iD x Du Bút: ‘Ê có khi nào…?’ và tất tần tật về quy trình xuất bản sách sáng tạo (Phần 2)

Không giới hạn mình là một nhà xuất bản đơn thuần, với “Ê có khi nào…?”, lần đầu tiên Du Bút thử mình ở vai trò Art Direction. Từ đó, ta có một phép cộng hưởng giữa sáng tạo, những suy nghĩ ngược đời và người làm sách. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng “khai mở” Du Bút để tìm hiểu từ A-Z quy trình tạo nên cuốn sách đặc biệt “Ê có khi nào…?” và trò chuyện về ngành xuất bản sách sáng tạo ở Việt Nam.

Loạt bài bao gồm 2 phần:

Và đây là Phần 2!


10. Để một cuốn sách hoàn thiện và ra mắt độc giả, không thể thiếu được vị trí của BTV Nội dung và BTV Mỹ thuật. Phúc Du và Thanh Quỳnh có thể chia sẻ về quá trình biên tập của hai bạn, làm thế nào để dũng cảm loại bỏ những yếu tố thừa, cân bằng giữa mọi thứ và vẫn giữ được sự sáng tạo, độc đáo? 

Quỳnh: Nói thật là cũng cãi nhau nhiều lắm chứ không phải là không. Mình với Du làm việc trực tiếp ngay từ lúc nhận bản thảo thô. Phần biên tập là khó nhất, thử thách nhất với tụi mình. Vì ngoài hơn 300 câu viết trong bản thảo, anh Sói còn viết hàng ngày trên Instagram. Kết quả là tụi mình phải đọc hơn 1000 câu để rồi chắt lọc lại dựa theo một số tiêu chí. 

Thứ nhất là nội dung phải dễ tiếp cận với số đông. Có một số câu mình nghĩ không phải ai cũng hiểu với quá nhiều từ trong ngành quảng cáo. Những câu đó tuy rất xuất sắc, và mình rất đồng cảm vì cũng từng có trải nghiệm đó, nhưng một bạn làm kế toán, một bạn làm giáo viên có thể sẽ không hiểu. Bọn mình muốn cuốn sách này ai cũng có thể tiếp cận chứ không phải chỉ có một thiểu số “chơi với nhau”, nên sẽ phải mạnh tay, tiết chế đặc thù của ngành và mở rộng những phần dễ tiếp cận với mọi người hơn. 

Tiêu chí thứ hai là sẽ phải sử dụng nội dung độc đáo và không trùng lặp về đối tượng. Ví dụ với mạng xã hội, không cần thiết phải có 3-4 câu hao hao nội dung về Facebook. Về tình yêu thì có nhiều góc độ khác nhau chứ không chỉ có thất tình. 

Tiêu chí thứ ba là sẽ ưu tiên những câu gợi hỏi, gợi suy ngẫm và khó tìm câu trả lời. Tuy sự thật là không ai tìm câu trả lời khi đọc cuốn này cả, nhưng ban biên tập sẽ ưu tiên những câu hỏi có phần đọng lại để suy nghĩ hơn là chỉ đọc lên cười rồi thôi. 

Sau khi lọc xong, chúng mình sẽ phải sắp xếp và tìm một cái guồng phù hợp để thoả mãn các yêu cầu: dễ hiểu, mở rộng đến đại chúng, sắp xếp làm sao không nhàm chán, người đọc vừa bất ngờ, thú vị, và khi đọc lại nhiều lần vẫn cảm thấy một cái gì đó mới, chứ không phải chỉ đọc một lần là biết hết rồi, không còn gì vui. 

Những bản thảo đầu tiên được tác giả chia theo chủ đề rất dễ hiểu: gia đình, công sở, tình yêu. Cách chia này không tối ưu vì có quá nhiều chương, trong khi số lượng câu của mỗi chương không đồng đều. Do đó tụi mình quyết định sẽ không đi theo mạch này mà đi theo mạch cảm xúc của con người trong một ngày. Mình tạm gọi là sáng trưa chiều tối, nhưng những cái tên này không phải nghĩa đen mà là theo nghĩa hình tượng.

