loading

Năm con trâu, xem tranh trâu của họa sĩ Tào Linh và nghe chuyện ‘Vẽ là sự thoải mái trong tinh thần’

Những con trâu của họa sĩ Tào Linh luôn có một cảm xúc khó tả, những chất chứa của cuộc sống hằng ngày thể hiện qua sự trầm ngâm đầy vẻ suy ngẫm nhưng ở đó vẫn hiện lên tính cách hiền hòa và cực kì ung dung.

Cứ mỗi khi mùa xuân đến, không khí tết rộn ràng trên khắp phố phường, nhà nhà tất bật chuẩn bị đồ tết, trang hoàng lại tổ ấm để đón một năm mới với nhiều hoài bão. Nhắc đến tết là nhắc đến cây đào, cây mai, câu đối,… và trong số đó một thứ đã xuất hiện từ lâu đời mà mỗi khi tết đến ai cũng muốn có trong nhà mình đó là tranh tết.

Tranh tết có nhiều phong cách thể hiện khác nhau nhưng nhiều năm gần đây tôi luôn bị ấn tượng bởi những con giáp xuất hiện trong các tác phẩm của họa sĩ Tào Linh.

Họa sĩ Tào Linh sinh năm 1960, xuất thân trong một gia đình có truyền thống khi cha của ông cũng là một họa sĩ. Nhưng trước khi bén duyên với nghệ thuật và chọn sự nghiệp cầm cọ như một con đường theo đuổi chính thức, ông từng là kỹ sư tự động hóa. Những ngày tháng làm công việc kỹ thuật ông vẫn thường hay vẽ vì đó như một đam mê từ nhỏ của mình.

Lúc đi làm kỹ sư tôi vẫn thường hay vẽ nhưng với tôi ở thời điểm ấy vẽ như là để giải trí xua tan những ưu phiền của công việc kỹ thuật. Họa sĩ Tào Linh chia sẻ “Thời điểm ấy tôi luôn luôn vẽ, đi công tác hay đi đâu tôi cũng mang theo một ít đồ nghề hội họa để thực hành vì lúc đấy coi nó như một thú chơi của mình. Và đến một thời điểm tôi nghĩ nên bỏ công việc kỹ thuật để chỉ theo đuổi một thứ thôi đó là sự vẽ này… và tôi đã gắn bó với nó hơn chục năm nay như một họa sĩ chuyên nghiệp.”

Có nhiều năm gắn bó với công việc kỹ thuật, vậy nên tư duy logic đã có ảnh hưởng rất nhiều đến chặng đường sáng tác của ông. Và được thể hiện rõ nét trên các tác phẩm, từ bố cục, màu sắc cho đến hình tượng luôn mang một nét đặc biệt so với các họa sĩ khác.

Những chủ đề trong hội họa của Tào Linh luôn phong phú và không bao giờ bó buộc. “Cái tạng của tôi không thiên về tả, tất nhiên khi mình tự học thì phải trau dồi rất nhiều thứ từ tiến trình phát triển của lịch sử mỹ thuật, nghệ thuật hang động sang nghệ thuật cổ điển, minh họa kinh thánh cho đến nghệ thuật hiện đại tôi đã đều có trải nghiệm… nhưng cuối cùng con người luôn tìm đến cái mà mình thấy thoải mái nhất và tôi đã chọn biểu hiện trừu tượng.”

Vẽ là sự thoái mái và dễ chịu vậy nên chúng đến với ông vô cùng đơn giản, tự nhận rằng không thích tả cảnh mà luôn vẽ mọi thứ theo cách nhìn và cảm nhận của mình về những sự vật như phố phường, cây cối, động vật hay con người,… hơn là việc diễn tả nó như một thứ hình ảnh.

Vậy nên “Trâu Tân Sửu” mang lại một cảm giác vô cùng khác biệt, cách diễn đạt không đi theo lối thể hiện đã từng xuất hiện trước đó. Nhiều người còn nói vui rằng chắc phải sưu tập đủ 12 con giáp của Tào Linh mất.

Nói về hình tượng con trâu họa sĩ Tào Linh cho biết: “Về mặt thị giác, trâu là loài động vật có tạo hình khá là đẹp. Con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt Nam và được coi là đầu cơ nghiệp. Trong 12 con giáp, con trâu có lẽ là gần gũi nhất với con người Việt Nam, nó vừa là công cụ thậm chí là gia sản từ xưa đến nay. Vậy nên hình ảnh con trâu được khai thác rất nhiều trong nghệ thuật.”

