Loài mèo đã tiến hóa như thế nào trong lịch sử nghệ thuật thế giới?
Cứ mỗi thứ bảy hàng tuần, Trung tâm Lưu trữ Nghệ thuật Hoa Kì Smithsonian lại dành riêng một ngày để đăng tải những tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến loài mèo. Trung tâm Lưu trữ cho rằng trong suốt quá trình nghiên cứu, thu thập và trưng bày các di sản nghệ thuật, họ nhận ra mèo không chỉ có những mối liên hệ sâu rộng với các nghệ sĩ vẽ tranh mà còn là biểu tượng phản ánh cả một xã hội, văn hóa và tôn giáo ở thời điểm đó.
Thời gian loài mèo xuất hiện và gây ảnh hưởng lên lịch sử nghệ thuật nhân loại là một tiến trình phức tạp, kéo dài từ thời kì cổ đại đến ngày nay và mỗi khi mèo xuất hiện trong một bức tranh, giới mộ điệu lại có một chủ đề chất lượng để nghiên cứu, thảo luận.
Loài mèo trong những câu chuyện thần thoại
Mèo là một chủ thể nghệ thuật độc lập từ thời trung cổ và được người dân tôn thờ như một vị thần. Mèo xuất hiện rộng khắp trong các câu chuyện thần thoại Ai Cập, các nét khắc trên đá, các hình vẽ khai quật được. Mèo được biệt đãi như những vị hoàng tộc, khi qua đời, chúng được ướp xác, chôn cất trong những ngôi mộ riêng biệt và được tiến hành các nghi thức linh thiêng để linh hồn của nó có thể đến được thế giới bên kia. Người ta quan niệm rằng mèo là linh vật mà chỉ có các vị Pharaoh cao quý mới được quyền sở hữu, vì vậy nếu ai đó làm hại một con mèo, họ sẽ bị kết tội phản bội đất nước.
Minh chứng rõ nét hơn nữa về ảnh hưởng sâu sắc của hình tượng loài mèo đến đức tin của cả một nền văn hóa phải kể đến câu chuyện thần thoại Ai Cập về Nữ thần đầu mèo Bast/Bastet, con gái của Thần mặt trời Re. Truyện kể rằng, lúc còn sống, Bast đã giết mèo và cô phải chịu trừng phạt bằng chính mạng sống của mình, khi chết đi, tất cả những chú mèo bị cô giết trở thành sứ giả và người hầu của cô, buộc cuộc sống của cô và mèo phải gắn liền với nhau mãi mãi. Trên chiếc hòm gỗ chứa xác của Bast và những bức tường xung quanh ngôi mộ của cô, người ta vẽ và chạm khắc vô số hình ảnh về Nữ thần đầu mèo cùng những con mèo đen mạnh mẽ, rắn chắc.
Cũng trong thời kì này, người ta còn tin rằng loài mèo là những chiến binh bảo vệ loài người khỏi thế lực xấu xa thông qua giai thoại Nữ thần đầu mèo Bast đã vẻ vang trảm thủ vị thần thế giới ngầm đầu rắn Apophis. Câu chuyện này được lồng ghép phép ẩn dụ về lòng tin rằng mèo luôn chiến thắng rắn như ánh sáng luôn chiến thắng bóng tối, cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
Trong một số thần thoại khác, mèo được gọi là Mau, cái tên này bắt nguồn từ tiếng kêu của chúng và ở một vài nơi khác, do tập quán sinh hoạt về đêm nên người dân còn xem loài mèo là biểu tượng tối cao của vị thần mặt trăng.
Bước ra khỏi nền văn hóa tâm linh Ai Cập, mèo còn xuất hiện trong các quyển kinh Hồi Giáo. Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi, đã hết mực yêu thương loài vật này. Mohammed có nuôi một chú mèo tên là Muezza. Một ngày nọ, khi Mohammed chuẩn bị xiêm y để đi ra ngoài thì ông thấy Muezza đang nằm chiễm chệ trên phần cánh tay của chiếc áo choàng và ngủ say sưa. Ông không thể chậm trễ việc ra ngoài hơn nữa, nhưng cũng không nỡ đánh thức chú mèo của mình, thế là Mohammed quyết định cắt phăng phần tay áo choàng đi để vừa có áo khoác ra ngoài mà vẫn không làm hỏng giấc ngủ ngon của chú mèo ông yêu mến.
