Màu tím của năm 2018 qua góc nhìn lịch sử nghệ thuật

Trong nhiều thế kỷ, màu tím luôn có nhiều mối liên hệ với sự vĩ đại: quyền lực thống trị, tính cách vượt trội, và sự sáng tạo thiên tài.

Cleopatra và Julius Caesar đã bao phủ cung điện của mình và thậm chí cả thân thể họ bằng màu tím. Những nghệ sĩ Ấn tượng như Claude Monet trở nên ám ảnh với sắc màu này, họ đã bị giới phê bình buộc tội mắc bệnh “violettomania” (hội chứng màu tím – người bệnh thấy mọi thứ màu tím vì dành quá nhiều thời gian ngoài nắng). Và tiếp đó, không loại trừ, ông hoàng nhạc pop Prince đã xây dựng thương hiệu âm nhạc sôi nổi, ngợi ca tương lai của mình bằng một màu tím đậm đà, ướt át – tượng trưng cho một sức mạnh bí ẩn mà ông truyền đạt trong bài hát “Purple Rain”.

Vì những phẩm chất cao quý này mà hội đồng Pantone đã công bố màu của năm 2018: Ultra Violet. Công ty đã hết lời ngợi ca sức mạnh của sắc màu này với những cụm từ “khác biệt, độc đáo, và mang trong mình tầm nhìn hướng đến tương lai” trong một bài báo, không quên lưu ý về sự liên kết lâu đời với “dị biệt” và “sự sáng tạo không tưởng”.

Thật vậy, không có nơi nào mà sự ảnh hưởng đến ngành nghệ thuật và văn hoá của màu tím lại thể hiện rõ ràng hơn việc đi tham quan một vòng lịch sử nghệ thuật, từ những bức bích hoạ La Mã cổ đại đến Pop art.

Antoine-François Callet, Louis XVI, Vua nước Pháp và Navarre (1754-1793), đang mặc một trang phục hoàng gia năm 1779, 1789. Hình ảnh của Wikimedia Commons.
Josef Albers, Palatial, 1965, Susan Sheehan Gallery

Bắt đầu vào những thiên niên kỷ đầu TCN, con người phát triển được một loại chất màu được biết đến như là purpura hoặc màu tía Tyrian, có nguồn gốc xuất phát từ một loài động vật có vỏ gọi là ốc gai, nhưng không dễ dàng gì để tạo ra màu tím. Hơn 250,000 con chỉ sản xuất ra được khoảng 14 gram màu tím – vừa đủ để nhuộm một chiếc toga (áo choàng ngoài của những đàn ông La Mã cổ đại).

Được xếp vào loại hàng hoá hiếm, purpura trở nên đắt đỏ và rất có giá trị. Những người giàu có và nổi tiếng ở La Mã cổ đại, đặc biệt dưới thời đại của Julius Caesar – đã phải lòng màu sắc này. Sự hứng thú của Caesar đối với màu tím chớm bùng sau một chuyến viếng thăm đến cung điện hoang đàng của Cleopatra ở Ai Cập, được trang trí bởi những viên đá pocfia màu tía và những tràng kỷ bọc vải tím. Ngay khi trở về Rome, Caesar đã tuyên bố rằng chỉ riêng mình ông được mặc toga nhuộm tím hoàn toàn. Luật lệ dần trở nên hà khắc hơn vào đế chế sau, trị vì bởi Nero – thậm chí nêú có người nào dám chống đối, họ có thể bị lãnh án tử hình.

Những chính quyền sau dần nới lỏng luật lệ đối với màu tím, nhưng sắc màu này vẫn giữ mối liên hệ với quyền lực và danh vọng. Các bức bích hoạ khảm đá trang trí trong các villa La Mã thường sử dụng màu này để vinh danh địa vị xã hội. Những người trị vì Byzantine cũng yêu màu tím. Năm 547 SCN, vòng tròn khảm đá trong nhà thờ San Vitale ngày nay ở Ravenna, Italy, đã khắc hoạ chân dung hoàng đế Jutinian I vận từ đầu đến chân bộ trang phục màu tía; người cận thần bên cạnh ông cũng đeo một dải băng khiêm tốn với cùng loại chất liệu, cho thấy địa vị cao quý của họ. (Chính những người Byzantine đã phát minh ra cụm từ “born in the purple” – sinh ra trong nhung lụa)

Nhà thờ Thiên chúa giáo sau này cũng du nhập màu tím vào, và những bộ áo tím dành cho linh mục bắt đầu xuất hiện trong các tranh chân dung. Thế kỷ 18 triều đình Pháp cũng bắt đầu theo trào lưu: Antoine-François Callet đã vẽ vua Louis XVI năm 1779, miêu tả nhà vua trong bộ váy đăng quang màu mận tím.

Claude Monet, Waterloo Bridge, Blurred sun, 1903, “Monet – Lost in Translation” at ARoS Aarhus Museum of Art, Aarhus
Georgia O’Keeffe, Black Iris VI, 1936, Seattle Art Museum

Màu tím dần trở nên thịnh hành hơn sau khi nhà hoá học trẻ tuổi William Henry Perkin vô tình phát hiện ra cách chiết xuất thành phần cho chất màu này vào năm 1856. Anh bắt đầu với việc thử nghiệm hắc ín để chữa bệnh sốt rét và sau đó để ý rằng có một phần cặn màu tím trên vành của thiết bị y tế. Perkin gọi chúng là màu hoa cà, và sắc giai này đã nhanh chóng trở thành xu hướng thời thượng của thế kỷ cho các loại quần áo, đồ nội thất, và thậm chí là dây đeo cổ thú cưng. Trong một bài báo của Anh, Punch, đã nhắc nhiều lần đến sự điên cuồng cho sắc tím “hoa cà của bệnh sởi” này.

