Dấu ấn hoạt hình Đông Âu: Thẩm mỹ bất toàn của Zagreb School
Vượt ra hai nền hoạt hình lớn của Mỹ và Nhật Bản, ta sẽ thấy hoạt hình ở những khu vực khác trên thế giới không chú trọng tạo ra một thế giới ảo tưởng để người xem mơ mộng, thay vào đó, họ dùng hoạt hình như một công cụ phản ánh thế giới quan độc đáo và lên tiếng cho những vấn đề xã hội. Hoạt hình của Zagreb School thuộc Liên bang Nam Tư (Yugoslavia) giai đoạn hậu Thế chiến II chính là một ví dụ.
Phim hoạt hình của Zagreb School tôn vinh sự bất toàn một cách có chủ đích, nhạc đôi khi không bắt kịp với hình ảnh, nhân vật được vẽ theo hướng tối giản, thậm chí bối cảnh trong phim cũng chỉ là tạm bợ nhằm phản ánh tính chất giả tạo, trừu tượng của thế giới hoạt hình được tạo nên từ những đường nét, màu sắc và hình khối. Nhưng cách thể hiện như vậy vô cùng hiệu quả khi đặt vào những bộ phim châm biếm xã hội cần lối vẽ “nói giảm nói tránh”, với mục đích khắc họa tình cảnh nan giải của con người hậu thế chiến.
Đôi nét về Zagreb School
Trường phái Zagreb (Zagreb School) là nhóm làm hoạt hình ở thủ đô Zagreb của Croatia – quốc gia nằm giữa Trung và Đông Nam Âu, từng là một phần của Yugoslavia (Liên bang Nam Tư). Tên nhóm được nhà phê bình điện ảnh người Pháp Georges Sadoul đặt cho.
Hoạt động làm hoạt hình ở Croatia bắt đầu sôi nổi từ trước Thế chiến thứ hai. Đến năm 1953, xưởng Zagreb Film chính thức thành lập với một bộ phận chuyên làm hoạt hình, là nơi bắt nguồn của trường phái Zagreb.
Một số nhà nghiên cứu như Sanja Bahun tìm cách phân chia các giai đoạn làm phim của trường phái Zagreb. Theo người này, thời kỳ hoàng kim kéo dài từ năm 1957 – 1980, trải qua ba làn sóng, mỗi làn sóng do một nhóm họa sĩ hoạt hình khác nhau khởi xướng. Trong tuyển tập công trình nghiên cứu hoạt hình, Giannalberto Bendazzi lại chia trường phái Zagreb thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1957 – 1964 là khi họ xác lập phong cách hoạt họa giới hạn (limited animation), hướng tới các kỹ thuật đồ họa mang tính tiên phong.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ năm 1963, khi họ dấn sâu hơn vào “điện ảnh nghệ thuật”, từng phim có cá tính riêng của nhà làm phim hơn. Bendazzi nhận xét: “Những bộ phim khơi dậy tiếng cười tự do vẫn còn đó, nhưng phim của Zagreb dần trở thành những tiếng rên rỉ dài, đau đớn về nỗi kinh hoàng của kiếp hiện sinh” (Bendazzi, 2016), thể hiện qua các phim mang hơi hướm kinh dị. Nhìn chung, những nỗ lực phân chia như vậy chỉ có tính chất tương đối.
Những bộ phim tiêu biểu
Đây là hai phim gây tiếng vang lớn nhất của trường phái Zagreb. Samac từng đạt Grand Prix ở Liên hoan phim Venice, còn bộ Ersatz thắng giải hoạt hình nước ngoài tại Oscar.
Có thể xem hai bộ phim này là ví dụ cho việc khắc họa tình cảnh của con người giữa xã hội công nghiệp. Trong phim Samac, nhân vật chính đi qua một loạt cảnh quan trừu tượng. Mọi chuyển cảnh chỉ là tương đối, văn phòng làm việc, phố xá, phòng ngủ hay cảnh vật trong giấc mơ anh ta đều không khác nhau nhiều, gợi cảm giác về một thế giới tẻ nhạt, máy móc.
Dù mang màu sắc tươi sáng và tông giọng hài hước, phim Ersatz kể chuyện người đàn ông đi tắm biển để giễu nhại sự nhỏ bé và hư vô của con người trong một thế giới mà mọi thứ như đồ dùng, xe cộ, toà nhà, cá mập, biển… đều được tạo nên từ những dấu chấm, hình khối, chỉ cần rút nút bịt là xì hơi như bong bóng. Tên phim “The Substitute” – người/vật thay thế đã phần nào nói lên thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền tải.