Văn xuôi Edda, một trong những tác phẩm văn học cổ ở Bắc Âu đã miêu tả mèo như loài vật dũng mãnh và thuộc tầng lớp thần thánh. Freyja, vợ của thần Odin, di chuyển bằng cỗ xe được kéo bởi một cặp mèo màu xanh xám mà thần Thor đã nuôi nấng và tặng cho cô. Freyja là nữ thần săn bắn và tình yêu, cũng tương tự như Bast, mèo là linh vật phục tùng và tương trợ đắc lực cho những vị thần mang hình tượng tốt đẹp. Trong thần thoại Phần Lan, mèo lại đóng vai trò dẫn dắt những linh hồn người chết xuyên qua thế giới ngầm đầy cạm bẫy nguy hiểm để đến được cuộc sống mới.
Đến với văn hóa phương Đông, mèo đóng nhiều vai trò hơn là chỉ gần gũi với các vị thần. Ở Việt Nam, mèo là linh vật thứ tư trong bảng xếp hạng 12 con giáp. Ở Trung Quốc, mèo được tin là biểu tượng của sự trường thọ vì từ mèo được đọc là Mao, tương đồng về mặt ngữ âm với từ bát phân, nghĩa là cuộc sống dài lâu. Tuy vậy, người ta chỉ ưa chuộng mèo trắng bởi quan niệm mèo đen là hiện thân của quỷ dữ. Trong thần thoại Nhật Bản, bất cứ con mèo nào khi chết đi đều trở nên nguy hiểm bởi linh hồn của chúng sẽ trở về dương gian và biến thành hình dạng con người, đặc biệt là hình dạng của những người phụ nữ đã giết chúng. Ở Ấn Độ, người dân tin rằng mèo được nhà hiền triết Vidali chọn để làm phương tiện di chuyển và vẻ đẹp của mèo là vẻ đẹp chung của cả thế giới động vật. Tuy nhiên, trong văn hóa Phật giáo, cùng với rắn, mèo được sử dụng như là biểu trưng của sự tội lỗi và vô minh vì người ta tin rằng chúng đã không thể hiện sự tiếc thương trước cái chết của Đức Phật. Với giá trị nghệ thuật dân gian đa dạng như vậy, thật không quá bất ngờ khi giới nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới đều muốn mang loài mèo vào các tác phẩm của mình.
Loài mèo đóng vai phản diện
Trái ngược với hình ảnh của những chú mèo cao quý và tươi sáng trong thần thoại cổ đại, loài mèo ở thời kì trung cổ lại là biểu tượng của sự tiêu cực, u ám. Các hoạt động dị giáo và tà giáo ở thời kì này hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết đã dẫn đến nhiều khối xã hội trở nên mê tín dị đoan cao độ, đồng thời họ cũng cho rằng phụ nữ và mèo là mối liên kết trung tâm giữa các thế lực siêu nhiên, sở hữu phép thuật và chế tạo bùa chú.
Vào thế kỉ 16, hình ảnh loài mèo gắn liền với ma thuật càng được phổ biến rộng rãi. Tại Pháp, người ta tạo ra biệt từ “chatoyer” để so sánh đôi mắt phát sáng của mèo trong màn đêm như là đốm lửa dưới địa ngục. Đến thế kỉ 17, những người hành nghề phù thủy được tin rằng có khả năng biến hóa thành mèo, cưỡi mèo và thậm chí nuôi mèo con bằng chính sữa từ ngực mình. Trong thời kì này, mèo cũng được dùng như hình ảnh ẩn dụ về tình dục và các mối quan hệ yêu đương không hợp pháp, cụ thể, Kito giáo đề cập mèo như là đại diện của những con người lười biếng và đầy nhục dục. Vì lẽ đó, hình tượng loài mèo được lưu truyền trong dân gian đến nay luôn chất đầy ý nghĩa lớn lao của thời đại.
Và cuối cùng, con người đã phải trả giá cho niềm tin mù quáng đó bằng mạng sống của hơn 25 triệu dân châu Âu lúc bấy giờ. Việc săn lùng và tận diệt loài mèo đã khiến số lượng cá thể mèo sụt giảm mạnh, dẫn đến sâu bọ và các loại chuột phát triển tăng nhanh, mang mầm mống bệnh dịch hạch đến mọi ngõ ngách của châu lục này.
