Trọn vẹn kết quả lễ trao giải Oscar lần thứ 90
Lễ trao giải Oscar lần thứ 90 đã diễn ra trong sự mong đợi và vỡ oà của hàng ngàn người hâm mộ yêu mến điện ảnh. Giải thưởng Viện hàn lâm được dẫn chương trình bởi Jimmy Kimmel, đã trao giải cho một tình yêu siêu thực, một câu chuyện đời thực ở Chile, một chân dung của một cảnh sát bạo lực, và nhiều hơn thế nữa.
Dưới đây là toàn bộ giải thưởng của lễ trao giải lần thứ 90 này, hãy cùng điểm qua bạn nhé.
___________
Phim xuất sắc nhất: “The Shape of Water”
“The Shape of Water” dường như là bộ phim “dễ xem” nhất của Guillermo del Toro khi hòa hợp được cốt truyện đơn giản cùng phong cách viễn tưởng xưa nay của mình. Bộ phim vừa có phản hồi tốt tại các phòng vé, vừa thu hút được đánh giá cao từ các nhà phê bình. Khác với sự bất ngờ của Oscar trong vài năm trước, “The Shape of Water” có nhiều nét tương đồng với những lựa chọn kinh điển của Viện Hàn Lâm. Bộ phim mang tâm tư của nhiều thân phận yếm thế khi nữ chính là một người phụ nữ câm với những nhu cầu tình dục tầm thường, đi đôi cùng một ông bạn đồng tính, bà đồng nghiệp da màu và anh người yêu là một gã “người cá”.
Đạo diễn xuất sắc nhất : Guillermo del Toro, “The Shape of Water”
Trong vòng 5 năm qua tại Oscar, Guillermo del Toro là nhà làm phim người Mexico thứ tư đạt được giải thưởng danh giá này. Không chỉ là một nỗ lực xóa nhòa khoảng cách về chủng tộc, Guillermo del Toro hoàn toàn xứng đáng bởi phong cách làm phim “tiết kiệm”, là một bậc thầy trong việc sử dụng triệt để các công cụ làm phim và không ngừng sáng tạo với những con quái vật của mình.
Nam chính xuất sắc nhất : Gary Oldman, “Darkest Hour”
Với vai diễn Thủ tướng Anh Winston Churchill trong “Darkest Hour”, Gary Oldman hóa thân thành một trong những nhân vật được tôn kính và nghiên cứu nhiều nhất thế kỉ 20. Với 4 tiếng mỗi ngày quay để hóa trang thành Churchill cùng với việc phải cạo đầu để có thể đội tóc giả, Gary Oldman đã hy sinh rất nhiều cho vai diễn cũng như sự nghiệp của mình. Giải thưởng này chính là sự đền bù cho tất cả những cống hiến của ông trong suốt ba thập niên qua.
Nữ chính xuất sắc nhất : Frances McDormand, “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri”
Vai diễn của Frances McDormand trong “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri” được ca ngợi là vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Dù vậy đây là giải Oscar thứ hai của bà khi năm 1996, Frances cũng từng đoạt giải Nữ chính xuất sắc nhất với bộ phim “Fargo”.
Nam phụ xuất sắc nhất : Sam Rockwell, “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri”
Trong vai Jason Dixon, một gã cảnh sát mang nặng tư tưởng kỳ thị và ưa bạo lực, Sam Rockwell đã gây tiếng vang và mang về rất nhiều giải thưởng uy tín, hoàn toàn áp đảo các đối thủ khác ở cùng hạng mục trong Oscar năm nay.
Nữ phụ xuất sắc nhất : Allison Janney, “I, Tonya”
Trong phim, mẹ của vận động viên trượt băng Tonya Harding được thể hiện như một người phụ nữ độc đoán, dùng mọi thủ đoạn để đưa con gái mình đến ngôi vô địch. Và Allison Janney đã hoàn toàn chinh phục người xem với vai diễn này, mang đến giải Oscar đầu tiên cho bà ở tuổi 58.
Kịch bản gốc xuất sắc nhất : “Get Out”
Jordan Peele đã làm nên lịch sử khi trở thành người da màu đầu tiên chiến thắng Oscar ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất và cũng là người da màu thứ tư từng được đề cử ở hạng mục này. Đây là một trong những chiến thắng nhận được nhiều tình cảm nồng cháy nhất từ những người ở tại khán phòng hôm đó.
Tôi đã ngưng viết bộ phim này khoảng 20 lần vì nghĩ rằng sẽ chẳng tới đâu cả. Tôi đã nghĩ bộ phim này là điều bất khả thi. Tôi đã nghĩ rằng không ai muốn làm một bộ phim như thế này. Nhưng rồi tôi cứ quay lại với nó vì tôi biết nếu mọi người để tôi thực hiện được nó, mọi người sẽ đồng cảm với nó bằng trái tim, sẽ thật sự xem nó. Tôi muốn dành giải thưởng này cho tất cả những ai đã giúp tôi vang lên tiếng nói của mình, và giúp tôi làm bộ phim này.
Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất : “Call Me by Your Name”
James Ivory từng 3 lần được đề cử Oscar với vai trò là đạo diễn, nhưng lần đầu tiên với vai trò biên kịch này, ông đã xuất sắc giành lấy Oscar. Và thế là James Ivory trở thành người lớn tuổi nhất từng chiến thắng Oscar ở độ tuổi 89. Với “Call Me by Your Name”, kịch bản của Ivory đã thành công trong việc tạo nên sự đồng cảm trọn vẹn với những sắc thái của mối tình đầu. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, ông đã nói:
Dù là dị tính, đồng tính, hay một đâu đó giữa cả hai, chúng ta đều đã trải qua một mối tình đầu, và tôi hy vọng, chúng đều nguyên vẹn.
Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc : “A Fantastic Woman”
Khi các vấn đề về người đồng tính đã nhiều lần được nhắc đến tại các giải Oscar gần đây, “A Fantastic Woman” cũng là một bước ngoặt đối với cộng đồng LGBT khi là bộ phim có đề tài chuyển giới đầu tiên thắng Oscar, đồng thời diễn viên chính là một người chuyển giới thật ở ngoài đời. “A Fantastic Woman” kể về hành trình đối mặt với cái chết người yêu mình của một cô ca sĩ chuyển giới, đi cùng đó là định kiến cay độc từ xã hội hiện đại Chile.
Phim hoạt hình xuất sắc : “Coco”
Không nằm ngoài sự đoán của tất cả mọi người, “Coco” trở thành Phim hoạt hình xuất sắc nhất của Oscar năm nay nhờ một cốt truyện xúc động về tình cảm gia đình cùng nền văn hóa Mexico rực rỡ đầy bản sắc của mình.
Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc : “Blade Runner 2049”
Đánh bại “Guardians of the Galaxy Vol. 2”, “Kong: Skull Island”, “Star Wars: The Last Jedi”, và “War of the Planet of the Apes”, Blade Runner 2049 xuất sắc trở thành bộ phim có hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. John Nelson, Gerd Nefzer, Paul Lambert và Richard R. Hoover đã cùng nhau chiến thắng giải thưởng này. Tuy nhiên, riêng với Giám đốc VFX John Nelson, đây là giải Oscar thứ hai trong sự nghiệp khi trước đó anh từng được vinh danh với bộ phim “Gladiator” năm 2001.
Dựng phim xuất sắc : “Dunkirk”
Sau hai lần được đề cử với “Master and Commander: The Far Side of the World” và “The Dark Knight”, nhà dựng phim người Úc Lee Smith cuối cùng cũng giành được Oscar với màn dựng phim xuất sắc khi chắp ghép ba khung thời gian khác nhau trong cùng một tuyến truyện để truyền tải không khí căng thẳng của Thế chiến thứ II.
Phim hoạt hình ngắn xuất sắc : “Dear Basketball”
Dựa trên một bài thơ do chính cựu ngôi sao NBA Kobe Bryant viết khi giã từ nghiệp bóng rổ, bộ phim đã giúp Bryant đã chiến thắng Oscar bất chấp nhiều tranh cãi và cáo buộc quấy rối tình dục trong quá khứ.
Phim ngắn xuất sắc: “The Silent Child”
Bộ phim kể về một cô bé điếc bẩm sinh, thế giới quanh em câm lặng cho đến khi gặp được một nhà hoạt động xã hội và được dạy cách sử dụng ký hiệu ngôn ngữ. Đặc biệt, cô bé Maisie Sly 6 tuổi – diễn viên chính trong phim cũng là một em bé điếc bẩm sinh.
Rachel Shenton – diễn viên và tác giả kịch bản của phim đã dùng ngôn ngữ ký hiệu để phát biểu cảm nghĩ khi nhận giải rằng:
Tôi đã hứa với cô bạn 6 tuổi rằng sẽ dùng ngôn ngữ ký hiệu trong bài phát biểu này. Xin thứ lỗi vì tay tôi đang rất run… Bộ phim này nói về những đứa trẻ điếc bẩm sinh trong một thế giới câm lặng. Nó không hề phóng đại hay giật gân. Nó thật sự đang xảy ra, hàng triệu đứa trẻ trên khắp thế giới đang sống một đời im lặng và đối mặt với những rào cản ngôn ngữ, khó khăn trong tiếp cận giáo dục… Vì thế, điếc là một khuyết tật câm lặng. Bạn không thể thấy nó và nó không đe dọa đến tính mạng, vì vậy tôi muốn cám ơn thật nhiều đến Viện hàn lâm đã cho chúng tôi cơ hội để đem vấn đề này đến với công chúng.
