Tìm hiểu về văn hóa kể chuyện đường phố lâu đời Kamishibai, tiền đề của các tác giả truyện tranh đầu tiên ở Nhật
Nguồn gốc của nghệ thuật kể chuyện này là không rõ, chỉ là một ngày đẹp trời ở một con phố thuộc Tokyo, một người đứng ở góc phố bắt đầu kể chuyện và nó ra đời… Hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của văn hóa kể chuyện lâu đời này nhé!
Kamishibai (紙芝居) có nghĩa là kể chuyện bằng tranh, một dạng nghệ thuật chiếu phim đường phố vô cùng nổi tiếng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 1930 và tồn tại đến sau chiến tranh trước khi tivi trở nên phổ biến. Những người kể chuyện sẽ được gọi là Kamishibaiya, họ sẽ đi vòng quanh các vùng trên đất nước và kiếm một nơi để kể chuyện cho trẻ em nghe.
Nguồn gốc của Kamishibai
Nguồn gốc của nghệ thuật kể chuyện này là không rõ, chỉ là một ngày đẹp trời ở một con phố thuộc Tokyo, một người đứng ở góc phố bắt đầu kể chuyện và nó ra đời. Tuy nhiên, người ta tin rằng Kamishibai có nguồn gốc sâu xa trong nghệ thuật Etoki (kể chuyện bằng hình ảnh) vào thế kỉ 12, vì có sự tương đồng. Chẳng hạn như tác phẩm Choju giga (Người động vật) do thầy tu Toba Sojo (1053–1140) thực hiện. Tác phẩm là những bức tranh biếm họa động vật được nhân hóa nhằm châm biếm xã hội trong thời kỳ này, nhưng không có lời thoại, và mỗi hình ảnh bổ sung cho nội dung câu chuyện. Etoki đã từng là một hình thức để các nhà sư có thể truyền bá Phật giáo một cách sống động và gần gũi nhất đến mọi người.
Vào thời Edo (1603–1868), nhờ sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật trình diễn và thị giác, đặc biệt là tranh in khắc gỗ ukiyo-e. Etoki một lần nữa trở nên phổ biến vào cuối thế kỉ 18 khi những người kể chuyện bắt đầu dựng lên ở các góc phố với một cuộn giấy được cuộn trên chiếc cột. Đến thời Minh Trị (1868–1912), Tachi-e (tranh đứng) được kể bởi những người kể chuyện dùng các hình ảnh cắt giấy và gắn lên một thanh gố nhỏ (tương tự như biểu diễn con rối bóng của Indonesia và Malaysia).
Một dạng Etoki khác là người Nhật cải tiến kính soi nhập khẩu từ Hà Lan có tên gọi “Utsushi-e”. Với kích thước nhỏ hơn, sáu bức tranh khắc phong cảnh hàng ngày sẽ được theo thứ tự trước sau và có thể di chuyển lên xuống khi cần để người xem có thể nhìn chúng qua ống kính. Sự phát triển của nghệ thuật và kỹ thuật của thời Edo và Meiji có thể xem là tiền đề để Kamishibai hình thành vào đầu thế kỉ 20.
Thời hoàng kim của Kamishibaiya
Vào giai đoạn Đại khủng hoảng, rất nhiều người đã mất việc làm và việc đổi nghề thành một Kamishibaiya đã cứu sống họ. Theo thống kê thì đã có đến hơn 2.500 Kamishibaiya từng hành nghề ở Tokyo và họ kể chuyện trung bình 30 lần một ngày, có nghĩa là mỗi ngày sẽ có 1 triệu trẻ em được nghe kể chuyện. Sau Thế chiến 2 năm 1945, truyện tranh (manga) đã tạo niềm cảm hứng cho người Nhật để họ có động lực phục hồi kinh tế. Báo chí và tạp chí cũng được thúc đẩy mạnh, nhưng Kamishibai vẫn chiếm được con tim mọi người vì đây là hình thức giải trí mà ai cũng có thể đáp ứng. Những mẩu truyện đều được đầu tư chỉnh chu, với những câu chuyện về ông cha họ đã sống sót thế nào qua giai đoạn khó khăn.
Họ sẽ đạp xe đến khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản, đến những vùng xa xôi ít được tiếp xúc với thông tin. Đồ nghề mà các Kamishibaiya phải có là một chiếc hộp gỗ (butai) với một nửa là khung tranh, một nửa là sân khấu nhỏ, và một thanh gỗ (hyoshigi) dùng để báo hiệu mọi người tập trung lại vào một chỗ và nghe kể chuyện. Trước khi bắt đầu biểu diễn, họ sẽ bán kẹo cho con nít, đây là nguồn thu nhập duy nhất của họ. Kể chuyện không thì chưa đủ, họ còn phải biết cách tạo hiệu ứng âm thanh khi cần thiết.
Để tránh việc quên mất lời thoại, phần lớn nội dung chuyện sẽ được viết ở đằng sau mỗi bức tranh và người kể chỉ cần đọc to lên. Một cách để thu hút khán giả chính là việc mà người kể sẽ dừng lại ở khúc cao trào và để một kết thúc mở. Điều này sẽ khiến những đứa trẻ cảm thấy háo hức muốn biết cái kết và phải chờ lần sau để được nghe đoạn kết ra sao.
Đến đầu những năm 1950, sự chiếm đóng của quân Đồng Minh đã dẫn đến sự ra đời của ti vi và ngày càng ít người xem Kamishibai khi họ đã có thể xem qua màn ảnh nhỏ tại nhà. Rất nhiều người một lần nữa mất việc, một số người tìm được hướng đi mới là chuyển sang vẽ truyện tranh hay còn biết đến là Manga ngày nay.
Cách sản xuất một câu chuyện
Một điều đặc biệt phải nhắc đến là những người kể chuyện chỉ sử dụng tranh vẽ tay đàng hoàng chứ không hề sử dụng các tác phẩm được sản xuất hàng loạt. Kamishibai kashimoto (Đại lý tranh) sẽ thuê các họa sĩ và vẽ từng bức tranh một bằng tay, sau đó sẽ cho những người kể chuyện thuê lại.
Họa sĩ sẽ phác thảo bằng bút chì sau đó đồ lên bằng bút lông mực Ấn Độ. Tiếp đến là tô màu nước để phân định nền và tiền cảnh, một lớp màu tempera được tô lên cho màu nhanh khô và cuối cùng là một lớp sơn mài để tạo độ bóng và hạn chế sự phai màu. Kỹ thuật vẽ này là sự kết hợp điêu luyện của truyền thống và pop art “nửa mùa” của phương Tây.
Có rất nhiều cốt chuyện nổi tiếng trong Kamishibai mà ngày nay được tái hiện lại bằng manga và anime, một trong số là bộ truyện anh hùng đầu tiên, “Ogon Bat” vào năm 1931. Một trong những câu chuyện nổi tiếng khác là “Shimizu Taemon hi sinh tại tòa soạn” từng được sử dụng làm phương thức truyền tin trong Thế Chiến 2 và thời bị chiếm đóng bởi quân Đồng Minh.
Kamishibai hiện nay
Không chỉ Nhật Bản mà một số quốc gia phương Tây cũng mượn cách kể chuyện này để áp dụng trong việc giáo dục cho trẻ em. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ cũng tạo ra những sự khác biệt nhất định trong cách kể chuyện. Như việc cùng một câu chuyện, nhưng lời thoại được viết bằng ba cấp độ đọc khác nhau cho học sinh rèn luyện kỹ năng.
Tara McGowan, tác giả từng xuất bản một số cuốn sách và bài báo về Kamishibai, giải thích rằng phương thức này tạo ra một loạt các khả năng dạy học. Từ việc để giáo viên kể chuyện cho học sinh, học sinh sẽ tự kể chuyện theo góc nhìn của chúng, cho đến việc để học sinh lập thành nhóm và viết một câu chuyện riêng.
Bên cạnh đó, Kamishibai được áp dụng làm bảng hướng dẫn làm việc như ở nhà máy sản xuất của Toyota. Với sự bất đồng ngôn ngữ, đây cũng là một cách mà vài người sử dụng để truyền giáo một cách dễ hiểu. Như nữ tu Maki Saji đã tạo ra một kamishibai dựa trên câu chuyện của Sadako Sasaki, nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima năm 1945. Năm 2010, cô là một đại biểu tại cuộc họp về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân tại Liên Hợp Quốc ở New York, cô đã dùng phương thức này để kể chuyện.
Biên tập: Navi Nguyễn