Sau này, loài mèo đã được “rửa sạch” tai tiếng và lấy lại thanh danh trong sạch của mình. Đến thời kì Phục Hưng, mèo được xem là một trong những loài vật thông minh, hài hước và được xếp ngang hàng với các vị học giả, tầng lớp tri thức lúc bấy giờ. Ở Nhật Bản, dù không trải qua thời kì săn mèo và bài phù thủy ác liệt như châu Âu trung cổ, nhưng hình ảnh loài mèo cũng dần được tốt đẹp hóa. Dù nhiều người vẫn tin rằng mèo là biểu tượng của quỷ dữ, nhưng cũng không ít người bảo vệ mèo như là linh hồn của hòa bình và sự êm ấm. Sự tương phản lớn trong quan niệm về loài mèo đã giúp những chủ đề hay tác phẩm nghệ thuật về mèo chưa bao giờ mất đi sức hút đối với đại chúng.
Mượn hình ảnh mèo để lột tả xã hội
Chúng ta đã thấy những con mèo thực sự đã phản ánh các giá trị của thời đại như thế nào. Các nghệ sĩ thường tìm cách đưa ra tiếng nói, quan điểm, luận điểm về xã hội thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình và để làm điều này, các nghệ sĩ thường mượn hình ảnh của những con mèo và nhân hóa chúng. Pablo Picasso là một ví dụ, ông tập trung thể hiện bản năng săn mồi của một chú mèo thông bức tranh Still Life with Cat and Lobster (tạm dịch: Cuộc sống tĩnh lặng với Mèo và Tôm hùm), trong khi Andy Warhol lại thể hiện sự tươi trẻ, vui vẻ thông qua bức tranh Blue Cat nổi tiếng của mình. Hơn thế nữa, mèo đã được chấp nhận rộng rãi đến mức Alexandre Steinlen còn vẽ hẳn một chú mèo đen trên chiếc poster quảng cáo Le Chat Noir độc đáo của mình.
Tại Nhật Bản, giữa thế kỉ 19, Chính phủ ban hành lệnh cấm tất cả những nghệ sĩ và cận thần hoàng gia bộc lộ quan điểm bài trừ loài mèo hay có những biểu hiện thiếu đạo đức với loài vật này. Vài thập niên sau, tại Mỹ, Louis Wain đã gây kinh ngạc cho cả thế giới khi giới thiệu các tác phẩm vẽ những chú mèo đi bằng hai chân, cười toe toét với chiếc miệng rộng và măc quần áo. Louis Wain nhân hóa những chú mèo này một theo cách mà đương thời không ai tưởng tượng nổi. Chúng được Wain cho đi dự tiệc, chơi thể thao, nháy mắt và thậm chí còn hút thuốc, uống rượu. Cùng với sự phát triển này, những nhà xuất bản truyện tranh thiếu nhi cũng dần ưa chuộng các tác phẩm có những chú mèo trong đó.
Tất cả những sự kiện trên đã minh chứng được rằng lịch sử loài mèo trong nền nghệ thuật thế giới chính thức bước sang một trang đầy tươi sáng mới từ đây.
Mèo online, mèo đương đại
Ngày nay, loài mèo đã trở thành một loài vật thân thiện và gần gũi với đời sống con người. Trong nghệ thuật, mèo được xuất hiện trong các vở kịch hay tranh vẽ ở cấp độ chuyên nghiệp trở lên. Và trong thời kì công nghệ Internet bùng nổ, những con mèo nổi tiếng như Hello Kitty, Pusheen và Grumpy Cat đều có trang mạng xã hội riêng của mình và được yêu mến trên toàn thế giới. Lý giải cho sự nổi tiếng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bởi vì gương mặt của mèo dễ khiến chúng ta liên tưởng đến gương mặt trẻ sơ sinh và điều đó khơi dậy nhu cầu sinh học sâu bên trong của loài người, trong khi đó một số khác lại cho rằng tổ tiên chúng ta ở cổ đại đã yêu thương và xem trọng loài mèo thì thế hệ sau này vẫn được thừa hưởng tính cách đó, dù có qua bao nhiêu biến cố lịch sử thì tình yêu thương vẫn mãi được lưu truyền.
Tổng hợp và biên tập: Thùy Vân
Nguồn: The Artifice