Sách minh họa ‘Nghệ thuật NGỤY TRANG’ của Nguyễn Chiến: Ứng dụng nét kỉ hà và tâm lý học màu sắc để mô phỏng sự khắc nghiệt đa sắc màu của tự nhiên
Con mồi và kẻ săn mồi là hai đối tượng luôn tồn tại song song và tranh đấu với nhau trong thế giới tự nhiên. Kẻ bị săn đôi lúc trông rất đáng sợ, ngược lại, kẻ săn mồi đôi khi lại có vẻ ngoài vô hại một cách đầy chết người.
“Nghệ thuật NGỤY TRANG” là quyển sách minh họa nói về thế giới đấu tranh sinh tồn của sinh vật thông qua cái nhìn của con mắt tự nhiên – đó chính là khả năng ngụy trang tài tình của sinh vật chỉ với một mục đích duy nhất: Sống sót.
Quyển sách được thực hiện bởi Nguyễn Hoàng Ngọc Chiến (Nguyễn Chiến), sinh viên chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Bên cạnh đó, Chiến cũng hoạt động với tư cách là một game artist.
Với bản tính hay ngó nghiêng quan sát các đồ vật trong nhà, từ những vật dụng nhỏ mà mọi người ít bận tâm tới như cây tăm, bông ngoáy tai,.. cho đến những vật dụng to hơn như kệ bếp, kéo tỉa cành, chậu cây,… để xem chức năng của chúng là gì, xuất hiện tần suất ra sao hay mang màu sắc gì,…từ đó, cậu bạn trẻ sẽ kết nối sự liên quan của những điều nhỏ bé đó lại để tạo thành một ý tưởng lớn hơn.
Chia sẻ với iDesign, Chiến cho hay bản thân đang theo đuổi nhiều phong cách vẽ. Có thời điểm sẽ mang hơi hướng kinh dị, có lúc lại mang tính hoạt hình, nhưng chung quy lại vẫn sẽ có một số đặc điểm giống nhau về đường nét, đó là các đường nét thẳng, kỉ hà, có thể nói là “phong cách của những tảng đá”.
Giải thích về việc ứng dụng các nét kỉ hà vào trong tác phẩm “Nghệ thuật NGỤY TRANG”, Chiến cho hay “nét kỉ hà là lựa chọn phù hợp nhất để lột tả được sự dữ dội và khắc nghiệt của tự nhiên”. Điều gì khiến Chiến khẳng định như thế?
Cùng chúng mình trò chuyện với Chiến để khám phá thế giới ngụy trang đa sắc màu và cũng hết sức khốc liệt trong tác phẩm này nhé!
Nguồn cảm hứng về chủ đề “nguỵ trang” đến từ đâu vậy nhỉ?
Ồ! Nó đến một cách ngẫu nhiên lắm. Đó là thời điểm mình về lại dưới quê để tránh dịch, đồng thời bắt đầu làm dự án tốt nghiệp online. Trong lúc vô tình thấy được cảnh con cún nhà mình cứ loay hoay nấp sau bụi cây để rình bắt đàn gà thả vườn do mẹ mình nuôi, vậy là ý tưởng “ngụy trang” ra đời từ đó.
Phong cách minh họa mà Chiến hướng đến cho dự án “Nghệ thuật NGỤY TRANG” là gì?
Mình định hướng phong cách cho dự án theo hướng trang trí màu, tựa như cách mà các bạn khác dùng để thi đầu vào năng khiếu tại các trường đại học, nhưng ở một mức độ cao hơn, thiên về các tầng lớp chi tiết. Mình cách điệu toàn bộ các sinh vật và ngoại cảnh theo lối vẽ kỉ hà, đồng thời dùng các gam màu đặt cạnh nhau và sắp xếp chúng để tạo sự trong trẻo hơn, cùng với sự trợ giúp của hệ thống ánh sáng được thể hiện xuyên suốt cả dự án.
Lý do mình chọn phong cách minh họa này, để xem như là một mốc đánh dấu cho dự án cuối cùng tại trường Kiến trúc. Khi bước vào trường, mình bắt đầu bằng kì thi vẽ trang trí màu. Bài học đầu tiên cũng là về cách trang trí màu sắc và bố cục. Và khi tốt nghiệp, mình cũng muốn sử dụng lại chúng, kết hợp với những kiến thức khác được học trong suốt 4 năm qua vào tác phẩm này để xem mình đã trưởng thành được đến đâu.
Vì sao bạn quyết định sử dụng các nét kỉ hà cứng để mô phỏng lại thế giới tự nhiên. Việc sử dụng nét kỉ hà để minh họa có những ưu và nhược điểm nào?
