/viết một tay/ Antiqua Serif vuông và Antiqua Grotesque (Sans-Serif) - Xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hiện đại hóa

Tiếp tục với loạt bài “Ký tự pháp (Typography): Hành trình từ kỹ thuật in ấn trở thành một bộ môn khoa học và nghệ thuật”, chúng ta sẽ đến với nội dung về sự phát triển của các phông chữ trong 500 năm kể từ phát minh của Gutenberg. Nội dung này được chia làm ba phần, bao gồm:

Và đây là phần 3!


Xã hội châu Âu do tác động của các cuộc Đại Cách mạng Công nghiệp đã có sự thay đổi triệt để về cấu trúc. Sản xuất hàng loạt dẫn tới nhu cầu quảng cáo tăng cao tạo ra nhu cầu thiết kế đồ họa, do đó là sự thay đổi của phong cách thiết kế ký tự pháp. Đồng thời, một xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa, và hiện đại hóa cũng tạo ra sự thay đổi về tư duy tức là đòi hỏi một sự thay đổi tương ứng về thiết kế chữ. Antiqua Serif vuông và Antiqua Grotesque hay chữ sans-serif chính là kết quả của hai sự thay đổi này. Đồng thời, chúng kết thúc quá trình hình thành tất cả các loại kiểu chữ Antiqua cơ bản.

 4. Antiqua Serif vuông (Slab serif) / Antiqua Ai Cập (Egyptienne):

a. Lịch sử

Trong các loại Antiqua được liệt kê trong bài này, có lẽ nguồn gốc của khái niệm Antiqua ‘Ai Cập’ là quái đản nhất. “Slab” là từ tiếng Anh chỉ một miếng đá, hoặc bê tông hay gỗ, lớn, phẳng, dày, và thường có hình chữ nhật. Tại các nước nói tiếng Anh, loại chữ này cũng được gọi là kiểu Slab Serif, người Đức gọi là “Serif được nhấn mạnh” (Serifbetonte). Khái niệm “Egyptienne” là một tên dùng chung, là một từ tiếng Pháp có nghĩa là “thuộc về Ai Cập”.

Antiqua Serif vuông bắt nguồn từ nước Anh vào đầu thế kỷ 19, trong bối cảnh công nghiệp hóa nhanh chóng với sự phát triển của chủ nghĩa tự do kinh tế tiến bộ thể hiện trong ngành quảng cáo. Khái niệm “Egyptienne” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1825 bởi nhà in ấn Thomas Curson Hansard trong cuốn Typografia (Ký tự pháp) của ông kèm với diễn giải là “một sự quái dị về ký tự pháp”. 

Nguồn gốc của cái tên này có lẽ là kết quả của “chứng cuồng Ai Cập” (Egyptomania), một xu hướng rất thịnh hành lúc bấy giờ, bùng phát từ Paris sau chiến dịch (ăn cướp) “thành công” của Napoleon tại Ai Cập. Đây là một chiến dịch quân sự kéo dài từ năm 1798 đến năm 1801 tại các vùng đất thuộc đế chế Ottoman nằm tại Ai Cập và Syria. Ở địa hạt khoa học, chiến dịch này đã dẫn đến sự khám phá ra phiến đá Rosetta (một tấm bia Ai Cập cổ đại khắc một sắc lệnh ban hành ở Memphis năm 196 TCN nhân danh vua Ptolemaios V) và mở ra ngành Ai Cập học. Ngoài ra là cả Tây Âu rồi lan sang Mỹ bỗng nhiên phát cuồng về văn hóa Ai Cập cổ đại! 

Người Anh đã lấy được bia Rosetta vào năm 1801. Các học giả đã tốn hơn hai thập kỷ để giãi mã nó.

Vậy lý do gì Hansard lại gọi kiểu chữ Slab Serif là “Egyptienne”? Có thể do serif của loại chữ này nom cũng giống một phiến đá Ai Cập thật, hoặc bởi nó miêu tả bộ mặt của văn hóa Ký tự pháp đặc trưng của thời kỳ này, đặc biệt là tại Anh quốc: phục vụ chủ yếu là quảng cáo và chạy theo thị hiếu dù cực kỳ kistch của đám đông.

Những phông chữ Egyptienne đầu tiên được tạo ra bởi nhà cắt chữ Vincent Figgins, với nguồn cảm hứng trực tiếp từ các phông chữ Cổ Điển của Didot. phông đầu tiên của Figgins xuất hiện trong như một cuốn mẫu phông năm 1817 như là một phông dành riêng cho quảng cáo. Trong những năm sau đó, ông thiết kế rất nhiều biến thể của loại phông đã nhận được rất nhiều sự chú ý do vậy rất hiệu quả. Ông cũng sử dụng những cái tên như “Ramses” hay “Ginza” cho chúng để đảm bảo luôn bám sát xu hướng.

Vào thế kỷ 20, cùng với sự khám phá ra lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun bởi nhà khảo cổ người Anh Howard Carter, cơn cuồng Ai Cập trở lại dưới dạng “cuồng Tut” (Tutmania). Vô số kiểu chữ Egyptienne do đó đã được tạo mới tại châu Âu và Mỹ.

Một số phông của Figgins

Ngoài việc sử dụng trong quảng cáo, Egyptienne được sử dụng như là một loại chữ cho máy đánh chữ từ giữa thế kỷ 19 và cho báo chí từ giữa thế kỷ 20. Bên cạnh khía cạnh thời thượng và thẩm mỹ, sự thành công của kiểu chữ này chủ yếu đến từ khả năng gây chú ý phù hợp với văn bản quảng cáo và tiêu đề bài báo. Đối với chế tạo máy đánh chữ, nó cũng có lợi về mặt kỹ thuật do độ rộng các chữ cái là như nhau, tạo ra một cấu trúc tuyến tính có tính kiến tạo cao. Đổi lại, Egyptienne hoàn toàn không phù hợp với việc đọc những văn bản dài.  

b. Đặc điểm chung

  • Mái hay mũi chữ cái: thẳng, nằm ngang.
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H.
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ nằm ngang
  • Trục quang học của các hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Chuyển tiếp serif: góc cạnh
  • Cạnh bên của serif: thẳng
  • Cạnh dưới của serif: thẳng, nằm trên đường nền tảng của dòng chữ
  • Độ tương phản của nét: gần như là không
  • Một số phông điển hình: Beton, Boton, Cairo, City, Geometric Slabserif 703, Glypha, Karnak, Lubalin Graph, Memphis, Officina Serif, Rockwell, Scarab, Serifa

5. Antiqua Sans-serif / Grotesque

a. Lịch sử

Chữ cái hoa sans-serif thực tế đã xuất hiện trên tiền tệ, bản khắc các sắc lệnh, bia mộ, và trên bình đất sét hai quai amphora từ thời Hy-La cổ đại. Một trong những bản khắc nổi tiếng nhất sử dụng loại chữ này chính là phiến đá Rosetta – trên đó sử dụng chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, ký tự Demotic và tiếng Hy Lạp cổ đại. Trong văn hóa viết La Mã, phông chữ sans-serif đã được dùng trong khắc đá từ thế kỷ 3 TCN. 

Một đồng xu La Mã có niên đại 107 TCN, với hình ảnh của Augustus – Hoàng đế La Mã đầu tiên

Vào thời Trung Cổ, chữ hoa sans-serif được sử dụng trong các tập lưu trữ thông tin (codex), bí tích, kinh cầu nguyện hàng ngày cho tiêu đề hay chữ cái đầu tiên của mỗi khổ. Chúng cũng được sử dụng trên tiền xu, tem, huy hiệu, và khắc lên các tường nhà.

Từ đầu thế kỷ 18, các ngành khoa học mới (như ngành Cổ điển học và ngành Khảo cổ học) ra đời tạo ra ảnh hưởng lớn tới văn hóa Tây Âu với các phát hiện lịch sử. Từ những năm 1780s trở đi, các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, và kỹ sư ở Anh Quốc, ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Cổ Điển và chủ nghĩa Duy Lý, sử dụng chữ hoa sans-serif cho các bản thiết kế kiến trúc và bản thiết kế máy móc.

Trong quá trình công nghiệp hóa và sự “duy lý hóa” xã hội, sans-serif đạt được sự thành công về lợi thế của nó. Với vẻ bề ngoài mang tính công nghệ, tinh tế, và đơn giản, nó thích hợp dùng để khắc hay đúc lên các bảng tên và thân các máy móc kim loại, và viết trong các tài liệu công nghiệp: đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả. Khái niệm “kiểu chữ Công nghiệp” do đó là xác đáng để miêu tả giai đoạn phát triển này của chữ sans-serif.

Diễn viên và nhà biên kịch Alois Senefelder đã phát minh ra kỹ thuật in thạch bản (in litho), kỹ thuật in phẳng đầu tiên (khác với in nổi – relief và in chìm – intaglio). phông chữ sans-serif được sử dụng rất nhiều trên các bản in litho do có thể vẽ thẳng lên bản in với thước kẻ và compa mà không cần cắt bộ chữ, phông sans-serif bởi vậy lúc này cũng được gọi là “chữ đá”. 

Với nhu cầu ngày càng tăng đối với các ấn phẩm kỹ thuật và bản đồ, “chữ đá” này lần đầu tiên được cắt và sử dụng bởi nhà thiết kế chữ William Calson đệ tứ năm 1816. Năm 1832, Vincent Figgins thiết kế một bộ phông chữ hoa sans-serif với ba cỡ chữ được biết đến với cái tên “Two-line Great Primer Sans-Serif”. Ông cũng là người đầu tiên sử dụng khái niệm “sans-serif” có nguồn gốc từ tiếng Pháp có nghĩa là “không có serif”. Cùng năm đó, William Thorowgood tạo ra bộ phông chữ sans-serif đầu tiên với đầy đủ chữ hoa và chữ thường có tên là Grotesque đã trở thành tên chung dành cho các loại phông sans-serif được tạo ra sau đó.

Grotesque của Thorowgood

Khái niệm “grotesque” bắt nguồn từ tân Pháp ngữ vào thế kỷ 17, nghĩa gốc là một khái niệm trong mỹ thuật dùng chỉ sự kết hợp phi tự nhiên của con người, động vật, và các bộ phận của thực vật, hoặc từ “grottesco” có nghĩa là “thuộc về một cái hang” trong tiếng Ý. Nó cũng có nghĩa chỉ sự “được hình thành một cách hoang dã, với các tỷ lệ bất thường, khác lạ một cách táo bạo”. Đó có thể là lý do khiến Thorowgood sử dụng khái niệm này làm tên cho phông chữ của ông.

Cuối thế kỷ 19, nhà ký tự pháp Ferdinand Theinhardt với phông “Grotesque Hoàng Gia” dùng cho những ấn phẩm khoa học của Học viện Khoa học Hoàng Gia Phổ tại Berlin khiến Grotesque được chấp nhận trong cộng đồng Berlin. Ở Mỹ, nhà ký tự pháp Morris Fuller Benton tạo ra Grotesque Mỹ từ Grotesque của Đức. Tại Anh, Edward Johnston thiết kế bộ chữ nhận diện cho tàu điện ngầm London là phông sans-serif và tạo ra xu hướng cho sự phát triển tiếp theo của Antiqua sans-serif. phông Gill Sans (1928) nổi tiếng của Eric Gill có niềm cảm hứng nhìn rõ từ phông grotesque của Johnston (1918).
Vào đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại, những nhà thiết kế ký tự pháp trẻ người Đức và tân thời tách họ ra khỏi tinh thần “nhỏ mọn” cổ hủ của những nhà in và nhà xuất bản truyền thống vẫn đắm chìm vào Fraktur. Họ, cùng với những nhà ký tự pháp Thụy Sĩ, cũng chống lại sự “thiếu văn hóa” của làn sóng Egyptienne mới đến cùng với cơn cuồng Tutankhamun. Grotesque được những nhà ký tự pháp Đức và Thụy Sĩ tích cực tuyên truyền và trở thành xu hướng mới thống trị ký tự pháp. Jan Tschichold hay Herbert Bayer là những cái tên điển hình. Jan Tschichold phát triển Ký tự pháp Mới (New Typography), một trong các tiền đề quan trọng của Swiss Design hay International Typographic Design – trào lưu đầu tiên nơi các nhà thiết kế đồ họa chính thức tuyên bố sự phân biệt giữa họ và nghệ sĩ. Herbert Bayer thiết kế ra

Vào đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại, những nhà thiết kế ký tự pháp trẻ người Đức và tân thời tách họ ra khỏi tinh thần “nhỏ mọn” cổ hủ của những nhà in và nhà xuất bản truyền thống vẫn đắm chìm vào Fraktur. Họ, cùng với những nhà ký tự pháp Thụy Sĩ, cũng chống lại sự “thiếu văn hóa” của làn sóng Egyptienne mới đến cùng với cơn cuồng Tutankhamun. Grotesque được những nhà ký tự pháp Đức và Thụy Sĩ tích cực tuyên truyền và trở thành xu hướng mới thống trị ký tự pháp. Jan Tschichold hay Herbert Bayer là những cái tên điển hình. Jan Tschichold phát triển Ký tự pháp Mới (New Typography), một trong các tiền đề quan trọng của Swiss Design hay International Typographic Design – trào lưu đầu tiên nơi các nhà thiết kế đồ họa chính thức tuyên bố sự phân biệt giữa họ và nghệ sĩ. Herbert Bayer thiết kế ra phông chữ Universum nổi tiếng của Bauhaus, thể hiện rõ rệt tinh thần “công năng quyết định hình dạng”, rút gọn thiết kế xuống những gì căn bản và cần thiết nhất.

Hình ảnh phông Universum của Herbert Bayer

B1. Grotesque nguyên mẫu (Proto-Grotesque):

Dùng chỉ tất cả những kiểu chữ sans-serif được tạo ra tại Anh vào đầu thế kỷ 19 như một phông quảng cáo. Thế hệ đầu tiên này vẫn có bề ngoài thô sơ, và thường chỉ có một biến thể phông, chỉ có chữ hoa, và có một đến ba cỡ chữ.

B2. Grotesque “cũ hơn” (Older Grotesque) / Grotesque Mới (Neo Grotesque)

Nhóm này bao gồm tất cả những phông không có serif được phát triển từ năm 1870 trở đi cùng với sự gia tăng của công nghiệp hóa ở Tây Âu và ít nhiều dựa trên phong cách Antiqua Cổ Điển. Ở các nước nói tiếng Anh, bao gồm Mỹ, nó được gọi là “Grotesque Mới” bởi với người Mỹ thì nó Antiqua Mỹ lại “cũ” hơn.

  • Serif: không có
  • Mái hay mũi chữ cái thường: thẳng, nằm ngang hoặc nghiêng
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H hoặc đường k
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ nằm ngang
  • Chữ g: mở (g một tầng)
  • Trục quang học cũng những hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Chuyển tiếp vào nét vòm: độ dày nét không thay đổi hoặc thon hơn một chút
  • Độ tương phản nét: từ rất thấp đến bằng không
  • Số: từ độ cao thường đến đường H
  • Một số phông điển hình: AG Old Face, Akzidenz Grotesk, Antique Olive, DIN Neuzeit Grotesk, Folio, Helvetica, Royal-Grotesk, Univers, Vectora

B3. Grotesque Mỹ:

Nhóm này bao gồm những phông chữ Grotesque được sử dụng phổ biến trong khoảng 1905 – 1950 cho quảng cáo. Phiên bản Mỹ của “Grotesque cũ hơn” chịu ảnh hưởng lớn của Morris Fuller Benton. Đối với các nước nói tiếng Anh, loại phông này thường được gọi ngắn gọn là “grotesque”.

