CƠM HỘP Sài Gòn - Sân chơi đầu tiên cổ vũ Art Toys/Designer Toys Việt Nam
Nếu bạn từng bắt gặp ở đâu đó mô hình nhân vật bước ra từ truyện tranh, phim hoạt hình, hay những nhân vật không thuộc bất kỳ vũ trụ nào, bạn đã chạm phải thế giới art toys. Art toys/designer toys là thuật ngữ dùng để chỉ những món đồ chơi được làm ra bởi nghệ sỹ/designer hoặc công ty độc lập nhỏ. Nhưng art toys không chỉ là món đồ chơi để trưng trên kệ, mỗi nhân vật còn mang câu chuyện riêng, mang tiếng nói của người nghệ sỹ. Hầu hết những người làm art toys đều tự học. Với những ai yêu nghệ thuật, mê sưu tầm, art toys mang giá trị tinh thần cao. Art toys được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, kim loại, vinyl, nhựa ABS, đất sét… Đó có thể là tác phẩm độc bản hoặc chỉ được sản xuất với số lượng có hạn. Xuất hiện lần đầu tiên tại HongKong và Nhật Bản, thú vui này lan ra khắp thế giới. Ngày nay art toys trở thành một nền văn hoá, một ngành tiểu thủ công nghiệp nổi bật của thế kỷ 21. Nếu bạn yêu art toys, hay mới chỉ bắt đầu quan tâm, CƠM HỘP sẽ là bầu không khí cởi mở và sáng tạo để bạn nuôi dưỡng thú vui này.
CƠM HỘP Sài Gòn là một concept store được phát triển từ mong muốn sưu tầm, chọn lọc và giới thiệu rộng rãi đến công chúng các ý tưởng, tác phẩm, đặc biệt là art toys của nghệ sỹ Việt Nam và nghệ sỹ quốc tế. Không chỉ vậy, CƠM HỘP còn là nơi hỗ trợ, tư vấn cho nghệ sỹ Việt Nam các giải pháp sản xuất, biến ý tưởng thành sản phẩm. Toạ lạc tại lầu 3, số 59 Phạm Ngọc Thạch, Q3 và cửa hàng trực tuyến (mà bạn có thể ghé mua vào bất cứ lúc nào), CƠM HỘP Sài Gòn trở thành cầu nối để những người mới tìm hiểu, người sưu tầm art toys có một sân chơi ổn định để lui tới.
- Ghé thăm mua trực tiếp CƠM HỘP Sài Gòn tại lầu 3, số 59 Phạm Ngọc Thạch, Q3.
- Ghé thăm mua trực tuyến tại: https://comhop.shop/
- Cập nhật hoạt động CƠM HỘP thường xuyên tại facebook và instagram.
Khi được hỏi về cái tên, team thường cười tủm tỉm. Cái tên CƠM HỘP ngộ nghĩnh, dễ gây lầm tưởng là một tiệm bán cơm bắt nguồn từ Việt và Ben, 2 trong 5 thành viên sáng lập của CƠM HỘP. Cả Việt và Ben đều có tâm hồn ăn uống. Ví sản phẩm của artist như một món ăn tinh thần, hình tượng cơm hộp ra đời để đóng gói sản phẩm đến tay công chúng một cách bình dân, gần gũi.
Sự ra đời của CƠM HỘP bắt nguồn từ “vấn đề” của Ben, vốn là một nghệ sỹ graffiti có sở thích thiết kế và sưu tầm art toys. Tự nhận mình là một kid-adult, Ben biết đến art toys từ những lần mua đồ second hand. Từ lúc cầm trên tay những món đồ chơi cũ của Nhật và Mỹ, Ben đã yêu thích thú chơi này. Sự yêu thích khiến anh tìm hiểu sâu hơn và biết được những nghệ sỹ graffiti trên thế giới cũng đang bắt đầu làm art toys. Từ đó, anh mày mò làm thử, học thêm về kỹ thuật, về cách tư duy và cách vận hành của thị trường này. Điều làm anh thích art toys là vì nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sỹ. Từ hình vẽ minh hoạ đến mô hình cầm trên tay là một quá trình thú vị. Việc sưu tầm cũng là một cái thú. Với anh, thú vui này nằm giữa nghệ thuật và đồ chơi, một thú vui vừa dễ trưng bày, vừa phù hợp với khả năng.
Nhiều nghệ sỹ trên thế giới sản xuất sản phẩm, đồ chơi để bán như cách quảng bá phong cách, nghệ thuật của mình. Với cộng đồng nghệ sỹ Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ. Ben nghĩ để khích lệ văn hoá này, mình cần tạo ra một nơi để trưng bày và mua bán art toys của nghệ sỹ Việt Nam. Gom những nguồn lực có sẵn lại, CƠM HỘP ra đời.