Không hẳn là sử dụng nét kỉ hà để mô phỏng lại toàn bộ thế giới tự nhiên, mà mình chỉ có ý định dùng những đường nét đó để minh họa lại bản chất của sự sinh tồn giữa các loài. Khi sử dụng khả năng ngụy trang, các sinh vật cố gắng để tồn tại, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh mà chỉ cần sơ sẩy một chút, thì mọi thứ có thể đi theo chiều hướng thật tồi tệ, thậm chí là mất mạng. Thế nên:
Song song đó, mình nghĩ nhược điểm mà hiệu ứng của nét kỉ hà mang lại vẫn tồn tại trong dự án này đó là khó tiếp cận đối với các đối tượng độc giả ít theo dõi tới các kênh về nghệ thuật, tranh ảnh, bởi các con vật và sự vật đều được cách điệu lại nên mang hình hài có đôi chút khác lạ về thị giác so với ngoài đời. Tuy nhiên, mình tin rằng mỗi tựa sách/dự án đều có những đối tượng độc giả riêng và hy vọng rằng dự án “Nghệ thuật NGỤY TRANG” sẽ được nhiều người đón nhận tích cực.
Việc phối trộn các màu sắc trong dự án có tuân theo một quy luật cụ thể nào không? Hay đó là cảm nhận nguyên sơ của Chiến về thế giới tự nhiên?
Màu sắc được mình sử dụng trong dự án khá đa dạng và được chia làm 4 nhóm màu chính theo thứ tự: Xanh lá đại diện cho chương BẮT CHƯỚC – hồng tím đại diện cho chương NGỤY TRANG – vàng đại diện cho chương HIỆU ỨNG – xanh dương + cam đại diện cho chương PHẢN ỨNG.
Nguyên do thứ nhất là bởi vì bản thân tự nhiên đã là một bức tranh chứa đầy màu sắc và sức sống rồi.
Nguyên do thứ hai là mình đã ứng dụng nghiên cứu của tâm lý học về màu sắc để đưa vào bài. Nói tóm gọn thì mình sử dụng các tính chất, cảm xúc của màu sắc đã được nghiên cứu đối với thị giác của con người để mô tả về tính chất, đặc điểm của từng chương trong dự án. Từ đó, người xem ít nhiều có thể tiếp cận dễ hơn về mặt cảm nhận.
Bạn đã chia sẻ rằng bản thân “muốn lột tả vẻ đẹp đa sắc màu và đa chi tiết của tự nhiên” thông qua dự án. Việc đi theo tiêu chí này có gặp những trở ngại nào không? Bạn đã làm thế nào để bám sát tinh thần ban đầu mà mình tự đặt ra?
Việc lựa chọn tiêu chí này là một nước đi nguy hiểm và đầy thử thách với bản thân mình, bởi thời gian để hoàn thành dự án chỉ giới hạn trong 4 tháng, chưa kể cần phải có sự nghiên cứu và tìm hiểu, xây dựng nội dung trước khi bắt tay thực hiện phần hình ảnh, thế nên thời gian còn lại quả thực không nhiều và đó chính là trở ngại lớn nhất.
Để có thể bám sát tinh thần của dự án mà không bị vượt quá thời gian cho phép đòi hỏi mình phải luyện tập tốc độ, tốc độ về xây dựng tư duy cho visual của bài, tốc độ tay để vẽ nhanh hơn, và cả một tinh thần thép để thực hiện đúng kế hoạch nhỏ của từng ngày sao cho đúng với tiến độ trong kế hoạch mà mình đã vạch định ra. Nhớ lại khoảng thời gian đó thì nó cũng không khác hồi mình ôn thi lên Đại học là bao (cười).
Các thông điệp về bảo vệ môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên gần đây cũng đã được mọi người quan tâm nhiều hơn. Chiến có thông điệp nào muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình?
Loài người chúng ta vốn cũng là một giống loài tự nhiên, nhưng được ban tặng trí khôn và tư duy. Ta đã tự xây dựng cho mình một nền tảng xã hội riêng, không phải lo nghĩ quá nhiều từ việc bị đe dọa sinh mạng mỗi ngày mà quên mất rằng thế giới ngoài kia thật sự nguy hiểm và khắc nghiệt, khi mỗi sinh vật đều đang đấu tranh để có thể bảo vệ mạng sống của mình từng giây từng phút, một thông điệp ẩn mang đến sự thấu cảm với độc giả.
Chiến có dự định phát hành quyển sách trong tương lai?
Đó chính là mong muốn của mình với dự án này. Nếu có thể phát hành trên thị trường thì sẽ có nhiều người biết đến khả năng kì diệu của sinh vật hơn. Nhờ có cơ duyên phỏng vấn với iDesign mà mình có cơ hội để dự án được nhiều người biết đến hơn, vậy nên nếu có quý nhà xuất bản nào quan tâm đến dự án “Nghệ thuật NGỤY TRANG” thì hãy liên hệ với mình nhé (cười).
Thực hiện: May
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh do nhân vật cung cấp