7 thiết kế lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian Việt Nam nổi bật trong năm qua
Năm 2019 vừa qua đánh dấu nhiều hoạt động sôi nổi của giới thiết kế với vô vàn sự kiện đáng nhớ và rất nhiều những tác phẩm độc đáo được trình làng. Trong không khí chào đón tết cổ truyền Canh Tý, hãy cùng iDesign điểm qua một số thành tựu nổi bật trong việc đưa yếu tố văn hóa truyền thống vào sản phẩm thương mại nhé!
Góc nhìn mới lạ về “ma quỷ” và văn hóa dân gian Việt Nam qua thiết kế lịch năm mới Kỷ Hợi
Nếu như hình ảnh “ma qủy” trong truyền thuyết phương Tây hay các nước Đông Á khác đã trở nên khá phổ biến đối với giới trẻ thì những câu truyện dân gian Việt Nam cùng chủ đề lại chưa mang được hiệu ứng tương tự. Trong năm 2019, Kay Trinh mang đến góc nhìn hoàn toàn mới cho sáu truyền thuyết ma quỷ trong những câu chuyện kể dân gian giúp người dùng có thêm hiểu biết về các “ma vật” cũng như lan tỏa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Nét sáng tạo, độc đáo trong bộ lịch năm mới Kỷ Hợi của tác giả Kay Trinh nằm ở nghệ thuật lồng ghép các nhân vật truyền thuyết vào với hình ảnh con lợn xuyên suốt bộ lịch bao gồm: Đầu Trâu (Bullhead), Mặt Ngựa (Horseface), Ma Cà Rồng Việt Nam, Chó đội nón mê (Chó quỷ có mũ rơm), Ma Trơi (Ghostly Fireball) và Thầy Pháp (Witch Doctor).
Tác giả sử dụng các bộ màu tương phản gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, tạo cảm giác huyền ảo. Kết hợp cùng màu sắc, phong cách minh họa của Kay Trinh lột tả rõ nét dữ dằn đặc trưng của các loại ma quỷ nhưng vẫn giữ được chất nhẹ nhàng, gần gũi với người xem. Khi các bộ lịch năm mới thường chỉ sử dụng hình ảnh linh vật của năm, thế giới ma quỷ mà Kay Trinh đem đến tựa làn gió vừa mới mẻ, vừa lạ lùng, điểm thêm vào bức tranh sáng tạo năm 2019.
Ảnh: Kay Trinh
“Bội Thu” quà Tết cùng The Bloom – The gift from Vietnam nature
Cũng là một sản phẩm được ra mắt trong dịp tết Kỷ Hợi, thiết kế của “Bội Thu” mang cảm hứng từ bức tranh Hàng Trống “Canh nông vi bản” (Nghề nông là căn bản) thuộc dòng tranh thế sự. Bức tranh tái hiện lại công việc vụ mùa kể từ lúc tát nước, gieo mạ cho đến khi gặt lúa, xay, giã, giần, sàng diễn ra hàng tháng trời chỉ trong một khung hình.
Với ý tưởng đó, nhóm thiết kế của S – River đã kết hợp cùng với nhóm thiết kế của The Bloom cho ra đời mẫu bao bì thể hiện cảnh sắc mùa màng vui tươi với người nông dân gặt lúa, gánh lúa, chú trâu đi cày ruộng,… Các nhà thiết kế cũng tinh tế sử dụng họa tiết nước tượng trưng cho nền văn minh lúa nước để tạo nên mối liên kết tổng thể xuyên suốt sản phẩm.
“Bội Thu đã đem lại cho khách hàng cảm giác đủ đầy, sung túc ngay từ cái tên cho đến hình ảnh và nội dung bên trong. Với dấu ấn văn hóa dân tộc đậm đà, sự trau chuốt tỉ mỉ về bao bì lẫn nội dung, bộ quà Tết này quả thực là lời chúc phúc năm mới tròn vẹn, ý nghĩa nhất.
Ảnh: Bội Thu – S-River
Sự mạnh mẽ từ bao bì hãng bia thủ công “Con Trâu”
Dòng tranh dân gian Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng chưa bao giờ lỗi thời trên các thiết kế bao bì. Bên cạnh bộ thiết kế quà tết ý nghĩa từ S-River, nhà thiết kế Tiêu Hoàng Thiên Trang cũng lấy cảm hứng từ hình tượng con trâu trong dòng tranh dân gian Hàng Trống và cả Đông Hồ để truyền tải nét văn hoá Việt nam với bạn bè quốc tế qua dự án bao bì bia thủ công “Con Trâu”.
Gây ấn tượng ngay từ cái tên, “Con Trâu” là thương hiệu bia thủ công Việt Nam. Bia được chiết xuất từ lúa mì kinh điển Wheat Ale mang mùi thơm và vị chua tự nhiên từ quả mâm xôi. Ngoài ra, dòng bia “Con Trâu” còn có hương mật ong và chanh quýt. Không chỉ là một loại thức uống có cồn đẳng cấp, nó còn thích hợp để giải khát trong những ngày nắng nóng ở xứ sở nhiệt đới như đất nước ta.
Sắc đỏ và vàng nâu biểu trưng cho một Việt Nam bình dị, chất phác làm màu chủ đạo trên bao bì gây ấn tượng mạnh, đồng thời thể hiện sức nặng trong cái tên của nhãn hiệu.