Bộ phim này tượng trưng cho mặt tối của hoạt hình Zagreb, là “những tiếng rên rỉ dài, đau đớn về nỗi kinh hoàng của kiếp hiện sinh” như nhà nghiên cứu Bendazzi đã nhận định. Chuyện phim xoay quanh những thủy quái trồi lên từ đại dương để tàn sát phụ nữ và trẻ em trong một ngôi làng ven biển. Cả phim không có âm thanh, tiếng động, những khung hình nhiều khoảng trống dùng để diễn tả sự rợn ngợp, u ám của tấn thảm kịch.
Với nét vẽ chì bay bổng, phim hoạt hình ngắn Satiemania dường như không có cốt truyện, chỉ là một chuỗi hình ảnh được thay đổi liên tục trên nền nhạc của nhạc sĩ Eric Satie. Âm nhạc hoàn toàn làm chủ trong việc truyền đạt ý nghĩa của bộ phim
Phong cách, quan niệm thẩm mỹ
Trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh đang tạo ra những bộ phim theo lối hiện thực – duy cảm để khắc họa Thế chiến thứ hai, trường phái Zagreb lại đi ngược với “mốt” làm phim thịnh hành và tạo ra những bộ phim khắc họa các đề tài hiện đại, thường nhật và phổ quát hơn, không còn gói gọn trong chiến tranh. Các nhà làm phim tìm kiếm một phong cách diễn đạt tối giản, cách điệu, giao thoa giữa nghệ thuật và điện ảnh. Họ bị ảnh hưởng từ nhiều nguồn như hoạt hình Cộng hòa Séc, hoạt hình Disney và cả phong cách hoạt họa giới hạn của nhóm UPA ở Mỹ (do một số nhà làm phim tách khỏi Disney lập nên).
Được gọi là “trường phái” nhưng Zagreb School không có chủ soái hay người phát ngôn, cũng không hoàn toàn chia sẻ một phong cách cố định. Chẳng hạn phim Ersatz (1961) của Dušan Vukotić lấy cảm hứng từ hình khối trong tranh Paul Klee, phim Tup-tup (1972) của Nedeljko Dragić có lối vẽ hơi comic, Satiemania (1978) của Gašparović được tạo nên từ những bức sketch trừu tượng, hoa mỹ… Nhà nghiên cứu Paul W. Morton (2018) nhận định Zagreb School là một cách tiếp cận nghệ thuật hoạt hình thì đúng hơn là một phong cách.
Mặt khác, nếu chỉ xét “trường phái” đơn giản là một nhóm người cùng chia sẻ thế giới quan, làm việc cùng nhau, lựa chọn thẩm mỹ và cách kể chuyện có nhiều điểm tương đồng, thì hoạt hình Zagreb đích thị là một trường phái. Họ đều trung thành với quy trình sản xuất hoạt hình vẽ tay truyền thống (cel animation, vẽ trên giấy bóng celluloid), hướng tới những kỹ thuật hoạt họa giới hạn.
Các nhà hoạt hình Zagreb cố tình dùng các kỹ thuật giới hạn như một phương pháp sáng tạo, khai thác tiềm năng mới của hoạt hoạ vượt ngoài phạm vi của quy luật vật lý (các nhân vật có thể giãn nở, thu nhỏ tùy thích, bất chấp logic) và tìm cách kết hợp hoạt họa với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, mỹ thuật.
Hoạt họa giới hạn đòi hỏi nhà làm phim phải dựa vào âm nhạc và tạo nhịp điệu cho hình ảnh để kết nối ý nghĩa giữa các khung hình. Các phim hoạt hình Zagreb thường ít đối thoại, thậm chí không có dẫn truyện, thay vào đó nhà làm phim dùng âm nhạc để tạo nghĩa. Âm nhạc là cầu nối giữa cốt truyện và hình thức, như phim Peti (tạm dịch: Thành viên thứ năm, 1964) nói về một nghệ sĩ phấn đấu trở thành thành viên thứ năm của một nhóm tứ tấu.
