100 năm trường phái De Stijl | Phần 2: Dấu ấn khó phai màu
Ở phần 1, ta đã điểm qua vài cột mốc đáng nhớ, các quy tắc cơ bản, và những nhà thiết kế lỗi lạc – những người đặt nền móng cho trường phái De Stijl. Phần 2 này, hãy cùng đến thăm những thành phố lớn của Hà Lan, nơi mà trường phái De Stijl đã để lại dấu ấn của mình trong suốt 100 năm hình thành và phát triển.
Nổi bật nhất có thể kể đến Viện bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam. Bên cạnh đó còn có những thành phố nổi tiếng khác như Utrecht, Rotterdam, Amersfoort, Den Haag và Eindhoven.
Rotterdam
Đầu tiên phải kể đến tòa nhà De Unie được xây vào năm 1925 bởi Jacobus Oud, một kiến trúc sư của nhóm De Stijl. Một công trình nổi bật và mang đậm dấu ấn của trường phái này với tông màu cơ bản cùng với những khối hình học được xếp dọc ngang.
J.J.P Oud – De Unie Building (1925)
Điểm dừng chân tiếp theo là Viện bảo tàng Het Nieuwe Insituut, nơi mà nhà thiết kế Sabine Marcelis đã đóng góp một công trình đậm chất De Stijl. Nhà thiết kế tài ba này đã xây dựng nên một không gian 3D dựa vào phong cách của họa sĩ Mondrian. Những màu sắc cơ bản nay được tái hiện lại trong những hình thái trong suốt và lạ mắt. Bên cạnh đó còn có hệ thống đèn giúp cho các màu sắc trở nên nổi bật hơn.
Sabine Marcelis – Spatial Composition in Red, Blue and Yellow (2017)
Amsterdam
Từ cuối năm 2016 Viện bảo tàng Stedelijk đã bắt đầu tổ chức các hoạt động kỷ niệm cho trường phái De Stijl. Có hai buổi triển lãm được tổ chức bao gồm: ‘De Stijl at the Stedelijk’ và ‘Chris Beekman: De Stijl Defector’ (bạn đọc có thể xem chi tiết tại đây). Trong số các tác phẩm đáng chú ý, có thể kể tới Infe©ted Mondrian của nhóm họa sĩ General Idea. Thay vì sử dụng ba màu truyền thống của Mondrian là đỏ, vàng, xanh dương, họ đã thay màu vàng bằng màu xanh lá, tượng trưng cho việc bức trang bị ‘nhiễm độc’ (infected).
General Idea – Infe©ted Mondrian (1994)
General Idea là một nhóm gồm ba họa sĩ, Felix Partz, Jorge Zontal và AA Bronson, hoạt động trong khoảng thời gian 1967 tới 1994. Đây là những người tiên phong trong việc đưa khái niệm cũng như hiệu ứng truyền thông vào các tác phẩm nghệ thuật. Những tác phẩm của họ thường xoanh quanh cuộc khủng hoảng AIDS, đó là lý do họ sử dụng màu xanh lá ở đây. Lý do họ chọn các tác phẩm của Mondrian cũng như trường phái De Stijl là để “luận bàn về chủ đề trong thẩm mỹ”, luận bàn về sự giao thoa của cuộc sống và nghệ thuật.
Tại buổi triển lãm còn có tác phẩm Blue Red Rocker của họa sĩ Ellsworth Kelly. Một tác phẩm trừu tượng mang phong cách tối giản chỉ với bộ màu và hình khối căn bản.
Ellsworth Kelly – Blue Red Rocker (1963)
Tại trung tâm nghiên cứu Bijzondere Collecties cũng có một buổi triển lãm liên quan tới trường phái De Stijl với tên gọi ‘Modernism: in print’ (bạn đọc có thể xem chi tiết về buổi triển lãm này tại đây).
Studio PutGootink – Modernism in Print (2017)
Amersfoort
Amersfoort là nơi sinh của danh họa Mondrian, chính vì vậy mà viện bảo tàng quốc gia Mondrian được đặt tại nơi đây: the Mondriaanhuis (tên gốc Hà Lan của ông). Viện bảo tàng Mondriaanhuis tái hiện lại cuộc đời cũng như phong cách nghệ thuật của vị họa sĩ đại tài này. Từ bức tranh sơn dầu theo trường phái Ấn tượng đầu tiên cho đến những tác phẩm trừu tượng đã làm nên tên tuổi của ông đều có mặt tại nơi đây. Mặc dù vậy, nơi đây tạo cho du khách cảm giác khá là gò bó do nhồi nhét quá nhiều thứ vào một không gian hẹp. Thêm vào đó, còn có một bản sao căn hộ nơi ông từng sống lúc sinh thời. Căn hộ mang trên mình một hệ thống chiếu sáng có phần giả tạo và gượng ép (thế kỷ 19 lấy đâu ra hệ thống đèn tối tân như vậy). Sẽ tuyệt hơn nếu người ta làm lại một cách nguyên bản thay vì chế ra mấy thứ thừa mứa như vậy.
Mondriaanhuis – Mondrian’s Studio Replica
Cũng may là ngoài những điểm trừ vừa kể trên, nơi đây có một màn trình diễn khá hay ho. Trong một căn phòng tối, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh về cuộc đời của Mondrian được chiếu trên một khối hộp. Bạn sẽ bắt gặp những bức hình nơi ông lớn lên, học tập và làm việc, kèm theo đó là các tác phẩm nổi bật của ông. Đoạn kết của video mới là phần tuyệt vời nhất: những khối màu sắc trong tác phẩm của ông phản chiếu khắp nơi trong căn phòng, từ sàn nhà cho đến tường. Bạn đọc có thể xem ở đoạn video quay lại dưới đây, nhưng mà tự mình trải nghiệm thì vẫn tuyệt hơn đấy.
Mondriaanhuis – Video Installation
Tại Amersfoort còn có buổi triển lãm Kleuren van De Stijl/The Colours of De Stijl được tổ chức tại nhà văn hóa Kunsthal KAdE. Phong cách De Stijl được thể hiện thông qua các màu đỏ, vàng và xanh dương phủ lên các hình khối.
Buổi triển lãm thực sự rất xuất sắc và truyền đạt được rất nhiều phong cách khác nhau. Khi vừa bước vào bạn sẽ chạm mặt ngay tác phẩm ‘Who’s Afraid of Red, Yellow and Blue III’ bởi họa sĩ Barnett Newman. Một tác phẩm sử dụng tông màu đỏ kèm với những sọc kẻ nhỏ màu vàng, xanh dương ở hai bên.
Kunsthal KAdE – De Kleuren van De Stijl exhibition space
Kế bên là một số tác phẩm của họa sĩ Yves Klein cùng với màu sắc ‘độc quyền’ của ông, International Klein Blue. Bên cạnh đó, còn có một số tác phẩm đương thời của họa sĩ Olafur Eliasson, nơi người xem có thể khám phá việc sử dụng ánh sáng để pha trộn màu sắc.
Kunsthal KAdE – De Kleuren van De Stijl (2017)
Den Haag
Đặt chân tới nơi đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tòa nhà được “Mondrian hóa” đặc sệt phong cách De Stijl. Báo chí gọi sự kiện này là “bức họa Mondrian lớn nhất thế giới nhằm tưởng niệm vị họa sĩ nổi tiếng nhất Hà Lan”. Điều này cho thấy rằng người dân nơi đây rất yêu nghệ thuật, cũng như trân trọng sự ảnh hưởng của trường phái De Stijl.
