/viết một tay/ Thế hệ làm sáng tạo ngày nay học được gì từ cách tiếp cận điện ảnh của Robert Bresson?

Bạn thân mến,

Những ngày đầu năm mới vui chứ. Đã có ai khai bút, tạo ra một tác phẩm nho nhỏ nào đó, hay vẫn còn nghỉ ngơi, nạp đầy năng lượng cho chặng đường phía trước?

Trong những ngày đầu năm mới, chúng mình hãy cùng gặp gỡ một nhân vật vốn không mới, nhưng vẫn còn xa lạ với công chúng, hay cả giới sáng tạo Việt: Robert Bresson.

Robert Bresson là ai vậy?

Robert Bresson (1901 – 1999) là một đạo diễn người Pháp, nổi tiếng với lối làm phim khổ hạnh, những diễn viên không chuyên cùng với việc hạn chế sử dụng nhạc nền. Các tác phẩm của ông là biểu tượng của sự tối giản và của điện ảnh chiêm nghiệm (slow cinema).

Robert Bresson

Ông thường được ví như vị “Thánh bảo trợ” cho điện ảnh, không chỉ bởi việc những chủ đề về Công giáo thường xuyên xuất hiện trong phim, mà bởi đóng góp to lớn của Bresson cho nền điện ảnh nhân loại. Ông là một trong những tác gia (auteur) được đánh giá cao và có tầm ảnh hưởng nhất.

Với sự nghiệp 13 phim điện ảnh trải dài trong suốt 40 năm làm nghề, Robert Bresson đã là niềm cảm hứng của nhiều đạo diễn cả trong và ngoài nước Pháp.

“Ông ấy là điện ảnh Pháp, tựa như Dostoevsky là văn học Nga và Mozart là âm nhạc Đức.”

– Jean-Luc Godard.

“Tôi chỉ hứng thú với góc nhìn của hai người: một người tên Bresson và một người là Bergman.”

– Andrei Tarkovsky

Bresson đã, đang và sẽ luôn là một tượng đài điện ảnh lớn. Lối làm phim của ông, tên tuổi của ông dễ khiến người ta cộp cho Bresson cái mác hàn lâm, là “thần tượng của thần tượng”. Thế nhưng, phim của ông không hề dễ xem. Nếu có người bảo rằng phim của ông khô như ngói thì cũng không ngoa chút nào.

Rõ ràng, sẽ thật là sai nếu cứ “respect” (tôn trọng) Bresson chỉ vì cộng đồng bảo thế.

Vậy, tại sao chúng ta lại cần học tập Bresson? Có thể học hỏi được gì từ người đàn ông này?

1. Cảm nhận trước khi cố gắng hiểu

Bresson là biểu tượng của những tác giả tự chủ, những người mà quyền tự quyết của họ mang lại những tác phẩm không thể bắt chước hay lặp lại. Ông có những tầm nhìn, trực giác, quy tắc của riêng mình, và ông theo sát chúng từ phim đầu tiên đến những phim cuối cùng.

L’Argent (The Money)

Đối với Bresson, xúc cảm là yếu tố nền tảng của bộ phim hơn là những hiểu biết về trí tuệ.

“Tôi thích người ta cảm nhận một bộ phim trước khi họ hiểu nó hơn.”

– Robert Bresson.

Việc này nói thì có vẻ dễ nhưng nếu bạn thử suy xét lại, nó khó hơn ta tưởng. Loài người chúng ta ưa tìm ý nghĩa trong sự vật, hoặc cố gắng gán ghép một ý nghĩa nào đó. Khi xem một cảnh phim, chúng ta thường cố tìm hiểu xem ý nghĩa của nó. Sự vô nghĩa, tối nghĩa, nhìn chung khiến con người khó chịu.

Hội chứng này lại càng nặng và phổ biến hơn ở những người có chuyên môn. Những người làm sáng tạo thường có xu hướng đánh giá, phân tích kỹ thuật hơn là thực sự thưởng thức tác phẩm như cái ghế khán giả ta đang ngồi lên.

Sức mạnh của điện ảnh, hay một tác phẩm nghệ thuật nằm ở trải nghiệm cảm xúc mà nó khuấy động trong lòng khán giả. Chính xúc cảm ấy tạo nên ý nghĩa và tính trung thực của tác phẩm. Điện ảnh đích thực là điện ảnh của cảm giác.

Đôi khi, chúng ta cần phải học cách thả lỏng người, thư giãn, cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật. Hãy để mọi chi tiết đến tự nhiên, không gò ép. Nếu đủ hứng thú, hoặc đủ khó chịu, chắc chắn bạn sẽ dành thời gian để xem lại lần nữa và mổ xẻ chúng kỹ hơn.

2. Nhìn và thấy

Trước khi làm điện ảnh, Bresson là một họa sĩ.

