Lịch sử phát triển hình xăm của quân đội Hoa Kỳ
Tục xăm hình lâu đời có thể được tìm thấy trên các xác ướp có niên đại khoảng 4000 năm trước Công nguyên. Các nhà nhân chủng học cho rằng văn hóa xăm mình hoặc đánh dấu cơ thể xuất phát từ tôn giáo, ma thuật cho đến kỉ niệm đáng nhớ.
Trong khi các nhà nhân chủng học không thể xác định chính xác lý do tại sao người ta bắt đầu xăm hình hay cách nó phát triển trong lịch sử nhân loại, một lý do xuất hiện nhiều trong lịch sử là hình xăm biểu hiện hình ảnh một chiến binh.
“Hình xăm và các hình thức sửa đổi cơ thể vĩnh viễn là điều rất quan trọng trong việc thiết lập địa vị và danh tiếng của các chiến binh trong hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm”, Lars Krutak, một nhà nhân chủng học về hình xăm và người dẫn chương trình Tattoo Hunter của Discovery Channel, nói trong bài blog “War is Boring” năm 2014.
Từ người Hy Lạp cổ đại đến các bộ tộc Maori ở New Zealand đều đánh dấu các chiến binh của họ như một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của những chiến binh. Ngay cả trước khi hình xăm phổ biến trong quân đội Hoa Kỳ, các thủy thủ trong Chiến tranh Cách mạng đã xăm số nhận dạng cá nhân trên da của họ để tránh bị Hải quân Anh nhập ngũ bất hợp pháp.
Sự phát triển của hình xăm ở Hoa Kỳ
Công dân nhập cư người Đức Martin Hildebrandt được ghi nhân là thợ xăm đầu tiên đã mở tiệm xăm ở thành phố New York vào năm 1846. Ông đã đi khắp đất nước để xăm hình cho những người lính thời Nội chiến. Trong thời gian này, ông phục vụ trong Quân đội Potomac, và ghi chép lại về khoảng thời gian phục vụ của mình:
Cựu binh Nội chiến Wilbur F. Hinman đã viết trong cuốn tiểu thuyết Corporal Si Klegg and His Pard (Hạ sĩ Si Klegg và hình xăm của anh ta): “Mỗi trung đoàn đều có những người xăm mình, với đồ nghề gồm kim tiêm và mực in Ấn Độ, những người này đã trang trí cho tay chân và cơ thể của đồng đội bằng những lá cờ, súng hỏa mai, đại bác, thanh kiếm, vô số biểu tượng yêu nước và các biểu tượng chiến tranh kì dị.”
Mê tín và truyền thống đã đóng một vai trò trong việc thúc đẩy quân đội Hoa Kỳ xăm mình. Một số biểu tượng đại diện cho nơi mà một thủy thủ đã đến như những con rồng ở Châu Á, những cô gái hula ở Hawaii,… Một số thủy thủ tin rằng xăm hình một con lợn và một con gà trống trên vòm của mỗi bàn chân sẽ giúp họ không bị chết đuối.
Đến năm 1925, 90% những người lính hải quân đều sở hữu hình xăm. Sự phổ biến của hình xăm ở các thị trấn cảng trên khắp nước Mỹ đã khuấy động ngành kinh doanh này. Năm 1918, August “Cap” Coleman đã mở một tiệm xăm ở Norfolk và kiếm sống bằng nghề xăm mình cho các thủy thủ. Tiệm xăm của Coleman đã từng nổi tiếng đến mức không cần ghi địa chỉ mà khách hàng vẫn biết cách tìm đến nơi.
Từng làm học trò của Coleman trong 5 năm, Franklin Paul Rogers cũng được biết đến là người đã phát triển máy móc xăm hiện đại. Ông đã được biết đến nhiều nhất với phong cách xăm hình “cổ điển” và nổi tiếng trong văn hóa đại chúng sau đó. Với 50 năm gắn bó với nghề xăm hình, ông được mệnh danh là “Bố già của hình xăm Hoa Kỳ.”
Norman Keith Collins về sau cũng có ảnh hưởng lớn trong giới xăm mình ở Mỹ. Ông từng phục vụ trong Hải quân và đi đến nhiều vùng thuộc Đông Nam Á. Ông đã tìm hiểu về cách xăm và dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa và phong cách xăm hình của những khu vực đó. Phong cách xăm của ông nổi lên trên khắp nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20 và vẫn phổ biến cho đến ngày nay.
Văn hóa xăm hình sau chiến tranh
Sau Thế chiến thứ nhất, xăm mình đã mất đi vị thế xã hội, mặc dù vẫn là một niềm tự hào trong quân đội. Thợ xăm nổi tiếng Samuel M. Steward đã viết: “Hai phản ứng dường như có thể xảy ra với những người nhìn thấy hình xăm trên người. Một là sự mê hoặc hoàn toàn, một suy nghĩ rằng ở đây là một người đàn ông tuyệt đỉnh, một đấng nam nhi vĩ đại như một thủy thủ đi xa… Còn lại là một sự khinh bỉ hoàn toàn: hình xăm tượng trưng cho hình ảnh thu nhỏ của sự nhếch nhác, một thứ khiến cho người ta cảm thấy khinh thường.”
Chủ đề xăm mình trong Hải quân Hoa Kỳ (cũng như tất cả các dịch vụ quân sự) đã trở nên chia rẽ hơn trong những năm gần đây. Một số báo năm 1986 của All Hands (tạp chí chính thức của Hải quân) đã đăng một bài báo kêu gọi các thủy thủ xem xét lại việc xăm hình. Mặc dù đối với các cựu chiến binh ngày nay, hình xăm trước và sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự của họ đều chứa một câu chuyện và có thể được sử dụng như một hình thức trị liệu hoặc công nhận.
Các dự án như Service Ink khuyến khích các cựu chiến binh kể câu chuyện của họ qua hình xăm. Bên cạnh đó, chương trình Operation Tattooing Freedom ra đời nhằm cung cấp các hình xăm miễn phí như một phương tiện giúp xoa dịu cho các cựu chiến binh đang trải qua PTSD hoặc đau mãn tính.
“Một tháng ra khỏi trại huấn luyện (năm 1999), tôi đã có 11 hình xăm, đó đơn giản là những hình xăm thủy thủ điển hình. Khi tôi xăm mình, tôi có xu hướng ở trạng thái trung lập. Những lo lắng của thế giới biến mất, và tôi có thể ở trong khoảnh khắc đó.” cựu binh Lewis Hunt bị PTSP sau khi phục vụ ở Afghanistan hai năm.
Anh nói: “Tôi đã nói chuyện với thợ xăm của mình một lúc, anh ấy cũng là một cựu binh. Chúng tôi đã nói về những gì chúng tôi sẽ giải quyết, vị trí mà chúng tôi sẽ xăm. Sau khi xăm xong và đứng dậy, tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Vấn đề của tôi không biến mất, nhưng tôi có thể giải quyết vấn đề đó. Tôi nhận ra rằng hình xăm đó ảnh hưởng tích cực đến những phần khác trong cuộc sống của mình như thế nào”.
“Xã hội đang thay đổi quan điểm về hình xăm, và chúng ta cũng phải thay đổi cùng với điều đó,” cựu Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Ray Odierno nói với Military Times vào tháng 4 năm 2015. “Điều đó có ý nghĩa. Những người lính đã trưởng thành trong thời đại mà hình xăm được chấp nhận nhiều hơn, và chúng tôi phải thay đổi cùng với điều đó”.
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp