Taro Okamoto - Vị họa sĩ muốn vượt qua Pablo Picasso
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp và từng được gặp gỡ danh họa người Tây Ban Nha, Taro Okamoto còn đặt ra cho mình mục tiêu phải vượt qua được thần tượng của mình.
Tiểu sử Taro Okamoto
Taro Okamoto (1911-1996) sinh ra ở tỉnh Kanagawa trong một gia đình có cha mẹ ông đều là những người làm nghệ thuật nổi tiếng tại Nhật. Cha ông Ippei Okamoto là một họa sĩ truyện tranh với lối vẽ ảnh hưởng từ phương Tây, còn mẹ ông là Kanako Okamoto, một nhà thơ và một học giả nghiên cứu Phật giáo. Thế nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được bố mẹ cho hướng theo con đường nghệ thuật.
Thời đi học, ông có học lực khá tệ khi luôn đứng hạng 52 cuối lớp. Một điều thú vị là hạng 51 lại là Ichiro Fujiyama, người mà sau này trở thành một ca sĩ nổi tiếng và từng được nhận Huân chương quốc gia trao bởi Nhật hoàng. Vì học lực “đặc biệt” của mình, cả hai đã trở thành bạn và về sau lại trở thành những người thành công.
Năm 1924, ông cho ra mắt tác phẩm đầu tiên “Haizan No Nageki” (Cái giá của thất bại) năm 14 tuổi, được đánh giá là một họa sĩ trẻ nhiều tiềm năng và hứa hẹn. Năm 18 tuổi, ông có cơ hội được đi du lịch đến Châu Âu cùng bố mẹ khi họ đang nghiên cứu về văn chương. Khi đến Paris, ông đã có cơ hội được tiếp xúc với cái nôi nghệ thuật của thế giới.
Cuộc sống 10 năm tại Paris
Bắt đầu từ đây, ông dành ra 10 năm trời học tập tại Paris. Bên cạnh việc học tiếng Pháp và văn hóa, ông nhập học ở Đại học Paris năm 1932 chuyên ngành Dân tộc học. Đây cũng là quá trình mà ông đi tìm câu trả lời của đời mình, “Tại sao tôi lại vẽ?”
Cũng ngay vào thời gian này, ông được gặp và tiếp xúc với danh họa Pablo Picasso. Những tác phẩm của Picasso đã tác động lớn đến Taro, khiến cho ông đặt qua mục tiêu phải “vượt qua Picasso.” Sự hào hứng của ông từng được viết trong cuốn tự truyện “Seishun Picasso” (1953) rằng:
“Tôi đã tìm ra được một lối vẽ từ hội họa trừu tượng. Phong cách này chính là một thế giới thực mà có thể phá vỡ những rào cản về truyền thống, con người và ngôn ngữ. Đó là một phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ 20.”
Năm 1936, ông ra mắt tác phẩm trừu tượng đầu tiên “Itamashiki Ude” (Cánh tay thương tích) với hình ảnh lột tả sự chịu đựng của con người để vượt qua nỗi đau. Giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao tác phẩm này của Taro. Họ gọi rằng đây là sự giải phóng của tư tưởng truyền thống bó buộc của phương Đông để hòa vào dòng chảy tự do của nghệ thuật phương Tây. Năm 1938, tác phẩm được nhắc đến trong cuốn sách “Surrealism Simple Dictionary” của André Breton, người sáng lập chủ nghĩa Siêu thực.