Thế nhưng, xin được phép được nhắc lại lần nữa, với lòng tôn kính và yêu mến nhất: phim của Bresson khô như ngói. Phim của ông không có những phân đoạn kịch tính thót cả tim, những cảnh đẹp đến nao lòng, những hiệu ứng hình ảnh nịnh mắt.

A Man Escaped

Tối giản và khổ hạnh. Những từ này đã được dùng nhiều lần, và có lẽ sẽ được dùng thêm nhiều lần nữa khi nhắc tới Bresson hay cách tiếp cận điện ảnh của ông.

Đừng dùng hai chiếc violin nếu dùng một cái là đủ.”

– Robert Bresson

Tại sao phải quay một cảnh hành động tốn kém nếu một tiếng ồn ngoài khung hình có thể thể hiện nó? Tại sao phải để nhân vật nói chuyện nếu một bản nhạc có thể truyền tải cả cảnh phim?

Au hasard Balthaza

Ông tự ép mình phải tát cạn bối cảnh, vắt kiệt đạo cụ, để mọi yếu tố trong phim thể hiện được thông điệp, cảm giác đằng sau một cách tối ưu nhất. Bresson không ưa sự rườm rà. Hãy cùng xem cách ông sử dụng đôi bàn tay để kể chuyện:

Bên cạnh việc chối bỏ hình ảnh hoa mỹ, các bộ phim sau này của Bresson cũng từ bỏ “người đẹp”. Không ai trong số những diễn viên không chuyên của ông đẹp trai theo nghĩa bề ngoài. Cảm giác đầu tiên của người ta khi nhìn thấy Claude Laydu (linh mục trong Diary of a Country Priest), Francois Leterrier (Fontaine trong A man Escaped), Martin Lassalle (Michel trong Pickpocket), và Florence Carrez và Jeanne trong The Trial of Joan of Arc), là nhàm chán.

Bỗng nhiên, tại một thời điểm nào đó trong phim, ta thấy họ đẹp một cách xuất thần mà không cần thêm lớp hóa trang nào.

Khi chọn tiếp cận điện ảnh theo lối tối giản này, Bresson mời gọi khán giả chú ý đến những chi tiết nhỏ mà chúng ta có thể bỏ qua trong một số ngữ cảnh khác.

Nói cách khác, ta chỉ có thể nhận ra một tiếng động khi đem nó so sánh với trạng thái tĩnh lặng hơn.

3. Hãy để khán giả tham gia vào “cuộc trò chuyện”

Cinematography: New way of writing, therefore of feeling.

(Điện ảnh: Một cách mới để viết, từ đó mà cảm)

– Robert Bresson

Đối với Bresson, điện ảnh, trên hết là một ngôn ngữ.

Một ngôn ngữ, là một dạng thức mà qua đó người ta có thể bày tỏ suy nghĩ của mình, dù chúng có trừu tượng đến đâu, hoặc dịch những nỗi ám ảnh của anh ta, giống như trong một bài luận hoặc một cuốn tiểu thuyết…

Pickpocket

Trong một bộ phim, mỗi cảnh quay giống như một từ, tự bản thân nó chẳng có nghĩa gì, hay đúng hơn là có quá nhiều nghĩa làm kết quả lại hóa ra vô nghĩa. Nhưng một từ, khi đặt trong một bài thơ, được biến đổi, ý nghĩa của nó trở nên chính xác và độc đáo, bằng cách đặt nó trong mối quan hệ với các từ xung quanh nó: giống như cách một cảnh quay trong phim được gán ý nghĩa theo ngữ cảnh của nó, và mỗi cảnh quay đều sửa đổi ý nghĩa của cảnh trước đó cho đến khi với cảnh quay cuối cùng, một ý nghĩa tổng thể, không thể bị xáo trộn được thành hình. 

The Devil, Probably

Thay vì thuật lại những sự kiện đã xảy ra, những diễn xuất tựa như trên sân khấu, người đạo diễn sẽ dùng cây bút điện ảnh (caméra-stylo) của mình, biến mọi yếu tố trong phim trở thành một phương tiện viết uyển chuyển và tinh tế như chữ viết.

Nhịp dựng phim của Bresson giữ chúng ta một nhịp trước khi rời khỏi hành lang, bức tường, hoặc cửa, tạo cảm giác cực mạnh về thời gian. Chúng ta nhận thức sâu sắc về môi trường xung quanh và những âm thanh giúp xác định cả những gì không thể thấy được trong khung hình, và cả bên ngoài khung hình.

Để làm gì?

