/viết một tay/ Để hiểu Ròm phải chạy cùng Ròm

“Nếu có lần chạy bộ, chạy xe, hoặc ngồi trên xe, bạn sẽ để ý rằng ngoại trừ những vật có chung tốc độ với mình, phần lớn cảnh vật xung quanh mờ lắm.” Và vâng, đây là một bài phân tích dành cho RÒM (2020) của Tuấn Cao, để thử chạy cùng vận tốc và hiểu hơn về Ròm.


/viết một tay/ là chuyên mục dành cho bạn đọc cùng chấp bút của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ quan điểm và kiến thức nghệ thuật, sáng tạo với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc đăng tải bài viết trên nhóm Tổ sáng kiến tự quản.


Đã một tháng sau khi Ròm ra rạp, bộ phim cũng đã nhận được một lượng khán giả tương đối cùng những phản hồi khen có chê có. Vậy nên. bài phân tích này có lẽ không có giá trị để quyết định có nên xem phim hay không mà dành cho những bạn đã xem phim, để cung cấp một góc nhìn khác.

Mình viết bài này sau khi xem phim lần thứ hai. Nói như vậy không nhằm thể hiện mình thích xem phim hơn bình thường, mà để chắc rằng bản thân không lọt chi tiết nào khi xem phim, để rồi đưa ra những phán xét một chiều.

Vậy Ròm thực sự muốn nói về cái gì?

Bộ phim kể về cuộc đời của một cậu nhóc bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ, chạy đề và được người dân cưu mang cho sống ở gác mái trong khu xóm lao động nghèo. Ròm có một người bạn đồng nghiệp, đồng thời là đối thủ tên Phúc. Cả phim ta sẽ thấy những cảnh chạy đua, đánh nhau để dành giật từng miếng ăn giữa hai đứa trẻ. Cả đời Ròm, đời Phúc, và đời những con người nơi đây đều bị gắn với số đề. Số đề là miếng cơm, là hy vọng đổi đời, cũng là nguồn cơn cho bất hạnh của những kiếp người này.

Chuyện phim có thể tóm tắt như vậy, thực ra cũng không có câu chuyện nào sâu xa hơn cả. Nhưng Ròm có thực sự nói về số đề? Và đây có phải là một chuyện phim ly kì giật gân với cú twist nổ não người xem?

Không. Ròm kể một câu chuyện khác, câu chuyện đời, câu chuyện về điểm nhìn. Mà đời thì không có sự tròn trịa như ta vẫn thấy trong phim ảnh.

Mỗi bộ phim khác nhau nên được xem với cách khác nhau

Gặp mỗi người khác nhau, ta vẫn thường đối xử khác nhau. Các loại sách khác nhau sẽ có cách đọc khác nhau. Vậy, mình nghĩ các bộ phim cũng nên được có cách tiếp cận xứng đáng đối với chúng.

Ròm là một câu chuyện về điểm nhìn.

Ngay từ đầu, Ròm bắt đầu với lời kể của cậu bé cùng tên về cuộc đời mình. Đây là ngôi kể thứ nhất ta vẫn thường gặp trong văn học. Khi nghe vậy, mình biết đây là câu chuyện được kể theo điểm nhìn chủ quan của cậu. Với điểm nhìn chủ quan của Ròm, câu chuyện sẽ không có được tính khách quan như những chuyện phim theo góc nhìn thứ ba, khi nhà làm phim là chúa trời kể chuyện, khán giả là chúa trời xem chuyện.

Nghĩ vậy, mình bắt đầu thấy rằng những chi tiết khó hiểu bỗng dễ hiểu hơn hẳn.

Chúng ta xem Ròm vào năm 2020, nhưng ý tưởng và kịch bản của phim là câu chuyện những năm 2010, và việc chạy đề thời điểm ấy lộ liễu và phổ biến hơn rất nhiều. Đó là điều mà bất cứ ai đã từng lớn lên trong khu xóm lao động ở miền Nam, hay cụ thể là Sài Gòn, đều từng được mắt thấy tai nghe. Thế nên mình sẽ bỏ qua câu hỏi “Tại sao Việt Nam có cái tốt mà phim kể xấu dữ vậy?”