Phần “buổi sáng” ở đầu sách, bọn mình sẽ ưu tiên cho những câu liên quan đến đời sống xã hội, dễ hiểu, khi vừa mới đọc là có thể đoán được tinh thần cuốn sách. Yếu tố “sống còn” của một xuất bản phẩm là người đọc cần hiểu được tinh thần cuốn sách trong vòng 15-20 câu đầu và quyết định mua hay không. Tiếp đó là phần “buổi trưa” với những vấn đề giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè, mạng xã hội, gia đình. Phần “buổi chiều” ẩn dụ của những cảm giác căng thẳng, gấp gáp trong công việc vào lúc 4 giờ chiều. Và buổi tối, thời gian cuối cùng trong ngày sẽ là những câu dành cho bản thân và cần suy nghĩ, ngẫm nhiều hơn, như những câu tự vấn chính mình, tự hỏi về tương lai.

Một yếu tố cũng rất quan trọng khi sắp xếp là sự tăng tiến. Với cách sắp xếp trên, độc giả sẽ đi từ những câu đơn giản tới sâu sắc, hài hước đến suy ngẫm, từ tính tập thể đến tính cá nhân, từ xã giao đến thân mật. Nhờ đó, mình sẽ tạo ra một mạch hứng thú và cảm xúc tăng dần từ đầu đến cuối. Nếu ban đầu bạn thấy vui, khúc sau sẽ phải cảm thấy vui hết mức, hoặc phải sâu lắng, suy nghĩ.

11. “Ê có khi nào” là một cuốn sách đặc biệt, bao gồm những câu hỏi khó trả lời. Trong quá trình thực hiện sách, có ai trong nhóm tìm được câu trả lời chưa hay có thêm những câu hỏi cho riêng mình? 

Quỳnh: Những câu hỏi của “Ê có khi nào…?” không hẳn là để trả lời. Mình nghĩ mỗi cá nhân đọc sẽ có những cách hiểu, cách diễn giải và câu trả lời rất riêng, không ai giống ai – đó chính là điều làm nên sự thú vị của sách.

Còn về những câu hỏi nảy ra thêm ư? Tụi mình cũng đã nảy ra thêm nhiều câu hỏi bắt đầu với “Ê có khi nào….”. Xin bật mí là trong bản thảo cuối cùng, có một số câu tụi mình chấp bút và viết thêm để cho mạch chuyển giữa các chương liền mạch, dĩ nhiên là được anh Sói đồng ý. Khi sách ra đời và được các bạn đón nhận,  mọi người cũng bàn luận thường xuyên và tự viết cho mình những câu “Ê có khi nào…”. Mình nghĩ đó là điều thú vị thứ hai của quyển sách này: nó truyền cảm hứng khiến cho ta sáng tạo. Những bạn chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng sáng tạo cũng có thể tự sáng tác được. 

12. Du Bút có nhận xét gì về đầu mục sách sáng tạo tại Việt Nam hiện nay? Có vẻ như chúng ta vẫn còn thiếu những cuốn sách chuyên về sáng tạo/nghệ thuật và kích thích sự sáng tạo ở mỗi người? 

Quỳnh: Nói về sách sáng tạo thì hiện tại thị trường có hai dòng sách Một là dòng sách về phương pháp sáng tạo, cái này thuộc về sách kỹ năng, self-help, giáo dục, dạy cho mọi người tư duy và áp dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống chứ không hẳn dành cho người làm nghề thiết kế-sáng tạo. Các đầu sách này nhiều và chủ yếu là sách dịch.

Dòng sách thứ hai, hiếm hoi hơn, là những ấn phẩm mà tác giả vận dụng những kỹ năng sáng tạo để thực hiện một tác phẩm có chất lượng về chuyên môn. Có hẳn một cái tên dành cho loại sách này là concept book. Ở nước ngoài thì mình thấy khá nhiều concept book – những cuốn sách thách thức người đọc và kích thích người đọc suy nghĩ nhiều hơn, tự tìm ra câu trả lời của mình hoặc tìm ra dụng ý của người thực hiện chứ không phải chỉ đọc bằng chữ, người ta nói gì thì tin y như thế. 

Ở Việt Nam, mọi người chưa được tiếp cận concept book nhiều lắm. Các nhà xuất bản cũng chưa dám mạnh dạn vì không biết độc giả đã sẵn sàng hay chưa. Một số đại diện hiếm hoi như picture book (sách tranh) “Trước Sau” (NXB Hội Nhà Văn, 2016). Cuốn sách này không có chữ, chỉ có hình, hai trang đối nhau sẽ là một tấm hình diễn tả before (trước) và after (sau). Người đọc sẽ tự nghĩ ra câu chuyện của riêng mình. Hoặc như quyển “Chấm” (NXB Kim Đồng, 2018)- một cuốn sách hình thành bởi những dấu chấm.  Nhưng mình thấy không được tiếp nhận đông đảo, vì họ có thể quảng bá chưa đúng tinh thần cuốn sách nên chưa nhiều người biết tới. Người cần thì không biết , còn những người tình cờ tiếp cận thì bối rối không hiểu vì sao.