Nội dung hoạt hình Zagreb có tính chất châm biếm, phê phán các vấn đề toàn cầu như đô thị hóa không kiểm soát, chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, cách biệt giàu nghèo… bằng tông giọng hài hước, mỉa mai. Motif “con người nhỏ bé” đối đầu với thế giới rộng lớn lạnh lùng thường xuất hiện trong hoạt hình của họ, nhằm thể hiện thực tế chính trị của Liên bang Nam Tư. Hình tượng “con người nhỏ bé” tượng trưng cho nỗi sợ của nhân loại trước chiến tranh hạt nhân, môi trường sụp đổ và quá trình đô thị hóa, đồng thời, “con người nhỏ bé” là cách những nhà làm phim Zagreb tự nhìn nhận chính mình một cách giễu nhại (Morton, 2018).
Bên cạnh việc sản xuất các phim hoạt hình nghệ thuật ngắn, xưởng Zagreb Film cũng làm cả các phim thương mại. Họa sĩ Zlatko Grgić của xưởng phim từng đạt được thành công với loạt phim trẻ em Professor Balthazar (57 tập, chiếu từ 1967 – 1978), không những nổi tiếng ở Yugoslavia mà còn có mặt ở Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Iran, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển.
Bất chấp những nỗ lực thương mại, Zagreb Film trở thành tài sản thế chấp trong cuộc khủng hoảng kinh tế, bị cắt giảm kinh phí làm hoạt hình. Mặt khác, Zagreb Film bị thiệt thòi phần nào do giới hoạt hình quốc tế đang hào hứng với những kỹ thuật hoạt hình mới, chẳng hạn kỹ thuật stop-motion, hoạt hình làm bằng máy tính, trong khi các nhà làm hoạt hình Zagreb vẫn trung thành với tầm nhìn và những kỹ thuật vốn có.
Dù vậy, vào thời điểm này vẫn có một số phim hoạt hình của Zagreb đạt được những thành công nhất định, đó là Neboder (Joško Marušić, 1981), Album (1983), Leptiri (1988) của Krešimir Zimonić, Dnevnik (1974) của Nedeljko Dragić… Bộ phim Veliki provod (1990) của MilanTrenc đã khép lại một thập kỷ bằng chiến thắng bất ngờ tại Liên hoan phim London. Đến ngày nay, Zagreb Film vẫn còn hoạt động dẫu đã qua thời hoàng kim.
Chú thích:
Limited animation: quy trình làm hoạt hình kiểu “cái khó ló cái khôn”, vì muốn tiết kiệm kinh phí nên các họa sĩ hoạt hình Mỹ UPA ngày xưa thường sử dụng lại các bản vẽ giống nhau, cố gắng giảm số lượng bản vẽ, thiết kế cảnh trí sao cho tối giản nhất có thể và giới hạn chuyển động của nhân vật. Nhóm hoạt hình Zagreb sau này tin rằng chính tình trạng khan hiếm tài nguyên trong quá trình làm hoạt hình đã tạo điều kiện cho sự cách tân. Họ cũng cho rằng hoạt hình nên diễn giải thay vì bắt chước hiện thực.
Limited animation đi ngược lại với Full animation, vốn được các hãng “nhà giàu” như Disney yêu thích. Đó là quy trình sản xuất hoạt hình chất lượng cao nhờ sử dụng những bản vẽ chi tiết tạo ra chuyển động mượt mà (kéo theo kinh phí cao, nhân lực đông). Mỗi bản vẽ trong quá trình sản xuất chỉ được sử dụng một lần. Full animation lý tưởng là tạo ra 24 bản vẽ khác nhau, tương đương 24 khung hình/giây.
Nguồn
[1] Morton, Paul W. (2018). The Zagreb School of Animation and the Unperfect. Washington, United States: University of Washington.
[2] Bendazzi, Giannalberto. (2016). Animation: A World History Volume II. Oxfordshire, England: Routledge.
Thực hiện: Mai Anh
Ảnh: Tổng hợp
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Bạn có muốn giải trí một chút với Lego Santa vào Giáng Sinh không?
- 2. 5 mẹo vỡ lòng cho những designer thích làm phim hoạt hình
- 3. Nhún nhảy vượt trội cùng giày Nike Epic React
- 4. Trở về tuổi thơ với phim hoạt hình Ghibli
- 5. ‘Isle of Dogs’: Bộ phim stop-motion đượm nét đẹp thủ công
- 6. Gửi lời chào đến một phần linh hồn của Ghibli - Isao Takahata
- 7. Nghệ sĩ của tuần: Nishant Saldanha
- 8. Tác phẩm đại dương ấn tượng của Romane Granger
- 9. Khi nghệ thuật và khoa học khí tượng gặp nhau tại Hay Festival 2018
- 10. Cận cảnh series hoạt hình “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” đến từ Vintata