Phan Anh Quân: ‘Mình muốn dự án mang cảm hứng chứ không bị gò bó trong khuôn khổ của phong cách dân gian Việt’

“Nếu như cổ tích là thứ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ những ngày còn bé, thì chính những câu truyện cổ tích sẽ là con đường chữa lành đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta.”

Mang cùng sứ mệnh “chữa lành những tâm hồn non trẻ đang loay hoay đi tìm ánh sáng cho cuộc sống bộn bề hiện tại”, Tarot đã và đang chiếm được niềm tin của đông đảo giới trẻ Việt Nam hiện nay. Nhưng sẽ ra sao khi những câu chuyện cổ tích được tiếp cận đến người đọc, người nghe, người xem theo một phương thức mới mẻ đương thời như Tarot?

“Tích Tịch Tình Tang”, dự án Tarot lấy cảm hứng từ chủ đề “Cổ tích Việt” do Phan Anh Quân (hay còn được mọi người gọi với cái tên thân mật matsaymayram), sinh viên ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Văn Lang sẽ giúp chúng mình đi tìm lời giải cho thắc mắc trên. 

Các trang thông tin và liên hệ với Quân

Facebook | Behance

Giới thiệu một chút về dự án:

 “Tích Tịch Tình Tang” ra đời với lý tưởng mang đến một quyển cổ tích Việt Nam, vượt ra khỏi thời gian và không gian, được xây dựng theo chuẩn Rider Wait Tarot.

Bạn sẽ thấy những nhân vật cổ tích quen thuộc xuất hiện trong hình hài một lá bài Tarot như Tiên Cờ Đế Thích trở thành The Magician, hay Âu Cơ trong vai trò của The Empress. Mỗi trang sách sẽ ẩn chứa một câu chuyện riêng và cả lá bài Tarot tương ứng. Người xem phải tự mình lật qua từng trang sách để thu thập đủ 22 lá bài.

Cùng chúng mình trò chuyện với Quân để giải mã những câu chuyện đằng sau “Tích Tịch Tình Tang” ngay sau đây nhé!

Bản thân Quân có phải là người chơi hệ Tarot?

Để mà nói mình là người chơi hệ Tarot thì chắc mình không dám nhận đâu, tại mình cơ bản chỉ thích tìm hiểu cũng như là sưu tầm thôi (cười)

Điều gì khiến Quân quyết định thực hiện một bộ bài Tarot để làm đồ án tốt nghiệp?

Mình thích Tarot, mình có sưu tầm một vài bộ và mỗi bộ đều có những điểm mình không thực sự thích, nên mình muốn thử làm một bộ Tarot hoàn toàn theo ý thích của mình xem sao. Đó là lý do mình chọn Tarot làm đề tài cho đồ án tốt nghiệp của mình.

Ban đầu, đây là một quyết định khá liều lĩnh vì bản thân mình tương đối lười và mình vẽ khá chậm. Nên việc hoàn thành nhiều bức vẽ trong thời gian ngắn là việc không tưởng với mình. Rất may là sản phẩm cuối cùng hoàn thiện trên mong đợi của mình rất nhiều.

Vậy vì sao bạn lại chọn “Cổ tích Việt Nam” là chủ đề cho bộ Tarot?

Trên thế giới, Cổ tích là một đề tài được khai thác trong Tarot khá phổ biến. Việt Nam cũng đã cho lên thị trường một vài bộ bài Tarot mang văn hóa Việt, tuy nhiên, chưa có bộ bài nào khai thác truyện cổ tích, nên mình cũng muốn thử góp chút xíu công sức vào thị trường này. Lý do khác nữa khiến mình chọn làm cổ tích Việt Nam là vì mình đã có một bộ bài cổ tích thế giới, trong bộ đó có một lá là truyện Sự Tích Dưa Hấu.

Ngoài những lý do trên, mình chọn cổ tích vì chúng đã gắn bó với quá trình trưởng thành của mình. Mình được lớn lên qua các câu truyện cổ tích mẹ kể, chúng nuôi dưỡng tâm hồn mình rất nhiều. Thông qua Tarot – một phương thức chữa lành tâm hồn – sẽ mang những câu chuyện ấy một lần nữa đến với nơi đứa trẻ bên trong mỗi chúng ta, gợi nhớ lên những ước mơ non trẻ, những niềm vui giản đơn khi chúng ta còn nhỏ, và còn để chúng ta tìm thấy ánh sáng cho chính cuộc sống bộn bề hiện tại.

Để xây dựng một hệ thống nội dung phù hợp dựa trên chủ đề “Cổ tích Việt” cần phải có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ lưỡng. Quân đã thực hiện quá trình này như thế nào cho “Tích Tịch Tình Tang”? Mất bao lâu để hoàn thiện nó? Và bạn đã gặp những khó khăn nào?

