Từ A - Z các thuật ngữ nghệ thuật có thể bạn chưa tỏ tường (phần 4)

Việc nắm được một số thuật ngữ là điều cần thiết khi tìm hiểu và học hỏi về các kiến thức nghệ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho các tác phẩm cá nhân cũng như có thêm nguồn cảm hứng vô tận từ những điều đã có sẵn trong lịch sử thế giới.

iDesign xin giới thiệu với bạn đọc một số thuật ngữ (theo thứ tự từ A-Z) có thể bạn đã nghe qua nhưng chưa thật sự hiểu rõ, từ đó nới rộng hơn tầm hiểu biết trong kiến thức về lịch sử nghệ thuật đầy thú vị này!



K

*

Kinetic art – Nghệ thuật động học

Kinetic art là nghệ thuật phụ thuộc vào chuyển động để tạo ra các hiệu ứng của tác phẩm.


Từ kinetic dùng để chỉ những thứ có liên quan đến chuyển động. Từ đầu thế kỷ XX, các nghệ sĩ đã kết hợp sự chuyển động vào nghệ thuật. Điều này một phần để khám phá những khả năng của nó, một phần đưa vào yếu tố thời gian cho tác phẩm, phần còn lại phản ánh tầm quan trọng của máy móc và công nghệ trong thế giới hiện đại và một phần khám phá bản chất của thị giác.

Standing Wave (1919–20),bản phục dựng năm 1985
nghệ sĩ thực hiện: Naum Gabo
Alexander Calder
Untitled, 1937

Chuyển động được tạo ra cơ học bằng các động cơ, như trong tác phẩm tiên phong về nghệ thuật động học của Naum GaboStanding Wave (1919–1920); hoặc bằng cách khai thác chuyển động tự nhiên của không khí trong không gian – được gọi là mobiles (các tác phẩm điêu khắc được tạo thành từ những vật nhẹ, đứng yên và chỉ dịch chuyển khi có tác động không khí hoặc động cơ). Alexander Calder bắt đầu tạo ra các tác phẩm mobiles từ khoảng năm 1930.


Kinetic art đã trở thành một hiện tượng lớn của cuối những năm 1950 và những năm 1960.

tranh acrylic có tên Grille, 1958-1960 bởi Victor Vasarely

Vào những năm 1960, các nghệ sĩ như Bridget Riley Victor Vasarely đã thử nghiệm các hình khối hình học làm biến dạng góc nhìn của người xem, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trông tĩnh lặng nhưng lại mang đến ấn tượng về sự chuyển động. (còn gọi là op art)

Kitsch – Tiếng vang đầu của văn hóa nghệ thuật thương mại – đại chúng

Kitsch là từ tiếng Đức có nghĩa là ‘rác’, và được sử dụng trong tiếng Anh để mô tả các hình thức văn hóa đại chúng và quảng cáo rẻ tiền, thô tục và ủy mị.

Jeff Koons
Winter Bears, 1988
© Jeff Koons


Từ kitsch đã được áp dụng cho loại hình văn hóa này vào khoảng những năm 1920. Năm 1939, nhà phê bình nghệ thuật người Mỹ Clement Greenberg đã định nghĩa về kitsch trong tiểu luận nổi tiếng Avant-Garde and Kitsch của ông, xem xét sự tiếp nối của mối quan hệ giữa nó với nghệ thuật truyền thống trong thế kỷ XX thông qua nghệ thuật tiên phong (the avant-garde).

Ở đâu có người tiên phong (avant-garde), ta cũng thường tìm thấy được người làm hậu phương. Cùng lúc với sự gia nhập của nghệ thuật Tiên phong, một hiện tượng văn hóa mới thứ hai đã xuất hiện ở nền công nghiệp phương Tây: thứ mà người Đức đặt cho cái tên tuyệt vời là Kitsch: văn học và nghệ thuật đại chúng, thương mại với các mẫu áo, bìa tạp chí, hình minh họa, quảng cáo, tiểu thuyết bóng bẩy và pulp fiction*, truyện tranh, nhạc Tin Pan Alley, điệu nhảy tap, phim Hollywood, v.v.

*pulp fiction: những chuyện phím thường được in trong các tạp chí rẻ tiền)

Một số ví dụ gần gũi hơn về loại hình này bao gồm các mô hình bằng nhựa hoặc sứ của Diana – Công nương xứ Wales, truyện tranh Nhật Bản và loạt sản phẩm về Hello Kitty, trò chơi trên máy tính, toàn bộ Las Vegas và Disneyland, phiên bản khiêu dâm bóng bẩy của tạp chí Playboy.

Jeff Koons, Orange Dog


Greenberg cho rằng kitsch là đối lập của high art nhưng từ khoảng năm 1950, các nghệ sĩ bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến văn hóa đại chúng, dẫn đến sự bùng nổ của nghệ thuật đại chúng vào những năm 1960.

Trên trang soi của Việt Nam cũng từng có một bài viết chi tiết về kitsch (Bàn về KITSCH của tác giả Phạm Diệu Hương) cho những ai muốn đọc thêm về loại hình này.


L

*

Linocut – Tranh in lino

Tranh in lino thuộc phương pháp in nổi (relief print) được tạo ra theo cách tương tự như khắc gỗ nhưng sử dụng linoleum làm bề mặt để cắt và thiết kế.

Hướng dẫn in lino tại nhà với các dụng cụ cơ bản bởi Atelier Sentô


Khối lino bao gồm một lớp linoleum mỏng (thường là một tấm vải bạt có phủ lớp dầu lanh đông đặc ở mặt sau), được gắn trên gỗ. Vải linoleum mềm có thể được cắt dễ dàng hơn so với một khối gỗ và theo bất kỳ hướng nào (vì nó không có thớ), từ đó tạo ra một bề mặt nổi lên có thể viết và in. Bề mặt có một ít texture của nó có thể nhận mực một cách đồng đều.

Linoleum được phát minh vào thế kỷ 19 để làm lớp phủ sàn. Nó trở nên phổ biến với các nghệ sĩ và những người in nghiệp dư trong thế kỷ 20.

Lithography – In thạch bản

Kỹ thuật in thạch bản hay lithography là quá trình in sử dụng một tấm đá phẳng hoặc tấm kim loại mà trên đó, các vùng hình ảnh được xử lý bằng cách sử dụng chất nhờn để mực bám vào, trong khi các vùng không phải hình ảnh được làm cho không thấm mực.

Some Aspects of Paris Life (series), Pierre Bonnard, 1899

Quy trình in dựa trên thực tế là dầu và nước không trộn lẫn.

Hình ảnh được áp dụng cho bề mặt có vân (trước đây là đá nhưng hiện nay thường là nhôm) bằng cách sử dụng dung dịch nhờn: chẳng hạn như loại mực nhờn đặc biệt – như mực tàu, sáp màu, bút chì, sơn mài hoặc vật liệu tổng hợp. Sau đó, dung dịch gôm arabic và axit nitric được bôi lên bề mặt, tạo ra các khu vực in không tiếp nhận nước và các khu vực hình ảnh dễ tiếp nhận chất dầu. Bề mặt in được giữ ướt để con lăn được nạp mực gốc dầu có thể phủ lên toàn bộ bề mặt được in và mực sẽ chỉ giữ ở vùng ảnh tiếp nhận các chất dầu. Sau đó, giấy được đặt trên bề mặt nhận mực và tấm kim loại được chạy qua máy ép.

Một clip giới thiệu về quá trình thực hiện kĩ thuật in thạch bản bởi MoMA

Kỹ thuật in thạch bản được phát minh vào cuối thế kỷ thứ 18, ban đầu sử dụng đá vôi Bavaria làm bề mặt in. Phát minh này giúp ta có thể in được nhiều sắc độ nét và vùng màu hơn là bằng các phương pháp in khắc nổi hoặc in khắc lõm trước đó.

Nó cũng giúp việc in màu dễ dàng hơn: các vùng có màu sắc khác nhau có thể được áp dụng cho các viên đá riêng biệt và in đè lên cùng một tấm.

In thạch bản offset (offset lithography) bao gồm việc in hình ảnh lên bề mặt trung gian trước tờ giấy cuối cùng. Quá trình này gọi là ‘offset’ vì tấm kim loại không tiếp xúc trực tiếp với tờ giấy, giúp bảo toàn chất lượng (vì bản in không bị dính nước). Với in thạch bản offset, hình ảnh được đảo ngược hai lần và xuất hiện trên tờ cuối cùng theo cùng một cách như trên đá hoặc tấm kim loại.


M

*

Mail art – Nghệ thuật của thư tay

Nghệ thuật thư tay (mail art) là một phong trào dựa trên nguyên tắc gửi các tác phẩm quy mô nhỏ thông qua dịch vụ bưu chính.

Một phong thư gửi bởi Ray Johnson – nghệ sĩ nổi tiếng với các tác phẩm mail art


Mail art bắt đầu từ những năm 1960 khi các nghệ sĩ gửi bưu thiếp có đề thơ hoặc hình vẽ qua bưu điện thay vì trưng bày hoặc bán chúng qua các kênh thương mại thông thường.

Nguồn gốc của nó có thể được tìm thấy từ Marcel DuchampKurt Schwitters cũng như các họa sĩ Ý theo chủ nghĩa Vị Lai. Nhưng chính nghệ sĩ người New York Ray Johnson, vào giữa những năm 1950, đã đăng các bản tranh cắt dán (collage) nhỏ, bản in tranh vẽ trừu tượng và thơ tới những người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, tạo ra cái mà cuối cùng được gọi là New York Correspondence School.

một tác phẩm trong triển lãm Analog Network: Mail Art 1960-1999 của bảo tàng MoMA

Mail art có nhiều hình thức bao gồm bưu thiếp, gói bao bì, fax, email và blog. Vào những năm 1960, nghệ sĩ theo phong trào FluxusOn Kawara đã gửi điện tín cho bạn bè và gia đình thông báo rằng ông còn sống. Vào giữa những năm 1990, nghệ sĩ và giám tuyển Matthew Higgs đã thành lập Imprint, nơi đăng tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ người Anh, trong số đó có Martin Creed, đưa tới các nhà phê bình và giám tuyển.

Nó cũng được xem là tiền đề cho net art (hay internet art).

Mannerism – Trường phái Kiểu cách

Mannerism là một phong cách nghệ thuật và thiết kế của thế kỷ XVI được đặc trưng bởi bối cảnh nhân tạo, tao nhã và sự biến dạng gợi cảm của hình người.

An Allegory of Man,
không rõ họa sĩ, có thể được thực hiện năm 1596 hoặc sau đó
nguồn: Tate


Mannerist là tên được đặt cho những người theo phong cách của Raphael Michelangelo từ khoảng năm 1520–1600. Các nghệ sĩ theo trường phái Mannerism bị ảnh hưởng nhưng cũng đồng thời phản ứng lại với tác phẩm của các bậc thầy thời Phục hưng. Thay vì áp dụng những lý tưởng hài hòa gắn liền với Raphael Michelangelo, họ đã tiến một bước xa hơn để tạo ra các tác phẩm có bố cục đầy kiểu cách, phô diễn kỹ thuật và kỹ năng của người vẽ trong việc sử dụng các yếu tố bố cục để tạo ra cảm giác tao nhã đầy tinh vi.

Deposition from the Cross của họa sĩ Jacopo da Pontormo,
một tác phẩm điển hình cho trường phái này

Mannerism lan rộng khắp châu Âu và ở Anh, sự trang nhã có phần kiểu cách của bức tranh hoàng gia thời Elizabeth có thể được coi là tiếng vang của nó. Trường phái này cũng ảnh hưởng đến các nghệ sĩ về sau như Henry Fuseli.

Memento mori – “Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết.”

memento mori ám chỉ một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế để nhắc nhở người xem về cái chết của họ cũng như sự ngắn ngủi và mong manh của cuộc sống con người.

Frans van Everbroeck – Memento Mori (1654)


Memento mori là một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là ‘hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết’. Một bức tranh memento mori cơ bản sẽ là một bức chân dung có đầu lâu nhưng các biểu tượng khác cũng thường được tìm thấy là đồng hồ cát hoặc đồng hồ cơ học, ngọn nến cháy lập lòe hoặc đã tắt hẳn, trái cây và hoa.

Liên quan mật thiết đến khái niệm này là các bức tĩnh vật vanitas (vanitas still life). Ngoài các biểu tượng của sự chết, chúng có thể bao gồm các biểu tượng khác như nhạc cụ, rượu và sách để nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng về sự phù phiếm (theo nghĩa là vô giá trị) của những thú vui và của cải thế gian. Thuật ngữ này ban đầu xuất phát từ những dòng mở đầu của Sách Truyền đạo trong Kinh thánh.

Các bức tranh vanitas memento mori trở nên phổ biến vào thế kỷ 17, trong thời đại lớn mạnh của tôn giáo khi hầu hết mọi người đều tin rằng cuộc sống trên trái đất chỉ là sự chuẩn bị cho một thế giới bên kia. Tuy nhiên, các nghệ sĩ hiện đại vẫn đang tiếp tục khám phá khái niệm này.


N

*

Naïve art – Nghệ thuật từ góc nhìn thuần khiết nhất

Naïve art là nghệ thuật đơn giản, không bị ảnh hưởng và không phức tạp – thường đề cập cụ thể đến nghệ thuật được thực hiện bởi các nghệ sĩ không được đào tạo chính quy.

Henri Rousseau, Carnival Evening, 1886


Nó được đặc trưng bởi sự đơn giản như trẻ thơ trong cách thực hiện và góc nhìn. Vì vậy, naïve art đã được đánh giá cao bởi những người theo chủ nghĩa hiện đại đang tìm cách thoát khỏi thứ mà họ coi là sự tinh vi không chân thành của nghệ thuật được tạo ra trong hệ thống giáo dục truyền thống.

Nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời hiện đại đi theo phong cách này là Henri Rousseau, còn được biết đến với cái tên Le Douanier từ công việc toàn thời gian là nhân viên thuế quan mà ông đảm nhiệm. Những người khác gồm có André Bauchant và ở Anh là thủy thủ tàu St Ives Alfred Wallis, người có các tác phẩm ảnh hưởng đến họa sĩ Ben Nicholson thuộc trường phái Trừu tượng.

The Red Concert, 1946, Raoul Dufy
tranh sơn dầu trên canvas



Nhiều nghệ sĩ theo phong trào này đôi khi được coi là những người nguyên thủy hiện đại (modern primitives). Cách gọi này cũng trùng lặp với thứ được gọi là nghệ thuật ngoại lai (outsider art), hay ở Pháp là art brut. Chúng bao gồm nghệ thuật dành cho trẻ em và cả nghệ thuật được thực hiện bởi những người sống ngoài lề xã hội như tù nhân và người bị bệnh tâm thần.


O

*

Oil paint – Sơn dầu

Sơn dầu là một dạng sơn khô chậm bao gồm các hạt sắc tố lơ lửng trong dầu khô tạo thành một lớp có màu và cứng khi tiếp xúc với không khí.

Dầu khô được sử dụng thường là một loại dầu thực vật, được làm bằng cách nghiền các loại hạt hoặc mầm. Đối với sơn, dầu hạt lanh (linseed oil) được sử dụng phổ biến nhất, nhưng cũng có thể sử dụng dầu cây anh túc, hướng dương, cây rum, đậu nành và óc chó. Ưu điểm của sơn dầu khô chậm là họa sĩ có thể phát triển bức tranh thong dong, có thể thay đổi hoặc chỉnh sửa nếu cần thiết.