Xin nhắc lại, phim này kể trên góc nhìn của một cậu bé chạy đề thập kỷ trước.

Chạy hoài, đánh hoài, nghiêng hoài. Vì sao vậy?

Vì phim kể trên góc nhìn của một cậu bé lớn lên bằng nghề chạy đề. Cậu bị bỏ rơi, hàng ngày vật vờ kiếm miếng ăn mà không biết ngày mai ra sao, nên rõ là phim chạy rất nhiều. Những cảnh quay nghiêng ngả chính là góc nhìn của cậu bé với cuộc đời đảo điên này.

Phim chạy nhiều vì đời Ròm chạy nhiều.

Trong cả phim, ngoại trừ Phúc, các nhân vật phụ khác hiện lên mờ nhạt và thiếu chiều sâu. Họ chỉ như những người giấy, những khuôn mặt nhạt nhòa không tên. Dường như tất cả những gì họ làm trong phim (hay trong đời họ) là đứng vào đúng vị trí cho cái chuỗi chân rết của những chủ nợ, cái mẹ, cái con và người chơi đề. Ngoài ra tuyệt nhiên rất ít những chi tiết sâu xa hơn về cuộc đời bất cứ ai.

Nếu tiếp cận phim này như một phim điện ảnh thông thường, mình sẽ chê ngay. Xây dựng nhân vật lười nhác quá!

Tuy nhiên, thay vào đó, mình tự hỏi tác giả làm vậy để làm gì. Và nhớ ngay mở đầu bộ phim: câu chuyện này là lời kể của Ròm.

Ròm chỉ biết chạy, thế giới của thằng nhóc chạy đề chỉ gói lại trong cái chung cư nó trú tạm cùng mấy khu chạy đề. Khi nó gặp người ta, cũng là khi họ ở nhà, khi họ bàn đề, khi họ buôn bán ngoài chợ. Tất cả những tương tác thằng Ròm có với người trong xóm là mồi người ta chơi đề, bàn xem người ta nên đánh số nào. Nó có lần nào dừng chạy lại để nghe người ta nói chuyện đời đâu.

Nó chỉ biết chạy, người gần nhất với nó là cái thằng chạy đua cùng để giành miếng ăn – Phúc, khi thằng này no là thằng còn lại đói.

Nếu có lần chạy bộ, chạy xe, hoặc ngồi trên xe, bạn sẽ để ý rằng ngoại trừ những vật có chung tốc độ với mình, phần lớn cảnh vật xung quanh mờ lắm. Đối với chúng, cuộc đời bắt chúng chạy, nên cái gì cũng mờ nhạt. Ngược lại, đối với mọi người, hai đứa trẻ cũng chỉ là những cái bóng mờ lướt qua.

Do đó, cái nhìn của Ròm và Phúc về cuộc đời sẽ méo mó theo cách riêng của chúng. Cả hai không chỉ là địch thủ, mà còn là những đứa trẻ cùng khổ, cùng chia sẻ một điểm nhìn.
Cả phim hai đứa trẻ chỉ biết chạy và đánh nhau, thế nhưng có một giây phút ngắn ngủi không chạy, được nghỉ chân trên nóc cabin xe, chúng vẫn mơ về một tương lai tươi sáng nào đó để được làm vũ công hay họa sĩ. Những ước mơ này đáng lẽ là điều bình thường nhất ở trẻ con tuổi Ròm và Phúc.

Cũng như vậy, góc nhìn nghiêng cả phim gây khó chịu cho mình hay các khán giả khác, chính là cái khó chịu mà Ròm đang trải qua. Chỉ hai khoảnh khắc nhỏ ta được nhìn thẳng, lại là hai khoảnh khắc mang ý nghĩa rất ngược nhau. Đó là khi Ròm được những đứa trẻ khác cho bánh mì và khi Ròm, Phúc ngồi gục ở nơi cậu bé từng bị bỏ rơi. Một cảnh cho ta thấy tình người vẫn hiện hữu trong những đứa trẻ và cảnh còn lại là sự buông xuôi chấp nhận số phận, không thiết ngả nghiêng với đời nữa.

