Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những nghiên cứu dần dần tiếp cận hơn với giới trẻ.
‘Mình bơi lội trong bầu trời kiến thức và nhận ra nhiều điều cần nghiên cứu…’
Trương Trần Trung Hiếu với bút danh Hiếu Y, là một người viết về văn hóa – nghệ thuật – di sản kiến trúc. Anh được cộng đồng biết đến thông qua dự án ‘Tản Mạn Kiến Trúc’, ‘gấu thiên thể’ và giờ đây các dự án đã trở thành những ‘tổ chức thông tin’ có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng yêu thích di sản – văn hóa – nghệ thuật. Hiếu Y rất giản dị với vẻ ngoài của mình và chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trong hành trình khám phá này!
“Mình đã ‘bơi lội’ trong biển thông tin về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và muốn thể nghiệm một vài điều nho nhỏ gì đó, ví dụ như một dự án cộng đồng để mở rộng trải nghiệm của bản thân” – Anh bộc bạch.
Phần lớn thời gian, Hiếu Y dùng cho việc đọc những gì đã có sẵn và nghiên cứu thực địa bằng các chuyến đi. “Quan tâm nghiên cứu của mình xuất phát từ góc độ con người. Về di sản kiến trúc: cách người ta sinh sống trong không gian khác nhau, thưởng thức vẻ đẹp của tạo tác từ tổ tiên để lại, cách họ giữ gìn ý nghĩa quan trọng và cả những suy nghĩ của họ về vấn đề di sản. Hay về chủ đề nghệ thuật: cách các nghệ sĩ tư duy, nghiên cứu, sáng tác và tạo nghĩa cho tác phẩm của họ” – Anh chia sẻ.
Vì mối quan tâm đó, anh dành ra thời gian gặp gỡ mọi người, cùng trải nghiệm và thực hành những gì họ trải qua trong cuộc sống thường nhật nhằm thu thập dữ liệu có ý nghĩa. “Phần còn lại những bài viết dang dở mà mình chưa hoàn thiện, chúng được lưu trữ, tạo động lực cho mình nghiên cứu thêm. Thi thoảng, mình tham gia những buổi nói để chia sẻ về một chủ đề và nhận lại nhiều thảo luận từ mọi người. Công việc mình không tách khỏi cộng đồng dù ở công đoạn nào đi nữa và sự tương tác với các cộng đồng đa dạng cho phép mình mở rộng trải nghiệm. Nếu mình không theo đuổi những dự án này, có lẽ cuộc sống của mình sẽ ít trải nghiệm hơn rất nhiều.” – Hiếu Y thổ lộ.
Từ cá nhân đến đội nhóm nghiên cứu về ‘cái đẹp’
Cái đẹp là chủ đề dần được bàn luận hơn trong cộng đồng so với thời điểm trước đó, Hiếu Y cũng vậy, là một nhà nghiên cứu, anh cũng bàn luận về nó xung quanh trong những dự án. Câu chuyện thành lập nhóm ‘Tản Mạn Kiến Trúc’ và ‘gấu thiên thể’ tới đây như một ‘hành trình bàn luận về cái đẹp’ của riêng anh..
Thời gian trước năm 2019, nhiều công trình kiến trúc xưa khắp miền Nam dần bị phá hủy ‘nhường chỗ’ cho dự án phát triển đô thị mới. Đã có những tranh luận về chủ đề là nên giữ hay phá bỏ giúp anh bắt đầu quan tâm nhiều hơn. Trong quá trình tìm hiểu, Hiếu Y đã nhận ra cần nên có những diễn đàn thông tin để tiếp cận đến cộng đồng, đặc biệt giới trẻ như mình và tạo sự cởi mở khi bàn luận. Chính lúc này, Hiếu Y và các người bạn chung đam mê đã đặt ra mối quan tâm, liệu rằng: Nếu thiếu, tại sao chúng mình không tự làm nên điều đó?
“Đó cũng là thời điểm mà trang fanpage của Tản Mạn Kiến Trúc được xây dựng – dự án của những bạn trẻ như chúng mình tự dò tìm và thử nghiệm với những kiến thức đã tìm hiểu được, vừa là dữ liệu chúng mình thu thập được trong quá trình đi khảo sát với mong muốn chia sẻ đến mọi người.” – Anh kể thêm.
Không chỉ theo đuổi vấn đề di sản kiến trúc mà còn đẩy mạnh cả nghệ thuật đương đại. Dự án ‘gấu thiên thể’ ra đời, Hiếu Y và Vương An Nguyên (người bạn, đồng sáng lập ‘gấu thiên thể’) thảo luận những chủ đề về nghệ thuật đương đại của Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến những nghệ sĩ cùng lứa – những người đang miệt mài sáng tạo nghệ thuật và tạo dựng không gian cho chính họ.
