Picasso và hội họa thế giới đã nợ nghệ thuật châu Phi bao nhiêu?

Trong giai đoạn phát triển các xu hướng hội họa vào thế kỉ 20 ở phương Tây, các nghệ sĩ đã không ít lần vay mượn ý tưởng từ những nền văn hóa khác. Việc người phương Tây không đề cao vấn đề này đã khiến cho một số nền văn hóa không được nhìn nhận đúng cách. Nên trong bài viết này, chúng ta sẽ nhìn lại sự ảnh hưởng của nghệ thuật châu Phi đến lịch sử hội họa.

Vào đầu thế kỷ 20, các cổ vật và đồ tạo tác của người châu Phi được đem đến các bảo tàng thuộc Paris, đây là chiến lợi phẩm đến từ việc mở rộng xâm lược của đế quốc Pháp sang cận sa mạc Sahara. Báo chí trở nên xôn xao với những câu chuyện phóng đại về việc ăn thịt đồng loại và những chuyện kể kỳ lạ về vương quốc Dahomey ở châu Phi. Thêm vào đó, sự ngược đãi người châu Phi diễn ra ở Congo còn được phơi bày trong cuốn sách nổi tiếng Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad.

Tượng bán thân của một người phụ nữ năm 1932 của Picasso và mặt nạ Lwalwa của Dân chủ Cộng hòa Congo.

Việc thuộc địa của Pháp mở rộng khắp châu Phi đã khiến các bảo tàng ở Châu Âu được lấp đầy trong những hiện vật châu Phi vô giá. Và chủ nghĩa Lập thể bắt đầu vào năm 1904, khi tác phẩm Mont Sainte-Victoire (1904-06) của Paul Cézanne phá vỡ quan điểm hội họa truyền thống. Năm 1905, nghệ sĩ Maurice de Vlaminck bị cáo buộc đã bán một chiếc mặt nạ châu Phi có nguồn gốc từ Bờ Biển Ngà cho André Derain, và nó được trưng bày trong studio của ông ở Paris. Henri MatissePicasso đã đến thăm Derain vào năm đó và ‘hoàn toàn bị ám ảnh’ bởi ‘sự vĩ đại và nguyên sơ’ của chiếc mặt nạ.

Nkisi/Nkishi là một từ chỉ linh hồn hoặc một vật thể mà một linh hồn trú ngụ của bộ tộc Vili. Người của bộ tộc tin rằng bức tượng có thể giúp họ giao tiếp với người đã khuất.

Năm 1906, Matisse đã mang đến cho Gertrude Stein một bức tượng Nkisi từ bộ tộc Vili ở Cộng hòa Dân chủ Congo mà ông đã mua vào cùng mùa thu năm đó. Picasso tình cờ có mặt ở cuộc gặp của hai người, và bị mê hoặc bởi sự huyền huyễn của bức tượng khiến ông bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật châu Phi.

Những tiếp cận hội họa ban đầu của Henri Matisse

Là một nghệ sĩ được du lịch khắp nơi, Henri Matisse đã đến Algeria và nghiên cứu về nghệ thuật châu Phi năm 1906. Nghệ thuật châu Phi bắt đầu định hình phần lớn các tác phẩm khi ông thực hành nhiều phong cách và kỹ thuật giống như các loại mặt nạ và vải của người châu Phi. Cũng trong thời gian này, Matisse đã gặp danh họa Pablo Picasso, người về sau trở thành người bạn và đối thủ cả đời của ông.

Một tác phẩm vẽ con gái ông vào năm 1907, bức tranh này về sau được Picasso sở hữu.
Bà Matisse, 1913 được lấy cảm hứng từ mặt nạ Punu của người Shira. Mặt nạ Punu tượng trưng cho vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ trong làng và chỉ nên được chạm khắc bởi đàn ông của bộ tộc.
Tác phẩm Căn phòng đỏ (1942) có sự xuất hiện của họa tiết từ vải của người Kuba ở Congo.

Cho đến nay, một số tác phẩm đáng chú ý nhất của Matisse thể hiện bằng chứng về ảnh hưởng của nghệ thuật châu Phi. Tác phẩm của ông từ năm 1907, Marguerite là bức tranh miêu tả con gái ông được tạo hình tương tự như chiếc mặt nạ châu Phi mà ông sở hữu. Đặc biệt trong các tác phẩm vẽ vợ ông, vòng cung của lông mày và đường cong hướng lên của môi trên thấy rõ nét ảnh hưởng từ mặt nạ của Sira Punu. Một ví dụ đáng chú ý khác là bức tranh tĩnh vật Căn nhà đỏ năm 1942, họa tiết mà Matisse sử dụng được nhìn thấy trong mảnh vải Kuba, một loại vải dệt tay châu Phi của người Kuba ở Congo.

Tấm vải Kuba xuất hiện trong phòng làm việc của Henri Matisse.

Chủ nghĩa Lập thể của Pablo Picasso

Thời kỳ nghệ thuật Châu Phi của Picasso cũng được gọi là thời kỳ của trường phái Lập thể hoặc chủ nghĩa Nguyên thủy của ông kéo dài từ năm 1907 đến năm 1909. Sau giai đoạn Xanh (blue period) và giai đoạn Hồng (rose period), Picasso đã nắm được vị trí tiên phong trong giai đoạn Đen (negro/black period). Lấy cảm hứng từ những chiếc mặt nạ truyền thống của Châu Phi, Picasso đã sử dụng một bảng màu gồm các tông màu đất, các màu nâu chồng lên nhau và màu vàng với các màu đỏ đậm.

Các cổ vật của người châu Phi được trưng bày tại bảo tàng dân tộc học ở Trocadéro năm 1895. Nơi mà Picasso đã tìm kiếm được cảm hứng từ nghệ thuật châu Phi.

Vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1907, Picasso đã đi xem các tác phẩm nghệ thuật châu Phi tại bảo tàng dân tộc học ở Trocadéro. Năm 1937, Picasso đã kể lại cảm nhận về chuyến thăm bảo tàng cho nhà văn hóa Andre Malraux, một người bạn thân của ông:

“Mọi người luôn nói về ảnh hưởng của người da đen đối với tôi. Tôi có thể nói gì đây? Tất cả chúng ta đều yêu thích những ái vật. Van Gogh từng nói: ‘Tất cả chúng ta đều có điểm chung của nghệ thuật Nhật Bản.’ Và đối với chúng ta, đó là người da đen. Nhưng hình dáng mặt nạ của họ không ảnh hưởng nhiều đến tôi hơn là ảnh hưởng đến Matisse hoặc Derain. Nhưng đối với họ, những chiếc mặt nạ giống như bất kỳ tác phẩm điêu khắc nào khác. Khi Matisse cho tôi xem chiếc mặt nạ da đen đầu tiên của anh ấy, anh ấy đã nói với tôi về nghệ thuật của Ai Cập.

Khi tôi đến bảo tàng Trocadéro cũ, một mùi ẩm mốc và sự cũ kĩ xộc thẳng vào cổ họng, tôi đã chán đến mức có thể rời đi bất cứ lúc nào. Nhưng tôi buộc phải ở lại để xem những chiếc mặt nạ này, tất cả những đồ vật mà con người đã tạo ra với một mục đích thiêng liêng và huyền thuật, để làm vật trung gian giữa họ và các thế lực thù địch không rõ xung quanh, họ đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi của mình bằng cách đem lại cho chúng màu sắc và hình dạng. Và sau đó, tôi hiểu bức tranh đó thực sự có ý nghĩa gì. Đó không phải là một quá trình sáng tạo thẩm mỹ; mà là một dạng ma thuật tự đan xen giữa chúng ta và vũ trụ đầy thù địch, một phương tiện nhằm giành lại quyền lực bằng cách áp đặt một hình dạng lên nỗi kinh hoàng của chúng ta, cũng như mong muốn của chính chúng ta. Lúc mà tôi hiểu được điều đó, tôi đã tìm thấy con đường của mình.”

