Phan, mỗi đêm mơ làm minh tinh giàu có rồi mở NXB để hoạ sỹ sáng tác trong hạnh phúc

Chẳng theo bất kỳ thị hiếu nào thế nhưng Phan lại đang là một trong những tác giả truyện tranh, du ký hoạ được yêu mến trên thị trường sách Việt Nam hiện nay bởi phong cách vẽ gần gũi, tự nhiên, phóng khoáng của mình.

Hãy cùng iDesign trò chuyện với Phan để tìm hiểu sâu sắc hơn về chuyện nghề của anh nhé!

Nếu được lựa chọn, bạn muốn giới thiệu về bản thân như thế nào?

Mình là Lê Phan, dưới mỗi tác phẩm mình hay ký tên ngắn gọn là Phan. Hiện mình là một họa sĩ minh họa và truyện tranh tự do. Các bạn có thể xem các tác phẩm của mình tại trang Instagram Rajiotaisou. Những khi không vẽ thì mình tổ chức một lớp học nhỏ tên là Lớp Ổi dành cho các bạn yêu thích, muốn làm quen với hội họa.

Hãy miêu tả lại con đường dẫn bạn đến công việc hiện tại? 

Từ nhỏ mình đã vẽ rất nhiều, đến khi dành gần như toàn bộ thời gian để vẽ và không còn biết làm gì khác nữa thì nó cũng trở thành nghề nghiệp hiện tại luôn. Con đường đã đi qua hơi khúc khuỷu nhưng thật ra cũng chỉ là một đường thẳng. Mình không phải băn khoăn cần rẽ hướng nào, cứ vật lộn tiến mãi về phía trước là được. Cũng coi như đó là một may mắn vì mình không phải lãng phí thời gian tuổi trẻ để định hướng nghề nghiệp tương lai.

Vậy phong cách vẽ hiện tại của bạn được định hình từ đâu? 

Có lẽ là từ những sách mình đọc, nhạc mình nghe, phim mình xem, người mình gặp, nơi mình đi, đồ mình ăn, điều mình nghĩ, không gian mình sống… Tất cả mọi thứ trên cuộc đời này vốn đều có ảnh hưởng lẫn nhau cả mà. Một quả ổi thật ngon mình ăn mười năm trước biết đâu lại ảnh hưởng 0,0005% đến phong cách vẽ của mình bây giờ và cứ những thứ nhỏ nhỏ như thế đan xen lại tạo thành một mạng lưới tinh vi rất khó để phân tích. Khi chúng ta tiếp xúc với những giá trị tốt thì tinh thần cũng trở nên cởi mở, dễ tiếp thu. Tinh thần bừng sáng hơn thì phong cách cũng phát ra tần số rõ ràng hơn, chẳng hạn vậy.

Mình không nghĩ nhiều về phong cách vẽ. Cứ vẽ nhiều tự nó sẽ xuất hiện thôi. Con người sao thì phong cách vậy, không cần truy tìm nguồn gốc làm gì.

Cảm hứng của bạn khi thực hiện tác phẩm đến từ đâu? 

Thông thường, mình không làm việc theo cảm hứng vì với những dự án dài hơi kéo dài cả năm trời thì việc vẽ giống như ăn cơm ngày ba bữa vậy, cứ đến giờ đó, ngày đó là ngồi vào bàn và làm việc. Khi bắt đầu viết ý tưởng nội dung cho một tác phẩm cá nhân, mình hay liệt kê ra một danh sách các chủ đề, xem đề tài nào mình quan tâm và thấy thú vị nhất thì sẽ đi một vòng nhà sách gom tư liệu về tham khảo, sau đó lên bảng kế hoạch tiến độ làm việc. Như một cái máy khô khan vậy đó nhưng mình nghĩ người sáng tác không nên lệ thuộc vào cảm hứng vì dễ lâm vào thế thụ động và chây lười. Cứ vẽ thôi, cảm hứng đến thì tốt, mà không đến cũng không sao.

