‘Loving Vincent’: Bức chân dung mang tính lịch sử về ngài Vincent thương mến

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Cho đến thời điểm hiện tại, Loving Vincent được xem là một “bức chân dung” độc nhất vô nhị trong lịch sử điện ảnh.

Bộ phim bày tỏ lòng yêu quý và sự tôn vinh dành cho danh họa Vincent Van Gogh, một trong những họa sĩ nổi tiếng và quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây cũng như thế giới, là tiên phong của trường phái biểu hiện và có nhiều đóng góp cho mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là với trường phái dã thú (Fauvism) và trường phái biểu hiện tại Đức.

Trailer của “Loving Vincent” (2017)

1. Những giải thưởng

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Được ra mắt vào năm 2017, bộ phim của hai đạo diễn Dorota Kobiela Hugh Welchman kể về những ngày cuối cùng trong cuộc đời của vị danh họa nổi tiếng. Đây cũng là bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được hình thành từ tranh sơn dầu. Sau khi trình chiếu tại Liên hoan phim Hoạt hình Quốc tế Annecy 2017, Loving Vincent nhận được nhiều lời ngợi khen từ giới phê bình về sự độc đáo và dụng công trong phong cách thể hiện. Bộ phim giành được giải Phim Hoạt hình Xuất sắc nhất tại Liên hoan phim châu Âu lần thứ 30 tại Berlin và nhận được đề cử tại giải Oscar lần thứ 90.

2. Nguồn cảm hứng ban đầu

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Dự án đầy tham vọng và mang đậm dấu ấn cá nhân này được bắt đầu từ một thập kỷ trước. Khi đó, đạo diễn và họa sĩ người Ba Lan Dorota Kobiela vừa bước chân vào ngành điện ảnh. Trong lúc đang làm một loạt nghiên cứu, cô tình cờ đọc lại những bức thư của Van Gogh. Cô tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc với từng câu chữ của vị danh họa khi ấy cũng trạc tuổi mình. Van Gogh bày tỏ nỗi chán ghét, thất vọng và buồn bã vì sự nghiệp thất bại gợi nhắc Kobiela về trải nghiệm và cảm xúc của cá nhân cô. Sau đó, cô tiếp tục nghiên cứu đến những bức tranh nổi tiếng và cả ít được biết đến hoặc bản phác thảo của vị danh họa. Bằng kỹ năng của một họa sĩ, cô quan sát màu sắc, từng nét cọ và nhìn thấu những tình cảm mà ông đặt vào trong từng tác phẩm.

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Hứng thú về chủ đề đặc biệt này, Dorota Kobiela bắt đầu gửi hồ sơ dự án của mình đến Viện phim Ba Lan để được hỗ trợ kinh phí. Sau đó, cuộc gặp gỡ tình cờ với nhà sản xuất và đạo diễn Hugh Welchman khiến họ nghĩ đến việc thể hiện câu chuyện theo một cách chưa ai từng thực hiện trước đây.

3. Phương pháp thể hiện

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Từng khung hình trong Loving Vincent được thực hiện bằng phương pháp mô phỏng dựa trên những bức họa nổi tiếng của Van Gogh. Để thực hiện điều đó, rotoscoping (các họa sĩ diễn hoạt vẽ lại các cảnh hình chuyển động, khung hình qua khung hình, để tạo ra chuyển động thực) là kỹ thuật chính được sử dụng xuyên suốt.

Quá trình sản xuất bắt đầu với việc các diễn viên người đóng sẽ đứng trước phông xanh và thực hiện những cảnh quay chỉ định. Sau đó, người dựng phim sẽ ghép các bức tranh của Van Gogh vào phần nền phía sau, cuối cùng là thực hiện việc cắt ghép bộ phim theo kịch bản. Đối với những cú máy tĩnh, người ta chỉ cần một bức tranh gốc của vị danh họa. Nhưng khi đối mặt với những chuyển động máy phức tạp, họ phải dùng hai hay nhiều hơn các bức tranh để ghép lại. Lúc quá trình này hoàn tất, Loving Vincent có thời lượng 94 phút. Và đến đây, công việc thực sự dường như mới bắt đầu.