Nghệ sĩ tiên phong sau chiến tranh
Năm 1940, phát xít Đức xâm lược Pháp và ông đành phải về Nhật và hai năm sau, ông phải đi phục vụ quân đội vì Nhật Bản đang tăng cường lực lượng cho trận chiến Thái Bình Dương. Đây là một khoảng thời gian khó khăn cho ông khi phải nhập ngũ ngoài tuổi 30 và bị đối xử là một binh nhì.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh vào năm 1945, ông trở về từ sau chiến tranh và chứng kiến nhà cửa cũng như toàn bộ tác phẩm của mình đã bị thiêu rụi. Ông bắt đầu xây dựng một xưởng tranh mới tại Tokyo và thông báo với báo chí vào năm 1947 rằng: “Thời kỳ đồ đá của nghệ thuật đã chấm dứt, Taro Okamoto này đã có một hướng nghệ thuật mới.” Tuyên bố này của ông đã đặt ra một thách thức với giới nghệ thuật Nhật Bản bấy giờ.
Tác phẩm “Kongjian” (Không gian) năm 1933. Tác phẩm ” Kontorupoan” (Điểm trung gian) năm 1935
Năm 1948, ông lập hội “Yoru no kai” (Hội về đêm) bao gồm những nhà văn, nhà thơ, chính trị gia và họa sĩ tập hợp lại để cùng thảo luật về nghệ thuật tiên phong. Về sau, phần lớn những người trong hội này đều thành công và có tầm ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của họ.
Những nghiên cứu về nguồn gốc Nhật Bản
Cũng trong thời gian này, Taro gặp được tác phẩm đã thay đổi nhận thức của ông về nghệ thuật một lần nữa sau Pablo Picasso, đó là những tác phẩm đồ gốm hình ngọn lửa thời kỳ tiền sử Jomon. Đây là những tác phẩm nghệ thuật trái ngược với sự gò bó của vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản. Điều này đã đặt ra câu hỏi cho ông về quốc gia: “Nhật Bản là gì?”
Để trả lời cho câu hỏi đó, Taro đã dành ra 5 năm để bắt đầu hành trình khám phá bản chất của quốc gia ông đang sống. Địa điểm đầu tiên là vùng Tohoku nơi ông bắt gặp ‘linh hồn ma thuật’ của Nhật Bản nguyên thủy. Hai năm sau, vào năm 1959, ông đi du lịch đến Okinawa và điều mà ông phát hiện ra ở đó chính là ‘Nhật Bản’ mà người đương thời đã gạt sang một bên và đánh mất. Trong cuộc sống thuần túy của người dân Okinawa, ông đã có thể phân biệt nguồn gốc của chính mình và của cả những dân tộc khác của Nhật Bản. Hành trình của Taro qua thời Jomon, Tohoku và Okinawa đã giúp tìm được “Nhật Bản nguyên thủy”, một “Nhật Bản bị lãng quên”, hay nói một cách khác là “bản chất Nhật Bản.”
Năm 1954, ông được đề nghị viết một cuốn sách khai sáng nghệ thuật mà ngay cả học sinh đọc cũng có thể hiểu. Và cuốn sách “Ai đã tạo nên thời đại nghệ thuật ngày nay?” (1954) đã ra đời và trở thành một tác phẩm bán chạy. Ông giảng giải rằng nghệ thuật không phải là những thủ thuật, mà là chính cuộc sống, đồng thời phê phán những quan điểm truyền thống về nghệ thuật.
Kể từ thập niên 50, tên tuổi ông được nhiều người trên toàn quốc biết đến thông qua những chương trình đàm thoại và quan điểm nghệ thuật. Trong cuốn sách “Ai đã tạo nên kỷ nguyên nghệ thuật ngày nay?”, ông tuyên bố rằng:
“Nghệ thuật là không được chỉn chu, không được đẹp và không được dễ nhìn.”
Với ông, những yếu tố như kỹ năng, thẩm mỹ và sự mềm mại của đôi tay không liên quan gì đến bản chất của nghệ thuật. Đúng hơn thì nghệ thuật thực sự là thu hút và làm người xem choáng ngợp, bao gồm cả sự khó chịu của nó.
