Những điều mà nền văn hoá Rave đang dạy cho các nhà thiết kế đồ họa

(Rave ở đây có thể dịch nôm na sang tiếng Việt là ”quẩy” – Rave Culture là một nền văn hoá xuất hiện ở Anh vào tầm những năm 50 của thế kỷ 20 – Khi nhắc đến Rave người ta sẽ liên tưởng đến những bữa tiệc lớn với các bài nhạc sàn, nhạc điện tử, người nghe thì đang thả hồn và ”bay” cùng âm nhạc. Người dịch xin phép dùng từ gốc trong bài viết)

”Khi bạn bỏ qua yếu tố truyền thống và lịch sử, bạn sẽ tìm thấy sự tự do cho riêng mình” – Nav Haq trong phần giới thiệu của ông về quyển sách [Rave và ảnh hưởng của nó đối với nghệ thuật và văn hoá] – ”Và chính sự sáng tạo không ngừng nghỉ này đã thổi bùng cái cảm giác tràn đầy sức sống mà Rave mang lại”.

Cảm giác tự do và ”sự sáng tạo không ngừng nghỉ” là những yếu tố quan trọng của một thiết kế đồ hoạ mang tính đột phá. Nền văn hoá Rave đã đem đến một ngôn ngữ đồ họa mang tính phổ thông trong những thập kỷ đầu tiên mà nó xuất hiện – và ngôn ngữ siêu việt này vẫn là một phần không thể tách rời với nguồn gốc của chúng.

Các áp phích Rave của những năm 1980 và thập niên 90 cho ta thấy một sự hoan hỉ vui vẻ, gợi sự đối lập với phong cách punk của những thập kỉ trước đó. Kiểu in đậm và khá loè loẹt, màu sắc thường phản quang giống đèn neon, hình ảnh thì như các hình cắt dán được xếp chồng lên nhau vậy. Những mẫu thiết kế thời đó thường tập trung vào mục tiêu duy nhất đó là thông báo thời gian, địa điểm và hình thức của các bữa tiệc ”quẩy”. Người ta thường sử dụng các bảng quảng cáo sáng chói để phản ánh sự ”ăn chơi” của mình; kiểu in thường khá lớn, đủ để người khác có thể đọc được trong tình trạng nhập nhèm.

Giám đốc thương mại của công ty tư vấn thương hiệu Bugler Smith – Paul Gosling đã từng làm việc với nhiều khách hàng trong lĩnh vực âm nhạc khiêu vũ và thành lập trang web Crazy Animal Face, với mục đích xem xét các mối liên kết giữa thiết kế và minh họa và âm nhạc. Ông chia sẻ, ngày nay các nghệ sỹ cũng như các hộp đêm không quá chú trọng vào áp phích nữa, mà họ thường chú trong nhiều vào các nội dung số có thể chia sẻ hơn.

“Khi bạn nhìn vào những tấm áp phích bây giờ, chúng được tạo ra với mục đích làm kỉ niệm cho sự kiện hoặc sưu tầm nhiều hơn. Khi bạn đi bộ qua các đường phố và nhìn vào đó, các tấm áp phích chỉ có một mục đích là xác nhận lại các thông tin của sự kiện – thứ mà có lẽ bạn đã biết trước thông qua email hay các trang bán vé rồi. Có lẽ giờ đây nền văn hoá Rave đã khá thịnh hành nhưng thế hệ hiện nay không biết được rằng trước đây, nền văn hoá này là một cơn sốt thực sự. Chúng ta vẫn sử dụng ảnh áp phích, nhưng thường thì bạn hay tải nó xuống làm hình nền điện thoại cho đẹp thôi chứ không như ngày xưa nữa. ”

Khi các tấm áp phích cần một chút bí hiểm, họ đã lấy cảm hứng từ một vài phương pháp thiết kế và minh hoạ khá là thú vị, dần dần theo thời gian, chúng trở thành một biểu tượng cho nền văn hoá Rave. Và biểu tượng dễ nhận thấy nhất đó chính là icon mặt cười. Biểu tượng màu vàng tươi vui này xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1960. Nguồn gốc của nó tới nay vẫn gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhiều người nói rằng biểu tượng mặt cười được sử dụng lần đầu vào năm 1963 trên một chương trình TV dành cho trẻ em ở Mỹ với tên gọi The Funny Company. Cũng cùng năm đó nhà thiết kế Harvey Ball đến từ Massachusetts thiết kế một biểu tượng mặt cười cho công ty State Mutual Life Assurance, nhưng ông lại không đăng ký tác quyền cho thiết kế của mình. David Stern, một nhà thiết kế đến từ Seattle, cũng tuyên bố ông là người đã tạo ra nó. Cho đến ngày nay tác quyền thực sự của biểu tượng này vẫn còn là một ẩn số.

