Khi đạo diễn Akira Kurosawa cầm cọ

Đạo diễn Akira Kurosawa là cái tên đằng sau hàng loạt bộ phim kinh điển của điện ảnh Nhật Bản thời hoàng kim. Không chỉ làm phim, ông còn có đam mê lớn với hội họa.

Người yêu điện ảnh biết đến Akira Kurosawa qua các bộ phim như Rashomon (1950), Ikiru (1952), Seven Samurai (tạm dịch: Bảy võ sĩ, 1954)… Các nhà phê bình phương Tây ưu ái gọi ông là “hoàng đế của nền điện ảnh Nhật”.

Một trong những phim nổi tiếng nhất của Akira KurosawaDreams (1990), tạm dịch: Những giấc mộng, lấy cảm hứng từ giấc mơ và tranh Van Gogh, thể hiện niềm hứng thú của vị đạo diễn Nhật Bản đối với lĩnh vực hội họa.

Nhân vật trong Dreams (1990) giữa bức tranh của Van Gogh
Một cảnh phim Dreams mô phỏng bức đồng lúa mạch của Van Gogh

Xuyên suốt sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm, có lúc Akira Kurosawa buộc phải tạm ngừng hoạt động làm phim khi không thể huy động kinh phí cho các dự án đầy tham vọng của mình. Nhà nghiên cứu điện ảnh Donald Richie kể lại vào thập niên 1970, Kurosawa không kiếm được tiền thực hiện dự án Kagemusha nên đã dành trọn thời gian vẽ storyboard (kịch bản phân cảnh) cho phim, đủ để lấp đầy cả một phòng trưng bày.

Khi không thể quay phim, ông sẽ viết kịch bản. Nếu cảm thấy việc viết là chưa đủ, ông chuyển sang thể hiện ý tưởng qua những bức tranh. Không phụ lòng mong mỏi và sự kiên trì của Akira Kurosawa, dự án phim Kagemusha đã được khởi quay sau khi huy động đủ vốn. Bộ phim chính thức ra mắt vào năm 1980, nhận cơn mưa lời khen từ giới phê bình.

Tranh của Kurosawa trở thành một cảnh trong phim Kagemusha
Kagemusha (1980)

Trong tự truyện cá nhân Something Like an Autobiography (phát hành năm 1981), chính ông Kurosawa đã nói: “Mục đích của tôi không phải là vẽ đẹp. Tôi sử dụng những vật liệu có sẵn trong tay”.

Nhà làm phim Nhật Bản còn đưa cả tranh vẽ của mình vào poster phim chính thức, như bộ phim Dodes’ka-den (1970) và Madadayo (1993).

Tranh ông được đưa vào poster phim Madadayo (1993)

Ông tiếp tục vẽ storyboard cho bộ phim Ran (1985) rồi đến Dreams (1990).

Thực chất, đam mê hội họa của Akira Kurosawa nhen nhóm từ rất sớm khi được thầy giáo tiểu học khuyến khích. Ở tuổi 18, ông có triển lãm nghệ thuật đầu tiên. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp hội họa, ông thường vẽ tranh về tầng lớp lao động của quê hương mình với mục đích đưa “những ý tưởng chính trị chưa được thực hiện trực tiếp lên tranh”.

Vị “hoàng đế nền điện ảnh Nhật Bản” quyết định thay đổi định hướng nghề nghiệp sau cái chết của người anh trai Heigo Kurosawa, cũng là một người đam mê hội họa và làm phim. Heigo tự sát năm 1933 vì thất vọng trước bối cảnh chính trị của nước Nhật đương thời. Kế thừa ngọn lửa từ anh mình, Akira Kurosawa lao vào điện ảnh.

Cảnh phim Dreams và bản phác thảo
Minh họa cảnh nhân vật chính nói chuyện với Van Gogh (người đội mũ vàng) trong Dreams

Cuốn sách The Warrior’s Camera của tác giả Stephen Prince dẫn lời vị đạo diễn người Nhật như sau: “Khi đổi nghề, tôi đốt hết những bức tranh đã vẽ trước đó. Tôi muốn quên hội họa một lần và mãi mãi. Có một câu tục ngữ nổi tiếng của Nhật: ‘Nếu bạn đuổi theo hai con thỏ, bạn sẽ không bắt được con nào’. Tôi không vẽ bức tranh nào khi bắt đầu làm phim. Nhưng lúc đã trở thành đạo diễn, tôi nhận ra việc vẽ phác thảo là một phương tiện hữu ích để giải thích ý tưởng cho đồng nghiệp”.

Một bức tranh của Akira Kurosawa

Dù đã ghi danh vào sử sách dưới cương vị một đạo diễn tài ba, Akira Kurosawa không bao giờ thực sự quên đi ước mơ hội họa thuở thiếu thời. Ông kể: “Khi còn trẻ và là sinh viên mỹ thuật, tôi mơ về việc xuất bản tập tranh của riêng mình hoặc tổ chức triển lãm tranh ở Paris. Những giấc mơ này bỗng thành sự thật khi những bức tranh tôi vẽ cho Kagemusha được xuất bản. Cuộc đời quả thực kỳ lạ”.

Những quyển sách tranh của nhà làm phim Rashomon đã được phát hành rộng rãi. Ông viết trong sách: “Khi tôi cố vẽ cho đẹp, tôi chỉ tạo ra những bức tranh tầm thường, nhưng khi tôi tập trung vạch ra ý tưởng cho phim của mình, tôi vô thức cho ra đời những tác phẩm mà mọi người thấy thú vị”.

Phong cách tranh của Akira Kurosawa chịu ảnh hưởng từ các họa sĩ Hậu ấn tượng, tiêu biểu là Van Gogh

Tranh ông chịu ảnh hưởng từ hội họa truyền thống Nhật Bản lẫn phương Tây, có sự kế thừa phong cách của các đạo diễn Hậu ấn tượng và Biểu hiện như Chagall, Van Gogh, Cézanne… Ông sử dụng những tông màu mạnh, táo bạo, đường nét mạnh mẽ và thử nghiệm đa dạng các loại vật liệu từ màu nước, mực, phấn màu, gouchae cho đến sơn dầu.

Biên tập: Mai Anh

Ảnh: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

Akira Kurosawa maianh nhật bản phim điện ảnh điện ảnh nhật bản

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
“Nhà quay phim giống như một chuyên gia tâm lý về thị giác. Họ khiến khán giả nghĩ theo cách họ muốn, vẽ những bức tranh trong bóng tối.” –…
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Vì sao heta-uma lại có nghĩa là 'xấu mà đẹp'? Phong cách thẩm mỹ này nhằm ám chỉ điều gì?
Vẻ đẹp điêu tàn, bụi bặm trong phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80
Vẻ đẹp điêu tàn, bụi bặm trong phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80
Một số phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80 không có robot hay đô thị cao tầng ngập chìm trong ánh đèn neon mà thường vẽ nên viễn cảnh…