‘Gửi em’: Truyện tranh chữa lành dành cho lứa tuổi trưởng thành của họa sĩ Lê Thư

 “…mình muốn câu chuyện về em mang màu sắc tươi sáng, tràn đầy hy vọng như cách em đã sống”.

Truyện tranh có lẽ là một trong những mảnh tuổi thơ đáng nhớ của những đứa trẻ. Và với độc giả đại chúng Việt Nam, hình thức truyện tranh vẫn là một thể loại được xem là “chỉ dành cho trẻ con”, bởi phần lớn các tác phẩm truyện tranh do tác giả trong nước sáng tác cũng thường nhắm đến độc giả lứa tuổi thiếu niên, mà bỏ qua địa hạt dành cho tuổi trưởng thành.

Với mong muốn thay đổi định kiến trên, cũng như đem đến cho độc giả tuổi trưởng thành thêm một sự lựa chọn thoả mãn về hình ảnh lẫn nội dung, mùa hè năm 2023, công ty sách Du Bút đã mang đến độc giả tác phẩm truyện tranh ngắn mang tên – “Gửi em”. Quyển sách được tác giả – họa sĩ minh họa Lê Thư dày công thực hiện trong hai năm, với phần nội dung được chắt lọc từ chính câu chuyện có thật mà Thư là một trong hai nhân vật chính.

Hoạ sĩ minh hoạ Lê Thư, tên thật là Lê Thị Anh Thư, là một hoạ sĩ – tác giả có nhiều năm kinh nghiệm sáng tác. Thư hiện sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh với hai niềm đam mê bất tận là mèo và vẽ truyện tranh. 

Lê Thư có nhiều tác phẩm được đăng định kỳ trên báo Thiên Thần Nhỏ. Năm 2010, truyện tranh ngắn “Con cò quăm màu đỏ” do Thư chuyển thể từ nguyên tác văn học của James Hurst được đông đảo khán giả quan tâm và chia sẻ. Năm 2018, tác phẩm Sài gòn của em do Thư minh họa đạt giải B Giải Sách Quốc gia. 

“Gửi em” là tác phẩm truyện tranh đầu tiên của Thư được in thành sách. “Gửi em” cũng là câu chuyện mà Thư đã đề cập trong bài viết Họa sĩ Lê Thư: ‘Nghệ thuật là để chữa lành’ mà iDesign thực hiện hồi 2020. Hôm nay, mời bạn đọc cùng iDesign nghe Lê Thư kể lại tỏ tường câu chuyện đượm buồn nhưng không hề bi lụy, mà còn mang màu sắc tươi sáng, tràn đầy hy vọng trong “Gửi em” – tác phẩm truyện tranh đầu tay của của cô bạn nhé!

Các trang thông tin và liên hệ:  

Behance | Instagram 

Chào Thư. Ngoài vẽ và xem truyện tranh (như đã chia sẻ hồi 2020), dạo gần đây Thư còn có thêm những sở thích nào mới không? 

Đàn Ukulele, chơi game Overcooked và ăn sầu riêng ạ (cười).

Được biết câu chuyện trong “Gửi em” dựa trên câu chuyện có thật của Thư. Nó có liên quan đến câu chuyện “nghệ thuật là để chữa lành” mà Thư đã chia sẻ với chúng mình hồi 2020?  Điều gì khiến bạn quyết định chia sẻ câu chuyện này đến các độc giả? 

Đúng là có liên quan nha. Khi một người thân mất đi, mình cảm thấy rất mất mát, bất lực. Việc vẽ giúp mình khuây khỏa, đó là cách mình giải tỏa những cảm xúc trong lòng. Cùng lúc đó, mình nhận ra thời gian sống của con người là hữu hạn, muốn làm gì hãy làm ngay đi. Thế là mình bắt đầu vẽ truyện tranh, con đường mình mơ ước bấy lâu nhưng vì còn nhiều chần chừ mà vẫn chưa thực hiện. 