Một vài hoạ sỹ tiên phong của thời đại còn cố gắng để mắc chứng cuồng màu tím. Monet, cụ thể, là nhà vô địch về việc sử dụng màu tím trên những canvas Ấn tượng của mình. Trong những thập niên cuối của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, quá trình luyện tập của ông tập trung vào nghiên cứu sâu hiệu ứng của ánh sáng và bóng đổ bằng màu sắc. Ông tin rằng màu tím có thể miêu tả độ sâu của bóng tốt hơn hẳn màu đen và sử dụng màu tía không ngừng nghỉ. “Cuối cùng tôi đã tìm ra màu sắc đích thực của không gian,” ông từng nói. “Đó là màu tím. Không khí trong lành có màu tím.” Niềm đam mê của ông lan sang cả những đồng môn trường phái Ấn tượng, và xu hướng mới của hội sớm được miêu tả bằng hội chứng “violettomania”, một triệu chứng rối loạn về màu. Những người ủng hộ nghệ sĩ Ấn tượng, mặt khác, tin rằng họ có “một khả năng quan sát sắc sảo cho phép họ nhìn thấy được ánh sáng của tia cực tím ở tận cùng của dải quang phổ, thường là vô hình đối với những người khác,” như Stella Paul giải thích trong cuốn sách của mình Chromophilia: The Story of Color in Art.

Francis Bacon, Portrait of Michel Leiris, 1976, Guggenheim Museum Bilbao
Mark Rothko, Rothko Chapel, 1964–71. Ảnh của @ykcreative, nguồn Instagram.

Những hoạ sỹ cấp tiến khác của thế kỷ 20 thì sử dụng màu tím cho nhiều hiệu ứng đa dạng . Georgia O’Keeffe chọn những sắc thái của màu tím để tạo ra các nếp gấp sâu trong bức tranh Black Iris của mình năm 1926. Tương tự những hoạ sỹ Ấn tượng, cô không thực sự miêu tả hiện thực. Thay vào đó, cô sử dụng màu sắc và khuôn dáng của màu để khắc hoạ những nguồn lực vô hình – sự ấm nóng, nhạy cảm và mãnh liệt.

Một hoạ sỹ vô lề thói của thế kỷ 20 ở Anh Francis Bacon sử dụng màu tím hầu hết trong tất cả các bức tranh vẽ những cơ thể đang la hét vặn vẹo của mình. Đặc biệt, anh còn có một loạt tranh hoạ các giáo hoàng đang gào thét mặc bộ đồ màu tím. Trong Study after Velazquez’s Portrait of Pope Innocent X (1953), anh đã khép lại chủ đề những chiếc váy áo thạch anh tím bằng một cơn thịnh nộ, như thể đang cố gắng bào mòn sự độc quyền màu tím của Giáo hội Thiên Chúa.

Hoạ sỹ trường phái Biểu hiện Trừu tượng Mark Rothko cũng đùa nghịch với cầu nối thiêng liêng của sắc tím khi phủ đầy kiệt tác của mình, nhà nguyện Rothko ở Houston, Texas, với những bức canvas màu hạt dẻ, mận chín, và tím thẫm. Không giống như cách tiếp cận bóng bẩy của Bacon, mặt khác, Rothko tập trung vào sự thinh lặng, tính thiền của quang phổ màu tím. Trong cùng thời đại, James Turrell bắt đầu thử nghiệm với những khung cảnh thiên tiên, hoành tráng trong xu hướng Light and Space . Vài bức ông sử dụng sự đơn sắc hoà quyện với màu hồng fuschia đậm đà và lan toả; trải nghiệm bước vào những không gian này được miêu tả gần như là thần thánh.

Andy Warhol, Cow, 1977, Corridor Contemporary
Dan Alva, You Zig I Zag, 2016, Avant Gallery

Có thể mối liên kết rõ ràng nhất giữa lịch sử nghệ thuật và lựa chọn của Pantone cho màu ultra violet, đến từ một sự kiện ngành Pop art trong thập niên 1960. Dĩ nhiên, ta sẽ nhớ ngay đến những bản canvas in màu neon rực rỡ của Andy Warhol , nhưng thực tế là một người bạn của ông và là ngôi sao của The Factory Isabelle Collin Dufresne đã thực sự trở thành sắc màu này. Tới năm 1967, cô đổi tên thành Ultra Violet và nhuộm tóc tím, trang điểm eyeshadow màu tía và vận son tím đến bất cứ nơi nào cô tới. Cô tham gia một loạt những hoạt động sáng tạo nhằm mục đích biến chuyển ý nghĩa của màu tím hoa cà – từ cao quý, quyết liệt đến vượt trội – nhưng cũng phảng phất nét quyến rũ gợi tình.

Tác giả: Alexxa Gotthardt

Người dịch: Su Trần

Nguồn: https://www.artsy.net


Cùng tác giả

#Tag

2018 byzantine Kiến thức la mã lịch sử liên hệ màu của năm màu tím nghệ thuật pantone pop art thiết kế ultraviolet

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’  là một trong những cuộc thi hội tụ các tài năng thiết kế thuộc cộng đồng…