Phía sau những khung hình nên thơ như tranh vẽ của phim hoạt hình Luca (Pixar)
Trong khi hầu hết các phim hoạt hình cố gắng mang lại vẻ ngoài chân thực cho các nhân vật và bối cảnh, mục tiêu của những người đứng sau Luca lại là làm cho phim trở nên nghệ thuật hơn. Dù Pixar vốn nổi tiếng với hoạt hình siêu thực, đạo diễn Enrico muốn có những khung hình trữ tình như tranh vẽ, gợi nhớ đến phim 2D và những tác phẩm của Hayao Miyazaki mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Bộ phim hoạt hình mới Luca của Pixar, hiện đang phát sóng trên Disney +, là một tác phẩm trong trẻo, nên thơ, vô cùng phù hợp với mùa hè. Phim kể câu chuyện của một cậu bé thuộc tộc thuỷ quái tên Luca sống dưới biển sâu, tò mò về thế giới trên cạn dù đã được bố mẹ thường xuyên cảnh báo về việc phải tránh khỏi những con người nguy hiểm. Cậu ngoan ngoãn nghe theo cho đến ngày gặp Alberto, một thuỷ quái khác sống đời cô độc nhưng tự do trên một hòn đảo.
Luca biết về khả năng biến thành người khi rời khỏi mặt nước của mình, nảy nở tình bạn với Alberto, rồi hai cậu bé cùng đến thăm thị trấn nằm sát ven biển. Bên cạnh việc gặp gỡ bạn mới, khám phá một lối sống mới, Luca cũng học cách vượt qua những nỗi sợ hãi, tin tưởng vào bản thân và thấu hiểu người khác sau những ấn tượng ban đầu.
Về nhiều khía cạnh, Luca là một tác phẩm điển hình của Pixar với công thức: hình ảnh tuyệt đẹp, nhân vật đa diện, một câu chuyện thú vị, hài hước và ý nghĩa. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của xưởng phim lừng lẫy được thực hiện trong quãng thời gian giãn cách xã hội.
Từ phim đầu tiên Toy Story năm 1995, trong nhiều thập kỷ, Pixar đã nuôi dưỡng một đội ngũ sáng tạo đa tài, năng động với hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như Up, The Incredibles và Coco vừa mang tính giải trí và nghệ thuật, trở thành tiêu chuẩn vàng trong làng hoạt hình.
Khởi nguồn ý tưởng
Quá trình làm một bộ phim Pixar, giống như rất nhiều thứ khác trong ngành sáng tạo, đều bắt đầu từ một ý tưởng. Đối với Luca, ý tưởng đến từ đạo diễn Enrico Casarosa, người đã trải qua thời thơ ấu tại miền duyên hải Riviera của Ý và tình bạn đầy ý nghĩa với một người bạn thủa nhỏ tên Alberto. Hình tượng quái vật biển trong phim lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại phổ biến trong vùng. Những nét văn hoá và phong cảnh thị trấn miền quê trữ tình của nước Ý được tôn vinh qua những khung hình tươi sáng, đẹp đẽ.
Nhà sản xuất Andrea Warren cho biết: “Đây là một bộ phim về thời xưa cũ. Chúng tôi muốn thể hiện sự chân thực của thời đại, dù có những nét cách điệu: những bộ quần áo đơn giản, bọn trẻ chạy chơi trên chân trần…” Daniela Strijleva, thiết kế sản xuất của phim, chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã đến thăm những nơi Enrico từng sống khi còn nhỏ, xem anh ấy leo lên một tảng đá cao và nhảy xuống nước. Những ký ức và nỗi nhớ càng nhấn mạnh tình yêu của anh với quê hương. Và tất nhiên việc gặp gỡ những ngư dân, người dân địa phương đã mang đến rất nhiều kiến thức và hiểu biết.”
Theo đạo diễn Enrico Casarosa, mối liên hệ cá nhân với câu chuyện trở thành một chiếc la bàn để định hướng. Kể cả khi câu chuyện thay đổi trong suốt quá trình làm phim, điều cốt lõi vẫn được giữ nguyên. Với Luca, đó là tình bạn thời thơ ấu ngọt ngào.
Tất cả chúng ta đều trải qua những phiên bản khác nhau của tình bạn, ta có thể là Luca hay Alberto. Mỗi người đóng góp một chút mảnh ghép tuổi thơ của riêng mình khiến câu chuyện trở nên giàu cảm xúc hơn.
Enrico Casarosa
Xây dựng tạo hình nhân vật
Sau khi thông qua kế hoạch làm phim, kịch bản được viết và nhà thiết kế sản xuất phải hình dung mọi thứ. Họ chịu trách nhiệm về “diện mạo” tổng thể của bộ phim, hướng dẫn các nghệ sĩ kịch bản phân cảnh, họa sĩ hoạt hình và nghệ sĩ VFX để chắc chắn sản phẩm đi theo định hướng chung.
Nhà thiết kế sản xuất của Luca, Daniela Strijleva cho biết: “Enrico muốn một cái nhìn cách điệu, nên thơ với nhiều họa tiết vẽ tay hơn. Ví dụ, không phải tạo lỗ chân lông thật trên da, mà là vẽ nên kết cấu tạo cảm giác như nhân vật có chi tiết đó. Thách thức ở đây là sử dụng công nghệ mà chúng tôi có và giải thích với các đối tác kỹ thuật như thế này: Bạn có thể đơn giản hóa cái này vì nó quá chi tiết không? Nó đẹp, nhưng chúng tôi muốn một cái gì đó thơ mộng, trữ tình hơn một chút, như một bức tranh hay cuốn truyện.”