Mình nghĩ trải nghiệm của mình không chỉ là chuyện cá nhân, chuyện mình trải qua cũng là chuyện rất nhiều người trải qua, việc chia sẻ sẽ giúp chúng ta đồng cảm với nhau hơn. Do đó, mình vẽ “Gửi em”

Những tưởng “Gửi em” là một câu chuyện buồn, nhưng ở vai trò là tác giả, Thư đã chọn cách kể chuyện sáng sủa hơn, khi vòng tuần hoàn bất tận của những thăng trầm, suy hưng của các nhân vật trong truyện luôn hướng đến ánh sáng của hy vọng. Thư có thể chia sẻ một chút về điều này?

Nhân vật “em” trong “Gửi em” là một người bạn có thật ngoài đời của mình. Em ấy là một trong những người lạc quan nhất mình từng biết. Ngay cả trong thời gian em nằm viện và chịu nhiều đau đớn; những status (dòng trạng thái trên mạng xã hội), tin nhắn của em đều rất hài hước. Nếu là mình, mình không chắc bản thân có thể duy trì sự lạc quan như vậy. Vì thế khi viết truyện, mình cũng muốn câu chuyện về em mang màu sắc tươi sáng, tràn đầy hy vọng như cách em đã sống.

Theo Thư, việc sáng tác dựa trên câu chuyện của bản thân khiến Thư gặp những thuận lợi và khó khăn nào?

Thuận lợi ở chỗ mình không chịu áp lực trong việc phải sáng tác một câu chuyện “hay”. Điều mình muốn là kể lại một cách chân thật. Đời thật có thể không “drama”, không kịch tính như những tác phẩm hư cấu, nhưng mình không muốn tô hồng hay thêm thắt bất kỳ tình tiết nào khác.     

Khó khăn ở chỗ mình luôn mang tâm lý hồi hộp, chẳng biết những người thân của bạn mình khi đọc sẽ cảm thấy thế nào? Người bạn ấy qua hình dung của mình có thể rất khác với hình tượng trong đầu những người thân, lỡ họ không đồng tình thì sao? Nhưng rồi sau này mình nhận ra, mỗi con người không chỉ có một khía cạnh đơn thuần – với người này bạn có thể là màu xanh, có thể với người khác bạn là màu đỏ. Phải tin vào cảm nhận của con tim mình.  

Thư đã chọn phong cách minh họa nào cho “Gửi em”

Mình định là sẽ vẽ kiểu dễ thương mềm mại, nét vẽ bút chì thô mộc.

Ban đầu mình chọn chỉ vẽ nét, vì cảm thấy những đường nét nhẹ nhàng sẽ diễn tả được những đoạn ký ức mỏng manh. Nhưng đến khi xuất bản thì phong cách này lại không phù hợp lắm với phương pháp in ấn cũng như thị hiếu độc giả – mình muốn truyện mình không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người khác đọc nữa. Do đó, các bạn biên tập viên của Du Bút góp ý thêm mảng sáng tối vào để truyện có chiều sâu hơn. Mình thì không thích tô mảng tạo khối lắm nên quyết định lên màu toàn bộ. 

Bảng màu mà Thư sử dụng trong “Gửi em” mang lại cho người xem cảm giác bảng lảng, dịu dàng, có man mác buồn nhưng không hề bi lụy. Việc sử dụng bảng màu như thế có ẩn ý điều gì không?

Hồng, xanh dương, xanh lá là những tông màu tươi sáng mà mình sử dụng cho phần đầu truyện. Khi đến đoạn cao trào, mình sử dụng tông đỏ. Đến đoạn trầm buồn thì mình sử dụng tông màu tối. Ở kết thúc truyện, mình muốn mọi thứ thật nhẹ nhàng như những đám mây nên màu sắc rất nhạt.

Hai năm để cho ra đời 60 trang truyện tranh về chủ đề tình bạn, đời sống. Dường như Thư đã dành rất nhiều tâm huyết cho tác phẩm này của mình?