Hình ảnh con trâu qua bàn tay của họa sĩ Tào Linh mang đến người xem một cảm nhận bình dị xuất phát từ cái chất mộc mạc. Ông không đi theo lối tả thực mà chọn biểu hiện trừu tượng để diễn tả cảm xúc của bản thân, ngôn ngữ hình ảnh được đơn giản hóa một cách khúc chiết, mỗi một tác phẩm lại một câu chuyện ý niệm riêng của nó.

Những mảng màu được họa sĩ sử dụng với mục đích nhất định để tạo nên vẻ đẹp không gian cho tác phẩm.

Nhờ đó những con trâu của họa sĩ Tào Linh luôn có một cảm xúc khó tả, những chất chứa của cuộc sống hằng ngày thể hiện qua sự trầm ngâm đầy vẻ suy ngẫm nhưng ở đó vẫn hiện lên tính cách hiền hòa và cực kì ung dung.

Và khi nhắc đến tranh tết – tranh con giáp cũng gợi lại rất nhiều kỷ niệm cho ông về tết “Tôi năm nay hơn 60 và cũng trải qua từng ấy cái tết, ở cái lứa tuổi của tôi, tết cũng rất khác với các bạn trẻ. Mình sinh ra trong cái lúc chiến tranh, thậm trí lúc ấy còn đói khổ nên cái tết lúc ấy rất đặc biệt. Ngày xưa chỉ có tết mới được ăn bánh chưng còn bây giờ muốn lúc nào cũng có thể ăn được.”

Rất cám ơn họa sĩ Tào Linh đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay với độc giả iDesign, chúc ông sẽ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục tạo nên những vẻ đẹp cho hội họa Việt Nam.


Xem thêm nhiều hơn tác phẩm của họa sĩ Tào Linh ở đây

Thực hiện: Hoàng

Cùng tác giả

#Tag

họa sĩ tào linh iD interview idesign signature Tân sửu Tết Tân Sửu 2021 tranh con giáp tranh tết

iDesign Must-try

‘Gửi em’: Truyện tranh chữa lành dành cho lứa tuổi trưởng thành của họa sĩ Lê Thư
‘Gửi em’: Truyện tranh chữa lành dành cho lứa tuổi trưởng thành của họa sĩ Lê Thư
 “…mình muốn câu chuyện về em mang màu sắc tươi sáng, tràn đầy hy vọng như cách em đã sống”. Truyện tranh có lẽ là một trong những mảnh tuổi…
Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’
Như bạn biết về sự hiện hữu của công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa hay lĩnh vực sáng tạo… Ở đó, các lĩnh vực được liên kết chặt…
Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 2)
Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 2)
Bước qua giai đoạn nghiên cứu tư liệu được xem là khó nhằn nhất của “Vạn Nhân Ký – Noãn” được chia sẻ ở phần 1, trong phần này, Thùy…
Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 1)
Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 1)
Nếu yêu thích thể loại truyện tranh và các đề tài về lịch sử Việt Nam thì “Vạn Nhân Ký” chắc hẳn phải là tập truyện dài kỳ mà bạn…
Lạc vào ‘Đám cưới chuột’ cùng chú bé Đông trong tựa phim hoạt hình 2D ‘Mộng Đông Hồ’
Lạc vào ‘Đám cưới chuột’ cùng chú bé Đông trong tựa phim hoạt hình 2D ‘Mộng Đông Hồ’
Tranh Đông Hồ có lẽ là chất liệu khai thác quá quen thuộc với những bạn yêu thích và nghiên cứu về văn hóa truyền thống của dân tộc. Dựa…
Okkio Typeface: Bộ chữ lấy cảm hứng những thanh âm du dương đầy tính ứng tác của nhạc Jazz
Okkio Typeface: Bộ chữ lấy cảm hứng những thanh âm du dương đầy tính ứng tác của nhạc Jazz
Okkio Caffe, một quán cà phê lấy cảm hứng từ nhạc Jazz ở Việt Nam đã đặt hàng Chợ Chời Creative (studio chuyên về Branding, Packaging, Artwork, Type) – một…