Những khám phá của Picasso về nghệ thuật châu Phi đã ảnh hưởng đến bức tranh Những người phụ nữ của Avignon của ông (hoàn thành vào tháng 7 cùng năm), tác phẩm mô tả năm người phụ nữ bán hoa ở Bacelona. Khuôn mặt của ba người phụ nữ bên trái được dựa trên các tác phẩm điêu khắc của Iberia. Để tránh sự đơn điệu về bố cục, Picasso đã vẽ khuôn mặt của hai người phụ nữ ở bên phải dựa trên các cổ vật của người châu Phi mà ông sưu tầm được. Kể từ kiệt tác này, ông đã vẽ tranh theo phong cách chịu ảnh hưởng của hai nhân vật ở phía bên phải của bức tranh. Những ảnh hưởng này đã đi theo ông trong suốt quá trình làm nghệ thuật.

“Picasso đã tạo ra một thứ gì đó ghê gớm đến mức khiến người ta phải giật mình và sợ hãi. Ông ấy có được điều đó từ nghệ thuật châu Phi – đó là một cách nhìn khác về sức mạnh của nghệ thuật, và điều đó khiến nghệ thuật của ông ấy tự do.” – Laurence Madeline, người phụ trách của bảo tàng Picasso.

“Picasso đã vẽ khuôn mặt của chính mình như thể đó là một chiếc mặt nạ, gần như nó thuộc về một người nào đó không phải là chính ông nữa. Cường độ, độ nguyên thủy đến độ man rợ của bức chân dung tự họa này cho thấy sự tiến bộ mà Picasso đã đạt được trong suốt vài năm, thậm chí trong vài tháng trước đó.” – Marie-Laure Bernadac và Paule du Bouchet viết.

Vào năm 1908, Braque đã trưng bày các tác phẩm của mình tại phòng trưng bày ở Paris, đây là cuộc triển lãm chính thức đầu tiên về chủ nghĩa Lập thể và tạo ra thuật ngữ Cubism.

Những bằng chứng về việc chiếm dụng văn hóa châu Phi của Picasso

Trong suốt cuộc đời, Picasso đã phủ nhận việc ông đã lấy cảm hứng từ nghệ thuật châu Phi, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy ông đã quan sát và sưu tầm các vật phẩm châu Phi trong giai đoạn bắt đầu của trường phái Lập thể. Đáng chú ý, Picasso từng sở hữu một số tác phẩm điêu khắc của Iberia cổ đại mà ông nhận được từ một người quen đã đánh cắp chúng từ bảo tàng Louvre ở Paris.

Một bức ảnh chụp phòng làm việc của Picasso ở Montmartre, Paris năm 1908. Có thể thấy sau lưng ông có rất nhiều cổ vật của người Châu Phi. Có thể xác định được 2 bức tượng bên phải là một của bộ lạc châu Phi và một của bộ lạc Caledonian.

Picasso thừa nhận rằng chuyến viếng thăm bảo tàng dân tộc học Trocadero đã thay đổi ông, nhưng ông không bao giờ công nhận nghệ thuật châu Phi. Tuy nhiên, bằng chứng lại được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của Picasso, người xem có thể tham chiếu đến một số mặt nạ châu Phi mà ông đã nhìn thấy ở Trocadero. Nhưng thay vào đó, ông lại đem đến những bức biếm họa nhợt nhạt, hoàn toàn thiếu sức sống từ nguyên tác, có lẽ đó là lý do tại sao Picasso luôn giữ bí mật về những ảnh hưởng châu Phi cho riêng mình.

“Nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép, còn nghệ sĩ vĩ đại sẽ biết cách đánh cắp.”

Pablo Picasso

Mặt khác, ở hướng đối lập vẫn có một số người phản đối lại suy nghĩ Picasso chiếm đoạt văn hóa và cho rằng hành động của ông là một phần của chủ nghĩa hiện đại ở châu Âu. Vào năm 2006, một cuộc triển lãm mang tên Picasso và châu Phi trưng bày 84 tác phẩm của Picasso và 29 tác phẩm từ giai đoạn Đen của ông, cũng như 100 tác phẩm điêu khắc của châu Phi mà ông sưu tập được trưng bày cạnh nhau ở Johannesburg, Nam Phi. Mục đích của cuộc triển lãm không phải để buộc tội Picasso chiếm đoạt, nhưng để thể hiện cách ông đã vượt qua điều đó và tạo ra một loại hình thẩm mỹ mới.

Triển lãm Picasso và Nghệ thuật Châu Phi năm 2018, các tác phẩm của ông và châu Phi được đặt cạnh nhau để đối chiếu.

“Picasso không bao giờ sao chép nghệ thuật châu Phi, đó là lý do tại sao cuộc triển lãm này không có một tác phẩm cụ thể nào của châu Phi khớp với một số tác phẩm của Picasso. Ông ấy đã đưa ra quan điểm để thể hiện nghệ thuật của riêng mình, nhưng sau đó, ông đã biến hóa thành một thứ gì đó phi thường và mới mẻ hơn.”

Marylin Martin, người phụ trách cuộc triển lãm trả lời với Guardian.
Chiếc mặt nạ Dan được Picasso sử dụng trong một tác phẩm chân dung. Đây là ví dụ mà Martin cho rằng Picasso đã ‘cải tiến’ nghệ thuật bằng cách thay đổi góc cạnh của mặt nạ khi vẽ.

Có thể hiểu ý của Marylin Martin là các bức tranh minh họa cách Picasso ‘cải tiến’ từ việc sử dụng các kỹ thuật khác nhau của châu Phi, chẳng hạn như đảo ngược các đường lồi và lõm trên một mặt nạ để tạo ra trường phái Lập thể. Martin chỉ ra rằng, về cuối đời, Picasso đã nhốt mình với các tác phẩm châu Phi trong xưởng vẽ. Ông không ngừng lấy cảm hứng từ chúng: một năm trước khi ông qua đời vào năm 1973, Picasso thực hiện bức Vị nhạc sĩ, một bức tranh sơn dầu với khuôn mặt dữ tợn giống như những chiếc mặt nạ Grebo mà ông sở hữu.

Mặt nạ Grebo mà Picasso sưu tầm và tác phẩm điêu khắc Guitar (1912).

“Để các sinh viên nghệ thuật trẻ tuổi thấy được những bức tranh tuyệt đẹp của Picasso và để họ thấy ông đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi nghệ thuật châu Phi – đó là điều thú vị nhất về buổi triển lãm này. Picasso được truyền cảm hứng từ nghệ thuật châu Phi và bây giờ các nghệ sĩ châu Phi sẽ được truyền cảm hứng từ Picasso. Đó là một vòng tròn toàn diện.”

Marylin Martin

Martin cũng nói thêm rằng việc trưng bày những tác phẩm này cùng với Picasso nhằm giúp những tác phẩm của các nghệ sĩ châu Phi vô danh được công nhận. Trong bối cảnh thời bấy giờ, các tạo tác của người châu Phi vốn không được xem là tác phẩm nghệ thuật, thì việc làm của Picasso chiếm đoạt văn hóa và đưa vào tác phẩm đã tạo tiền đề các tạo tác của châu Phi được công nhận là nghệ thuật.