Biểu tượng khuôn mặt cười đã được công nhận rộng rãi trong những năm 1970 khi anh em nhà Philadelphia Bernard và Murray người Tây Ban Nha kết hợp với khẩu hiệu “Chúc một ngày tốt lành” trên các huy hiệu – và họ đã bán được 50 triệu đô chỉ trong năm 1972. Vị thế của nó với tư cách là đại diện cho nền văn hoá Rave càng được củng cố vào năm 1988, khi nhóm nhạc Bomb the Bass lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh của Alan Moore và Dave Gibbons Watchmen, đặt biểu tượng vào bìa đĩa đơn Beat Dis của họ. Ban tổ chức và DJ Danny Rampling đã sử dụng biểu tượng mặt cười trên tờ rơi cho hộp đêm Shoom, và ngay sau đó, biểu tượng tròn màu vàng này nhanh chóng nổi lên cùng với sự kiện Summer of Love, sau được sử dụng trên các huy hiệu, rồi lại đại diện cho những cái xấu, kẻ ác, và cuối cùng trở thành biểu tượng văn hóa của câu lạc bộ. Nó đã được sử dụng nhiều lần, các agency như Wonder Room đã gây ngạc nhiên khi sử dụng biểu tượng này kèm với màu hồng trong các áp phích quảng cáo cho buổi gặp gỡ Soup Kitchen tại Manchester.

Áp phích Wonder Room

Ở những nơi khác, các biểu tượng của nhiều câu lạc bộ thường là các bảng màu sắc rực rỡ và không kém phần chói mắt. Việc sử dụng các mẫu màu cường độ cao, rực rỡ nhằm mục đích gợi cảm giác như đang hưng phấn. Mặc dù các nhà thiết kế dường như dựa trên trải nghiệm của riêng mình để tạo ra sản phẩm, có một số minh chứng khoa học bài bản đã nghiên cứu các tính chất này. Vào năm 1926, nhà tâm lý Heinrich Klüver của Đức và Mỹ đã nghiên cứu ảnh hưởng của các chất gây ảo giác đối với người sử dụng và ông đã nhận thấy rằng hình ảnh mà họ trải nghiệm là các mẫu hình học mang tính cố định – được gọi là “hằng số mẫu” – đi kèm với các ”màu sắc mang tính tương phản cao”. Và điều này thường được tái hiện lại thông qua hình ảnh các câu lạc bộ trong quá khứ và cả hiện tại, ví dụ điển hình nhất có lẽ là tác phẩm Hard Times của Chelsea Louise Berlin, một tác phẩm có thể làm cho những người xem khó tính nhất cũng cảm thấy mãn nhãn.

Tác phẩm Hard Times của Chelsea Louise Berlin

Ngày nay, ảnh hưởng đó được thể hiện trong tác phẩm của các nhà thiết kế hiện đại, cũng như nhiều thiết kế áp phích cá nhân khác như các tác phẩm của Hanse van Halem, người có khả năng sử dụng typography một cách thần kỳ cho khách hàng bao gồm các thương hiệu lớn như Wired Germany và Galerie Block C ở Groningen.

Gosling nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa các thiết kế Rave thời kỳ đầu và thiết kế đồ họa thương mại hiện nay. “Nếu bạn nhìn vào logo và phông chữ của Thế vận hội Olympic 2012 được thiết kế bởi Wolff Olins, đối với tôi, đó chính là nền văn hoá Rave” ông nói. “Tính thẩm mỹ của Rave đã truyền cảm hứng thiết kế lên các yếu tố như mật độ tương phản, các lớp hình ảnh, và xu hướng thiết kế sử dụng các nét đậm. Tôi luôn cảm thấy hoài niệm mỗi khi nhìn thấy mọi người tô vẽ mặt mình với những chấm đầy màu sắc tại Global Gathering, và mọi thứ đang dần quay lại. À và có thêm cả mũ tai bèo (bucket hat ) nữa chứ. ”

Bên cạnh những chiếc đèn neon và những cái mũ, phong cách cắt dán đặc trưng của các hộp đêm Rave cũng đang có dấu hiệu hồi sinh. “Chúng ta có thể dễ dàng thấy được trào lưu photo-mashup ở khắp mọi nơi; lấy những bức hình, những chi tiết từ những nơi khác nhau và ghép chúng lại với nhau,” Gosling nói. “Tôi không muốn sử dụng từ ‘tương tự’ vì như thế nghe không đúng lắm, nhưng sự lôi cuốn mãnh liệt khi thấy hàng tá những bức ảnh và sơn màu được dán và tô vẽ trên những bức tường là không thể nào chối cãi.”