“Với tất cả, mình có ‘tham vọng nhỏ’ là tạo ra một diễn đàn kết nối nghệ thuật với khoa học xã hội và nhân văn, dùng sự chỉ dẫn của lý thuyết để đưa ra phân tích những sự kiện văn hóa – nghệ thuật đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Những thảo luận tiêu biểu có thể kể đến chiếm dụng văn hóa, căn tính văn hóa, giải thuộc địa…”
‘Con người luôn hướng về cái đẹp theo những cách đa dạng…’
Việc thưởng lãm cái đẹp với anh không phân cấp giữa cao cấp và bình dân. Hiếu Y luôn tìm sự đa dạng trong chính trạng thái muôn hình của đời sống: “Dù cuộc sống như thế nào thì người ta hướng về cái đẹp một cách bất tận theo định nghĩa riêng của họ.”
“Có lần, mình nghe bà cụ dành hàng tiếng đồng hồ kể về chiếc giường bằng đá cẩm thạch của gia đình bà, cách những vân đá hiện lên tùy vào điều kiện ánh sáng. Hay câu chuyện chú nông dân say sưa kể về khu vườn của chú. Mình nhận ra, dù ở đâu con người cũng hướng về cái đẹp và say sưa thưởng thức nó”. Với các dự án của Hiếu Y, anh muốn khắc họa sự đa dạng ấy và khuyến khích những góc nhìn mới về văn hóa.
Trong những buổi trò chuyện về di sản kiến trúc, anh muốn khơi gợi thảo luận cách mà con người sống trong những không gian kiến trúc. Kiến trúc thực sự không chỉ là vật liệu, hình khối, công năng mà thông qua nó, con người tạo nên những trải nghiệm sống ‘tinh tế’ từ họ. “Chúng ta quen sống trong không gian hiện đại với cường độ ánh sáng mạnh của đèn huỳnh quang. Trong những ngôi nhà truyền thống mà mình có dịp ghé thăm, người chủ cảm thấy thoải mái trong không gian nhá nhem tối và những vật thủ công bằng xà cừ trở nên tinh tế đến lạ… Mỗi không gian đều có một chiều sâu tinh thần của riêng nó, và chính tinh thần làm nên vẻ đẹp của không gian chứ không phải những gì hào nhoáng, vĩ đại” – Hiếu Y kể lại.
Chính những dịp thảo luận ấy đã giúp anh chú ý đến trải nghiệm của con người khi nghiên cứu kiến trúc. Kiến trúc lúc này trở thành bệ đỡ để nâng niu niềm vui và sự tròn đầy trong đời sống con người ở những khung cảnh văn hóa khác nhau. Trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của anh, anh đã kể lại chuyến đi cùng nhóm Tản Mạn Kiến Trúc của mình:
“Một lần đi điền dã ở Vĩnh Long, mình và các bạn của mình đã dừng chân bên một tàn tích đột ngột hiện ra giữa đồng cỏ rộng, đó là phần sót lại của ngôi mộ (mình đoán có lẽ được xây dựng đầu thế kỷ XX). Ngôi mộ gần như sụp đổ và chẳng còn thông tin gì sót lại chỉ còn lại đôi dòng chữ Hán.
Về sau, chúng mình đã đọc và hiểu câu thơ chữ Hán ấy như sau: ‘Ngày ngày kê cao gối, đóng chặt cửa, mặc năm tháng xuân thu dần trôi qua’. Điều này làm chúng mình rất cảm động và nghĩ về một con người đã không còn lưu lại thông tin nơi thế gian này, chỉ có cá tính còn lại và khiến những người sinh ra sau một thế kỷ cảm nhận được một sự kết nối” – Anh nói thêm.
Kiến trúc giờ đây không chỉ là gạch ngói, mà còn là những gì hữu hình mà con người gửi gắm niềm vui, ước mơ, hy vọng và mong muốn kết nối đời sau. Điều này có ảnh hưởng lớn đến cách Hiếu Y suy nghĩ về di sản và luôn tìm kiếm chiều kích tinh thần đằng sau mỗi công trình mà nhóm anh viếng thăm.
Với sự bận rộn của công việc, anh vẫn cố gắng cải thiện và phát triển những dự án của mình đang làm, đã làm và chuẩn bị làm. Càng nhiều thể nghiệm cho các nghiên cứu về sau để tiếp cận nhiều bạn trẻ. Dự kiến trong năm nay, dự kiến Hiếu Y cùng nhóm Tản Mạn Kiến Trúc phối hợp và thực hiện – dự án sách nghiên cứu về di sản kiến trúc sớm giới thiệu đến cộng đồng. Anh thường nhấn mạnh từ “đang”, những gì đang diễn ra, đang phát triển, không ngừng thay đổi và trở nên tròn đầy hơn qua mỗi giai đoạn thể nghiệm.
Ghi chú: Bài viết của mình được thực hiện trong khoảng thời gian năm 2022 với những trải nghiệm cá nhân cũng như chia sẻ từ nhân vật, vì vậy đây là thông tin chỉ đúng trong thời điểm hiện tại. Rất vui vì được chia sẻ bài viết này với quý độc giả của iDesign.
Thực hiện: Lê Quan Thuận
Thiết kế: Uyên Nguyễn
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật