Vintata - Tạo ra những bộ phim tự nhiên có thể chạm được đến trái tim khán giả
Giám đốc hãng phim hoạt hình VinTaTa tìm những ý tưởng kịch bản nhân văn hướng tới khán giả đại chúng quốc tế.
VinTaTa đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng cho phim hoạt hình với giải thưởng lên tới 2 tỷ đồng. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phi Phi Anh – Giám đốc hãng phim hoạt hình VinTaTa vừa có những chia sẻ về cuộc thi này.
Trước khi đến với bài phỏng vấn, mời bạn cùng iDesign xem qua những hình ảnh mới nhất từ bộ phim hoạt hình đầu tiên của Hãng phim hoạt hình VinTaTa nhé!
Bộ phim “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” sẽ chính thức ra mắt 3 tập phim vào ngày 6/8/2018 tại rạp CGV Landmark 81 (TP.HCM) và vào ngày 10/8/2018 tại rạp CGV Vincom Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội).
Ý tưởng cuộc thi này đến từ đâu?
Tôi xây dựng cuộc thi dựa trên cách làm việc của các hãng phim lớn ở nước ngoài. Ở Mỹ, tuy họ không “đăng đàn” mở cuộc thi nhưng do môi trường chuyên nghiệp sẵn có nên hằng ngày, có rất nhiều nhà biên kịch trẻ bày tỏ nguyện vọng được viết cho họ và các hãng phim đều phải có một nhóm nhân sự riêng để thẩm định.
Đối tượng khán giả nhí thử thách ở anh những gì? Làm thế nào để thỏa mãn tiêu chí kép cho một kịch bản “học mà chơi, chơi mà học”?
Thử thách nhất là ở chỗ, tôi không sinh ra cùng thời với các bạn ấy, và cũng không bắt kịp với tư duy của các bạn ấy nữa. Trẻ em ngày nay rất thông minh và già dặn theo một cách riêng. Nếu không tôn trọng điều đó thì sẽ rất khó để thoả mãn được các tiêu chí cho kịch bản.
Ngoài tiêu chí này, quan điểm của anh về một kịch bản phim hoạt hình hay, lại dành cho nhiều đối tượng khán giả là như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, và đây cũng là tâm niệm của riêng tôi dưới tư cách cũng là một người viết, đó là phải tôn trọng khán giả, phải hiểu rằng khán giả luôn thông minh hơn mình. Dưới tư cách một nhà sản xuất, tôi cũng rất sợ các kịch bản nặng tính giáo điều. Những gì được viết ra với sự chân thành một cách tự nhiên, không tỏ vẻ cao siêu thì thường sẽ “chạm” tới nhiều khán giả hơn.
Anh làm thế nào để có một bộ phim thấm đẫm hồn Việt mà lại không đặt nặng văn hoá truyền thống Việt Nam?
Tôi nghĩ cần chất liệu văn hoá Việt Nam chứ, chỉ là không nên gò ép quá, sẽ bị gượng. Nói chung, tôi muốn cuộc thi “mở” nhất có thể, sáng tạo thoả thích. Còn cá nhân tôi, tiêu chí tôi ưu tiên hàng đầu đó là tính nhân văn. Cảm xúc phải đến một cách tự nhiên, chân thành, không giáo điều. Quan trọng là ở tinh thần Việt. Ngoài ra, VinTaTa có mục tiêu đưa phim ra thế giới, nên phải có tính đại chúng, chứ không phải những câu chuyện kiểu chỉ người kể mới hiểu.
Tại sao linh vật biểu tượng của Vintata lại xuất phát từ voọc quần đùi trắng?
Chúng tôi có nghĩ đến những động vật quý hiếm khác của Việt Nam như sói đỏ, hươu đen, tê tê… nhưng cuối cùng đã chọn voọc, vì voọc quần đùi trắng là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Ngoài ra, loài đấy đẹp và dễ khai thác tính cách nhất. Vốn dĩ, loài khỉ, voọc đã được tiếng là nhanh nhẹn, thông minh, và gần giống với con người.
Khỉ Monta dễ bị liên tưởng đến hình ảnh Tôn Ngộ Không đã đi vào ký ức và tình cảm của nhiều thế hệ. Anh nói sao về điều này?
Chúng tôi sẽ xây dựng hình ảnh một chú khỉ hiện đại, thân thiện, giàu lòng thương người… Đây sẽ là một nhân vật rất khác biệt với Tôn Ngộ Không.
Khi học trung học ở Singapore, anh đã vẽ và có tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật tại đây. Năng khiếu hội họa giúp gì cho anh khi làm phim hoạt hình?
Thực ra, năng lực hội hoạ của tôi còn quá bình thường khi so sánh với các hoạ sĩ “cao thủ” khác. Tuy nhiên, tôi có gu thẩm mỹ của một người làm nghệ thuật đã sống và đi qua nhiều nước trong suốt 11 năm qua. Điều đó giúp tôi có những đánh giá tổng quan hơn mỗi khi phải đối diện với nhiều phương án hình ảnh hoặc ý tưởng đa dạng.
Anh từng có một thời gian học đạo diễn sân khấu điện ảnh tại trường Hampshire (Mỹ), sau đó thực tập và làm việc một thời gian ngắn ở Walt Disney. Điều đó giúp ích gì cho anh khi thực hiện dự án này?
Những cái tôi học được ở Disney có lẽ sẽ còn lâu lắm mới áp dụng được cho môi trường Việt Nam. Cơ bản thì lao động người Việt khác người Mỹ. Thời gian đầu ở Disney, tôi khá bất ngờ khi thấy có những người làm nghề giặt quần áo ở hậu trường trong đó đã được tới 20 năm, lương không hề cao nhưng cách họ làm việc và hành xử thì vẫn đầy nhiệt huyết như những người mới đi làm.
Sau này, tôi nhận ra sống trong một thế giới mà hằng ngày được trông thấy các nhân vật hoạt hình, được nhìn thấy nụ cười của hàng chục nghìn trẻ em thì khó mà không vui cho được. Tôi rất nhớ những tháng ngày đó và hy vọng có thể góp phần nào để hoạt hình nước mình cũng sẽ phát triển như vậy.