Gặp gỡ Vinni Pukh - phiên bản gấu Pooh dí dỏm của Liên Xô
Khác với hình tượng gấu vàng áo đỏ mũm mĩm của Disney, Winnie the Pooh (tiếng Nga: Vinni Pukh) phiên bản Liên Xô là chú gấu con màu nâu với quầng thâm mắt to đùng và tính cách lém lỉnh như một đứa trẻ.
Đặc biệt, phiên bản này không có sự xuất hiện của cậu bé Christopher Robin. Theo The Moscow Times, đạo diễn Fyodor Khitruk làm vậy vì muốn xóa tan quan niệm rằng gấu Pooh, Piglet (Lợn Con) và nhóm bạn trong khu rừng Trăm Mẫu là những món đồ chơi hình thành từ trí tưởng tượng của con người. Ông muốn người xem nhìn nhận đây là những sinh vật độc lập.
Phim hoạt hình Vinni Pukh của Liên Xô chỉ gồm vỏn vẹn ba tập với độ dài tổng cộng 40 phút, được hãng Soyuzmultfilm phát hành từ năm 1969 – 1972 dưới sự chỉ đạo của Fyodor Khitruk. Tập đầu tiên kể về gấu Pooh ngụy trang thành đám mây đen để lấy mật ong trên cây. Tập 2 xoay quanh gấu Pooh bị mắc kẹt ở nhà Thỏ. Tập 3 là câu chuyện gấu Pooh đi tìm chiếc đuôi bị mất của lừa Eeyore.
Các bạn có thể xem trọn 3 tập trên YouTube với phụ đề tiếng Anh:
Nhìn chung, bản hoạt hình Liên Xô mang vẻ thô ráp hơn với bảng màu sặc sỡ, vui mắt. Khu rừng Trăm Mẫu được “dàn phẳng” như bức vẽ bằng sáp màu của trẻ con. Chuyển động nhân vật không được mượt mà như phim Disney nhưng lại có nét hấp dẫn riêng, đơn cử là bàn chân của Vinni Pukh thường tách ra khỏi người chú mỗi lần bước đi, tạo vẻ ngộ nghĩnh cho nhân vật. Như mọi studio hoạt hình ở Nga vào thời điểm đó, hãng Soyuzmultfilm cũng áp dụng các kỹ thuật hoạt họa giới hạn (limited animation) để tiết kiệm ngân sách.
Trong khi đó, phải nói ngay là bộ Winnie the Pooh của Disney có sự đầu tư vượt trội hơn hẳn về kỹ thuật hoạt họa và ngân sách làm phim. Bên cạnh đó, nhóm làm phim còn nghiên cứu kịch bản rất kĩ, thể hiện qua cách kể chuyện trung thành và liên tục tham chiếu tới nguyên tác của tác giả A. A. Milne. Theo đuổi những kỹ thuật full animation, mọi tình tiết, chuyển động trong phim đều trơn tru, phản ánh sự công phu của “nhà Chuột”.
Thế nhưng, Vinni Pukh lại ghi điểm bởi chính sự vui tươi, nhẹ nhõm không chút dụng công của hãng hoạt hình Liên Xô. Thế giới của Winnie Pooh ấm cúng và chậm rãi, còn hoạt hình Vinni Pukh lại có tiết tấu nhanh gọn, dí dỏm, mỗi tập chỉ khoảng 10 – 15 phút so với độ dài 20 – 30 phút của bản phim Disney.
Mà tôi nhận thấy sự “không dụng công” của hãng Soyuzmultfilm lại rất hợp với tinh thần nguyên tác. Bất chấp khác biệt về văn hóa, những nhà làm phim Liên Xô đã nắm được phong cách “dry humor” đậm chất Anh quốc của tác giả A. A. Milne, rõ nhất là qua cách chú gấu Vinni Pukh đôi khi sẽ “phá vỡ bức tường thứ tư” (breaking the fourth wall), nhìn thẳng vào khán giả bằng đôi mắt “ngây thơ vô số tội” bất cứ khi nào chú gặp điều gì đó bất ngờ.
Các nhân vật khác như Lợn Con, Thỏ, Cú Vọ, lừa Eeyore có tạo hình và tính cách không khác mấy với bản phim Mỹ. Tiếc thay, chú hổ (tên trong nguyên tác là Tigger) “tăng động” hay mẹ con chuột túi Kanga và Roo lại chưa có cơ hội xuất hiện trong phim.
Một điều thú vị khác là hãng phim Liên Xô phải tự viết lại những lời bài hát mà gấu Pooh thường ngâm nga để phù hợp với ngôn ngữ địa phương. Trong bản phim Mỹ, “nhà Chuột” chỉ cần lấy những câu hát có sẵn trong nguyên tác rồi dựng giai điệu. Kết quả là ta có chú gấu Vinni Pukh tự hát theo các bài hát tiếng Nga do chú vừa nghĩ ra, với những câu ngớ ngẩn kiểu “Nếu mình gãi đầu, tức là có mùn cưa trên đầu mình”, “đây là một cái lọ rỗng, lọ rỗng thì không mất thêm cái gì, vậy nên cái lọ càng có giá trị”… Những phần hát hò khớp với tiết tấu phim và không chiếm nhiều thời gian trong diễn biến câu chuyện. Lại thêm một điểm cộng nữa so với Disney, vốn rất thích đưa vào phim những màn hát hò lê thê.
Đạo diễn Khitruk hoàn toàn không biết bản hoạt hình Disney có tồn tại trong lúc chuyển thể câu chuyện của tác giả A. A. Milne. Năm 2005, ông từng nói: “Nếu tôi đã xem bộ phim đó, có thể tôi sẽ không tự làm bản hoạt hình của riêng mình. Làm lại một bộ phim thì có ích lợi gì chứ? Và bây giờ, dù muộn màng, tôi sẽ cho bạn biết đạo diễn Mỹ Wolfgang Reitherman từng nói với tôi điều gì. Hóa ra ông ấy cũng không hài lòng với phiên bản của mình”.
Chú thích:
Dry humor: ám chỉ một kiểu hài hước ý nhị, kín đáo, có thể hơi châm biếm, người pha trò vẫn giữ phong thái tỉnh bơ, điềm nhiên dù đang nói đùa.
Breaking the fourth wall: “bức tường thứ tư” ngăn cách nhân vật với thế giới thực, khi nhân vật quay sang giao tiếp với khán giả hoặc có nhận thức mình là nhân vật trong thế giới hư cấu, hành động đó được cho là “phá vỡ bức tường thứ tư”.
Limited animation và full animation: Limited là quy trình giúp tiết kiệm chi phí, sử dụng lại nhiều bản vẽ và hạn chế chuyển động của nhân vật. Full animation là quy trình sản xuất hoạt hình chất lượng cao, chuyển động mượt mà, kéo theo kinh phi cao và nhân lực đông.
Thực hiện: Mai Anh
Ảnh: Tổng hợp