Đặng Thùy Anh: ‘Trình diễn như một phương pháp rất bản năng mà mình luôn sẵn sàng thực hành’

Vừa qua, ngày 26/5/2023, Lễ vinh danh thường niên các nghệ sỹ, dự án và nhà tổ chức văn hoá nghệ thuật tích cực Hanoi Grapevine’s Finest mùa thứ 4 do Hanoi Grapevine – nền tảng truyền thông văn hoá nghệ thuật phi lợi nhuận tổ chức đã khép lại trong không khí hân hoan của đông đảo người tham dự.

Góp mặt trong đề cử Nghệ sĩ tích cực năm 2022 và đạt giải do khán giả bình chọn, Đặng Thùy Anh, một nghệ sĩ độc lập trẻ đang thực hành nghệ thuật tại Hà Nội cũng đã có những chia sẻ xoay quanh hoạt động ý nghĩa này. 

Các trang thông tin liên hệ: 

Facebook | Website

Chào Thùy Anh, 2022 có lẽ là năm Thùy Anh hoạt động nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khi tần suất xuất hiện tại các triển lãm và sự kiện nghệ thuật khá dày đặc. Góp mặt trong đề cử và đạt giải Nghệ sĩ tích cực năm 2022 (do khán giả bình chọn) của Hanoi Grapevine’s Finest 2023, bạn cảm thấy như thế nào?

Trước tiên mình cảm thấy rất vui và xúc động vì đạt được giải thưởng này. Mình khá bất ngờ khi được nhiều bạn bè và khán giả ủng hộ đến vậy. 

Năm 2022 là một năm khá quan trọng với mình sau quyết định rời khỏi Sài Gòn trở về Hà Nội để sinh sống và thực hành nghệ thuật. Nhìn thấy một nguồn năng lượng mới từ tất cả các nghệ sĩ, các không gian hay những tổ chức trong cộng đồng cùng quay trở lại mạnh mẽ sau Covid, tất cả khiến cho Hà Nội có một năm sôi nổi với nghệ thuật khiến mình rất vui và đồng cảm. 

Việc nhận được giải thưởng sẽ là một niềm khích lệ lớn không chỉ đối với mình mà tất cả bạn bè nghệ sĩ xung quanh trong chặng đường thực hành và sáng tác nghệ thuật, bởi bên cạnh các không gian sẽ luôn có những tổ chức và các chương trình ý nghĩa đem nghệ thuật gần hơn với khán giả đại chúng. 

Tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng vì sao Thùy Anh lại chọn bắt đầu đến với nghệ thuật bằng thực hành trình diễn?

Ngay từ những năm còn học trong trường, mình đã luôn có nhu cầu được trao đổi và học thêm các loại hình nghệ thuật khác, vì đôi khi môi trường giáo dục sẽ có những hạn chế nhất định, nên mình vẫn luôn chủ động tìm kiếm những không gian thú vị trong Hà Nội để xem triển lãm, chiếu phim, nghe talk.

Mình cũng may mắn được làm tình nguyện viên ở Nhà Sàn Collective từ năm 2014 và quá trình học, trao đổi, tiếp xúc với nghệ thuật đương đại cứ đến rất tự nhiên qua những buổi setup tác phẩm cùng các anh chị, các buổi workshop hay các festival trình diễn. 

Mình nghĩ mình không chọn trình diễn mà trình diễn chọn mình, vì thông qua một buổi workshop vào năm 2017 trong liên hoan trình diễn IN:ACT, mình đã có một vài câu trả lời cho bản thân về những suy tư cá nhân hay những chuỗi thực hành vô thức mà trước đó bản thân chưa cắt nghĩa được. Và sau đó, mình cứ tiếp tục đi tiếp với hướng thực hành này bởi nó chân thật. Đôi khi, tính tự phát trong quá trình làm trình diễn cũng khiến mình hiểu bản thân hơn và dần dần tìm cách nói ra những nhu cầu ấy bằng cử chỉ hay hành động. Đến bây giờ, mình vẫn thấy đó là một phương thức thú vị và vẫn còn nhiều điều để khám phá tiếp. 

Cho đến thời điểm hiện tại, đâu là chất liệu thực hành hoặc phương pháp thực hành nghệ thuật chính mà Thùy Anh đang theo đuổi? Điều gì ở chất liệu hoặc phương pháp này khiến bạn muốn đào sâu đến thế?

Thực ra trong 5 năm thực hành, mình cũng không giới hạn bản thân ở bất kỳ chất liệu hay phương pháp nào. Tuy nhiên, mình có xu hướng sáng tác các tác phẩm nằm trong những dự án dài hơi (long term project) bởi mình ý thức được rõ ràng sự thay đổi của cá nhân qua thời gian, thay đổi không gian, hay các tác động bên ngoài cũng chi phối tới cách mình làm nghệ thuật. Vậy nên, một kết quả hay một tác phẩm được làm ra có thể chỉ phản chiếu được quan điểm và con người mình trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu đặt tổng thể dự án lên một hệ quy chiếu dài hơn, rộng hơn, mình sẽ có được nhiều bản thể khác nhau cho cùng một vấn đề và được thể nghiệm nhiều hơn.

 Hai triển lãm cá nhân của mình là “Lặng Yên San Sát”“Chợt Mộng Tan” đều được mình coi là điểm cuối của một chuỗi thực hành dài hơi, với rất nhiều “mảnh tác phẩm” từ trình diễn, điêu khắc, tranh, video art,… và các mảnh đó hoàn toàn cũng có thể đứng một mình như một tác phẩm riêng biệt. Khi toàn bộ hành trình đã có thể trở thành một triển lãm cá nhân thì có thể đó là lúc mình tạm dừng được với dự án và đóng gói nó lại một cách trọn vẹn. 