Den Haag Mondrianised Buildings (2017)
Tại viện bảo tàng Gemeente có tổ chức một buổi triển lãm về De Stijl với rất nhiều tác phẩm trứ danh của Mondrian, van Doesburg và Rietveld. Mặc dù vậy, ‘ngôi sao’ của buổi triển lãm ắt hẳn là tác phẩm còn dang dở của Mondrian: ‘Victory Boogie Woogie’. Bức tranh là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông và đồng thời là sự chuyển đổi từ phong cách trừu tượng đơn giản sang các sáng tác phức tạp hơn. Tuy nhiên, do sự nổi tiếng này mà người ta tới đây để chụp ảnh ‘tự sướng’ nhiều hơn là để thưởng thức nghệ thuật, thật đáng buồn làm sao. Giống như số phận của nàng Mona Lisa tại viện bảo tàng Louvre (Paris) vậy.
Piet Mondrian – Victory Boogie Woogie (1944)
Viện bảo tàng Van Abbe, Eindhoven, Hà Lan
Trong sự kiện Dutch Design Week tại Viện bảo tàng Van Abbe, có một buổi triển lãm nho nhỏ về trường phái De Stijl với một vài quyển tạp chí De Stijl, một vài bức họa của Mondrian cùng một vài bản phác thảo của van Doesburg. Đặc biệt hơn, tại buổi triển lãm có một bộ sưu tập rất đáng chú ý: “The Blanketing of De Stijl’s Visual Language”. Người xem có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng của phong cách De Stijl dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua bộ sưu tập này.
De Stijl-esque products
Mặc dù vậy, những tác phẩm trên tạo cho người xem cảm giác rằng De Stijl chỉ là công cụ dùng để trang trí cho đẹp – điều này đi ngược lại với quy tắc của trường phái: tạo ra một ngôn ngữ thiết kế chung giữa các tác phẩm.
De Stijl-esque Paper Pad, The White Stripes – De Stijl Album, Raf Simons De Stijl-esque boots
Utrecht
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu đặt chân tới đây mà không ghé vào tham quan công trình Rietveld Schröderhuis của kiến trúc sư Rietveld. Đây là một công trình với phần thiết kế nội thất vô cùng sáng tạo và độc đáo. Ngoại trừ khu vực vệ sinh, tường bên trong là các vách ngăn linh hoạt cho phép thay đổi quy mô các phòng theo nhu cầu sử dụng. Công trình này là một biểu tượng của trào lưu kiến trúc hiện đại, là minh chứng nổi bật về khả năng sáng tạo của con người theo các ý tưởng và khái niệm được phát triển theo trào lưu De Stijl. Cùng xem đoạn video dưới đây để tìm hiểu về cách ‘biến hình’ kỳ ảo của nó nhé.
Gerrit Rietveld – Rietveld Schroderhuis Demonstration
Tại viện bảo tàng Centraal, du khách tới tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật của nhóm General Idea (đã đề cập ở trên tại thành phố Amsterdam). Nơi đây trưng bày các tác phẩm ‘infe©ted’ (bị nhiễm độc) của nhóm bao gồm chiếc ghế của Rietveld, một vài tác phẩm đa chiều của Mondrian và một bức tranh lớn với đối tượng mà nhóm nhắm tới: AIDS; tất cả các tác phẩm đều sử dụng màu đỏ, xanh dương và xanh lá.
General Idea – Infe©ted De Stijl Artworks (1994)
Và để tổng kết lại 100 năm lịch sử của De Stijl, hãy cùng đến với bộ tem của Bưu điện PostNL được hoàn thiện bởi nhóm thiết kế Putgootink. Bộ tác phẩm này là một dấu kết tuyệt vời cho bài viết ngày hôm nay của chúng ta. Vậy còn bạn thì sao? Bạn có tìm được cho mình cảm hứng sáng tác qua bài viết ngày hôm nay chứ? Biết đâu trường phái De Stijl chính là câu trả lời cho thiết kế tiếp theo của bạn thì sao nhỉ? Đừng quên chia sẻ bài viết và để lại cảm nghĩ cho iDesign biết với nghen!
Post NL/Studio Putgootink – De Stijl Centenary Stamps (2017)
Tác giả: Craig Berry
Nguồn: medium.com
Người dịch: Hà Đình Nhân