Nhìn nhận chính xác hơn về sự ảnh hưởng của nghệ thuật châu Phi

Léopold Sédar Senghor là một nhà thơ, nhà lý luận văn hóa, và tổng thống đầu tiên của Senegal. Năm 1939, ông công bố bài tiểu luận Người da đen có đóng góp gì? và nhắc nhở người đọc ghi nhớ câu nói này, cũng như nêu ra thực trạng mà dân tộc của mình đang gặp phải. Nội dung của bài tiểu luận cũng được ông phân tích rõ về nghệ thuật châu Phi và góc nhìn của người phương Tây đến nghệ thuật châu Phi.

Léopold Sédar Senghor – Tổng thống đầu tiên của Senegal trong 2 thập kỷ.

Với ông, để theo đuổi câu hỏi về mối quan hệ giữa nghệ thuật châu Phi và bản sắc của người châu Phi giống như là thẩm vấn một chiếc gương câm. Khi những chiếc mặt nạ và tác phẩm điêu khắc bị mất đi nguồn gốc, cũng không còn người châu Phi nào có thể xác nhận rằng nguồn gốc của chúng có bị bóp méo khi đem ra nước ngoài. Và các nhà sưu tập tạo tác của châu Phi như Paul GuillaumeThomas Munro lại càng củng cố cho hệ quả này khi thêu dệt các giai thoại thần thánh vào văn hóa của người châu Phi. Những người nghệ sĩ vô danh làm ra chúng đã biến mất cùng với bí mật về những tác phẩm này, còn những kẻ bắt chước lại chúng thì lại được bao biện.

Bản đồ hội họa trên bìa cuốn sách Nghệ thuật Lập thể và Trừu tượng do Alfred Hamilton Barr Jr thực hiện năm 1936. Trong đó, ông nhấn mạnh sự ảnh hưởng của tác phẩm điêu khắc Da đen (Negro sculpture).

Chúng ta có thể quên mất người đã tạo ra và ý nghĩa của chúng, nhưng chúng ta phải nhìn nhận lại chúng. Những người không nhìn nhận văn hóa châu Phi có thể chia làm hai loại. Một, các nhà dân tộc học, nhà sưu tập Guillaume và Munro thêu dệt các “lý thuyết siêu hình trừu tượng” để giải thích tâm lý người châu Phi. Họ cân nhắc khi giữa con người và tác phẩm nghệ thuật, điều đó không làm sáng tỏ gì và ngược lại chỉ cố gắng làm rối tung thêm. Hai, một nhóm các nghệ sĩ châu Âu mà ông cho rằng họ là những người đầu tiên nhận ra hình thức nghệ thuật này trên cơ sở các khuynh hướng hiện đại. Đáng tiếc, điều mà ông phát hiện ra là diễn ngôn của nhóm nghệ sĩ này không hơn gì những lời ca ngợi ‘ngông cuồng’: các nghệ sĩ bị cuốn hút mạnh mẽ bởi tác phẩm, trong khi vẫn không thừa nhận về sự ảnh hưởng và để lại ‘những giai điệu mơ hồ, hoa mỹ, không mạch lạc, lẫn lộn’. Các nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp cũng nói chuyện phiếm mà không biểu lộ gì ngoài sở thích của họ khi cũng không nói được bản chất mà các tác phẩm nghệ thuật châu Phi mang lại.

Bài thơ Mặt nạ người da đen được Senghor viết và dành riêng cho Picasso.

Senghor cũng nhấn mạnh việc người phương Tây đặt những quan niệm thẩm mỹ của họ lên các tác phẩm châu Phi là một sai lầm, cộng thêm những giai thoại rùng rợn mà họ áp đặt. Đáng nói hơn là việc so sánh các tiêu chuẩn gợi dục của điêu khắc Hy Lạp với các điêu khắc nguyên thủy của châu Phi đã tạo ra một sự xung đột về góc nhìn thẩm mỹ. Làm sao để mà người bên ngoài hiểu được ý nghĩa của tác phẩm châu Phi khi họ không có hiểu biết gì?

