Vẻ đẹp điêu tàn, bụi bặm trong phim sci-fi Nga thập niên 1970 - 80
Một số phim sci-fi Nga thập niên 1970 – 80 không có robot hay đô thị cao tầng ngập chìm trong ánh đèn neon mà thường vẽ nên viễn cảnh thế giới hoang dại, đẹp nhưng khắc nghiệt, rất ít dùng đến kỹ xảo.
Trong quãng thời gian này, chiến tranh lạnh giữa hai cường quốc Mỹ – Liên Xô và nỗi lo thảm họa hạt nhân in dấu rất rõ qua cách các nhà làm phim Liên Xô khắc họa về tương lai. Sự vỡ mộng đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa của nhà nước Liên Xô cũng khiến họ làm ra những tác phẩm sci-fi hậu tận thế (dystopia) phức tạp và đầy tính chiêm nghiệm.
Sở dĩ người viết chọn mốc thời gian từ 1970 đến hết thập niên 1980 vì đây là thời kỳ hoàng kim của phim sci-fi Nga với nhiều tác phẩm được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đạt độ chín về nghệ thuật lẫn tư tưởng, phản ánh hai vấn đề nhức nhối của chiến tranh lạnh: hiểm họa hạt nhân và chạy đua vào vũ trụ.
Nhà nghiên cứu Elana Gomel cho rằng phim sci-fi Liên Xô khắc họa một kiểu “utopia in mud” (địa đàng trần gian lấm bùn), một thế giới tương lai không sạch bóng, vô trùng mà bụi bặm, tàn phá, bắt rễ từ chính hiện thực hỗn loạn của Liên Xô thời bấy giờ.
Cái bóng từ cuộc đua vào không gian
Cuộc đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra trong khoảng năm 1955 – 1991. Trong thời gian này, ở Liên Xô đã có nhiều bộ phim với chủ đề thám hiểm không gian như Andromeda Nebula (1967), Pilot Pirx’s Inquest (1979, tạm dịch: Cuộc điều tra của phi công Pirx), Per Aspera Ad Astra (1981, tạm dịch: Vượt qua chông gai để đến những vì sao), Moon Rainbow (1983, tạm dịch: Cầu vồng mặt trăng)…
Nhưng chỉ có Solaris (1972) của đạo diễn Andrei Tarkovsky đưa đề tài thám hiểm không gian lên đến đỉnh cao, cả về chất lượng hình ảnh lẫn chiều sâu kịch bản, đặc biệt với lối kể chuyện và phong cách thẩm mỹ tách biệt hẳn với truyền thống phim sci-fi của Mỹ, xác lập cho Liên Xô một vị thế riêng trong thể loại này.
Chuyện phim Solaris dựa trên tiểu thuyết của nhà văn người Ba Lan Stanislaw Lem, nhưng đã được “bản địa hóa” với những chi tiết biểu tượng đậm chất văn hóa Nga, xoay quanh hành tinh Solaris kỳ lạ hiện diện hai mặt trời, thiếu vắng sự sống, chỉ có một đại dương huyết tương khổng lồ không ngừng cuộn trào – thực chất là một sinh vật sống không có hình thù cố định với trí thông minh vượt trội con người. Khi các phi hành gia đặt chân đến Solaris, nhiều hiện tượng lạ bắt đầu xảy ra khiến họ rơi vào trạng thái gần như phát điên…
Tuy gắn mác khoa học giả tưởng, Solaris (1972) lại tập trung phơi bày vẻ đẹp của thiên nhiên và nội tâm nhân vật, bỏ qua khâu world-building (xây dựng thế giới) hay bồi đắp hiệu ứng kỹ xảo hoành tráng. Xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Tarvkosky không bao giờ dùng kỹ xảo để dựng nên khung cảnh hành tinh Solaris. Kết quả là người xem chỉ có thể tưởng tượng qua vài hình ảnh gợi mở như sóng biển cuộn trào, sắc hồng pha lẫn xanh lam của hoàng hôn trên hành tinh lạ. Cảnh quan Trái đất lại xuất hiện rất nhiều qua những khung hình đẹp như tranh vẽ. Cái đẹp lảng đảng sương khói và chất đầy tâm tư. Có nhiều cảnh đầy tính biểu tượng như cơn mưa rơi trong nhà, ngọn cỏ dập dềnh trong nước…
Thậm chí Tarkovsky từng nói: “Trong tất cả bộ phim khoa học viễn tưởng mà tôi đã xem, tại sao đạo diễn bắt khán giả phải xem các chi tiết vật chất của tương lai? […] Chúng ta cần đặt các nhân vật vào cảnh quan thực tế, không phải những cảnh kỳ ảo”. Và rồi ông chỉ trích bộ phim 2001: A Space Odyssey (tạm dịch: 2001: Hành trình Odyssey trên không gian) của Stanley Kubrick vì tràn ngập những hiệu ứng giả tạo.
Theo nhà nghiên cứu Elana Gomel, thiên nhiên hiện diện trong phim sci-fi của Tarkovsky nói riêng và Liên Xô nói chung không phải với tư cách nhân vật chính diện hay phản diện, cũng không tượng trưng cho các giá trị nhân đạo mà chúng có nhiều lớp nghĩa từ tâm lý, tôn giáo cho đến chính trị. Elana Gomel viết: “Thiên nhiên là kẻ thù cần bị chinh phục nhưng cũng là Người Mẹ chung mà nhân loại cần quay về, thiên nhiên là hình ảnh quá khứ nhưng cũng là tương lai đậm chất điền viên, thiên nhiên là tấm gương phản chiếu nhân loại và cũng là kẻ đối nghịch nhân loại”, dưới lăng kính đạo đức và mỹ học Liên Xô.
Cũng dùng bối cảnh hành tinh khác để kể chuyện Trái đất, bộ phim Kin-dza-dza! (1986) của đạo diễn Georgiy Daneliya lại là bức tranh châm biếm hài hước tham vọng chinh phục không gian của các cường quốc. Khán giả sẽ theo chân hai nhân vật chính đến hành tinh sa mạc Pluke trong thiên hà Kin-dza-dza! với nền văn minh và những phong tục kỳ lạ, như một phiên bản khác của Trái đất.
Không nặng nề như Solaris, Kin-dza-dza! có đầy đủ yếu tố hài hước, hành động, châm biếm xã hội nhưng cũng chẳng kém phần triết lý. Phim mang phong cách punk, gợi cho người xem nhớ đến thế giới sa mạc trong Mad Max.
Hiện thực chiến tranh hạt nhân
Sau Solaris (1972), đạo diễn Andrei Tarkovsky tiếp tục làm một bộ phim khác xoay quanh chủ đề chiến tranh hạt nhân là Stalker (1979). Phim kể về một khu vực gọi là “The Zone” được tạo ra sau khi thiên thạch rơi xuống Trái đất. Thực chất, The Zone lấy cảm hứng từ vụ tai nạn hạt nhân xảy ra gần Chelyabinsk vào năm 1957, khiến khu vực quanh đó bị bỏ hoang vì nhiễm phóng xạ.
Ngụ bên trong The Zone là căn phòng có khả năng thực hiện điều ước của những người tới đây. Nhưng muốn tìm đến nơi đó, người thám hiểm phải vượt qua những cạm bẫy mà The Zone đặt ra. Stalker là tên gọi những người giàu kinh nghiệm, chuyên dẫn người khác vượt qua các thử thách để đến căn phòng. Câu chuyện bắt đầu khi Nhà văn, Nhà khoa học và Stalker cùng nhau lên đường đi tìm căn phòng thực hiện điều ước.
Stalker được quay tại thủ đô Tallinn của Estonia, một thành phố có lịch sử bị xâm lược và chiếm đóng, với lối kiến trúc pha trộn giữa những tòa nhà đậm chất Trung cổ và kiến trúc đương đại, kết hợp với vài khối nhà theo phong cách Brutalism đặc trưng của Liên Xô. Khung cảnh bên trong The Zone được quay tại hai nhà máy thủy điện bỏ hoang, bị phá hủy trong chiến tranh thế giới lần hai. Ban đầu, Tarkovsky định quay phim tại một khu mỏ cũ ở Trung Quốc, gần Tajikistan nhưng trận động đất xảy ra tại đó khiến đoàn làm phim phải dời sang nơi khác.