Ngoài ra, mình vẫn muốn nhắc tới trình diễn. Ở thời điểm hiện tại, trình diễn như một phương pháp rất bản năng mà mình luôn sẵn sàng thực hành, nó sẽ luôn chân thật và giúp mình ngày càng có thể đi sâu để hiểu được bản thân hơn. 

Là một nghệ sĩ trẻ, có cơ hội lựa chọn thực hành và thử nghiệm với nhiều chất liệu sáng tạo hơn, đại diện cho lớp nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam, bạn cảm thấy bản thân đang sở hữu những điểm thuận lợi cũng như tồn tại những khó khăn nào?

Mình thấy ở thời điểm hiện tại, thông qua các tổ chức, không gian nghệ thuật cũng như truyền thông đại chúng, nghệ thuật đã được đón nhận và đến với khán giả gần hơn so giai đoạn trước. Các bạn trẻ thời nay cũng chủ động hơn trong việc tìm hiểu hay trao đổi nghệ thuật khiến cho cộng đồng ngày càng mở rộng. Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á cũng được chú ý hơn trên bản đồ nghệ thuật thế giới. Điều đó cũng trực tiếp ảnh hưởng đến thế hệ các nghệ sĩ trẻ thông qua các dự án hay các quỹ hỗ trợ nghệ thuật, và điều này sẽ hỗ trợ cho chúng mình rất nhiều trong đời sống cũng như sáng tác. 

Về hạn chế và khó khăn mình thấy có hai điểm chính. Một là mình vẫn thấy một lỗ hổng về kiến thức lý thuyết trong việc giảng dạy và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam. Điều này đôi khi sẽ khiến những người học và theo đuổi nghệ thuật không cảm thấy tự tin, mất nhiều thời gian và công sức để tự học và tìm tòi. Hai là vấn đề kiểm duyệt và cấp phép hiện tại vẫn là một khó khăn lớn ảnh hưởng ít nhiều tới nghệ sĩ trong việc tự do sáng tác. 

“Biền biệt bay bay“, Mini Performance Art Festival Morning – Noon – Afternoon – Evening
“Tái Nạm” – Một phần của dự án “Don’t Call It Art”

Với mối quan tâm xoay quanh mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, những mô típ thị giác bị hiểu dập khuôn và ảnh hưởng của định kiến xã hội lên các quan niệm về giới. Có thể thấy, dường như Thùy Anh đang muốn nghệ thuật của mình cất lên một tiếng nói nào đó, hoặc chí ít là để lại những phản biện, suy ngẫm trong tâm trí người xem? 

Quan niệm của mình mỗi khi đem một tác phẩm ra với công chúng thì mức độ ảnh hưởng của nó chiếm 50% thôi, 50% phụ thuộc vào góc nhìn và trải nghiệm của người xem. Từ đó, họ có thể tự đọc và giao tiếp với tác phẩm để mở ra những cuộc hội thoại riêng. 

Cho đến thời điểm hiện tại, bạn đang định hướng tạo ra những giá trị nghệ thuật nào thông qua các hoạt động của mình?

Sau dự án “Lặng Yên San Sát” thì mình muốn đi vào trong và giải quyết những nhu cầu cá nhân bằng nghệ thuật nhiều hơn, nên chắc mình cũng không mang vác một giá trị gì quá to lớn cả. 

Tuy nhiên, đợt vừa rồi mình cũng có apply một vài quỹ nghệ thuật để dành cho việc tổ chức các hoạt động như mở xưởng, chiếu phim, trình diễn tại không gian Long Biên studio – hiện là xưởng cá nhân của mình. Bởi không gian đó là một nhà máy cũ sắp bị phá dỡ và mình cũng muốn cho nó một đời sống mới. Ngoài ra, ở Hà Nội có thêm một không gian mới để các bạn trẻ có thêm nhiều cơ hội xem và trao đổi về nghệ thuật thể nghiệm cũng là điều mình mong muốn.

Thùy Anh có đang chuẩn bị cho kế hoạch mới nào trong năm 2023?

Giai đoạn này mình đang duy trì việc sáng tác đều đặn bằng việc học vẽ sơn mài, cũng là một chất liệu mới mình muốn thử nghiệm. Ngoài ra mình sẽ tham gia một triển lãm nhóm vào tháng 9 tại Sài Gòn và một vài hoạt động nghệ thuật khác tại nước ngoài cuối năm nay. 

Rất cảm ơn Thùy Anh đã dành thời gian chia sẻ. Chúc bạn nhiều sức khỏe và có thêm nhiều dự án chất lượng trong tương lai!

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh: Facebook Đặng Thùy Anh

Cùng tác giả

#Tag

Hanoi Grapevine Hanoi Grapevine’s Finest may nghệ thuật trình diễn Đặng Thùy Anh

iDesign Must-try

Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 - 2024
Tổng quan về Cuộc thi viết Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023 – 2024 Giới thiệu về Hanoi Grapevine’s Finest Reviews 2023-2024 Hanoi Grapevine’s Finest Reviews là cuộc thi viết cảm…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những mảng xanh trùng điệp yên bình của vùng đất nông nghiệp Palouse 
Những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Palouse miền bắc Hoa Kỳ với đất đai màu mỡ là kết quả của hoạt động núi lửa cổ xưa và xói mòn…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…