Họa sĩ Guy Billout - Nhà thơ của những hình ảnh phi lý

Những bức tranh minh họa miêu tả khoảng khắc rối bời đến từ họa sĩ Guy Billout sẽ phá vỡ nhận thức của chúng ta về thế giới hiện thực thông qua sự xoay chuyển ý niệm thông minh và lồng ghép trong đó yếu tố mỉa mai, châm biếm.

Họa sĩ Guy Billout sinh năm 1941 tại Pháp trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật, cha ông là một nhà báo trong khi mẹ là nhân viên bán sách toàn thời gian. Những năm cuối thập niên 1950s, ông theo đuổi ngành quảng cáo tại Trường đại học Mỹ thuật Beaune. Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ chuyển đến Paris làm việc tại công ty quảng cáo Publicis với tư cách là một nhà thiết kế. Tên tuổi của ông thực sự được chú ý nhiều khi di cư sang Mỹ năm 1969 và gây dựng tiếng vang trong ngành minh họa của xứ sở cờ hoa.

Với tính thẩm mỹ tối giản được lấy cảm hứng từ ngôn ngữ minh họa thập niên 50s và màu sắc sống động những năm 60s. Đặc biệt, họa sĩ Billout cực kì mến mộ các tác phẩm của họa sĩ biếm họa người Bỉ Hergè – Cha đẻ bộ truyện Tintin và chính sự yêu thích này đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên phong cách chủ đạo của ông. Hành trình của họa sĩ Billout tại Mỹ bắt đầu khi ông gặp gỡ Milton Glaser, giám đốc nghệ thuật của tạp chí New York lúc bấy giờ.

Trả lời phỏng vấn trên chuyên trang Illoz, họa sĩ người Pháp hồi tưởng: “Ngay sau khi đến New York năm 1969, tôi đã gặp Milton Glaser. Tôi giới thiệu với anh ấy một loạt sáng tác gồm 14 bức tranh minh họa tự truyện của mình, ngay lập tức Glaser đã đề nghị xuất bản chúng. Bên cạnh đó, anh ấy cũng đề xuất ý tưởng về một bức tranh minh họa những ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố này và bức vẽ đó là trang mở đầu cho câu chuyện dài 5 trang trên tạp chí New York được xuất bản vào tháng 8 cùng năm. Có thể nói rằng đây là khoản hoa hồng đầu tiên mà tôi có được khi đặt chân đến nước Mỹ.”

Trang mở đầu trong loạt truyện của ông trên tạp trí New York năm 1969.

Một khởi đầu thuận lợi cho tay vẽ “mới toanh” khi chập chững gia nhập thị trường nhộn nhịp như Hoa Kỳ. Những năm sau đó, chứng kiến các sáng tác của họa sĩ Guy Billout xuất hiện quen thuộc trong nhiều tạp chí nổi tiếng như: The New Yorker, The Wall Street Journal, Time, Redbook, Encyclopedia Britannica,… Tuy nhiên, giai đoạn vàng của ông nở rộ mạnh mẽ nhất khi họa sĩ người Pháp bắt tay với tờ “The Atlantic” và cho ra đời những bức vẽ minh họa đậm chất mỉa mai với cách miêu tả thế giới “song song” đặc biệt lạ mắt.

“Vào năm 1982, Judy Garlan, giám đốc nghệ thuật của The Atlantic đã đề nghị với tôi tạo ra những tranh minh họa đầy đủ màu sắc, xuất hiện thường xuyên mỗi tháng và tôi chỉ cần gửi bản phác thảo để duyệt ý tưởng, còn lại được hoàn toàn tự do biên tập chúng.”

Họa sĩ Guy Billout chia sẻ.

Ông đánh giá đây là loạt tác phẩm hay nhất trong sự nghiệp của mình, chủ đề được đề cập đến là các vấn đề của cuộc sống, con người và xã hội nói chung mang phong cách nhẹ nhàng với tư duy minh họa thông minh pha trộn cùng sắc thái hóm hỉnh sâu sắc. Nguyên tắc của chúng là miêu tả một số cảnh rất thực và đưa vào đó chi tiết “sai lệch” trong một cảm giác hoàn toàn bình thường. Từ đó, đặt ra cho người xem những câu hỏi “hóc búa” để họ nghiền ngẫm sự vận hành trong thế giới này.