Phim tài liệu ngắn xuất sắc : “Heaven Is a Traffic Jam on the 405”
Bộ phim tập trung vào cuộc đời của một nghệ sĩ Los Angeles – Mindy Alper. Vượt qua nhiều trở ngại để tìm đến nghệ thuật như một liều thuốc chữa lành tâm hồn, bà đã luôn phải chiến đấu với chứng trầm cảm, lo lắng, cũng như phải lớn lên trong sự bạo hành tinh thần từ cha và mẹ. Với sự thẳng thắng và hài hước đáng kinh ngạc của mình, Mindy mang lại một cái nhìn sâu sắc về cách bà vượt những rào cản tinh thần của chính mình.
Nhạc phim hay nhất: “The Shape of Water”
Giải Oscar đã được trao cho Alexandre Desplat, nhà soạn nhạc người Pháp đã đồng hành cùng Guillermo del Toro trong “The Shape of Water”. Trước đây, Desplat cũng từng giành Oscar cho các tác phẩm trong “The Grand Budapest Hotel” của Wes Anderson.
Ca khúc nhạc phim hay nhất: “Remember Me” from “Coco”
Với bản nhạc đã chạm vào trái tim của không ít khán giả khi xem “Coco”, hai nhà soạn nhạc Robert Lopez và Kristen Anderson-Lopez đã thêm một lần nữa ẵm giải Oscar sau chiến thắng năm 2013 với “Let it go” trong “Frozen”.
Thiết kế sản xuất xuất sắc: “The Shape of Water”
Bộ ba người Canada Paul Austerberry, Jeffrey A. Melvin và Shane Vieau đã giành được giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với “The Shape of Water”. Trong đó, Austerberry là thiết kế sản xuất chính còn Melvin và Vieau chịu trách nhiệm thiết kế cảnh quay.
Cinematography xuất sắc: “Blade Runner 2049”
Sau 13 lần đề cử thất bại, đạo diễn hình ảnh người Anh Roger Deakins cuối cùng cũng kết thúc cuộc đua dài hơi của mình với Oscar bằng giải Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất cho “Blade Runner 2049”. Nổi tiếng với tài chỉ đạo hình ảnh cho rất nhiều bộ phim nổi tiếng như “The Shawshank Redemption”, “Fargo”, “Skyfall”, “Sicario”… đây chính là quả ngọt dành cho ông sau nhiều năm cống hiến cho điện ảnh.
Phục trang xuất sắc : “Phantom Thread”
Không gì xứng đáng hơn khi một bộ phim về thời trang giành giải Phục trang xuất sắc nhất. Và Mark Bridges chính là người được vinh danh cho cống hiến này với những bộ cánh quyến rũ thời kỳ hậu chiến của thập niên 50 tại London.
Hóa trang xuất sắc: “Darkest Hour”
Với màn biến hóa đỉnh cao của Gary Oldman dưới lớp hóa trang, “Darkest Hour” đồng thời cũng ẵm về cho mình giải hóa trang xuất sắc cho Kazuhiro Tsuji, David Malinowski và Lucy Sibbick với hơn 200 giờ làm việc trong 54 ngày quay.
Phim tài liệu xuất sắc: “Icarus”
Phim tài liệu về những cụ bê bối trong sử dụng doping của các vận động viên Nga – “Icarus” đã giành Oscar về cho đạo diễn Bryan Fogel và nhà sản xuất Dan Cogan, đồng thời đánh dấu giải Oscar đầu tiên cho nhà đài Netflix.
Bộ phim này đã góp phần đưa ra lệnh cấm Nga thi đấu trong Thế vận hội mùa đông năm nay tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
Biên tập âm thanh xuất sắc: “Dunkirk”
Biên tập và thiết kế âm thanh Richard King và Alex Gibson đã cùng nhau ẵm giải Biên tập âm thanh xuất sắc cho “Dunkirk”. Bên cạnh đó, đây cũng là lần thứ tư thắng Oscar của Richard King, người từng chiến thắng với “The Dark Knight”, “Inception” và “Master and Commander: The Far Side of the World”.
Hòa âm hay nhất: “Dunkirk”
Một cú đúp cho “Dunkirk” khi nhà sản xuất thu âm Gregg Landaker, Gary A. Rizzo và sản xuất hòa âm Mark Weingarten nhận giải cho Hòa âm hay nhất. Trong đó, đây là lần nhận giải thứ tư trong sự nghiệp của Gregg và lần thứ hai của Rizzo. Riêng Gregg cũng cho biết “Dunkirk” không phải là bộ phim cuối cùng nhưng ông sẽ tạm lui về ở ẩn một thời gian vì đây đã là bộ phim thứ 207, đề cử thứ 9 và giải thưởng thứ 4 trong sự nghiệp của mình.
- Các cảnh phim kinh điển qua pixel art
- Những poster quảng cáo phim ấn tượng nhất 2017
- 7 mẹo khởi đầu với Concept Art cho phim ảnh
Ban biên tập iDesign