Tác phẩm mà đơn vị thiết kế Pháp Alles Gut thiết kế cho Laurent Garnier cũng sử dụng những ý tưởng và hình ảnh thuộc nghệ thuật đại chúng như như tác phẩm của Pháp Twice Studio thiết kế cho đại nhạc hội Baleapop. Nhà thiết kế người Đức, Mark Bohle đã thiết kế những tấm áp phích cho các hộp đêm sử dụng phong cách văn hoá Rave thời kỳ đầu, sử dụng những hình ảnh siêu thực, màu sắc tươi sáng được vẽ bằng tay, tất cả những yếu tố đó đã góp phần tạo những sản phẩm khác biệt và cực kỳ cuốn hút.

Như một sự phá cách về màu sắc, đơn vị thiết kế đến từ London, Zak Group cũng vừa tung ra bản thiết kế typography cho album hình Blond của Frank Ocean, đi kèm với tạp chí Boy Don’t Cry. Tác phẩm sử dụng phong cách đại diện cho nền văn hoá Rave ở thế kỷ 21, với hình ảnh được sao chép trông có vẻ rẻ tiền, các nét chữ tạo cảm giác như vừa bị loang màu, các biểu tượng thì biến hoá kỳ ảo, và tất cả những điều đó đã tạo nên một lăng kính màu sắc cực kỳ độc đáo.

Do bản chất của Rave thời kỳ đầu – hầu hết là những bữa tiệc underground và bất hợp pháp – rất ít những bức ảnh hay bằng chứng về những bữa tiệc Rave được lưu lại. Do vậy, bên cạnh phong cách thời trang còn sót lại, thì điểm nổi bật còn lại của nền văn hoá Rave chính là những ánh đèn neon. Và những điều còn sót lại này đã được đưa vào nghệ thuật đương đại, điển hình như tác phẩm Bless This Acid House của Jeremy Deller, một tác phẩm giao thoa giữa nền văn hoá nghiện ngập và cuộc sống buồn tẻ thường ngày. Vào giữa những năm 90, các nghệ sĩ cũng đã tạo ra một loạt các áp phích quảng bá các sự kiện không có thật; có một mẩu quảng cáo về một buổi triễn lãm thông tin về dòng nhạc acid house tại phòng trưng bày nghệ thuật Tate ở Liverpool, và tất nhiên là sự kiện này không hề tồn tại.

Và gần đây, Deller đã làm việc với nhà thiết kế đồ họa Fraser Muggeridge ở London thiết kế thương hiệu cho buổi triển lãm Utopia tại Somerset House. Ngôn ngữ thiết kế chủ đạo của tác phẩm là một icon mặt cười màu vàng và hồng, điều này chứng tỏ sự ảnh hưởng, tính phổ biến của nền văn hoá Rave lên ngành thiết kế đồ hoạ ngày nay.

Cảm giác tự do và sự thận trọng trong việc tiếp cận đồ họa là điều làm cho hình ảnh của nền văn hoá Rave trở nên nổi bật và tươi sáng một cách lâu dài. Không có một quy tắc gò bó nào cả, những gì mà nền văn hoá Rave mang lại lạ sự lạc quan, tươi mới. Walter Van Beirendonck, một nhà thiết kế thời trang người Bỉ đã định nghĩa về thời trang hộp đêm vào cuối thập niên 80, nói với một phóng viên về quyển sách [Rave và ảnh hưởng của nó đối với nghệ thuật và văn hoá], “Hạn chế duy nhất mà chúng tôi gặp phải là kỹ thuật và kiến thức chuyên môn. Vì thế, chúng tôi luôn phải chủ động tìm ra các giải pháp, tìm hiểu mọi thứ… Đó chính là điều đã mang lại cảm giác tự do cho tôi vào thời bấy giờ”. Không có gì là giới hạn cả – từ những bản nhạc sôi nổi, những bộ quần áo may sẵn một cách rẻ tiền cho tới những tấm áp phích, những tờ rơi bắt mắt. Trong những năm trở lại đây, những vết tích của một thời vàng son đó đang được tái hiện lại thông qua rất nhiều tác phẩm nhờ vào các nhà thiết kế đồ họa đương đại.

Nguồn: Eyeondesign.aiga.org

Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

cảm hứng Kiến thức poster rave culture văn hóa

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Làng lụa Mã Châu
Làng lụa Mã Châu
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng thêu Văn Lâm
Làng thêu Văn Lâm
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
Tây Tạng là một nơi xa xăm, rất xa sự hiểu biết của hầu hết mọi người. Truyền thông phương Tây chỉ nói về khu vực này khi nó dính…
Noah Baker chia sẻ về thiết kế áp phích và cách anh ấy tránh bị ‘mắc kẹt trong những cái hố thẩm mỹ’
Noah Baker chia sẻ về thiết kế áp phích và cách anh ấy tránh bị ‘mắc kẹt trong những cái hố thẩm mỹ’
Đối với nhà thiết kế có trụ sở tại New York, áp phích (posters) là một phương tiện hấp dẫn vì chúng phải truyền đạt thông tin: “Cốt lõi chúng…