK Yves Saint Laurent được thiết kế trên cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng “Composition with Red Blue and Yellow” của Piet Mondrian (1930).

Dưới những khối hình học cơ bản với ba màu sắc cơ bản đỏ, xanh, vàng và các đường viền đen ngẫu nhiên, bức tranh đã đóng góp một phần lớn lao cho nghệ thuật trừu tượng thời bấy giờ và vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phong cách thiết kế đương đại. Chiếc váy của nhà mốt Yves Saint Laurent cũng trở thành một trong những thiết kế kinh điển của ngành thời trang. Bản thân NTK cũng có mối quan hệ thân thiết với Andy Warhol, và cũng là nguồn cảm hứng – nhân vật chính trong bức tranh Andy Warhol vẽ vào năm 1974. Bức tranh được chia làm bốn khổ vuông, khắc hoạ hình ảnh thời trẻ tuổi của Yves Saint Laurent và được vẽ với phong cách đặc trưng của Andy Warhol. Tuy bản thân bức tranh không phải một sản phẩm của ngành thời trang nhưng lại có ý nghĩa phản chiếu mối quan hệ hai chiều mật thiết giữa thời trang và nghệ thuật. 

Thiết kế Mondrian Dress (1966) của Yves Saint Laurent dựa trên cảm hứng “Composition with Red Blue and Yellow” (1929) của Piet Mondrian
Chân dung Yves Saint Laurent dưới bàn tay phác hoạ của Andy Warhol (1974)

Mối nhân duyên giữa thời trang và nghệ thuật không chỉ dừng lại ở đó. Đừng quên kể đến những sự hợp tác đình đám giữa Louis VuittonYayoi Kusama, Louis VuittonRichard Prince, Alexander McQueenBjork, Raf SimonSterling Ruby, Elsa SchiaparelliSalvador Dali,… Mối nhân duyên đó là vĩnh cửu, bởi thật khó để có thể tưởng tượng một ngày nào đó, trong thời trang không còn hơi thở của nghệ thuật.

Thiết kế Lobster Dress trứ danh của Elsa Schiaparelli

Và nếu tranh luận giữa việc nghệ thuật là cuộc đối thoại hai chiều giữa người nghệ sĩ và người thưởng thức, thời trang cũng chính là một cuộc đối thoại như vậy giữa NTK thông qua những người mẫu trình diễn để đến với công chúng. Điều đó đâu có khác biệt là mấy so với nghệ thuật trình diễn? Nếu nghệ thuật sử dụng màu vẽ, bút cọ (cho hội hoạ); âm thanh (cho âm nhạc); gỗ, thạch cao, đá đồng (cho điêu khắc);… thì thời trang sử dụng vải vóc, màu sắc, và thực hiện sáng tạo trên chính cơ thể con người. Đó cũng là lý do vì sao mà thời trang được coi là “Wearable Art” (nghệ thuật có thể mặc được).

Bằng việc sử dụng và kết hợp những chất liệu trong cuộc sống, chúng ta chuyển hoá suy nghĩ, góc nhìn của mình về thế giới thông qua các tác phẩm và thể hiện con người mình. Thời trang là cách thức trực diện và có thể là nhanh nhất để một người thể hiện cá tính và phong cách của mình. Mỗi trang phục, mỗi phụ kiện đều có thể chứa đựng một tiếng nói âm thầm, một cuộc đối thoại giữa người mặc với thế giới xung quanh. Thời trang vừa là thế giới cá nhân đầy riêng tư của mỗi người vừa là tiếng nói của thời đại, như một trào lưu, một xu hướng, một trường phái. 

Khía cạnh kinh tế và lợi nhuận của nghệ thuật 

Hình ảnh về người nghệ sĩ… nghèo, luôn tự do tự tại sáng tạo, không đặt nặng giá trị kinh tế dường như không còn phù hợp với thời nay, khi mà bản thân người nghệ sĩ cũng chính là một thương hiệu. Nghệ sĩ không hoàn toàn đứng độc lập và ngoài vòng tròn của kinh tế và giá trị thương hiệu, trong cuộc chơi nghệ thuật ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Các nhà đại diện cấp I, cấp II, các nhà đấu giá nghệ thuật lâu đời và danh tiếng như Christie’s, Sotheby’s, những người mua,… chính là móc nối quan trọng đối với người nghệ sĩ trong công cuộc mang tác phẩm ra thế giới và duy trì nguồn lực tài chính để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Ngành nghệ thuật đã chứng kiến những cuộc đấu giá nghệ thuật mà con số cuối cùng được chốt đáng giá hàng triệu đô la.

Những cuộc đấu giá nghệ thuật tại Christie’s và Sotheby’s

Nhà kinh tế học về nghệ thuật Claire McAndrew đã lưu ý trong cuốn sách “Kinh tế nghệ thuật” của mình: “Bất kể nghệ thuật được đánh giá cao như thế nào trong xã hội, không thể thoát khỏi thực tế rằng nó được sản xuất, mua và bán bởi các cá nhân và tổ chức, làm việc trong khuôn khổ kinh tế và không thể tránh khỏi hạn chế về vật liệu và thị trường.”

Giá trị kinh tế không thể phủ nhận của nghệ thuật cũng có thể được miêu tả ngắn gọn qua vài dòng của dịch giả Nguyễn Như Huy cho cuốn “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” (Sarah Thorton): “Thật vậy, nghệ thuật đương đại – được gọi là ngành công nghiệp không khói, mà lợi nhuận của nó tạo ra cả trực tiếp (mua bán tác phẩm) và gián tiếp (du lịch và truyền thông) ở một mặt nào đó còn vượt xa các ngành công nghiệp truyền thống – đã trở nên một công cụ kiếm tiền tập thể quan trọng trên toàn cầu.” 

Nhưng điều đó không có nghĩa nghệ thuật đánh mất giá trị vốn có của nó. Và thời trang – một ngành công nghiệp tỷ đô cũng vậy. Người ta có thể tranh luận nghệ thuật không có tính thực dụng như thời trang, nhưng cũng có không ít các thiết kế thời trang không phải để mặc, mà là một tác phẩm trình diễn và mang tâm tư của NTK nhiều hơn là tính năng cơ bản của quần áo. Bên cạnh đó, nghệ thuật cũng là phương tiện để thể hiện và khẳng định cá tính của người sở hữu – một khía cạnh không khác mấy so với thời trang. Đó cũng là lí do vì sao mà giới thượng lưu sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật và không tiếc tiền để mua về những tác phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới như một bằng chứng cho lối sống văn minh và tinh hoa của mình.

Bao giờ cuộc tranh luận ngã ngũ? 

Câu trả lời có lẽ là… không bao giờ. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Cuộc tranh luận về việc thời trang có phải là nghệ thuật hay không là một cuộc tranh luận cần thiết, và cũng không quan trọng việc bạn đứng ở phe nào. Tranh luận để thấy được tầm quan trọng của thời trang và việc công nhận một chỗ đứng xứng đáng cho ngành công nghiệp này, vốn bị coi là phù phiếm, không quan trọng. Những ý kiến trái chiều cũng cho phép chúng ta nhìn sâu, tìm hiểu sâu vào mỗi lĩnh vực, qua đó mở rộng và làm giàu góc nhìn đa chiều của bản thân. 

Và đến cuối cùng, người trả lời cho câu hỏi “Thời trang liệu có phải nghệ thuật?” một cách thoả mãn nhất chỉ có thể là bản thân bạn.

Bài viết: Su.dden

Cùng tác giả

#Tag

art artist fashion fashion designer fashion trends idesign signature

iDesign Must-try

Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…