Đằng sau mối tình của Carl và Ellie trong phim ‘Up’: Cảm hứng từ câu chuyện có thật

Chuyến hành trình đầy gian nan, thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị của bộ phim Up đã trở thành tuổi thơ của rất nhiều khán giả. Trong đó, câu chuyện tình lãng mạn giữa Carl và người vợ quá cố Ellie mang đến sự xúc động mạnh mẽ và góp phần rất lớn vào thành công của bộ phim. Ở khuôn khổ bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những câu chuyện thú vị xoay quanh mối quan hệ của vợ chồng vụ Carl và Ellie Fredrickson.

Sau sự ra đi của người vợ thương mến, vì muốn thực hiện giấc mơ thuở thiếu thời, cụ già Carl Fredricksen quyết định treo hàng nghìn quả bóng bay vào ngôi nhà của mình và bắt đầu chuyến hành trình đến thác Thiên Đường. Đó là chốn kỳ diệu cả hai người đã ước ao được đến vào những ngày còn rất nhỏ. Nhưng chẳng may mắn làm sao, cậu bé hướng đạo sinh Russell lại vô tình có mặt ở trước nhà ông và khiến kế hoạch bỏ trốn vốn rất hoàn hảo lại rẽ sang một hướng khác.

Trailer của phim Up (2009)

Nói về quá trình phát triển ý tưởng cho Up, đạo diễn Pete Docter mới đầu đã nghĩ đến câu chuyện thần thoại về một nhân vật muốn thoát khỏi xã hội bằng một ngôi nhà có thể bay được. Sau đó, vì muốn khán giả nhỏ tuổi có thể liên kết đến sự gần gũi và ấm áp của một người ông, họ quyết định chọn hình ảnh một cụ già cô độc với những chiếc bong bóng đủ màu sắc. Chính sự đối lập thú vị này thúc đẩy các nhà làm phim tạo ra một câu chuyện bên lề nhằm khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ nơi khán giả.

Câu chuyện tình giữa Carl và người vợ Ellie mang đến sự xúc động mạnh mẽ và góp phần rất lớn vào thành công của bộ phim

Sự ra đi của những người bạn thân thiết trong quá trình phát triển bộ phim khiến chính đạo diễn Pete Docter cảm nhận sâu sắc về nỗi mất mát và tuyệt vọng khi Carl mất đi người bạn đời Ellie. Ở đó, ông muốn thể hiện một cách thầm lặng về chi tiết “Carl muốn bay lên bầu trời để có thể tiếp tục đồng hành với Ellie, để bà không bao giờ phải ở một mình.”

Cuộc sống hôn nhân lãng mạn kéo dài nhiều thập kỷ của ông bà Carl và Ellie Fredrickson

Ý tưởng này đã được nhà làm phim người Philippines là Ronnie del Carmen, trưởng bộ phận kịch bản của Up, đồng cảm một cách sâu sắc. “Một ngày nọ, Bob Peterson đưa cho tôi một trang giấy diễn tả nỗi đau của Carl sau khi mất đi Ellie. Tuy nhiên, ông đòi hỏi một sự thể hiện tinh tế, chúng không được thể hiện qua lời thoại” Carmen kể lại. “Đó là vào thời điểm bắt đầu của quá trình sản xuất, chẳng ai biết liệu rằng cách làm ấy có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, tôi đã soi chiếu và nhìn lại những gì xảy ra trong cuộc đời mình, một ý tưởng mạnh mẽ đã xảy đến: bố tôi, vào thời điểm đó, đang phải điều trị trong bệnh viện và không thể nói được nữa.”

Carl muốn bay lên bầu trời để có thể tiếp tục đồng hành với Ellie, để bà không bao giờ phải ở một mình

Tuổi già với nhiều lượt ra vào bệnh viện và phòng mổ khiến cho khả năng nói của người đàn ông ấy dần mất đi. Do đó, bố của Carmen chỉ có thể thể hiện cảm xúc của mình qua gương mặt và cử chỉ, cho thấy rằng ông đang vui, buồn hay liệu có hài lòng về điều gì đó. “Tôi đã ngồi cạnh giường và say sưa kể với ông rằng tôi đang làm một bộ phim mà nhân vật chính là một cụ già tóc bạc trắng, hệt như chính ông vậy. Lần lượt, tôi cho ông thấy storyboard mà tôi đã vẽ.”

Phân đoạn cụ già Carl lặng lẽ nhìn lại đoạn đời tươi đẹp đã qua của mình

Và đó là phân đoạn mà Carl lặng lẽ lật giở từng trang của quyển Adventure Book. Toàn bộ cử động của Carl chỉ dừng lại ở ánh mắt tiếc nuối và vô cùng xót xa. Ở đây, cụ già đang dùng toàn bộ trái tim mình để nhìn lại một quãng đời hạnh phúc và tươi đẹp đã trôi qua và dường như chẳng bao giờ có thể níu giữ được nữa. “Ánh mắt tươi cười của ông cho tôi biết rằng bố mình đang vô cùng hạnh phúc, dù rằng ông không thể nói ra được điều đó”, Carmen bộc bạch.

Năm 2008, nhà làm phim Ronnie del Carmen trong buổi thuyết trình câu chuyện cho phim Up cùng các cộng sự

Được ra mắt vào năm 2009, cho đến nay, Up vẫn luôn là bộ phim chiếm được nhiều cảm tình nhất từ người hâm mộ của nhà Pixar. Với cốt truyện đặc sắc, phần hình ảnh đẹp mắt cùng âm nhạc nổi bật, dự án của đạo diễn Pete Docter và Bob Peterson giành được $735 triệu từ doanh thu phòng vé trên toàn cầu (một thành tích vô cùng đáng ngưỡng mộ ở thời điểm bấy giờ) cùng hai đề cử danh giá tại Oscar là Best Picture Best Animated Feature (Up giành tượng vàng ở hạng mục này). Một số nhà phê bình đã không ngần ngại xem Up là bộ phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại. Phần âm nhạc đặc sắc có sự góp mặt của nhà soạn nhạc Michael Giacchino, người cũng đã làm nên những dấu ấn tuyệt vời trong The Incredibles và Ratatouille trước đó.

Những hình ảnh phác thảo đầu tiên của Up

Những bộ phim với cấu trúc câu chuyện đặc sắc và nhân vật có cá tính riêng biệt luôn là một điểm sáng và điều mà Pixar luôn hướng đến. Ngoài doanh thu và lợi nhuận, qua nhiều thập kỷ, họ dành nhiều sự chú trọng cho yếu tố văn hóa cũng như tính nhân văn trong mỗi dự án của mình. Mong rằng, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình giải trí, những bộ phim hoạt hình của Pixar sẽ mãi là một món ăn tinh thần thú vị cho khán giả đại chúng.

Một số nhà phê bình đã không ngần ngại xem Up là bộ phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại

Bài viết: Gấu Trúc

Nguồn tham khảo: Cartoonbrew.

Cùng tác giả

#Tag

gấu trúc hoạt hình nghệ thuật phim hoạt hình pixar sáng tạo nghệ thuật up điện ảnh

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính (Phần 3)
“Nghệ thuật không có lịch sử – chỉ có một hiện tại tiếp diễn… Cái hiện tại không ngừng của nghệ thuật! Velázquez, Goya, Manet đều nằm trong một dòng,…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.