Đương nhiên vẫn sẽ có những khoảnh khắc đột ngột thăng hoa trong cuộc sống, nó xuất hiện khi ta đang ăn một miếng dưa hấu thật mát lạnh giữa trưa hè hay được vuốt ve một con mèo đang rên rừ rừ chẳng hạn. Chỉ một hành động nhỏ tí tẹo thôi nhưng đùng một cái, một ý tưởng sáng chói lóe lên. Cảm hứng đột ngột dâng trào và ta vẽ trong hạnh phúc ngỡ ngàng. Những giây phút hiếm hoi đó thật sự rất đáng trân trọng.

Một định nghĩa riêng của bạn về từ “minh hoạ”? 

Minh họa giống như việc tạo lập nên thế giới riêng biệt bằng hình ảnh mà ở đó mỗi họa sỹ trở thành một đấng chúa trời.

Vẽ minh họa mang lại điều gì cho Phan về mặt tinh thần?

Vẽ với mình giống như một hành động mang tính giải phóng tâm lý vậy đó. Các bác sỹ hay khuyên chúng ta có gì bực dọc, lo âu thì cứ viết hết ra trên giấy đúng không? Mình không giỏi viết lách nên thay bằng hội họa để lôi hết những tiếng nói (đôi khi là quá nhiều) trong đầu mình ra. Vẽ vừa là công việc, vừa là thứ an ủi tinh thần. Nếu không vẽ trên giấy thì mình hay vẽ trong đầu. Khi bắt gặp một khung cảnh đẹp, mình hay nghĩ về cách vẽ nó lại trên giấy, sử dụng đường nét thế này, chất liệu màu thế nọ… Đó cũng coi như một niềm vui khó tả.

Niềm tự hào nho nhỏ trên con đường sự nghiệp của Phan?  

Niềm tự hào chắc là đến giờ vẫn có được nhiều thời gian để vẽ những thứ mình thích và vẫn chưa bỏ nghề. :D

Chủ đề mà Phan yêu thích khi vẽ và tác phẩm minh hoạ yêu thích nhất của bạn là gì? 

Mình thích vẽ mèo và cây cối. Mèo thì bí ẩn mềm mại, cây cối thì trong lành và khỏe mạnh. Khi không vẽ mèo thì mình vẽ về ma quỷ và các vụ án mạng.

Tùy từng thời điểm mà mình lại có đôi ba cuốn sách muốn xem đi xem lại nhiều lần, chứ không có tác phẩm nào thuộc loại yêu thích nhất. Hiện tại, cuốn gối đầu giường của mình là Persepolis* của Marjane Satrapi.

*Persepolis nói về sự tàn nhẫn, không thương tiếc xảy ra tại Iran, những cảnh đời bất hạnh để mọi người cùng biết “người Iran sống như thế nào?” Tại Mỹ, 118 truờng đại học, cao đẳng đã lấy “Persepolis” làm tài liệu để giảng dạy về giáo dục. 

Phan đã ra mắt những tác phẩm và bởi nhà xuất bản nào? 

Mình chỉ xin liệt kê dưới đây những cuốn sách mình vừa viết, vừa vẽ. Tất cả đều được xuất bản bởi các bạn nhà Du Bút, một start-up làm sách nhỏ nhắn, ấm cúng, nơi mọi người thương mến nhau như một gia đình.

  • Câu lạc bộ nghiên cứu bí ẩn (2017 – sách kiến thức về nghiệp vụ thám tử, điều tra án mạng)
  • Xứ mèo (2018 – truyện tranh phiêu lưu)
  • Về nơi có nhiều cánh đồng (2019 – du ký họa)

Hãy kể về quá trình thực hiện một tác phẩm của Phan. Bạn thích nhất bước nào và điều gì khiến bạn suy tư nhiều khi bắt tay thực hiện?