  • Serif: không có
  • Mái hay mũi chữ cái thường: thẳng, nằm ngang
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ nằm ngang
  • Chữ g: đóng (3 tầng)
  • Trục quang học của những hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Độ tương phản nét: trông như không có
  • Số: cao tới đường H, các bản cắt trước năm 1950 có số 1 kiểu cổ điển tức là có serif ở dưới chân
  • Khác: nhiều vùng rộng nội chữ cái (counter) hơn và chiều cao x lớn hơn so với Grotesque Cũ hơn; chữ hoa, đặc biệt là loại phông đậm (bold), thường trông rất vuông vắn
  • Một số phông điển hình: Franklin Gothic, Interstate, Monotype Grotesque, News Gothic, Trade Gothic

B4. Grotesque Kiến tạo (Grotesque Hình học)

Một phông chữ rất hình học của Josef Albers – một thành viên của Bauhaus

Được phát triển từ tinh thần của những kiểu chữ Grotesque đầu thế kỷ 20 với Bauhaus, trào lưu “Khách Quan Mới” (New Objectivity), chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa duy biện chứng, giải thể các cấu trúc quân chủ, thời kỳ Hiện Đại… Một vài phông sans-serif trong nhóm này có độ dễ đọc hạn chế. Đối với các nước nói tiếng Anh, phông này được gọi là “Hình học”.

  • Serif: không có
  • Mái hay mũi chữ: thẳng hoặc nghiêng
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H hoặc đường k
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ e nằm ngang; hoặc nghiêng sang trái
  • Chữ g: thường mở (g 2 tầng)
  • Trục quang học của những hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Chuyển tiếp vào đường vòm: dày bằng hoặc hơi mảnh hơn phần còn lại của nét
  • Độ tương phản nét: không có hoặc không thể nhận biết bằng mắt
  • Số: cao tới đường H cho tới đường k
  • Khác: có tính cấu trúc cao với quy tắc tạo hình nghiêm ngặt
  • Một số phông điển hình: Avant Garde, Avenir, Eurostile, Futura, Geometric, ITC Bauhaus, Kabel, Universal, VAG Rundschrift

B5. Grotesque Mới Hơn (Nhân Văn)

Những kiểu chữ đầu tiên thuộc nhóm này được phát triển vào những năm 1920s với thiết kế ít nhiều dựa trên Antiqua Phục Hưng. Chúng thường trông có vẻ hữu cơ hơn, tính cấu trúc thấp hơn, năng động hơn, mảnh mai và trang nhã hơn Grotesque Cũ Hơn. Phần chuyển tiếp vào đường vòm có độ tương phản cao với phần còn lại của nét tạo ra hiệu ứng thị giác “thay đổi hình dạng”. Với các nước nói tiếng Đức, loại này cũng được gọi là bán-Grotesque (semi-Grotesque), với các nước nói tiếng Anh được miêu tả là Nhân Văn (Humanist).

  • Serif: không có
  • Mái hay mũi của chữ cái thường: thẳng, nằm ngang hoặc nghiêng
  • Phần cao lên từ chiều cao x của chữ cái thường: kết thúc ở đường H hoặc đường k
  • Trục của chữ e: thẳng đứng, mắt chữ e nằm ngang
  • Chữ g: mở (g 2 tầng) hoặc đóng (g 3 tầng)
  • Trục quang học của những hình dạng tròn: thẳng đứng
  • Chuyển tiếp vào đường vòm: tương phản cao tạo hiệu ứng thay đổi trực quan về độ cong nét
  • Độ tương phản nét: nhìn bằng mắt thường là không có hoặc ít
  • Số: cao tới đường H cho tới đường k, có serif dưới chân hoặc số kiểu Trung Cổ tức là có phần cao hơn chiều cao x và phần nằm dưới đường nền tảng của dòng chữ
  • Khác: không có tính cấu trúc, hữu cơ, mảnh, và năng động
  • Một số phông điển hình: Fira Sans, Frutiger, Gill Sans, Imago, Meta, Optima, Rotis Semi Grotesk, Syntax

Đôi lời kết luận: 
Mặc dù Việt Nam không trải qua quá trình phát triển về ký tự pháp cùng với châu Âu hay Mỹ, nhưng do hiện nay chúng ta sử dụng hệ thống chữ viết alphabet latin, việc hiểu biết về lịch sử của ký tự pháp là vô cùng quan trọng. Sự phát triển của mọi hình thái nghệ thuật và thiết kế là một phần của phát triển văn hóa và phản ánh sự phát triển của loài người. Quốc ngữ mới chỉ được sử dụng phổ biến và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam từ hơn 100 năm nay, nhưng thực tế là nó chứa đựng trong mình một chiều dài lịch sử giao thoa Đông Tây hàng ngàn năm. Loạt bài “Ký tự pháp (Typography): Hành trình từ kỹ thuật in ấn trở thành một bộ môn khoa học và nghệ thuật” khép lại tại đây, mong đã đóng góp được phần nhỏ bé nào vào việc truyền bá một phần lịch sử quan trọng dường như chưa được coi trọng tại Việt Nam.

Người viết xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các bạn độc giả đã cùng đồng hành với chuỗi bài viết hơi dài hơi này và hẹn gặp các bạn tại các bài viết khác.

Tác giả: Lê Hương Mi


Về tác giả

Hương Mi Lê (1991) là giảng viên tại Học viện Nghệ thuật & Thiết kế Monster Lab, quản lý giáo dục tại Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery, quản lý quan hệ công chúng của Á Space, và chủ mục Lịch sử thiết kế đồ hoạ của iDesign.

Cô cũng là dịch giả và biên tập sách, tổ chức và điều phối các lớp học và thảo luận về nghệ thuật và thiết kế.

Cô đã và đang làm việc với các đơn vị như Thái Hà Books, viện Nghiên cứu Hán-Nôm, VCCA, Sunday Art Club, Pencil Philosophy…

Cô từng theo học Thiết kế Truyền thông tại Học viện Nghệ thuật Thị giác Frankfurt, Đức và Nhân học tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Hà Nội, Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác hoạt động dưới cái tên mi-mimi.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe this art should be known

Cùng tác giả

#Tag

antiqua grotesque art art history graphic design history idesign Ký tự pháp Lê Hương Mi sans serif typography

iDesign Must-try

Trào lưu Hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting)
Trào lưu Hội hoạ Trường Màu (Color Field Painting)
Xu hướng trừu tượng hoá là một trong những xu hướng quan trọng nhất mang tính định nghĩa chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật. Biểu hiện Trừu tượng là…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 3)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 3)
New York School ra đời từ sự phấn khích về chủ nghĩa hiện đại của châu Âu và được thúc đẩy bởi sự mở rộng kinh tế và công nghệ;…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 2)
Khi nói về trường phái New York và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20, chúng ta không thể không nhắc tới chương trình giáo dục thiết kế…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 3)
Các dự án chính phủ như WPA (Work Progress Administration) và cơ quan tư như CCA (Container Corporation of America) của Mĩ đều là những động lực quan trọng cho…
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Trào lưu Hiện đại trong thiết kế đồ hoạ Mĩ (Phần 2)
Một trong những động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của thiết kế đồ hoạ Mĩ là làn sóng nhập cư của những nhân tài từ châu Âu…