Thị hiếu và giá trị của phương Tây đã vĩnh viễn bị thay đổi khi tiếp cận nghệ thuật và văn hóa châu Phi. Tuy nhiên, có thật sự công bằng khi văn hóa của người châu Phi chỉ được công nhận là “nghệ thuật” thông qua lăng kính chủ nghĩa hiện đại của phương Tây? Các nghệ sĩ da đen đã buộc phải đón nhận chủ nghĩa hiện đại và phát triển mạnh mẽ về mặt chuyên môn để khẳng định di sản châu Phi của họ. Kết quả là mặc dù phong trào nghệ thuật Da đen lan rộng toàn cầu, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào sự công nhận của người da trắng.

Tạm kết

Trường phái Lập thể không phải là một xu hướng hội họa duy nhất mà phương Tây từng vay mượn văn hóa khác. Chưa kể rằng những hành động mang tính vay mượn này được người phương Tây bình thường hóa, nhưng không công nhận sự ảnh hưởng đó. Có thể lấy ví dụ về danh họa Vincent van Gogh từng thừa nhận sự ảnh hưởng của tranh in khắc gỗ ukiyo-e trong suốt sự nghiệp của ông, bằng chứng là điều này được nhắc nhiều qua những lá thư gửi em trai. Thực tế lại khác, trong nhiều bộ phim về cuộc đời Vangogh, gần như các đạo diễn đều gạt đi yếu tố quan trọng đã ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật của ông.

Thế nên, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa khác đối với lịch sử nghệ thuật phương Tây cần được nhìn nhận một cách đúng đắn và phù hợp. Chúng ta cũng không phủ nhận các di sản nghệ thuật của Picasso và chúng xứng đáng có được vị trí tôn trọng nhất định, nhưng hành động chiếm đoạt văn hóa người châu Phi của ông vẫn là hoàn toàn sai. Từ bài học của Picasso, thế hệ làm nghệ thuật sau này cần có sự hiểu biết và cẩn thận hơn trước khi vay mượn ý tưởng và kiếm lợi nhuận từ một nền văn hóa khác.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

chiếm đoạt văn hóa Cubism Henri Matisse Navi Nguyễn Nghệ thuật châu phi nghệ thuật da đen Pablo Picasso trường phái lập thể

iDesign Must-try

Xưởng vẽ - khu biệt thự tiện nghi view biển Địa Trung Hải của Picasso được rao bán với giá 27 triệu USD
Xưởng vẽ - khu biệt thự tiện nghi view biển Địa Trung Hải của Picasso được rao bán với giá 27 triệu USD
Gần đây, xưởng vẽ của Pablo Ruiz Picasso đã được rao bán với giá trị lên đến 27 triệu USD. Khu biệt thự bên bờ sông này được xây dựng…
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Lịch sử về những nghệ nhân làm diều qua ống kính của Mami Kiyoshi
Vì sao lại có nhưng tấm thiệp giáng sinh kỳ quặc ra đời? Câu chuyện nào ẩn giấu sau chúng?
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Những nghệ sĩ đằng sau danh họa Moses Rosenthaler trong ‘The French Dispatch’ của Wes Anderson
Một phần hậu trường của bộ phim The French Dispatch do Wes Anderson đã diễn ra thế nào?
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Kenji Kawakami - Thiên tài đứng sau những sáng chế kì quặc
Vì sao Nhật Bản lại có những phát minh kì quặc khó có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày?
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima - Kỳ quan của nghệ thuật đương đại thế giới
Hòn đảo Naoshima có những công trình đương đại nổi tiếng nào khiến nơi đây trở nên độc nhất trên thế giới?
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Lịch sử thiệp Giáng Sinh: Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh ở Mỹ (Phần 2)
Ngành công nghiệp thiệp Giáng Sinh tại Mỹ đã bắt đầu như thế nào?