Ngừng phục chế tư liệu lịch sử, nên hay không?
“Đó là một điều vô nghĩa. Màu sắc không đưa chúng ta đến gần hơn với quá khứ mà thậm chí còn tạo ra khoảng cách lớn hơn. Tôn trọng lịch sử là tôn trọng tính nguyên bản của nó, lịch sử không cần màu sắc hay sự đẹp đẽ để tìm kiếm sự tôn vinh.”
Việc phục hồi, cải tiến và tô màu cho các ảnh và video đã được quay chụp từ quá khứ đang dần trở nên phổ biến và dễ dàng hơn bao giờ hết. Những tiến bộ vượt trội của trí tuệ nhân tạo (AI) và các máy móc kĩ thuật hiện đại đã cho phép các tư liệu xưa cũ trở nên sống động hơn, bắt mắt hơn và dễ tạo cảm hứng hơn cho người hiện đại, đặc biệt là thế hệ trẻ khi tiếp cận các thông tin có giá trị lịch sử này. Tuy nhiên, các công trình phục chế ảnh cũ, chuyển ảnh trắng đen sang ảnh màu đã vấp phải những ý kiến phản đối quyết liệt từ các nhà sử học bởi các sử gia cho rằng, việc phục dựng này sẽ làm mất đi giá trị nguyên bản của các tư liệu quý giá và thậm chí làm méo mó đi nội dung vốn có của tư liệu.
Theo Wired, hàng loạt các nhóm sử gia đã đứng ra kêu gọi chấm dứt quá trình phục chế các ảnh và video có tính lịch sử. Luke McKernan, Trưởng ban tin tức và trực quan tại The British Library chia sẻ với Wired rằng “Đó là một điều vô nghĩa. Màu sắc không đưa chúng ta đến gần hơn với quá khứ mà thậm chí còn tạo ra khoảng cách lớn hơn. Tôn trọng lịch sử là tôn trọng tính nguyên bản của nó, lịch sử không cần màu sắc hay sự đẹp đẽ để tìm kiếm sự tôn vinh.”
Cụ thể, McKernan đã đề cập đến bộ phim tài liệu nổi tiếng They Shall Not Grow Old, đươc đạo diễn Peter Jackson sản xuất vào năm 2018, có nội dung về cuộc sống của những người lính trong Chiến Tranh Thế Giới thứ I. Bộ phim sử dụng những hình ảnh tư liệu được khôi phục lại với nhiều màu sắc và được trình chiếu dưới dạng 2D và 3D. McKernan cho rằng những kĩ thuật hiện đại trong bộ phim này chỉ phục vụ một mục đích duy nhất là tìm kiếm sự “thiện cảm” của khán giả với phim tài liệu của nhà sản xuất mà thôi, tất cả chỉ có vậy, không hơn không kém.
Giữa cuộc tranh cãi, kênh Youtube tên Neural Love của Deniz Shiryaev nổi lên như một tâm điểm của dư luận. Được biết đến với việc không chỉ nâng cấp các cảnh quay tài liệu lên chất lượng 4K, Neural Love còn sử dụng thuật toán AI để thêm khung hình và màu sắc cho các cảnh quay có tuổi đời hàng thập kỷ.
Giống như McKernan, Emily Mark-Fitzgerald, Phó giáo sư Khoa Lịch sử Nghệ thuật và Chính sách Văn hóa của Đại học Dublin, cũng lập luận về các tư liệu phục chế của Neural Love rằng “không bao giờ nên có những nâng cấp vì nó đi ngược với bản chất của phim tài liệu”.
Mark-Fitzgerald chia sẻ thêm với Wired “Hình ảnh và các thước phim tài liệu nên được xem là một cánh cửa sổ giúp chúng ta thông qua nó để nhìn về quá khứ. Việc loại bỏ bụi, vết xước và khuyết điểm của khung cửa sổ này bằng cách thêm màu giả định, thêm khung cảnh hoặc tăng độ bắt mắt sẽ càng làm mờ khung cửa sổ lịch sử này đi thôi. Dù chất lượng hình ảnh có chệch choạc hơn khi không được tác động phục chế, nhưng chúng ta nên nhìn trực diện vào nó hơn là qua khung cửa sổ có lớp kính làm đẹp như hiện nay.”
Về phía Neural Love, đại diện của kênh tin rằng các tác phẩm của họ đã giúp những thước phim lịch sử trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với thế hệ hiện đại. Mặc dù họ đã loại bỏ các dấu hiệu tuổi tác khỏi hình ảnh và video, nhưng kết quả cuối cùng vẫn được phần lớn khán giả đánh giá cao bởi vì nếu không có quá trình xử lý hậu kỳ công phu của họ, nhiều người sẽ không bao giờ quan tâm đến các cảnh quay lịch sử này.
Cả hai phía ủng hộ phục chế và phản đối phục chế đều đưa ra những lý lẽ sắc bén và thuyết phục, và có lẽ còn khá lâu để chúng ta tìm ra hồi kết. Còn bạn thì sao? Bạn ủng hộ hay phản đối công việc phục chế này?
Biên tập và dịch: Thùy Vân
Nguồn: Petapixel