Sự ra đi và di sản
Khi tuổi càng cao, Taro Okamoto càng cố gắng sáng tạo và mở các cuộc triển lãm hơn. Cho đến năm 1992, ông quyết định tặng toàn bộ tác phẩm của mình cho thành phố Kawasaki khi bản thân đã bước sang tuổi 80. Năm 1996, ông qua đời tại Bệnh viện Đại học Keio khi 84 tuổi. Theo di nguyện của ông, không có đám tang được tổ chức.
Năm 1999, thành phố Kawasaki xây dựng và khai trương Bảo tàng Taro Okamoto. Năm 2007, giải thưởng Taro Okamoto được ra đời để tôn vinh những nghệ sĩ nào thừa kế được ý chí của ông. Không chỉ những tác phẩm hội họa, những tài liệu và nghiên cứu về lịch sử cũng như nguồn cội của người Nhật đều là những tài liệu có giá trị cao về nhiều mặt.
Hai tác phẩm Báu vật quốc gia
Taro có hai tác phẩm từng được công nhận là Báu vật quốc gia và hiện nay đều là hai trong nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng nổi tiếng. Đó là “Ashita no shinwa” (Thần thoại tương lai) năm 1969 và “Taiyou no to” (Tháp Mặt trời) năm 1970. Cả hai báu vật đều là hai tác phẩm liên kết nhau được Taro thực hiện từ 1968 đến 1970.
Cuối thập niên 60, Taro đã đến Mexico và được một khách sạn địa phương thuê vẽ bức tranh đặt tại tiền sảnh. “Thần thoại tương lai” mô tả lại hình ảnh con người trong giây phút kinh hoàng khi bom hạt nhân của Mỹ giáng xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II năm 1945. Bức bích họa xuất phát từ suy nghĩ sâu sắc và tiếng lòng thổn thức của tác giả, cũng như một niềm tin rằng mọi người sẽ vượt qua nỗi đau chiến tranh.
Ông đã bắt tay vào phác thảo tác phẩm nhiều lần từ năm 1970, cho đến khi thực sự vẽ từ năm 1968 và hoàn thành năm 1969. Đây là một tác phẩm đồ sộ với chiều cao 5,5m và rộng 30m. Tuy nhiên, vì lí do tài chính, nên khách sạn đã không xây được. Bức vẽ bị lấy đi và cuối cùng bị mất tích hơn 30 năm. Đến năm 2003, bức tranh được phát hiện trên một mảnh sân của một khu xây dựng thuộc ngoại ô Mexico. Con gái nuôi của ông là bà Toshiko Okamoto đã đến Mexico và xác nhận tác phẩm thất lạc và chính thức công bố vào năm 2005.
Sự kiện Triển lãm Thế giới (World Expo) diễn ra năm 1970 tại Osaka là một sự kiện lịch sử đánh dấu sự tăng trường kinh tế của Nhật Bản. Và Taro được chọn làm người chỉ đạo nghệ thuật cho cả triển lãm. Giữ một chức vụ danh giá như vậy, ông đã tuyên bố mình sẽ tạo ra “một điều thật điên rồ.”
“Tháp Mặt trời” được Taro thiết kế và thực hiện thi công từ 1968 đến 1970 bởi ba nhóm thi công khác nhau. Đây là một công trình cao 70 mét, gồm 4 phần: Mặt nạ vàng (đỉnh) tượng trưng cho tương lai, Mặt trời (giữa) tượng trưng cho hiện tại, Mặt trời đen (đằng sau) tượng trưng cho quá khứ và Mặt trời cổ đại (tầng hầm dưới tháp) tượng trưng cho thời xa xưa. Ở bên trong tòa tháp có triển lãm “Cây đời sống” và sau tận 50 năm thì người ta mới được tham quan lại bên trong tòa tháp vào 2011.
Một số tác phẩm tiêu biểu khác:
Bạn thích tác phẩm nào của Taro Okamoto nhất? Hãy cho iDesign biết những cảm nhận của bạn nhé!
Biên tập: Navi Nguyen