Và người ta chỉ tin điều mình muốn tin

Người ta vẫn thường như vậy. Điều đó hiện lên suốt phim trong những con số. Chúng là những biển số treo đầy trong chỗ ở tạm của cậu nhóc không nhà, là số trên những lá bài, số bám vào trong đôi bàn tay của Ròm, số trong hộp gỗ, số trong quan tài,… Hầu như nhân vật nào cũng gắn với những con số.

Trên thực tế cuộc đời chúng ta cũng gắn với nhiều số, nhưng với các nhân vật, những con số này mang ý nghĩa khác hẳn. Chúng là những con số thần kỳ được đặt cược vào, khi mà số mạng của họ đã quá bế tắc, chỉ còn trông chờ được cứu bởi phép màu.

Nhưng những con số có thật kỳ diệu không khi họ vẫn thua nhiều hơn thắng và mất dần những gì đang có?

Hẳn ta vẫn nhớ cảnh ông Khắc ngồi trong quan tài bao quanh những con số. Ông gõ vào rất nhiều số nhưng chỉ chọn số 25, và sau đó dù có dấu hiệu nào khác, trong vô thức ông vẫn nhắc về con số này.

Trong cảnh Ròm và Phúc dụ bà cụ chơi đề, chỉ một con số 07 mà hai đứa trẻ này có thể nghĩ ra bao nhiêu lý giải “hợp lý” cho nó.

Ròm thuyết phục ông Khắc về con số 41 nó đã chọn.

Nhìn tỉ lệ thắng thua, người tỉnh táo có thể nhận ra rằng, chẳng có con số kỳ diệu nào cả, người ta chỉ đang cố hợp lý hóa cho những điều họ vốn đã tin. Và khi bà Ghi thổi tắt ước mơ của Ròm, nó cũng đâu chịu tin là bà ấy làm như vậy. Vì nó muốn tin rằng bà ấy thật sự quan tâm, chứ không chỉ lợi dụng nó.

Tựa như cách chúng ta vẫn tin là có một bản uncut nào đó “tốt hơn”, làm cho bản phim được xem hiện lên như một thứ gì đó què cụt và được chỉnh sửa. Nhưng mình thích nghĩ rằng tổng thể phim vẫn đang làm tốt, và một vài cảnh thêm vào không có khả năng nâng toàn bộ phim trở thành một cái gì đó xuất sắc hơn hẳn, biến thau thành vàng.

Lời kết

Phim có những cái được và chưa được, vẫn có những hạt sạn nhất định, cũng như mạch cảm xúc hơi lên gân. Khi mình thấy cảnh nào cũng nhấn mạnh cái khổ của Ròm tiếp nối lẫn nhau, mình bỗng bị chai hơn với cái khổ đó. Khi ta nhấn mạnh mọi điều thì không điều gì được nhấn mạnh cả.

Xem phim, mình thấy được sự dũng cảm của ekip khi dám chọn đề tài khó, dám chọn cách tiếp cận mới, khi mà thị trường vẫn mong chờ một câu chuyện lớp lang, có đủ 3 hồi, hành trình nhân vật tròn trịa và một kết thúc có hậu. Sự dũng cảm đó thôi thúc mình viết bài này, để cung cấp cho khán giả một góc nhìn khác, về bộ phim kể về góc nhìn.

Lời bạt kết phim, chú giải rằng phim là câu chuyện xa xôi ở quá khứ. Nhưng ai dám chắc rằng không đang có những mảnh đời ngả nghiêng khác bị ép vào tình thế đó, và đang nhìn đời như vậy.

Bài viết: Tuấn Cao


Cùng tác giả

#Tag

idesign signature phim ảnh phim việt nam ròm trần thanh huy tua phim viết một tay

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…