Thật ra là…có và không. Trong hai năm, mình chủ yếu làm việc fulltime cho những đơn hàng từ agency và các khách hàng. Mình chỉ có một chút thời gian mỗi tối để tập trung vẽ, do đó, quá trình vẽ cứ bị tủn mủn, đứt đoạn hoài – cả về mạch cảm xúc lẫn phong cách vẽ. 

Giờ nghĩ lại “tâm huyết” nhất của mình có lẽ là đã cố gắng hoàn thành 60 trang truyện này.

Để đứa con đầu tiên của mình được Ban biên tập Du Bút duyệt và in thành sách, Thư có trải qua những khó khăn nào không?

Mình chỉ thấy khó khăn duy nhất đến từ “sự ì” của bản thân thôi (mếu). Cuốn sách của mình được các bạn Du Bút biên tập kỹ lưỡng, góp ý hợp lý về phần nội dung. Mình đã rất “lầy” và đã được Du Bút hỗ trợ, động viên nhiều để có thể vẽ thêm trang cho liền mạch truyện, lên màu…

Hướng đến phân khúc khán giả là những người trưởng thành, Thư mong muốn “Gửi em” mang lại cho khán giả những đúc rút bổ ích nào về cuộc sống?

Đây là một câu hỏi khó vì mình không muốn diễn giải phần cuối truyện ra thành lời cho lắm (cười).

Và rồi một lúc nào đó, nỗi đau sẽ tan ra, biến thành điều gì đó tuyệt đẹp bên trong ta. Như thể nó giúp ta yêu quý, biết ơn cuộc sống hơn, trân trọng người xung quanh hơn, chấp nhận được “mất là một phần tất yếu của cuộc sống”. 

Theo Thư, vẽ cho “người lớn” khác với vẽ cho “trẻ con” là gì? Và cái khó khi vẽ cho “người lớn” là gì? 

Điều mình thích khi đọc truyện cho trẻ là các bé sẽ thường không hiểu một cách logic như người lớn, nhưng lại chú ý những chi tiết nhỏ nhặt và từ đó sẽ có những suy luận hay ho đa chiều khác. Người lớn sẽ dễ hiểu điều tác giả truyền tải hơn, nhưng đôi khi họ đọc mọi thứ trong vội vã và không chú ý hết các chi tiết ẩn giấu trong tranh. 

Một bộ phận người lớn không quen xem sách tranh, khi đọc truyện mình cũng sẽ cảm thấy khó hiểu, trẻ em thì dễ thích nghi hơn, cởi mở hơn. Ngay cả bản thân mình cũng đang mất dần hứng thú đối với việc đọc sách truyện mới, vì cuộc sống bộn bề, thời gian bỏ ra để đọc ngày càng ít. Vì thế nên mình càng quý trọng những bạn đã bỏ thời gian ra để xem truyện của mình và để ý từng chi tiết.

Mình không cảm thấy vẽ cho người lớn khó, vì cho đến giờ mình vẫn tiếp xúc với người lớn nhiều hơn trẻ con. Và khi vẽ mình cũng không nghĩ trước sẽ vẽ cho đối tượng nào, truyện của mình sau khi hoàn thành sẽ tự khắc tìm đến đối tượng dành cho nó.

Trong tương lai, bạn có dự định sẽ tiếp tục khai thác các chủ đề khác để phục vụ cho nhóm độc giả mới này không?

Trong tương lai mình mong sẽ có thời gian ra truyện mới cho nhóm độc giả trưởng thành. Mình đang ấp ủ một truyện tranh ngắn khác nói về thời gian mình tham gia một trại hè rất ý nghĩa. Mong sớm có thể hoàn thiện và ra mắt bạn đọc. 

Rất cảm ơn Thư đã dành thời gian chia sẻ cùng iDesign. Chúc Thư sức khỏe và có thêm nhiều dự án chất lượng trong tương lai!

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh do Ban biên tập Du Bút cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

du bút Gửi em idesign signature Lê Thư may truyện tranh tuổi trưởng thành

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…