4 tác phẩm hoạt hình stop-motion bạn nên xem!
Không hề khó làm nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý tưởng mới mẻ, hoạt hình stop-motion luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho những nhà làm phim tập sự.
Để tạo ra một bộ phim hoạt hình stop-motion tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng bù lại thành quả mà chúng ta nhận được lại là những tác phẩm đặc sắc, độc đáo và vô cùng hấp dẫn. Hơn thế, đây còn là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai yêu thích lối kể chuyện bằng hoạt họa sống động. Hãy trải nghiệm những tác phẩm được gợi ý dưới đây và bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng của riêng mình!
1. Fantastic Mr. Fox
Bộ phim hoạt hình hài của Mỹ dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên dành cho trẻ em của nhà văn Roald Dahl kể về một chú cáo thường đi ăn trộm thức ăn mỗi đêm từ nông trang của ba người chủ giàu để nuôi sống gia đình. Ba người nông dân chán ngán những lần bị trộm từ “Ngài Cáo Phi Thường” nên đã tìm cách trừ diệt chú ta bằng cách đào hầm vào trong nhà của cáo ở trong rừng. Nhưng với trí thông minh của mình cáo ta đã đánh lừa kẻ thủ ác và sống yên bình dưới lòng đất.
“Fantastic Mr. Fox” được sản xuất bởi Indian Paintbrush và Regency Enterprises, tác phẩm ra mắt vào mùa Thu năm 2009 với sự góp giọng của dàn sao Hollywood: George Clooney, Meryl Streep, Jason Schwartzman, Bill Murray, Willem Dafoe, Michael Gambon, và Owen Wilson. Đối với đạo diễn Wes Anderson, đây là phim hoạt hình và tác phẩm phim chuyển thể đầu tiên mà ông thực hiện. Bộ phim thu về những đánh giá tích cực và nhận được nhiều đề cử danh giá trong đó bao gồm giải Quả Cầu Vàng và Oscar, dù vậy ứng cử viên nặng ký năm đó (2010) là “Up” của Pete Docter và Bob Peterson đã vượt mặt “Fantastic Mr. Fox” để chiến thắng ngôi vị cao nhất. Không chỉ vậy, bộ phim ra mắt cùng thời điểm với loạt bom tấn “The Twilight Saga: New Moon” và “Alvin & the Chipmunks: The Squeakquel” nên có phần bị lu mờ. “Fantastic Mr. Fox” rõ ràng chìm nghỉm trong một năm sáng chói những tác phẩm đình đám, tuy nhiên xét về đẳng cấp, đây tuyệt đối là bộ phim mà khán giả nên xem!
2. Coraline
“Coraline” được chuyển thể từ cuốn sách bán chạy nhất của tác giả người Anh Neil Gaiman và do bậc thầy về hoạt hình stop-motion đương đại Henry Selick thực hiện. Câu chuyện theo phong cách kinh dị không tưởng này thường được so sánh với những tình tiết hấp dẫn khó lường trong “Alice’s Adventures in Wonderland”.
Khi cô bé Coraline chuyển tới sống trong một căn nhà cũ, cô cảm thấy chán nản và xa cách cha mẹ mình. Một ngày nọ, Coraline tìm thấy một lối đi bí mật được xây bằng gạch. Bất chấp đêm tối, cô bé vẫn quyết định đi qua con đường kỳ bí và khám phá ra một thế giới song song nơi mọi người không có đôi mắt mà thay vào đó là những chiếc nút áo. Ở đây, mọi thứ cô ước mơ đều trở thành hiện thực và có những người luôn quan tâm chăm sóc cô, chu đáo hơn hẳn cha mẹ Coraline ở thế giới cũ. Một người phụ nữ mời Coraline ở lại nơi này mãi mãi, nhưng cô bé từ chối và nhận ra rằng thực tại hấp dẫn mà cô đang thấy chẳng qua là một cái bẫy, còn cô như con mồi nhỏ đã bị dính vào lưới của loài nhện ăn thịt người.
Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 82, “Coraline” đã nhận được đề cử cho Phim hoạt hình hay nhất. Cô bé Coraline trong phim có mái tóc ngắn màu xanh và khuôn mắt đầy tàn nhang. Đạo diễn Selick đã bổ sung thêm một nhân vật gọi là Wyborn “Wybie” Lovat, một cậu bé không thể nói, ban đầu gây khá nhiều phiền nhiễu nhưng sau này lại trở thành người bạn tốt của Coraline. Cả hai đã cùng nhau vượt qua những nguy hiểm để trở về với thế giới thưc.
