Những tựa phim Oscar để bạn thưởng thức trong kỳ giãn cách xã hội (phần 1)

Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới khiến ngành điện ảnh đứng trước sự chững lại trong gần hai năm nay. Trong khi chờ đợi các cực phẩm mới của màn ảnh rộng, hãy cùng thưởng thức những bộ phim Oscar có sức ảnh hưởng đại chúng trong nhiều năm qua, để những ngày giãn cách của chúng ta không còn nhàm chán nữa nhé.

1. Joker (2019) – Gã hề

Arthur Fleck thường xuyên gặp phải những tình huống trớ trêu vì sự nhẫn tâm và thờ ơ của xã hội

Đạo diễn: Todd Phillips

Diễn viên: Joaquin Phoenix, Robert De Niro, Zazie Beetz, Frances Conroy

Xếp hạng IMDb: 8,4/10

Trailer phim Joker (2019)

Câu chuyện phim Joker diễn ra tại thành phố Gotham, xoay quanh một khoảng thời gian trong cuộc đời của Arthur Fleck, người đàn ông có vấn đề về tâm lý và hiện vẫn sống cùng mẹ. Dù có ước mơ cháy bỏng được trở thành một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng, anh lại thường xuyên gặp phải những tình huống trớ trêu vì sự nhẫn tâm và thờ ơ của xã hội. Trong suốt những ngày đen tối khốn khổ như muốn dồn con người vào đường cùng, Arthur không hề ý thức được rằng anh ta đang thay đổi. Một bản ngã khác từ những đổ vỡ và đớn đau đã sống dậy trong tâm hồn Arthur – một gã hề với nụ cười toét miệng luôn trên gương mặt mang tên Joker.

Một bản ngã khác từ những đổ vỡ và đớn đau đã sống dậy trong tâm hồn Arthur Fleck

DC Comics luôn làm say đắm khán giả bởi những nhân vật có chiều sâu nội tâm. Để trở thành một con người như hiện tại, bất cứ ai trong số họ cũng phải trải qua nỗi đau khổ tột cùng. Nhiều thập kỷ qua đi, điện ảnh thế giới đã chứng kiến màn hóa thân vào vai gã hề Joker của những diễn viên tài năng như Jack Nicholson, Jared Leto hay Heath Ledger. Dù vậy, đạo diễn Todd Phillips vẫn gây ấn tượng bởi lựa chọn hướng khai thác khác biệt: khắc họa Joker hay là Arthur Fleck trong một bộ phim pha trộn giữa hài đen và kinh dị tâm lý. Với sự tham gia của ngôi sao Joaquin Phonenix, nhân vật Joker hiện lên trên màn ảnh là một con người bình thường, với những nỗi đau khổ và yếu đuối trong một thành phố buồn bã, ảm đạm và nhuốm màu tội lỗi.

Joaquin Phoenix cũng đem về tượng vàng Oscar cho vai diễn Joker

Joker đã thu về trên $1 tỷ trên toàn cầu, cũng là bộ phim đầu tiên và duy nhất mang nhãn R làm được điều đó. Ngoài ra, đứa con tinh thần của đạo diễn Todd Phillips còn được giới phê bình giành sự tán thưởng cao nhất với giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venice, cùng 11 đề cử ở các hạng mục quan trọng của giải thưởng Oscar danh giá. Sự hóa thân xuất sắc của Joaquin Phoenix cũng đem về cho anh tượng vàng Oscar cho diễn viên xuất sắc nhất.

2. Parasite (2019) – Ký sinh trùng

Trong căn hộ ẩm thấp, chật chội và dơ bẩn, bốn thành viên thay phiên nhau chui rúc để sinh hoạt cá nhân và không ngừng lao động chân tay để kiếm ra tiền

Đạo diễn: Bong Joon Ho

Diễn viên: Kang-ho Song, Sun-kyun Lee, Yeo-jeong Cho, Woo-sik Choi

Xếp hạng IMDb: 8,6/10

Trailer phim Parasite (2019)

Parasite được mở đầu với một trường đoạn dài giới thiệu gia cảnh thiếu thốn, khó khăn của nhà họ Kim. Trong căn hộ ẩm thấp, chật chội và dơ bẩn, bốn thành viên thay phiên nhau chui rúc để sinh hoạt cá nhân và không ngừng lao động chân tay để kiếm ra tiền. Sự khốn đốn của gia đình họ đứng trước bước ngoặt quan trọng khi cậu con trai Ki Woo, nhờ một mánh khóe tinh ranh, được trở thành gia sư của đứa con gái nhà họ Park giàu có. Và hành trình của cả gia đình họ bắt đầu.