Gustaf Fjaestad (họa sĩ Thụy Điển, 1868-1948), Winter Landscape, 1925.
sơn dầu trên canvas, 94 x 103 cm.

Các loại sơn dầu pha trộn tốt với nhau, tạo ra các biến thể màu sắc một cách tinh tế cũng như dễ dàng tạo ra các chi tiết cho ánh sáng và bóng tối.

Chúng cũng có thể được pha loãng bằng nhựa thông (turpentine) hoặc các chất làm loãng khác. Khi sơn dầu được làm loãng nhiều thì sẽ khô tương đối nhanh chóng, không bị bết dính chỉ trong vài ngày. Các lớp màu dày hơn, chứa nhiều dầu hơn, mất nhiều thời gian hơn. Sơn dầu tiếp tục khô, cứng dần theo tuổi tác qua nhiều thập kỷ.

Bột màu và chất độn màu (extender) cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ khô, vì vậy các màu khác nhau có thể khô ở tốc độ khác nhau.

Orientalist – những người họa sĩ châu Âu say sưa với nét mới lạ ở phương Đông

‘Jerusalem and the Valley of Jehoshaphat from
the Hill of Evil Counsel’ (1854-1855)
thực hiện bởi Thomas Seddon

.
Sự lên ngôi của Nữ hoàng Victoria vào năm 1837 trùng với sự khởi đầu của thời đại tuyệt vời của du lịch đường sắt và tàu hơi nước. Các nghệ sĩ từ Anh đã sớm đi khắp thế giới để tìm kiếm nhiều điều mới mẻ. Thuật ngữ Orientalist được sử dụng để mô tả các nghệ sĩ đã du hành đến Trung Đông trong thời này để tìm kiếm các chủ đề mới và lạ lẫm.

William Holman Hunt, The Miracle of the Sacred Fire, 92.1 x 125.7 cm,
Fogg Art Museum, 1892-99 © Johnbod/WikiCommons


Một vài cái tên chủ chốt bao gồm John Frederick Lewis, người đã dành mười ba năm ở Trung Đông từ năm 1838, tiếp theo là David Roberts, William Müller Sir David Wilkie. Nhiều cái tên đóng góp sau này bao gồm các họa sĩ trong thời Tiền Raphael, William Holman Hunt Thomas Seddon, những người đã cùng nhau đi du lịch đến Palestine trong năm 1854 đến 1856. Hunt sau đó quay trở lại nơi này vào các năm 1869–1872, 1875–1878 và 1892.

Biên tập: Lệ Lin
Tranh và lời: Tổng hợp từ Tate và nhiều nguồn khác



Cùng tác giả

#Tag

art history cảm hứng sáng tạo Lệ Lin mail art memento mori Từ điển Nghệ Thuật videos định nghĩa

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Thay đổi nhận thức về thực tại với nghệ thuật sắp đặt của Refik Anadol
Thay đổi nhận thức về thực tại với nghệ thuật sắp đặt của Refik Anadol
Bằng việc sử dụng các thuật toán từ hình ảnh, âm thanh và chuyển động, Refik Anadol tạo ra những trải nghiệm kỳ ảo đưa người xem vào một thế…
Loạt bí quyết chụp ảnh giúp bạn tự tin ‘sống ảo’ trong những ngày giãn cách
Loạt bí quyết chụp ảnh giúp bạn tự tin ‘sống ảo’ trong những ngày giãn cách
Trong những ngày giãn cách xã hội với quy định mỗi lúc một nghiêm ngặt hơn, ai cũng muốn tìm cho mình một hoạt động lành mạnh để phần nào…
Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 5)
Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 5)
Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới khiến ngành điện ảnh đứng trước sự chững lại trong gần hai năm nay. Trong khi chờ đợi được trở…
JR Eisma - Nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính không gian của căn phòng
JR Eisma - Nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính không gian của căn phòng
Nếu bạn đang bị mắc kẹt trong bốn bức tường và luẩn quẩn không tìm thấy một ý tưởng nào cho sự sáng tạo, có lẽ những tác phẩm của…