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Đội ngũ kỹ thuật tiến hành chụp lại từng khung hình của cả bộ phim (thông thường, các bộ phim được quay với định dạng 24 hoặc 25 khung hình/giây). Với mỗi khung hình này, họ đưa chúng lên một tờ giấy để họa sĩ tiến hành lên màu. Toàn bộ quá trình công phu và cần nhiều kiên nhẫn này mất đến 6 năm, và chính đạo diễn Hugh Welchman cũng cho biết rằng họ tự hào đã sáng tạo ra “cách thức làm phim… tốn thời gian nhất trong suốt 120 năm trở lại đây của ngành điện ảnh.”

4. Những gam màu ấn tượng

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Bộ phim được bắt đầu với hình ảnh một dãy phố vắng lặng, quán rượu neo người và con đường rợp bóng cây. Mưa dường như đang rơi. Một hình nhân mờ ảo bước đi, hay nói cách khác là lướt chầm chậm qua khung hình. Có tiếng đối thoại vang vọng từ đâu đó. Những ngày cuối đời của vị danh họa lặng lẽ trôi đi và kết thúc khi ông dùng súng bắn vào bụng mình trên một cánh đồng hoa hướng dương tại một ngôi làng nhỏ nước Pháp.

Sự tương phản giữa các gam màu trong phần hình ảnh của phim cũng là một điểm nổi trội. Ở dòng thời gian hiện tại, các gam màu tươi sáng và đa sắc được ưa chuộng; trong khi đó với dòng thời gian quá khứ, họ chỉ sử dụng gam xám, trắng và đen. Ở đây, ngoài dụng ý của đạo diễn trong cách thể hiện, nó còn cho thấy sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc về Van Gogh.

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Theo đó, trong các tác phẩm đầu tay, danh họa người Hà Lan thường sử dụng các gam màu tối về chủ đề tĩnh vật và miêu tả những người lao động nông dân. Chỉ đến khi được tiếp xúc với trường phái ấn tượng (Impressionism) và tân ấn tượng (Neo-Impressionism) ở Paris, ông bắt đầu nghĩ đến nhiều cách tiếp cận mới đối với tĩnh vật và phong cảnh địa phương. Càng về cuối đời, tại những ngôi làng ở miền nam nước Pháp, những bức họa của ông ngày càng chứa đựng nhiều màu sắc rực rỡ, theo đuổi phong cách hiện thực hóa hoàn toàn. Đề tài của ông từ đó cũng mở rộng hơn. Cây ô liu, cánh đồng lúa mì và hoa hướng dương là những thứ thường xuyên xuất hiện trong khoảng thời gian này.

“Farmhouse in Provence” (1888 – Vincent Van Gogh)

Bên cạnh sự chính xác về màu sắc, khía cạnh quan trọng trong các tác phẩm của Van Gogh cũng cần được chú trọng là niềm say mê và năng lượng trong từng nét cọ. Có một cảm giác say sưa kỳ lạ sẽ bất chợt chạm vào trái tim, khi họa sĩ dành đủ thời gian với những bức tranh của Van Gogh. Người ta sẽ thực sự cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào ấy, tựa hồ như vị danh họa đang ở gần bên và cùng nâng niu từng nét cọ.

5. Quá trình tuyển chọn nhân sự

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Yêu cầu cao về chất lượng hình ảnh khiến quá trình tuyển chọn nhân sự cho Loving Vincent gặp nhiều gian nan, thử thách và đòi hỏi thời gian nhất định. Khi bắt đầu đăng tin tuyển dụng, đoàn phim nhận hàng trăm hồ sơ của các ứng viên từ các trường học, trung tâm và cơ sở nghệ thuật gửi về. Họ đánh giá những hồ sơ này trên thang điểm 1 đến 6, về kinh nghiệm, kỹ năng và phẩm chất cá nhân. Những họa sĩ đã từng trải nghiệm qua thể loại tranh sơn dầu và rành rẽ kỹ thuật impasto được ưu tiên hơn cả. Sau quá trình tuyển chọn gắt gao, những ứng viên tiềm năng được mời đến thử việc 3 ngày tại hãng phim.

“Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Tại đây, họ phải thể hiện khả năng sao chép tranh của Van Gogh, với độ chính xác về sử dụng màu sắc và nét cọ, đồng thời cũng phải cho thấy kỹ năng riêng của bản thân trong việc minh họa hoạt hình. Hơn nửa ngày đầu, họ sẽ phải hoàn chỉnh một bức tranh được chỉ định. Thời gian còn lại, họ phải thực hiện một loạt những khung hình “hoạt hình” cho bức tranh đầu tiên. Trải qua một loạt những bài kiểm tra khắc nghiệt, những họa sĩ đạt yêu cầu thử việc sẽ được tham gia một khóa huấn luyện chuyên sâu kéo dài 6 tuần. Và đó là cách mà 125 họa sĩ đã được tuyển chọn để tham gia vào quá trình thực hiện Loving Vincent. Trong suốt sáu năm ròng rã, họ đã hoàn thành 65000 khung hình vẽ tay cho bộ phim hoạt hình chưa từng có này.

6. Chất lượng và sự chính xác là ưu tiên hàng đầu

Quá trình thực hiện “Loving Vincent” (2017, Dorota Kobiela và Hugh Welchman)

Sau khi những bức tranh được hoàn thành, các đạo diễn sẽ có một bước chọn lọc để quyết định đưa vào phim. Có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình này khi chất lượng và kỹ thuật của một vài cảnh không đạt yêu cầu. Hầu hết là do tranh không giống với bản gốc, nó sai màu, nét cọ không đúng, chất liệu chưa đạt, màu sơn quá dầu hoặc quá khô hoặc họa sĩ không thể hiện được sự tiếp diễn hoạt hình. Nhưng thế chưa phải là hết. Vì kịch bản cũng được thay đổi qua từng thời kỳ, nên đôi khi có những bức tranh đạt yêu cầu về chất lượng nhưng cũng phải bị loại bỏ.

Vì là bộ phim mang tính chất tiểu sử, họa sĩ buộc phải sử dụng tranh gốc của Van Gogh làm thông tin cho mốc thời gian và địa điểm trong câu chuyện. Yếu tố chính xác luôn được ưu tiên hàng đầu. Đôi khi, có một vài chi tiết bị trống trong dòng thời gian, họ sẽ cố gắng suy ra từ nguồn dữ liệu uy tín có sẵn.

7. Lời kết

Vượt lên tất cả những khó khăn đó, các đạo diễn của Loving Vincent mong muốn mang đến cảm giác ngây ngất và say sưa cho khán giả. Bên cạnh yếu tố hình ảnh ấn tượng, câu chuyện về những ngày cuối đời lặng lẽ của vị danh họa khiến bộ phim trở thành một bức chân dung mang tính lịch sử của điện ảnh thế giới.

Dịch và tổng hợp: Gau Truc.
Nguồn: No Film School; Screendaily.

Cùng tác giả

#Tag

lịch sử nghệ thuật loving vincent Nghệ thuật văn hoá phim hoạt hình phong trào nghệ thuật tiểu sử tua phim van gogh

iDesign Must-try

Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ…
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
Bài viết được thực hiện bởi Jyni Ong, thuộc trang tin tức It’s Nice That Từ “thiên tài” chắc chắn đã bị lạm dụng quá mức, nhưng sẽ không ngoa…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Bữa tối từ góc nhìn của Van Gogh sẽ trông như thế nào qua loại hình stop motion?
Được truyền cảm hứng từ bộ phim Loving Vincent với toàn bộ các khung hình là các bức vẽ tay, Clicker đã vẽ lên các vật dụng hàng ngày để…
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
/Tách Lớp/ Đi tìm ‘Linh hồn của Biển’ trong thế giới Edvard Munch
“Tôi cố gắng đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua ngôn ngữ hội họa và tương tự làm sáng tỏ điều ấy cho những người xung…