Cuộc sống của gia đình họ Kim đứng trước bước ngoặt quan trọng khi cậu con trai Ki Woo được trở thành gia sư của một gia đình giàu có

Trong thập kỷ qua, nhìn vào những đề cử từng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, giới quan sát có thể thấy rõ nỗ lực to lớn của họ trong việc hướng đến đối tượng khán giả toàn cầu, chú trọng đề cao sự đa dạng văn hóa của các quốc gia và dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng để một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc giành được giải thưởng cao nhất tại Oscar là một việc chưa từng có tiền lệ trước đây, và có lẽ cũng chỉ nằm trong giấc mơ liều lĩnh nhất của một vài người. Những gì diễn ra đã trở thành lịch sử, khi Parasite của Bong Joon-ho được xướng tên cho hạng mục Best Picture tại Oscar năm đó.

Parasite khắc họa yếu tố đối lập về ý thức hệ và sự phân rẽ của giai cấp xã hội

Sự tài tình của đạo diễn Bong Joon-ho đã đưa điện ảnh Hàn Quốc trở thành một hiện tượng, với bắt đầu là giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes cho đến Oscar danh giá. Một câu chuyện về hai gia đình, tượng trưng cho hai tầng lớp điển hình trong xã hội, qua đó khắc họa yếu tố đối lập về ý thức hệ và sự phân rẽ của giai cấp xã hội trong bất kỳ nền văn hóa nào.

Với nguồn kinh phí khoảng $11 triệu, Parasite đã thu về hơn $258 triệu trên toàn cầu

Với nguồn kinh phí khoảng $11 triệu, Parasite đã thu về hơn $258 triệu trên toàn cầu, trong đó, doanh thu lớn nhất thuộc về thị trường Hàn Quốc. Sự tổng hòa giữa các thể loại như hài đen, chính kịch, tâm lý và hành động cùng cách khai thác câu chuyện hợp lý, vượt xa mọi khuôn khổ từng biết khiến Parasite có thể chạm đến góc độ sâu kín nhất của trái tim khán giả, bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ và nền văn hóa.

3. Roma (2018)

Câu chuyện phim Roma lấy bối cảnh những năm 1970 khi Cleo Gutiérrez giúp việc cho một gia đình trung lưu trong khu phố Colonia Roma ở Mexico City

Đạo diễn: Alfonso Cuarón

Diễn viên: Yalitza Aparicio, Marina de Tavira, Diego Cortina Autrey, Carlos Peralta

Xếp hạng IMDb: 7,7/10

Trailer phim Roma (2018)

Câu chuyện phim Roma lấy bối cảnh những năm 1970 khi Cleo Gutiérrez giúp việc cho một gia đình trung lưu trong khu phố Colonia Roma ở Mexico City. Cùng với một người giúp việc nữa, Cleo nhận chăm sóc cho bốn đứa con của vợ chồng ông bà Antonio và Sofia. Câu chuyện phim bắt đầu khi người chồng Antonio rời khỏi nhà để đường hoàng đến sống bên cạnh nhân tình, trong khi đó, Cleo phát hiện ra mình đã có thai. Trước những biến cố lớn trong đời, Sofia quyết định đưa những đứa trẻ và cô giúp việc Cleo đến một vùng đất xa lạ, chỉ để có thể quên đi những nỗi đau và tìm cách tiến về phía trước.

Câu chuyện phim bắt đầu khi người chồng Antonio rời khỏi nhà để đường hoàng đến sống bên cạnh nhân tình, và trong khi đó, Cleo phát hiện ra mình đã có thai.

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin đã thay đổi cách thức và hành vi giải trí của con người trong xã hội hiện đại. Trong nhiều năm qua, những nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix, Amazon, Hulu, vv dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Dù vậy, một số nhà làm phim vẫn tin rằng những bộ phim được sản xuất để trình chiếu trên các nền tảng này không được xem như điện ảnh thực thụ. Bất chấp những định kiến ấy, Netflix vẫn luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm với nguồn kinh phí, kịch bản và hình ảnh với chất lượng của màn ảnh rộng.