Nối gót Tarkovsky, đạo diễn Konstantin Lopushansky đưa nỗi sợ chiến tranh hạt nhân lên một tầm cao mới, với những bộ phim đen tối và bi quan hơn, như Dead Man’s Letter (1986, tạm dịch: Những lá thư của người đã khuất) được kể dưới góc nhìn của một nhà khoa học gần đất xa trời.
Ông mô tả thế giới hậu chiến tranh hạt nhân chìm trong sương mù phóng xạ, khiến con người luôn phải đeo mặt nạ chống độc khi đi ra đường. Chỉ những người khỏe mạnh mới được nhận vào những boongke trú ẩn, còn ai đã bị nhiễm phóng xạ phải sống lay lắt qua ngày trong các căn hầm tạm bợ dưới lòng đất, thỉnh thoảng mạo hiểm ngoi lên mặt đất để tìm các vật phẩm thiết yếu. Thảm họa hạt nhân trong phim xảy ra không phải do Thế chiến III, mà do sai lầm của một cá nhân trong quá trình làm việc.
Để khắc họa thế giới chết chóc sau khi trải qua nạn diệt chủng hạt nhân, cả bộ phim chỉ nhuộm một sắc đồng ảm đạm, gần như không có màu sắc nào khác. Bối cảnh chủ yếu là những căn hầm ẩm thấp, thiếu sáng. Bên ngoài những căn hầm là bầu trời đục ngầu và cơn bão bụi lớn không ngừng tung hoành.
Dù là phim viễn tưởng, Lopushansky vẫn trung thành với chủ nghĩa hiện thực. Được biết, Lopushansky sử dụng tàn tích có thật trong quá trình quay phim để tạo ra những cảnh quay chân thật. Đoàn làm phim cũng vô cùng tiết chế ngay cả trong những tình huống cần dùng hiệu ứng đặc biệt, sao cho bộ phim gắn liền với thực tế nhất có thể.
Phim sci-fi thứ hai của Lopushansky là Visitor of a Museum (1989, tạm dịch: Người viếng thăm Bảo tàng) theo đuổi chủ đề tương tự với cái kết đậm chất hủy diệt. Thế giới trong phim là một nơi toàn những dị nhân mất trí nhớ bị nhốt trong các khu cách ly. Là một người lành lặn hiếm hoi, nhân vật chính quyết định đi tìm tàn tích của một bảo tàng bị chôn vùi dưới đại dương, chỉ có thể đi đến đó khi thủy triều xuống.
Bộ phim có sự mở rộng về bối cảnh và màu sắc so với Dead Man’s Letter, sử dụng nhiều cảnh toàn. Nhân vật lang thang bên những bãi rác, bờ biển, đi trên các chuyến tàu không biết sẽ dẫn về đâu. Phần âm thanh gây ấn tượng với tiếng gió gào, tiếng khóc thét, tiếng sóng biển cuộn trào…
Đối lập với các phim hậu tận thế đến từ Hollywood thường sử dụng cốt truyện giật gân, các cảnh hành động cuốn hút, hoặc yếu tố hài hước châm biếm để tiết chế phần nào bối cảnh quá sức ảm đạm, thì Lopushanky không buồn che giấu đi sự đen tối của xã hội mà mình muốn thể hiện. Phim ông đầy rẫy những kẻ điên, người khuyết tật, những người tự sát… Hành trình của các nhân vật dường như luôn hướng về cái chết thay vì đối đầu với một thế lực độc tài để giải cứu thế giới.
Qua trường hợp những phim kể trên, ta có thể thấy câu chuyện trong một số phim sci-fi Nga thập niên 1970 – 80 rất đặc biệt nhờ sự kết hợp chủ nghĩa hiện thực, triết học, tôn giáo và đặt trọng tâm xoay quanh con người. Không có máy móc xâm chiếm thế giới hay trí tuệ nhân tạo AI nắm quyền điều khiển, chỉ có con người đối diện với nỗi đau và sự trừng phạt trong thế giới công nghệ đã phát triển vượt bậc. Những bộ phim này cũng mang tính chất dự báo cho thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (những phim trước 1986) và sự tan rã của nhà nước Liên Xô dẫn đến kết thúc chiến tranh lạnh vào cuối năm 1991.
Nguồn tham khảo:
Gomel, Elana. (2013). Utopia in the mud: Nature and landscape in the Soviet science fiction film. Israel, Tel Aviv University.
Thực hiện: Mai Anh
Ảnh: Tổng hợp