Xem Tuân Nguyễn khoác áo mới cho trò chơi Xăm Hường qua dự án ‘Đổ Xăm, Đỗ Trạng’

Đổ Xăm Hường là một trò chơi có nguồn gốc Trung Hoa, đặc biệt rất được người Huế ưa chuộng. Trò chơi này xuất phát từ trong cung đình, về sau phổ biến trong dinh thự của các vương tôn – công tử và quan lại triều đình nhà Nguyễn, sau này mới lan truyền ra dân gian. Ngày nay, người ta xem việc chơi Xăm Hường như một cách bói quẻ đầu năm, tạo bầu không khí ấm cúng và sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình vào những ngày Tết. 

Mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần đẹp đẽ như thế, nhưng buồn thay là ngoại trừ một bộ phận nhỏ người dân xứ Huế, trò chơi Xăm Hường vẫn còn khá lạ lẫm với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Là một người trẻ có cơ hội được tiếp xúc với Xăm Hường từ rất sớm, cùng với mong muốn lan truyền những giá trị đẹp đẽ một cách rộng rãi, thẩm mỹ, trendy và dễ tiếp cận hơn, Nguyễn Anh Tuân đã cho ra đời dự án “Đổ Xăm, Đỗ Trạng”. Không chỉ dừng lại ở một đồ án tốt nghiệp, dự án như một món quà mà Tuân muốn dành tặng ông ngoại mình, người đã truyền cảm hứng để bạn ấy thực hiện dự án này. 

Chia sẻ với chúng mình, Tuân cho hay: “Làm thiết kế đồ họa, mình mong muốn thử sức qua nhiều phong cách thiết kế khác nhau nhưng vẫn thể hiện được ngôn ngữ thiết kế của riêng mình, đó là hiện đại, tối giản, và truyền tải thông điệp hiệu quả. Một vài phong cách thiết kế mà mình ưa chuộng là Flat design, Minimalism, và Geometric shapes.”

Behance| Facebook

Trước khi trò chuyện cùng Tuân để khám phá về bộ boardgame này, hãy cùng chúng mình tìm hiểu đôi nét về trò chơi Xăm Hường truyền thống nhé!

Xăm có nguồn gốc từ chữ thiêm (籤) nghĩa là cái thẻ. Và Hường là cách đọc trại từ chữ hồng (紅), có nghĩa là màu hồng, và do âm hồng có trong chữ Hồng Nhậm (洪任) là tên của vua Tự Ðức nên phải kiêng.

Trò đổ Xăm Hường là trò chơi gieo các hột xúc xắc (còn gọi là hột tào cáo và hột xí ngầu) để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, theo đó ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: cử nhân, tú tài, tiến sĩ, thám hoa, hội nguyên bảng nhãn và cuối cùng là trạng nguyên. Có thể thấy, tên gọi của các quân cờ đã thể hiện cái nho nhã của trò chơi, tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.

Một bộ Xăm Hường gồm ba món chính bao gồm bộ thẻ (xăm), sáu hột súc sắc và chiếc tô sứ sâu lòng để gieo xúc xắc (đổ hột). Theo lối xưa, người chơi phải nhọc công để tìm cho được một chiếc tô sứ men lam làm từ đời Minh  –  nhà Thanh bên Tàu để tiếng đổ hột mới thanh và vang xa (men lam là men gốm được thêm với gốc màu là ôxít côban, được sử dụng sớm nhất tại làng nghề Bát Tràng, xuất hiện từ thế kỷ XIV). Riêng với bộ thẻ thì tùy vào điều kiện của chủ nhân mà được làm bằng ngà voi, xương thú hay cật tre.

Cơ duyên nào để bạn biết đến trò chơi dân gian được xem là khá lạ lẫm với giới trẻ ngày nay – Đổ Xăm Hường?

Vì quê ông ngoại mình ở Huế (cái nôi của trò chơi đổ Xăm Hường) nên ông thường xuyên chơi trò này, đặc biệt là vào dịp Tết. Khi ông chuyển vào Ninh Thuận sinh sống, Xăm Hường là thứ ông đem theo bên mình để chơi cùng con cháu mỗi dịp hội tụ, vì vậy mình đã được tiếp xúc với nó từ khi còn nhỏ.

Nguồn cảm hứng nào đã khiến dự án “Đổ Xăm, Đỗ Trạng” thành hình?

Khi đang đau đáu về idea cho dự án tốt nghiệp thì trùng hợp trong một lần về quê, nhìn thấy bộ Xăm Hường của ông ngoại đã cũ, mình mới nghĩ: “Sao mình không làm một bộ để tặng ngoại?” Nhưng thay vì làm như truyền thống, mình muốn thổi một hơi thở hiện đại để Xăm Hường được phổ biến và tiếp cận với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ gen Z.

Việc đi tìm các tài liệu tham khảo có quá khó khăn không? Bạn ấn tượng điều gì nhất với trò chơi Đổ Xăm Hường này?

Trong quá trình research, mình cũng gặp khá nhiều khó khăn vì thông tin về Xăm Hường không nhiều. Nhưng may mắn ông ngoại mình là người Huế, vốn đã tiếp xúc với trò chơi này từ rất lâu nên đã giúp mình hiểu hơn về Xăm Hường cũng như tiếp cho mình nguồn cảm hứng cho dự án “Đổ Xăm, Đỗ Trạng“.

Concept thiết kế mà bạn hướng đến cho dự án là gì?

Mình lựa chọn phong cách hiện đại cho “Đổ Xăm, Đỗ Trạng” thể hiện qua màu sắc đa dạng, chất liệu trong suốt, trendy. Font chữ được sử dụng trong bài cũng đặc trưng bởi phong cách Modernism với những đường nét đối xứng hài hòa và những chi tiết phóng khoáng vượt ngoài ranh giới của kiểu chữ trang trí (Display).

Vì sao bạn lại chọn mica trong suốt để làm chất liệu cho bộ boardgame?

Đa số các bộ xăm hường truyền thống đều được làm từ gỗ và xương động vật (đặc biệt là xương bò), mình muốn sử dụng một chất liệu mang tính thẩm mỹ hơn, trendy hơn để tiếp cận với nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) nhưng vẫn có độ chắc chắn tương đương, dễ tìm kiếm, và giá thành hợp lý. Từ những đặc tính đó, mica là sự lựa chọn tốt nhất cho bộ boardgame này.

Tuân có gặp khó khăn nào trong quá trình thực hiện dự án không? 

Đối với dự án “Đổ Xăm, Đỗ trạng“, mình găp khó khăn nhất ở khâu tạo hình nhân vật. Việc tạo hình nhân vật làm sao để giữ được shape (hình dạng) của thẻ xăm truyền thống mà vẫn thể hiện được sự hiện đại khiến mình mất khá nhiều thời gian. 

Sau khi thử qua nhiều hình tượng khác nhau, mình quyết định chỉ sử dụng một tạo hình để cho bộ Xăm Hường có tính thống nhất. Các cấp bậc của thẻ được phân biệt bằng mũ, màu sắc, và các chi tiết line trên thân thẻ. 

Bạn cảm thấy như thế nào sau khi hoàn thành một bộ boardgame lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian xa xưa của dân tộc mình?

Từ những ngày đầu lên ý tưởng sản phẩm, sketch, tìm kiếm chất liệu, công nghệ in, … cho tới ngày nhìn thấy thành phẩm, mình cảm thấy rất hạnh phúc. Mình cũng muốn dành lời cảm ơn tới anh Nam Nguyen – mentor của mình đã cho mình nhiều lời khuyên và “lôi” mình lại mỗi khi mình chệch hướng và cả những người bạn, người anh thân thiết với những góp ý chất lượng. 

Tuân có định hướng phát triển nào cho bộ boardgame này không?

Với mục đích muốn lan tỏa trò chơi ý nghĩa này tới nhiều người, không chỉ dừng lại là một dự án tốt nghiệp, mình luôn mong muốn có thể kết nối với một đơn vị sản xuất để cho ra đời những bộ Xăm Hường mang hơi hướng hiện đại và trở thành trò chơi phổ biến của giới trẻ.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature interview may đổ xăm hường

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…