Về cơ bản, khi sáng tác một tác phẩm truyện tranh hay minh họa đều phải đi qua các bước:

  1. Tìm ý tưởng, tư liệu, thảo luận ý tưởng.
  2. Vẽ phác thảo sơ bộ (nhân vật, bố cục)
  3. Xin đóng góp ý kiến chỉnh sửa lần một
  4. Vẽ chi tiết
  5. Xin đóng góp ý kiến chỉnh sửa lần hai
  6. Hoàn thiện

Mình thì luôn thích giai đoạn tìm ý tưởng và phác thảo, còn sợ nhất luôn là phần xin ý kiến đóng góp. Lẽ dĩ nhiên là không ai thích bản thân bị “sửa lưng” rồi nhưng quả thật có những điều khiếm khuyết mà bản thân chủ quan không thể nhìn ra và lúc này rất cần sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn. Ngày xưa thì mình sợ bị góp ý lắm, nhưng giờ thì chai sạn luôn, mình cứ đón nhận và sữa chữa những điều làm chưa tốt, nhẫn nại, cân nhắc và từ tốn hoàn thiện dần thôi.

Khi sáng tác một tác phẩm, nhất là một tác phẩm dài hơi, thì điều suy tư nhất có lẽ là nỗi sợ không được mọi người đón nhận. Cảm giác ấy kinh khủng lắm! Nó cứ đeo bám mình mỗi ngày từ lúc bắt đầu cho đến tận sau khi tác phẩm được xuất bản một thời gian. Thông thường, mình sẽ tốn thời gian khoảng một năm để hoàn thành một cuốn sách. Nếu tác phẩm ấy không tạo được hiệu ứng tốt thì đương nhiên sẽ nghĩ tiêu cực đi một tí rồi vì công sức cả năm cố gắng vừa qua coi như đổ bể. Nhưng “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” đúng không? Nếu chỉ vì đôi ba lần gặp khó mà bỏ cuộc thì không nên chút nào.

Theo cá nhân Phan, thế nào là một tác phẩm hoàn thiện, sẵn sàng ra mắt công chúng?  

Rất khó để biết thế nào là hoàn thiện. Với một bức tranh, đó là khi người họa sỹ không còn biết phải thêm vào nét nào hay bỏ bớt nét nào cả. Còn với một cuốn sách, truyện tranh chẳng hạn, thì đó là khi trang cuối cùng được vẽ ra, trải qua các vòng thẩm định của một bên thứ ba, sửa đi sửa lại vài lần cho đến khi tác giả kiệt quệ, không thể sửa nổi nữa và chỉ muốn tống nó đi in cho khuất mắt.

Thi thoảng, nói một cách trừu tượng (mà mình nghĩ những ai đã từng sáng tác đều sẽ hiểu), đó là cảm giác khi một tác phẩm đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của tác giả. Tự các nhân vật trong đó có thể sống một cuộc đời riêng của họ, tác giả không còn hiểu được nhân vật mình sẽ làm gì, nghĩ gì, đi về đâu. Khi đó kết thúc tác phẩm là tốt nhất.

Bạn có gặp phải vấn đề cân bằng phong cách cá nhân với thị hiếu của người xem? 

Hầu như ai cũng sẽ gặp vấn đề này khi sáng tác. Riêng mình thì khi vẽ vì công việc, mình sẽ giảm bớt cái tôi cá nhân xuống để giúp khách hàng đạt được thứ họ mong muốn. Còn khi sáng tác tác phẩm cá nhân thì không nên quan tâm đến thị hiếu người xem. Chín người mười ý. Một tác giả tốt nên đóng góp một cái nhìn riêng, một thế giới riêng, những điều có cá tính, độc đáo, thú vị cho cho nền nghệ thuật thay vì cứ mãi tạo ra những tác phẩm nhàn nhạt để phù hợp thị hiếu nhất thời, không có giá trị bền vững. 

Nếu vậy, Phan nghĩ điều gì kết nối tác phẩm của mình đến với cảm xúc người xem?

Vẽ là một sự chân thành, luôn là chính mình, không cố gắng để trở thành một ai khác. Vẽ những điều khiến mình hạnh phúc. Nghĩ ra một câu chuyện cho mọi thứ mình vẽ. Khi vẽ thì quên đi việc tính toán, cứ hồn nhiên, vẽ như thể mình không biết vẽ là gì.