Trong khi Daniela giám sát vẻ ngoài cho nhân vật, công việc của Michael Venturini là quản lý chất lượng, phong cách của hoạt hình và đảm bảo rằng nó kết hợp hài hòa với tầm nhìn nghệ thuật.
Anh cho biết: “Có 63 họa sĩ tham gia, và chúng tôi phải giúp họ hiểu về phong cách chung. Tôi cũng chịu trách nhiệm phân loại các cảnh quay, tìm người làm phim hoạt hình phù hợp theo thế mạnh của họ và đảm bảo rằng họ làm theo đúng yêu cầu của đạo diễn. ”
Khi tạo ra diện mạo của quái vật biển, các nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ những tranh vẽ có từ thời Trung cổ trên bản đồ thời Phục hưng từ những năm 1500, cũng như các tác phẩm điêu khắc trên khắp nước Ý, từ đài phun nước đến nghệ thuật khảm nội thất.
Giám đốc nghệ thuật cho nhân vật Deanna Marsigliese cho biết: “Tôi thực sự muốn những thiết kế này trở nên độc đáo, khác với những miêu tả thời Trung cổ, nhưng bên cạnh đó cũng thể hiện rõ nguồn gốc của chúng. Bạn sẽ nhận thấy các hoa văn tỷ lệ không đều như thể được chạm khắc bằng tay và mỗi nhân vật có những loại vây mặt, mao, gai nhọn, màng hay đường cong bên trong đuôi khác nhau.”
Vì không có một quái vật biển thực sự nào để làm cơ sở cho chuyển động của các nhân vật, nhóm nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ cự đà biển, và xem xét những sinh vật trong thế giới thực có khả năng thay đổi ngoại hình như tắc kè hoa, để tạo hình cho nhân vật biến từ thuỷ quái thành người.
Toàn bộ thành công của bộ phim phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể biến quái vật biển thành người hay không.
Michael Venturini
Các hiệu ứng hình ảnh khác
Phim hoạt hình cũng cần những nghệ sĩ tạo hiệu ứng hình ảnh, mặc dù vai trò của họ hơi khác một chút. Trong phim người đóng live-action, họ phải tạo ra sinh vật không phải con người, vụ nổ, khói, v.v., còn trong hoạt hình, nhiệm vụ là xử lý các hiện tượng tự nhiên.
Nước đóng một vai trò rất lớn đối với Luca, đây cũng là một thử thách lớn dành cho người giám sát VFX Jon Reisch và cộng sự. “Nước luôn là đề tài khó đối với đội ngũ kỹ xảo. Chúng tôi đã xem hàng trăm bức ảnh chụp đại dương và ảnh những đứa trẻ đang tung tăng chơi đùa dưới nước.”
Ngoài ra còn có thách thức về tạo hình và chuyển động cho những sợi mì (Làm sao mà có thể khắc họa nền văn hóa nước Ý nếu thiếu những món ăn ngon!) Cách những đĩa mỳ di chuyển hay hành động ăn bốc ngon lành của các cậu bé thực sự rất khó. Trong vòng hai tháng, các nhà làm phim hoạt hình chỉ ngồi tính toán các chuyển động để xem những sợi mỳ dính trên ngón tay hay trên miệng nhân vật như thế nào.
Trong khi hầu hết các phim hoạt hình cố gắng mang lại vẻ ngoài chân thực cho các nhân vật và bối cảnh, mục tiêu của những người đứng sau Luca lại là làm cho phim trở nên nghệ thuật hơn. Dù Pixar vốn nổi tiếng với hoạt hình siêu thực, đạo diễn Enrico muốn có những khung hình trữ tình như tranh vẽ, gợi nhớ đến phim 2D và những tác phẩm của Hayao Miyazaki mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Bí quyết mà đội ngũ làm phim đã khám phá ra là sử dụng một bảng màu riêng và tạo độ bão hòa màu cao. Máy tính có thể tạo ra hàng triệu màu. Nhưng một nghệ sĩ chỉ có một bảng màu hạn chế để pha trộn và vẽ. Vì vậy, nếu giới hạn các màu sắc, khung hình sẽ có cảm giác nghệ thuật và biểu cảm như tranh của một họa sĩ.
Đơn giản hóa giao diện của một bộ phim 3D là điều cực kỳ thú vị. Các khung hình vẫn giống như một bộ phim CG thôi, nhưng bạn có thể cảm nhận được bàn tay của các nghệ sĩ đã chạm vào như thế nào.
Đạo diễn hình ảnh David Bianchi
Biên tập: 19August
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Hành trình 90 năm của Winnie the Pooh: Từ bản phác họa trở thành biểu tượng của Disney
- 2. 4 tác phẩm hoạt hình stop-motion bạn nên xem!
- 3. Trọn vẹn kết quả lễ trao giải Oscar lần thứ 90
- 4. Oliver Jeffers: “Hãy chuẩn bị cho việc nhiều người sẽ không thích tác phẩm của bạn”
- 5. Sẽ thế nào nếu Ghibli không có Isao Takahata? (Phần 1)
- 6. Huyết mạch Trần Gia - Một góc nhìn mới về thời kỳ hậu Trần trong lịch sử
- 7. Những thăng trầm khi làm phim hoạt hình ngắn (Phần 1)
- 8. Vintata - Tạo ra những bộ phim tự nhiên có thể chạm được đến trái tim khán giả
- 9. “Kubo and The Two Strings”: Khi công nghệ thời đại giúp stop-motion tồn tại
- 10. Đoạn phim ngắn ý nghĩa về chiến dịch bảo vệ đười ươi