Khi nghệ sĩ thị giác trổ tài minh họa sách văn học
Nhiều nghệ sĩ thị giác đã lấn sân sang lĩnh vực xuất bản bằng cách vẽ trang bìa hoặc minh họa ý tưởng cho các tác phẩm văn chương kinh điển. Với gu thẩm mỹ độc đáo, họ truyền vào những câu chuyện trong sách một sức sống mới bằng những bức minh họa của mình.
David Hockney
Năm 1969, David Hockney từng minh họa cho ấn bản Tuyển tập sáu câu chuyện từ Truyện cổ Grimm. Cuốn sách gồm 45 bức tranh khắc trắng đen minh họa cho các truyện như The Little Sea Hare (tạm dịch: Chú thỏ biển), Fundevogel, Rapunzel, The Boy Who Left Home to Learn Fear (tạm dịch: Cậu bé rời khỏi nhà để biết thế nào là sợ), Old Rinkrank và Rumpelstilzchen. Bằng cách kết hợp đường nét, bóng tối – ánh sáng và các khoảng trống, David Hockney thổi vào những câu chuyện cổ tích nét thẩm mỹ hiện đại nhưng không kém phần bí ẩn.
Natalia Goncharova
Nghệ sĩ avant-garde (nghệ thuật tiên phong) Natalia Goncharova là một trong những người sáng lập trường phái Tỏa tuyến (Rayonism), sử dụng các đường nét mô phỏng tia sáng và màu sắc tương phản mạnh mẽ do bị ảnh hưởng từ trường phái Lập thể (Cubism).
Ngoài ra, Goncharova còn là một nhà thiết kế phục trang, sân khấu, nhà văn và người vẽ minh họa. Bà đã minh họa một số tập thơ vị lai của Nga, trong đó có hai tác phẩm Gorod: Stikhi và Die Mar von der Heerfahrt Igors.
Henri Matisse
Đầu thập niên 1930, người sáng lập Limited Editions Club (CLB sách phiên bản giới hạn) đặt hàng Henri Matisse minh họa một phiên bản đặc biệt cho tác phẩm Ulysses của nhà văn James Joyce. Ông họa lại một cảnh trong chương Nausicaa của Ulysses trên trang bìa quyển sách với bốn hình người khỏa thân (3 nữ 1 nam) nằm trong một chiếc đồng hồ thiên văn được chạm nổi bằng nhũ vàng, xung quanh là những số La Mã. Phiên bản này ra mắt năm 1935, có chữ ký của Matisse và James Joyce.
HAP Grieshaber
Nghệ sĩ người Đức HAP Grieshaber từng minh họa nhiều tập sách, nổi tiếng với các tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ thần thoại và chịu ảnh hưởng từ trường phái Lập thể. Năm 1975, ông tạo ra 12 tranh khắc gỗ minh họa cho những ghi chép của nhạc sĩ Carl Orff về bản opera Carmina Burana.
Andy Warhol
Vào thập niên 1950, Andy Warhol kiếm sống bằng cách thiết kế đồ họa song song với làm nghệ thuật. Thời đó, ông nhận vẽ minh họa cho cuốn sách thiếu nhi The Little Red Hen (tạm dịch: Cô gà mái đỏ), nằm trong quyển 15 của bộ tuyển tập Những sách thiếu nhi hay nhất. Màu sắc sặc sỡ trong tranh minh họa của Warhol là một nước đi táo bạo so với bảng màu pastel đang thịnh hành vào thời điểm đó, ngầm báo trước việc Warhol sẽ trở thành ông hoàng của trào lưu Pop Art sau này.
John Heartfield
Nghệ sĩ Dada* người Đức John Heartfield là người đã cách mạng hóa typography và biến việc xếp chữ trở thành một yếu tố không thể thiếu trong thiết kế đồ họa. Có rất nhiều người mua sách vì muốn sở hữu phần bìa do John Heartfield thiết kế. Ông từng vẽ minh họa cho quyển Deutschland, Deutschland Über Alles của Kurt Tucholsky. Kỹ thuật photomontage (cắt ghép ảnh) của Heartfield đã giúp quyển sách đầy tính châm biếm của Tucholsky trở thành một tác phẩm kinh điển.
Dada*: phong trào nghệ thuật bắt nguồn từ Zurich, Thụy Sĩ đầu thế kỷ 20, chủ trương tìm kiếm những phương pháp sáng tạo độc đáo, phi lý như một phản ứng chống lại Thế chiến thứ nhất. Xem thêm trên: The Art Story.
Oskar Kokoschka
Năm 1907, Fritz Waerndorfer – người hỗ trợ tài chính cho xưởng thiết kế Wiener Werkstätte ở Vienna (Áo) – đã đặt hàng Oskar Kokoschka vẽ một câu chuyện cổ tích cho con của ông. Khi ấy, Oskar Kokoschka vẫn còn là sinh viên Trường Nghệ thuật Trang trí. Thay vì vẽ truyện dành cho thiếu nhi, Kokoschka lại viết một bài thơ đầy ám ảnh về sự thức tỉnh tình dục tuổi vị thành niên. Câu chuyện diễn ra trên những hòn đảo xa xôi, biệt lập với thành phố hiện đại và lối sống tư sản.
Kokoschka tặng tập sách The Dreaming Youth (tạm dịch: Những người trẻ mơ mộng) của mình cho Gustav Klimt, họa sĩ đã truyền cho anh cảm hứng trình bày khung tranh khổ vuông, đẩy phần văn bản ra sát lề. Các tranh in thạch bản của Kokoschka cũng có nhiều hoa văn cách điệu theo phong cách fin-de-siècle nổi tiếng ở Vienne lúc bấy giờ.
Édouard Manet
Năm 1875, họa sĩ Édouard Manet thực hiện hàng loạt bức tranh in thạch bản để minh họa cho bản dịch tiếng Pháp bài thơ The Raven (Con quạ) của Edgar Allan Poe, do nhà thơ Stephen Mallarme chuyển ngữ. Loạt tranh in thạch bản của Manet song hành hoàn hảo với thế giới u ám, tăm tối và bí ẩn mà Edgar Allan Poe truyền tải trong tác phẩm của mình. Tập sách này thường được xem là một trong những ví dụ đầu tiên cho thể loại “livre d’artiste” của Pháp.
Yayoi Kusama
Năm 2016, nghệ sĩ thị giác người Nhật Yayoi Kusama minh họa cho truyện cổ tích Nàng tiên cá của Andersen. Kusama sử dụng những họa tiết lặp lại đặc trưng và những đường kẻ nhấp nhô để làm bật lên sự bi thảm của câu chuyện cổ tích.
Đáng chú ý nhất là những cặp mắt xuất hiện rải rác trong tranh minh họa của bà, cũng có thể đó là những chiếc vảy của các nàng tiên cá. Những motif rải rác xuyên suốt loạt tranh minh họa cho Nàng tiên cá thực chất đã từng xuất hiện trong loạt tranh Love Forever trước đây của bà (2004 – 2007).
El Lissitzky
El Lissitzky tự chấp bút và minh họa cuốn sách tranh About Two Squares (tạm dịch: Về hai hình vuông), xuất bản năm 1992 ở nước Nga thời hậu cách mạng. Cuốn sách mang đậm ảnh hưởng của trường phái Siêu việt (Suprematism) kể câu chuyện về hai hình vuông màu đỏ và đen bay đến Trái đất để thực hiện sứ mệnh xây dựng lại thế giới.
Biên tập: Mai Anh
Ảnh: Tổng hợp