Những hình ảnh sử dụng màu sắc thuần và đường nét tinh tế ấy thể hiện khía cạnh của tính siêu thực và gần như là một ảo giác đầy mê hoặc. Họa sĩ Billout đưa khán giả của ông hòa nhập vào một vũ trụ thay thế, một “thế giới mơ” từ trong các cuốn tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng, nơi có những yếu tố kì lạ xuất hiện thường trực mà chúng ta chẳng thể ngờ tới. Ông kết hợp ngôn ngữ nghệ thuật của mình với khả năng đánh lừa thị giác để kể những câu chuyện “xoắn não” và truyền tải các khái niệm của cuộc sống phức tạp thông qua hình ảnh minh họa đơn giản khiến tất cả chúng trở nên nổi bật khác lạ.

Bản vẽ đầu tiên của bộ tranh xuất hiện lần đầu trong số tháng 2 năm 1982 và kết thúc vào số tháng 2 năm 2006. Sau đó, họa sĩ Guy Billout tiếp tục thực hiện loạt minh họa tiếp theo từ tháng 11/2008 cho đến tháng 11/2012. Một khối lượng công việc dày đặc và tần suất liên tục, chia sẻ về nguồn cảm hứng tạo ra chúng ông nói vui rằng đôi lúc phải lấy hình ảnh ngẫu nhiên của bản thân để phóng tác ý tưởng.

“Chủ đề do tổng biên tập nghĩ ra và người vẽ minh họa phải đưa ra một giải pháp trực quan cho chúng. Đó là một quá trình khiến tôi vô cùng lo lắng, vì sợ sẽ không đạt được ý tưởng ‘đúng’ đề ra. Đây là lý do tại sao, trong loạt tranh cho The Atlantic, tôi luôn đặt tiêu đề sau khi hoàn thành bức vẽ.” – họa sĩ người Pháp cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, họa sĩ Guy Billout đã gắn bó gần 50 năm trong nghề và ông được xem là huyền thoại sống của làng minh họa thế giới cho đến ngày nay. Với những đóng góp của mình, năm 1989, họa sĩ người Pháp đã nhận được Giải thưởng Hamilton King – đây là giải thưởng thường niên dành cho cá nhân xuất sắc trong ngành minh họa được bình chọn bởi Society of Illustrators (Hiệp hội các nhà minh họa). Năm 2016, ông chính thức “đặt chân” vào Sảnh Danh Vọng của Society of Illustrators.

Bên cạnh là một tay vẽ minh họa cừ khôi, họa sĩ Guy Billout còn được biết đến với vai trò tác giả sách dành cho trẻ thơ. Nhiều cuốn sách của ông được tạp chí New York Time xếp hạng là cuốn sách thiếu nhi hay nhất năm. Các bạn có thể thưởng thức thêm các sáng tạo khác của họa sĩ người Pháp tại Instagram.

Biên tập: Hoàng

Nguồn ảnh: gbillout

Cùng tác giả

#Tag

Guy Billout hài hước Hoàng illustration minh họa báo minh họa sách minh họa tạp chí

iDesign Must-try

Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Bắt đầu với suy nghĩ vẽ ra những điều mình thích, zzoya đã dần lan tỏa một nguồn năng lượng đáng yêu đến những khán giả của mình. Có thể…
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Đến hẹn lại lên, thời khắc chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới là dịp để các artist Việt tham gia vào cuộc chơi “Vẽ linh vật của năm”.…
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Mark Janssen là một họa sĩ minh họa xuất thân tại học tại Học viện Nghệ thuật ở Maastricht, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp năm 1997, ông vẽ minh…
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như Cô bé người cá Ponyo, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài bay của…
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Francisco Fonseca là một nghệ sĩ đường phố và họa sĩ minh họa sống ở Porto, Bồ Đào Nha. Bị mê hoặc bởi những kiến trúc nhuốm màu thời gian…
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Ngày 18/09 vừa qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi chính thức công bố album mới mang tên “Vũ Trụ Cò Bay”, đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát của…