Để khán giả xem phim của ông có được niềm vui thích của việc giao tiếp, vận động trí não. Khi xem phim của ông, người ta không chỉ được thỏa mãn thị giác, đôi tai, mà còn cả tư duy. Bằng sự gợi mở của mình, Bresson mời gọi khán giả phải tưởng tượng cả một cảnh tượng bên ngoài khung hình chỉ bằng những âm thanh, hay tự ghép nối các chi tiết của một cảnh để suy luận ra cảnh trước đó.

Ông lùi lại một bước, để tạo khoảng không cho khán giả được tiến gần tới phim ông, xem phim một cách chủ động.

A Man Escaped

Tư duy tôn trọng khán giả này lại càng có giá trị hơn vào bối cảnh ngày nay, khi khán giả của chúng ta bị khủng bố bởi hàng tấn hình ảnh, âm thanh lóa mắt. Họ được mớm tận miệng từng mẩu thông tin, và các sản phẩm truyền thông càng ngày càng trực tiếp hơn, với thời lượng ngắn hơn, số lượng nhiều hơn.

Chính cái sự khổ hạnh của Bresson dạy chúng ta phải biết tôn trọng khán giả hơn, cũng như tôn trọng việc mình làm.

Hãy để khán giả có được niềm vui tham gia vào hoạt động sáng tạo. Hãy đưa họ 2+2, thay vì 4.

Lời kết

Những bài học mà Bresson mang đến cho chúng ta chắc chắn là còn nhiều hơn, nhưng trong khuôn khổ bài viết, người viết không thể đưa vào mà không spoil (tiếtt lộ) cho các bạn về tình tiết có trong phim của Bresson. Việc ấy cũng làm hỏng mất cái vui thích tự tìm hiểu thông tin của mọi người, hẳn không ai muốn.

Nếu bạn quan tâm tới người đàn ông này, hãy bắt đầu với Pickpocket, The Money hoặc A Man Escaped. Tiếp tới là những tác phẩm khác, đặc biệt là kiệt tác Au hasard Balthaza.

Ngoài ra, Bresson cũng để lại một cuốn sách mang tên Notes on Cinematography, bao gồm những ghi chép ngắn gọn về quan điểm điện ảnh của ông.

Chúc mọi người một năm mới sáng tạo vui.

Bài viết: Mèo Ngủ Gật
Tham khảo:
ROAD TO BRESSON 
Paul Schrader, Transcendental style in film: Ozu, Bresson, Dreyer
Susan Sontag, Spiritual Style in the Films of Robert Bresson
Robert Bresson, Notes on Cinematography
và nhiều phỏng vấn khác của Robert Bresson


/viết một tay/ là chuyên mục dành cho bạn đọc cùng chấp bút của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ quan điểm và kiến thức nghệ thuật, sáng tạo với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc đăng tải bài viết trên nhóm Tổ sáng kiến tự quản.


Cùng tác giả

#Tag

cinema cinematography robert bresson tua phim đạo diễn điện ảnh

iDesign Must-try

Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Dạo quanh Instagram của nam hoạ sĩ trẻ, ánh mắt ngay lập tức vào những khung cảnh tuy quen thuộc nhưng lại ngờ ngợ bởi cách vẽ mới mẻ, đặc…
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
Tết này xem gì - Thưởng thức bữa tiệc thị giác của các tác phẩm điện ảnh đẹp nhất năm 2021
“Nhà quay phim giống như một chuyên gia tâm lý về thị giác. Họ khiến khán giả nghĩ theo cách họ muốn, vẽ những bức tranh trong bóng tối.” –…
Những chú mèo siêu thực trong poster phim Cộng hòa Séc và Ba Lan
Những chú mèo siêu thực trong poster phim Cộng hòa Séc và Ba Lan
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, mèo xuất hiện rất nhiều trong những tấm poster phim của Séc và Ba Lan thập niên 1960 - 1970, với đủ hình…
Dong Wun Guan: ‘Đừng quá hà khắc rằng bản thân phải có đầy đủ năng lực để làm một việc gì đó.’
Dong Wun Guan: ‘Đừng quá hà khắc rằng bản thân phải có đầy đủ năng lực để làm một việc gì đó.’
Dong Wun Guan (Quán Đông) hiện đang là Film Director cho hàng loại những thước phim tài liệu, phim thương mại và các TVC đặc sắc. Anh cũng từng là giám…
Georges Méliès - người đặt nền móng cho các hiệu ứng trong lĩnh vực điện ảnh
Georges Méliès - người đặt nền móng cho các hiệu ứng trong lĩnh vực điện ảnh
Mặc dù máy tính đảm nhiệm hầu hết các công việc trong những bộ phim mà con người thưởng thức, nhưng có thể nói rằng nếu không có Méliès thì…
Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 4)
Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 4)
Những tựa phim Oscar tuần rồi thế nào? Bạn đã cày hết các bộ phim mà iDesign đã đề xuất? Tuần này, chúng mình sẽ khám thêm 4 tựa phim…