Đối với tụi mình, sách là một phương tiện, một công cụ để thể hiện bất kỳ thứ gì: một ý tưởng, một quan điểm, thậm chí chỉ cần gợi lên cảm xúc, cảm hứng thì nó đã xứng đáng được tồn tại như một cuốn sách cho bạn rồi. 

13. Cơ hội để các tác giả hợp tác với Du Bút như thế nào? Nhóm thường tiếp nhận các ý tưởng và tác phẩm như thế nào, có quy tắc gì không? 

Quỳnh: Có chứ. Tuy là một công ty làm sách độc lập nhưng chúng mình vẫn có những quy tắc và giá trị cốt lõi để định hình và làm thành bản sắc thương hiệu Du Bút. 

Tiêu chí của Du Bút là mong tìm các bạn có câu chuyện để kể, những người kể chuyện bằng hình ảnh hoặc bằng các hình thức khác nhau, bằng bất cứ chất liệu gì. Chỉ cần đó là những bản thảo mang suy nghĩ, quan điểm cá nhân, có thể gợi được cảm hứng, cảm xúc, thậm chí là đọng lại một cái gì đó sau khi đọc.



Đặc biệt là tụi mình mong được làm việc với các tác giả có tinh thần hợp tác Hợp tác ở đây là cả hai bên cùng tin tưởng vào năng lực của nhau, cùng góp sức, cùng đầu tư .  Cả hai bên đều vui thì sẽ tạo ra sản phẩm cuối cùng có chất lượng và ai cũng tự hào. 

 14. Chia sẻ với độc giả một chút về dự định tương lai của Du Bút nhé.  

Quỳnh: Trong năm nay, hoạ sĩ Lê Phan sẽ quay trở lại với một tác phẩm dài hơi. Lần đầu tiên tụi mình làm một series truyện dài nhiều tập, dự kiến là 5 tập có tên “Thị trấn Hoa Mười Giờ”. Đây là câu chuyện xoay quanh một nhóm trẻ con Việt Nam vào thập niên 90, hứa hẹn mang lại nhiều tiếng cười và ký ức tuổi thơ của một thế hệ. 

Theo sau đó là một quyển bách khoa bằng minh hoạ và truyện tranh về thế giới thực vật kỳ lạ dành cho cả người lớn và trẻ em. Tụi mình muốn chứng minh rằng, mọi hình thức đều chỉ là công cụ để truyền đạt một nội dung. Với một nội dung bổ ích và thú vị, những câu chuyện về thiên nhiên và sinh học khi được kể bằng truyện tranh thì sẽ không thể nào là ‘đục khoét tâm hồn được’.

Trong năm nay, tụi mình cũng có một vài dự án kết hợp với JoiKid lần nữa để mang công nghệ AR vào sách thiếu nhi. Để giải quyết câu hỏi rất đau đầu của các bậc phụ huynh là làm sao cho con tôi bớt chơi điện tử, iPad lại,tụi mình đã nghĩ tại sao không cho các em đọc sách bằng chính cái iPad đó. Vậy nên Du Bút đã quyết định hợp tác với JoiKid để làm một xuất bản phẩm mà các bạn nhỏ vừa có thể coi bằng iPad vừa bằng sách thường. 

Tụi mình sẽ có thêm vài dự án về giá trị cuộc sống đời thường của Việt Nam. Gần đây mảng văn hoá dân tộc và các giá trị dân gian đang rất thịnh hành, tuy nhiên tụi mình cảm thấy là ngay cả cuộc sống bình thường cũng có rất nhiều điều đáng yêu và đáng được trân trọng. Tụi mình sẽ có một dự án làm về đời sống văn hoá vào dịp Tết của người miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) dành cho các em thiếu nhi. 

Cám ơn Du Bút và JoiKid đã dành thời gian để thực hiện bài phỏng vấn! Chúc cho các dự án của Du Bút và JoiKid trong tương lai sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Bài viết và phỏng vấn: Su.dden
Hình ảnh: Du Bút cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

"Ê có khi nào" artbook concept book du bút iD interview idesign signature joikid Sói Ăn Chay

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…