Roma chạm được đến trái tim của khán giả bởi những khung hình trắng đen đầy gợi cảm

Sau lần ra mắt tại Liên hoan phim Venice, Roma đã thực sự “đánh bay” những hoài nghi của giới bảo thủ về một bộ phim được sản xuất bởi truyền hình trực tuyến. Quy chuẩn trình chiếu cùng hệ thống âm thanh Dolby Atmos cho thấy nỗ lực vượt bậc của Netflix trong việc xóa nhòa khoảng cách và định kiến của giới bảo thủ về một “bộ phim trực tuyến” và “điện ảnh thực thụ”. Chính chất lượng của Roma, với chiều sâu trong một câu chuyện mang tính tiểu sử về chính cuộc đời Alfonso Cuarón cùng những khung hình trắng đen đầy gợi cảm, đã chạm được đến trái tim của khán giả. Nhờ vậy, Netflix đã giành được đề cử Best Picture đầu tiên của mình tại Oscar.

4. Moonlight (2016) – Ánh trăng

Moonlight là một bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt tại Oscar thời điểm đó bởi đề tài, nhân vật và cách khai thác kén khán giả đại chúng

Đạo diễn: Barry Jenkins

Diễn viên: Mahershala Ali, Shariff Earp, Duan Sanderson, Alex R. Hibbert

Xếp hạng IMDb: 7,4/10

Trailer phim Moonlight (2016)

Moonlight là bộ phim ghi dấu ấn đặc biệt tại Oscar thời điểm đó bởi đề tài, nhân vật và cách khai thác kén khán giả đại chúng. Khán giả được nhìn ngắm cuộc đời của Chiron, một người Mỹ gốc Phi, cùng nỗi đau khổ, niềm trăn trở và những cuộc chiến không hồi kết về nhân dạng và giới tính từ khi còn là một cậu bé đến lúc trưởng thành.

Tuổi thơ trải qua với người mẹ nghiện hút, với ngoại hình gầy gò, nhỏ bé cùng tính cách ngại ngùng, Chiron luôn là mục tiêu bắt nạt và bạo hành

Tuổi thơ trải qua với người mẹ nghiện hút, với ngoại hình gầy gò, nhỏ bé cùng tính cách ngại ngùng, Chiron luôn là mục tiêu bắt nạt và bạo hành tại một khu phố đầy những tệ nạn xã hội ở Miami. Với tuổi thơ đầy nỗi đau và những biến động như thế, Chiron lớn lên với cảm giác không an toàn, cảm giác áp lực không lối thoát về con người mà mình thực sự muốn trở thành.

Moonlight của đạo diễn Barry Jenkins đã tạo nên một định nghĩa và phong cách mới cho điện ảnh độc lập của thế kỷ 21

Với góc nhìn gai góc, trần trụi nhưng vẫn đầy tính lãng mạn về quá trình trưởng thành của một cậu bé, Moonlight của đạo diễn Barry Jenkins đã tạo nên một định nghĩa và phong cách mới cho điện ảnh độc lập của thế kỷ 21. Giải thưởng Best Picture được trao cho bộ phim không chỉ tôn vinh tài năng của Jenkins, mà còn là sự khẳng định đối với đề tài về cộng đồng người da màu và LGBT. Vượt ra khỏi những khuôn khổ và định kiến, câu chuyện đầy chất thơ, gợi cảm và lãng mạn của Moonlight gợi được những rung động tinh tế và sâu kín nhất trong trái tim và tâm hồn khán giả, mà ở đó tôn vinh vẻ đẹp cùng sự hòa hợp đại đồng của một thế giới không phân biệt văn hóa, sắc tộc, màu da hay giới tính và xu hướng tình dục.

Câu chuyện đầy chất thơ, gợi cảm và lãng mạn của Moonlight gợi được những rung động tinh tế và sâu kín nhất trong trái tim và tâm hồn khán giả

(Còn tiếp)

Bài viết: Gấu Trúc

Nguồn tham khảo: IMDb, Wikipedia

Cùng tác giả

#Tag

cảm hứng nghệ thuật cảm hứng phim gấu trúc nghệ thuật oscar phim phim điện ảnh Series xem gì mùa giãn cách điện ảnh điện ảnh Hàn Quốc điện ảnh Mỹ

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…