Họa sĩ Lê Thư: ‘Nghệ thuật là để chữa lành’
Một buổi sáng bình thường như bao ngày, thức dậy với tách trà ấm và không quên cầm chiếc điện thoại lướt tin tức ngày mới. Vẫn những thông tin về xã hội, văn hóa rồi đủ thứ trên đời, bất giác, trong khoảnh khắc ấy, tôi bị ấn tượng bởi một nguồn năng lượng tươi trẻ, trong trẻo và cảm xúc rộn ràng. Dần dà tìm hiểu, mới biết người đứng đằng sau những bức hình ấy là Lê Thư – một họa sĩ minh họa tài năng.
Dù tự nhận mình là một người sống hướng nội nhưng ở cô gái này toát lên một năng lượng tích cực, thiện lành khiến ai cũng muốn lại gần làm quen. Cuộc trò chuyện với Lê Thư đưa tôi về những ngày đầu cô mới vẽ. Tuổi thơ là những tháng ngày đóng cửa ở trong phòng, vẽ và xem truyện tranh. Lê Thư chia sẻ ” Truyện tranh nuôi lớn trí tưởng tượng, khả năng thẩm mỹ, và hình thành nên cách sống của mình. Nhất là mấy truyện ‘so deep’ của Osamu Tezuka, rồi Tetsuya Chiba. Vì vậy, mình quyết định trở thành họa sĩ truyện tranh.”
Những ngày đầu đến với nghề không hề dễ dàng, quyết tâm “sống mái” với deadline, vẽ mọi lúc có thể. Song song với đó là những việc không tên như: gặp khách hàng, deal giá, làm hợp đồng, trả lời mail, quản lý tiền, phân phối nhân lực,…
“Đôi khi không có đồng đội, hoặc kế hoạch có vấn đề, là phải thức khuya làm để đắp vào, không ăn không ngủ, uống nước tăng lực để chống đỡ. Rồi thì lâu dần, mình bị căng thẳng, khó ngủ, sợ tiếng chuông điện thoại, dễ cáu gắt,… Khi bận việc dài ngày, mình tự bóp chết cảm hứng sáng tác của mình, rồi chẳng còn niềm vui gì khi vẽ nữa. Đó quả thật là một thời kỳ khó khăn và tăm tối.”
– Lê Thư kể lại
Trải qua khoảng thời gian với nhiều thách thức, nhưng với cô, vì sự nông nổi của tuổi trẻ, đã khiến mình đưa ra nhiều giải pháp chưa hợp lí, dẫn đến tự làm mất cảm hứng sáng tạo của bản thân. Minh họa là công việc kể chuyện bằng hình ảnh, vậy nên chúng ta cần thời gian để cảm nhận nó. Để bức tranh đạt chất lượng tốt nhất, mình nên phân bổ công việc một cách khoa học. Bù lại những thời gian vất vả ấy là trái ngọt và một số thành quả nhất định, nổi bật trong số đó là giải B Sách Quốc Gia 2020 với dự án “Sài Gòn của Em”.
Lê Thư cho biết: “Ban đầu khi nhận làm, mình chỉ nghĩ đơn thuần như một công việc bình thường. Mình không yêu Sài Gòn, không làm dự án này vì Sài Gòn. Nơi đây gắn với khoảng thời gian mất mát, mệt mỏi của mình, lại còn ô nhiễm, đông đúc, ồn ào chật chội… Nhưng qua quá trình tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, mình thấy Sài Gòn cũng thú vị. Những buổi sáng đạp xe đến chỗ làm, mình quan sát thật kỹ người bán hàng rong, cột đèn giao thông, thùng rác, cây cối,… bằng đôi mắt của một đứa trẻ lần đầu tiên nhìn ngắm phố phường, và mình thấy Sài Gòn đẹp lạ lùng.”
“Cuốn Sài Gòn của Em còn đánh dấu sự tiến bộ trong cách vẽ của mình nữa. Trước cuốn sách này, mình rất e dè khi phải vẽ những cảnh lớn. Mình sợ vẽ nhà, xe, sợ bố cục rắc rối, sợ phối cảnh. Mình quyết định dùng những phối cảnh thật đơn giản, không cần phải hoành tráng 2 điểm tụ làm gì. Mình dùng lưới isometric, rồi phối cảnh 1 điểm tụ, hoặc đôi khi chả có phối cảnh gì. Mình cũng học cách vẽ của trẻ con để vẽ nhà, xe đơn giản hết mức có thể nữa.”
Nguồn cảm hứng chính trong các tác phẩm của Lê Thư là những hình ảnh về thiên nhiên, các loài động thực vật, hay những khung cảnh tạo cảm giác gần gũi yên bình. Ảnh hưởng nhiều từ những bộ truyện tranh Nhật Bản như Dr. Slump của Akira Toriyama, sau đó là phong cách Bobby Chiu, rồi Tony Sandoval và Osamu Tezuka. Ở mỗi người, Lê Thư đều học cho mình một chút và phát triển theo lối vẽ riêng cá nhân để tạo nên những màu sắc đặc biệt, năng lượng tích cực và tươi mới.
Lê Thư chia sẻ chất riêng của cô đến nhiều theo bản năng, “Mình cứ vẽ, rồi đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, thì sẽ vỡ ra được điều gì đó. Với mình, việc vẽ là phản ánh cách nhìn của mình về thế giới bên ngoài, nên khi mình trưởng thành hơn về mặt nhận thức, tranh của mình sẽ có chiều sâu hơn và có chất riêng hơn.”
“Trước đây, có một dạo mình bị lạc lối, rằng việc vẽ của mình có cần thiết không? Công việc tạo ra cái đẹp nói chung là một thứ phù phiếm, không như thực phẩm để ăn, nhà để ở, thuốc để trị bệnh,… Rồi mình lười vẽ, tụt dốc một thời gian. Giữa giai đoạn bị trầm cảm, mình nhận ra là: Nghệ thuật thật sự cần thiết. Không nói đâu xa, nó cần thiết cho chính mình. Nó cứu rỗi chính mình. Khi mình vẽ, mình được kéo lên khỏi vũng lầy chán nản, tiếp xúc với một thứ huyền bí kỳ diệu là sáng tạo. Chính vì thế, đối với mình, nghệ thuật là để chữa lành.”
Hiện tại, Lê Thư đang hạnh phúc với công việc của mình, được vẽ thỏa thích, và kết nối với người xem. Sundog Studio chính là nơi cô cùng những người bạn của mình tạo nên những tác phẩm tuyệt vời ấy. Lê Thư rất trân trọng cộng đồng họa sĩ minh họa quanh mình vì họ là những người giúp cô vượt qua những khó khăn. Thời gian tới bên cạnh việc vẽ tranh minh họa, Lê Thư cũng tiếp tục công việc giảng dạy vừa để ôn lại kiến thức vừa để truyền đi ngọn lửa tích cực trong mình đến những người xung quanh. Và xa hơn, Lê Thư muốn đến nhiều nơi để trải nghiệm những điều mới lạ tăng thêm vốn sáng tác cho bản thân.
Rất cám ơn Lê Thư đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay và chúc Lê Thư có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục theo đuổi đam mê và thực hiện những ước mơ của mình.
Người viết: Hoàng