Kinh nghiệm làm việc với nhà xuất bản mà Phan muốn chia sẻ với bạn đọc?

Một kinh nghiệm cần chia sẻ thì chắc là khi đã quyết định viết một cuốn sách thì mọi người nên có một thời gian biểu rõ ràng và nộp bản thảo đúng hạn deadline. Nói chung là nên tự kỷ luật thép với bản thân mình.

Bạn có nhận xét gì về thị trường sách trẻ em hiện nay tại Việt Nam? 

Về chất lượng các bạn họa sỹ, mình thấy mọi người giỏi không thua gì quốc tế cả. Chỉ có điều, thị trường sách nói chung của nước mình nhỏ quá. Số lượng người đọc sách không nhiều, nhu cầu ít nên nguồn cung cũng dè dặt. Các nhà xuất bản cũng ngại đầu tư cho các tác phẩm nội địa. Các tác giả giống như những con cá lớn mà bị kìm hãm trong một không gian nhỏ hẹp, không có điều kiện phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Câu nói truyền cảm hứng cho bạn về nghề? 

“Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, có những người sống trong tù quen rồi. Do đó họ không buồn, không băn khoăn vì sự mất tự do của mình. Vẽ là phải cảm thấy tự do, trên tất cả các chất liệu mình sử dụng.”

– Nguyễn Gia Trí

“Không nên đi tìm cái ‘riêng’ để tỏ ra mình có chất độc đáo. Rất dễ rơi vào con đường lập dị hoặc hình thức.”

– Bùi Xuân Phái

Lời động viên của Phan đến những bạn đang theo đuổi sự nghiệp minh họa? 

Hãy “giữ nhịp sáng tác” và “giữ sức khỏe”.

Trong một ngày, không nên vẽ nhiều quá hoặc ít quá. Vẽ ít thì lãng phí thời gian, vẽ nhiều thì hại sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần: Đau lưng, đau tay, đau cổ, thoái vị đĩa đệm… Ở trong nhà hoài tâm lý còn bị ảnh hưởng, dễ nảy ra các ý nghĩ tiêu cực. 

Một ngày chúng ta nên giới hạn thời gian làm việc lại. Nếu đã xong công việc hôm đó mà vẫn muốn vẽ tiếp thì giữ lấy cái tinh thần ấy để bắt đầu làm việc vào ngày hôm sau. Như thế, “nhịp sáng tác” sẽ được duy trì đều đặn và rất khó để rơi vào trạng thái art-block. Ăn uống, nghỉ ngơi, vận động, làm việc khoa học mới có sức mà đi đường dài được.

Một dự định trong tương lai của Phan? 

Lại một cuốn sách mới. Lần này viết cho các bạn thiếu nhi, tên là “Thị trấn Hoa Mười Giờ”. Hy vọng có thể ra mắt mọi người vào dịp cuối năm nay.

Nếu không làm hoạ sĩ minh hoạ, Phan sẽ làm gì? 

Mình không biết sẽ làm gì nhưng xin được nói về giấc mơ hằng đêm. Nếu được ban cho một giọng hát thật hay, mình muốn được làm siêu sao ca nhạc. Sau đó lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, trở thành minh tinh màn bạc. Khi đã có rất nhiều tiền rồi thì sẽ mở một công ty xuất bản, trả lương thật cao cho các bạn họa sỹ, tha hồ sáng tác trong hạnh phúc :D

Viết bài: Jane
Ảnh: Rajiotaisou

Cùng tác giả

#Tag

iD interview idesign signature lê phan minh hoa phỏng vấn truyện tranh về nơi có những cánh đồng vietnam artist

iDesign Must-try

Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Đất 3 Miền: Tựa game pixel mô phỏng đặc trưng trong văn hóa Sài Gòn của Cam Hoa
Quan tâm đến các chủ đề về văn hóa Việt Nam và dành sự yêu thích đặc biệt cho các phong cách liên quan đến sự hoài cổ như: Vaporwave,…
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…