Ảnh: Con Trau craft beer
Vẻ đẹp tố nữ trên bao bì chocolate Gili
Dự án “Gilli Chocolate” đánh dấu màn kết hợp thành công giữa Dusse Bùi với agency thiết kế và thương hiệu đến từ Hà Nội – Direction. Nhiều giờ làm việc nghiêm túc, bền bỉ của cả hai đã tạo nên năm mẫu bao bì chứa đựng trọn vẹn tinh thần sản phẩm, giá trị cốt lõi thương hiệu và tham vọng của nhà sản xuất: một Gilli chocolate được chế tác cầu kỳ, tỉ mỉ; đẳng cấp thượng hạng và là cầu nối giữa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Phát triển từ ý tưởng “cầm – kỳ – thi – hoạ”, Dusse Bui đã tạo nên năm mẫu bao bì thể hiện 5 bộ môn nghệ thuật: Ca múa, Thi ca, Hội họa, Thêu thùa, Âm nhạc tương ứng với các vị chocolate. Và thay vì sử dụng trực tiếp hình ảnh tố nữ, anh lựa chọn chi tiết những đôi bàn tay, vừa thể hiện vẻ đẹp sang trọng, thanh tao trong tác phẩm gốc vừa tôn lên nét tài hoa của người nghệ nhân làm ra hương vị tuyệt vời của Gilli chocolate.
Để truyền tải trọn vẹn thông điệp mà sản phẩm hướng đến, Dusse Bùi đã áp dụng các kỹ thuật trong sơn mài truyền thống, đồng thời kết hợp “chất liệu digital cầu kỳ”. Ngoài ra, màu sắc của thiết kế vừa rực rỡ mà lại thanh nhã, đem đến cảm giác hòa hợp diệu kỳ. Tất thảy đều nhờ vào nghệ thuật hoà sắc tinh tế của người nghệ sĩ.
Câu chuyện về visual artist Dusse Bùi và dự án “Gilli Chocolate” chứng minh rằng niềm đam mê kết hợp cùng với sự am hiểu văn hóa truyền thống sẽ tạo nên sự đột phá trong từng tác phẩm. Cũng như chính Dusse Bùi từng chia sẻ, đây là câu chuyện của văn hóa, của sự đồng cảm và tình yêu thương. Tiếng nói của văn hóa luôn có sức truyền cảm mạnh mẽ, nó xóa tan những rào cản cũng như hiềm nghi giữa người với người; vậy nên nhiệm vụ của một người làm nghệ thuật chân chính là lan tỏa được tiếng nói văn hóa.
Ảnh: Gilli Chocolate
Nét cổ kính của đền chùa Việt Nam trong bộ chữ DEN
Tiếp nối thành công của font YEN và KÉN, nhà thiết kế trẻ Đỗ Trọng Đạt cho ra đời bộ display typeface DEN lấy cảm hứng từ các công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời tại Việt Nam. Font chữ được thiết kế dưới dạng hình học kết hợp bảng chữ cái Latin, mang đến cho người dùng cái nhìn hoàn toàn mới với các con chữ.
Tính tượng hình của DEN thể hiện qua những nét chữ vững chãi như trụ cột của một ngôi đền, lại mềm mại tựa các chi tiết trang trí như mái vòm uốn cong. Hình khối hiện đại phối hợp với phong cách Á Đông tuy khiến cho bộ chữ có phần kén người dùng nhưng vô cùng độc đáo.
Ảnh: datdo.work
Những bộ quà bánh Trung Thu vô cùng đặc sắc
Chiếc bánh dẻo thơm mùi nếp, đượm hương đồng nội hay bánh nướng ngọt ngào vốn là thức quà không thể thiếu trong tết Trung Thu. Giá trị của những chiếc bánh ấy sẽ càng nâng lên khi được cẩn trọng đóng gói trong mẫu bao bì xinh xắn. Với tết Trung Thu Kỷ Hợi, các nhãn hàng đã đem đến vô vàn packaging độc đáo.
- The Tale of ‘Cuoi’ đến từ The Coffee House
The Purpose Group, đơn vị thực hiện dự án, quả thực đã gây bất ngờ với chiếc hộp bánh được thiết kế tích hợp với công dụng của một chiếc đèn lồng cầm tay, có áp dụng cả công nghệ AR. Chú Cuội và Hằng Nga trong những câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em giờ đây khoác lên mình diện mạo mới toanh với trang phục phi hành gia, giày thể thao,…
Thiết kế vừa kết hợp công nghệ cùng với văn hóa dân gian không chỉ khiến cho những bạn nhỏ cảm thấy thích thú mà ngay cả người lớn cũng thấy phấn khích khi chiêm ngưỡng mẫu bao bì này!
- Trung Thu Xưa: The Bloom
Lại một sản phẩm đến từ The Bloom, bốn bộ set quà Trung Thu Xưa được mô tả “dịu dàng như một khúc đồng dao, vẹn tròn như một vầng trăng ấm”.
Vẫn mang cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ, các bộ Rước Mộng Trăng Thu (set Thượng hạng), Chú Cuội Ôm Mơ (set Tình thân), Ông Trăng Xuống Trần (set Thấu hiểu) và Hằng Nga Thưởng Nguyệt (set Nhắn nhủ) ẩn chứa những câu chuyện và phong vị riêng.
Kết
Bên cạnh những câu chuyện trên trên còn vô vàn sản phẩm với tính ứng dụng cao mang đặc trưng dân gian vào trong thiết kế mà chúng ta không thể nào kể hết. Tuy con đường này không dễ đi, nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, niềm khát khao quảng bá Việt Nam đến với các bạn bè trên thế giới cùng thái độ kính nghiệp, tận tâm với sản phẩm chắc chắn những nhà thiết kế trẻ của chúng ta sẽ còn gặt hái đượ’c những thành công mới cùng những sáng tạo có giá trị cao!
Tổng hợp: Jane