3. The Curse Of The Were-Rabbit
“The Curse Of The Were-Rabbit” có thể coi là một tác phẩm nhìn thì có vẻ nhạt nhẽo nhưng kỳ thực bất cứ ai có can đảm “bị lừa” cũng sẽ nhận được một trải nghiệm tuyệt vời. Được thực hiện dưới bàn tay đạo diễn của Nick Park và Steve Box, đây là phim dài thứ hai do hãng Aardman Animations sản xuất sau “Chicken Run”. Tác phẩm dựa trên loạt phim ngắn trên truyền hình có tựa đề “the Wallace and Gromit” kể về nhà phát minh lập dị Wallace (Peter Sallis lồng tiếng) và chú chó thông minh Gromit khi cả hai tiến hành giải cứu cư dân của mội ngôi làng đang bị đe dọa bởi thỏ đột biến trước thềm cuộc thi rau củ quả hàng năm. Bộ phim thu về những thành công lớn về cả mặt thương mại và nghệ thuật trong đó bao gồm giải Oscar cho Phim hoạt hình. Đây là tác phẩm hoạt hình stop-motion đầu tiên chiến thắng giải thưởng danh giá này.
https://www.youtube.com/watch?v=wFwpuwcFy4I
Doanh thu phòng vé của “The Curse Of The Were-Rabbit” lên tới gần 200 triệu đô la Mỹ trong khi ngân sách của phim chỉ ở mức khiêm tốn 30 triệu đô la. Tác phẩm có sự góp giọng của Peter Sallis, Ralph Fiennes, Helena Bonham Carter, Peter Kay, Nicholas Smith và Liz Smith. Cặp đạo diễn của “The Curse Of The Were-Rabbit” coi đây là bộ phim kinh dị về ăn chay đầu tiên trên thế giới.
4. The Nightmare Before Christmas
Bộ phim hoạt hình nhạc kịch hư cấu “The Nightmare Before Christmas” do Henry Selick làm đạo diễn, Tim Burton sản xuất kiêm đồng biên kịch. Phim kể về câu chuyện của Jack Skellington, một người sống ở thị trấn Halloween, sau khi vô tình mở được cánh cửa đến thị trấn Giáng sinh đã quyết định mang lễ hội này về tổ chức tại thị trấn quê nhà. Việc làm của anh đã dẫn đến những hậu quả không ngờ mà vô cùng trớ trêu. Các diễn viên lồng tiếng chính cho bộ phim gồm Chris Sarandon, Catherine O’Hara, William Hickey, Ken Page, Paul Reubens và Glenn Shadix.
https://www.youtube.com/watch?v=ePKS7fII5pc
Ý tưởng cho “The Nightmare Before Christmas” bắt nguồn từ một bài thơ của Burton viết năm 1982, khi ông còn làm họa sĩ hoạt hình tại Walt Disney Animation Studios. Đến năm 1990, Burton quyết định hợp tác với Disney để phát triển bộ phim này. Quá trình sản xuất phim bắt đầu vào tháng 7 năm 1991 ở San Francisco cho tới tháng 10 năm 1993 thì công chiếu. Các nhà làm phim đã dựng lên 227 con rối để thể hiện các nhân vật trong phim, trong đó riêng Jack Skellington có khoảng 400 cái đầu cho phép nhân vật biểu hiện gần như mọi cảm xúc có thể. Hình con rối của Jack Skellington được dựng lại trong phim “James and the Giant Peach” (1996), trong vai một thuyền trưởng cướp biển bị chết. Bộ phim hoạt hình này cũng do Selick làm đạo diễn.
“The Nightmare Before Christmas” thành công trên cả khía cạnh thương mại và nghệ thuật đồng thời là phim hoạt hình stop-motion đầu tiên trên thế giới được chuyển đổi hoàn toàn sang định dạng 3D. Bộ phim khi mới ra mắt nhận được đánh giá tương đối tốt từ các nhà phê bình; từ đó về sau các đánh giá thậm chí ngày càng trở nên tích cực hơn. Bộ phim được đề cử giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. Nhà soạn nhạc Danny Elfman nhận về đề cử giải Quả Cầu Vàng cho nhạc phim hay nhất.
Nguồn ảnh: theo Congluan