Việc chuẩn bị cho “Tích Tịch Tình Tang” là phần mình thấy khá thú vị nhưng cũng ngán lắm, tại vì mình phải tìm những câu chuyện có nội dung phù hợp với từng lá bài. Tức là ngoài những truyện đã biết, mình còn phải đọc thêm rất nhiều những câu chuyện khác nữa. Cũng nhờ đó mình phát hiện được rất nhiều những câu chuyện thú vị. Khác với nỗi lo rằng sẽ không có đủ dữ liệu để mình sử dụng, càng tìm hiểu mình lại càng có thêm rất nhiều điều hay ho để có thể đặt vào các lá bài. 

Mình cũng có tìm hiểu xem cách những bộ bài Tarot cùng chủ đề khai thác những câu chuyện cổ tích như thế nào, và cách họ đặt để các biểu tượng Tarot ra sao. Sau đó, mình biên tập lại sao cho khi đọc vào có thể thấy nổi bật được những từ khóa hoặc giai thoại có liên quan đến ý nghĩa của lá bài. Như vậy sẽ dễ tiếp cận hơn. 

Mình mất khoảng gần một tháng cho việc hoàn thành tìm truyện và biên tập nội dung cho “Tích Tịch Tình Tang”. Khó khăn lớn nhất là phải biên tập hết lại tất cả truyện trong khi mình là đứa sai chính tả như cơm bữa. (cười)

Tiến trình minh họa một lá bài đã diễn ra như thế nào? Việc lựa chọn các biểu tượng (trong truyện cổ tích) để minh họa cho lá bài dựa trên những tiêu chí nào?

Ban đầu mình sẽ lên sketch (phác họa) và chọn ra bức sketch ổn nhất, lên detail (chi tiết) rồi đi trắng đen trước, sau đó mới chọn màu để hoàn thiện. 

Tiêu chí mình đặt ra cho “Tích Tịch Tình Tang” là phải dễ tiếp cận nhất có thể. Ngoài việc sử dụng truyện cổ tích Việt Nam để các bạn dễ dàng hiểu và rút ra bài học từ chúng hơn, thì mình còn cố gắng chọn bố cục làm sao cho nó có nhiều nét tương đồng với chuẩn Rider – Waite nhất. Làm như thế thì người mới chơi Tarot sẽ dễ nhận biết các lá bài hơn dù cho hình ảnh và màu sắc khác đi ít nhiều.

Đâu là lá bài được chỉnh sửa nhiều nhất (cụ thể như thế nào)?

Hai lá được chỉnh sửa nhiều nhất là The Empress (Âu Cơ) và The Emperor (Lạc Long Quân). Ban đầu mình chọn hai truyện khác nhau cho hai lá này, nhưng nghĩ lại thì mình quyết định tách hai nhân vật này ra từ cùng một truyện. Cũng vì vậy nên mình phải biên tập Họ Hồng Bàng lại thành hai truyện, một cho Âu Cơ và một cho Lạc Long Quân. 

Ngoài ra, lúc vẽ hai bức này mình có hơi tham chi tiết nên lúc hoàn thiện hai lá này out (lệch) hoàn toàn so với các lá đã vẽ trước đó, mình bắt buộc phải lược giản lại rất nhiều chi tiết so với bản đầu tiên.

Phong cách minh họa mà Quân sử dụng trong bộ bài Tarot là gì?

Phong cách mình dùng trong “Tích Tịch Tình Tang” là phong cách cá nhân của mình, nhưng có lấy cảm hứng từ tranh sơn dầu để tạo lên texture (kết cấu) cũng như hệ thống màu sắc mang nhiều nét dân gian hơn. 

Mình muốn “Tích Tịch Tình Tang” mang cảm hứng dân gian Việt Nam chứ không quá bị gò bó trong khuôn khổ của phong cách này. Từ đó, mình sẽ có một ngôn ngữ riêng để tiếp cận đến các bạn trẻ tốt hơn, độc nhất hơn.

Bộ bài Tarot “Tích Tịch Tình Tang” hiện có bao nhiêu lá? Và dự kiến sẽ có tổng cộng bao nhiêu lá bài?

Vì là đồ án tốt nghiệp, trong khuôn khổ có thể mình chỉ hoàn thiện “Tích Tịch Tình Tang” ở bộ ẩn chính, tức 22 lá. Và hiện tại mình chỉ dừng lại ở đó, chưa có dự định tiếp tục hoàn thiện bộ bài này dưới hình thức full deck (78 lá).

Quân có dự định gì cho dự án này trong thời gian sắp tới không? Liệu mọi người có cơ hội cầm trên tay bộ Tarot “Tích Tịch Tình Tang” trong tương lai?

Hiện tại mình đang đã tạm hoãn việc hoàn thành “Tích Tịch Tình Tang” để cải tiến một dự án Tarot khác. Mong rằng dự án này sẽ sớm hoàn thiện và được sự quan tâm từ mọi người y như “Tích Tịch Tình Tang”.

Còn về “Tích Tịch Tình Tang” thì do mình tham quá trong khâu bao bì nên muốn sản xuất thì chi phí sẽ khá cao, nên mình cũng chưa biết có nên thương mại hóa dự án này không.

Bạn đọc có thể xem trọn vẹn dự án “Tích Tịch Tình Tang” tại đây.

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

Cổ tích Việt Nam idesign signature may Phan Anh Quân tarot Tích Tịch Tình Tang

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…