CƠM HỘP Sài Gòn có 5 thành viên đồng sáng lập. May mắn là mỗi người đều sở hữu một thế mạnh, một chuyên môn khác nhau. Người đầu tiên phải kể đến là Việt Huỳnh – cha đẻ của bộ nhận diện CƠM HỘP – chịu trách nhiệm định hướng graphic design. Thành viên thứ 2 là Ben, điều hành không gian trưng bày và phát triển sự kiện. Bên cạnh đó, Ben còn hỗ trợ các nghệ sỹ địa phương về quy trình sản xuất. Yến lo vận hành chung để đảm bảo CƠM HỘP luôn ổn định và đúng hướng. Duy quản lý hình ảnh sản phẩm và quy trình sản xuất in ấn dựa trên kinh nghiệm làm design studio lâu năm. Hoà quản lý mảng sản xuất may mặc.
Là một sân chơi cởi mở, CƠM HỘP vẫn có những tiêu chí lựa chọn nghệ sỹ để phù hợp với định hướng. Đây cũng là nỗi băn khoăn của team ngay từ khi mới bắt đầu. Là những người nghệ sỹ của subculture, CƠM HỘP muốn là nền tảng cho những sản phẩm mang tiếng nói cá nhân. Nghĩa là team sẽ lựa chọn những ý tưởng độc đáo, không quá đại chúng, cho thấy quan điểm riêng của nghệ sỹ.
Có thể nói, cộng đồng làm và chơi art toys tại Việt Nam mới chỉ rục rịch bắt đầu. Trên thế giới, văn hoá này đã phát triển 10 – 20 năm. HongKong, Singapore, Thái Lan… là những quốc gia có sàn bán lớn. Ở đó họ có hội chợ lớn, nhiều tên tuổi lớn, nhiều sản phẩm tốt và đa dạng. Việt Nam hiện tại chưa có một sân chơi nào giống như vậy. Nhưng có Tidu Workshop và Jopus đã tham gia những hội chợ art toys quốc tế và nhận được phản ứng tốt.
CƠM HỘP như một phép thử may mắn được cộng đồng đón nhận hơn cả mong đợi qua 3 pop up event với tên gọi Cơm Thập Cẩm. Tổng số lượng artist góp mặt qua 3 sự kiện là 38. Điều này cho thấy rằng, thực tế có rất nhiều bạn quan tâm đến art toys. Những bạn có nền tảng illustration, design, art cũng đang hứng thú và muốn thử sức với việc làm art toys. Họ tự mày mò làm nhưng không có chỗ để trưng bày, không có nơi để giao lưu, trao đổi.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá về tính thương mại của mô hình này; cũng như nhu cầu sưu tầm, sức mua art toys tại Việt Nam. CƠM HỘP đang từng bước xây dựng danh tính để nhiều người sưu tầm biết đến. Duy có một điều có thể nói được, sự xuất hiện của CƠM HỘP là đúng thời điểm với những người theo đuổi art toys. CƠM HỘP đầu tư chỉn chu cho việc trưng bày, giúp tôn lên giá trị của sản phẩm. Bởi những bạn làm art toys vốn luôn tìm kiếm một nơi trưng bày tốt, đủ điều kiện cho sản phẩm của mình. Có một sân chơi tốt sẽ thu hút được nhiều cao thủ ẩn dật. Sự ra đời của CƠM HỘP lúc này như một động lực thúc đẩy văn hoá art toys phát triển mạnh mẽ hơn, ở cả phía người mua lẫn người bán.
CƠM HỘP khá bất ngờ khi bán được tác phẩm độc bản Phong Linh của Bùi Thế Hiển trong event Cơm Thập Cẩm đầu tiên. Đây lại là một sản phẩm có giá trị cao. Thật sung sướng khi làm đúng chức năng của một sàn bán, mang doanh thu về cho các nghệ sỹ, để mọi người tin tưởng và có động lực tạo ra sản phẩm hơn. Xưa giờ hay nghe bảo người Việt Nam mình không thích nghệ thuật, không mua nghệ thuật. Team luôn nghĩ là có, chỉ là mình cần trưng bày tốt, thông tin tốt.
CƠM HỘP còn bị bất ngờ bởi những kỹ thuật mà studio khác mang tới, và sung sướng khi có cơ hội giới thiệu những kỹ thuật đó cho nhiều người biết. Niềm sung sướng này cũng là động lực để CƠM HỘP tổ chức tốt hơn. Càng gặp được nhiều sản phẩm mới, tên tuổi mới, kỹ thuật mới, cuộc chơi càng đa dạng.
Từ lúc chính thức ra mắt vào tháng 9/2019 đến nay, CƠM HỘP đã tổ chức 3 số Cơm Thập Cẩm, là một sự kiện hội tụ tác phẩm của nhiều nghệ sỹ. Tại đây, nghệ sỹ và khán giả gặp nhau, cùng trao đổi về art toys và các sản phẩm thiết kế khác (may mặc, in ấn, trang sức,…) do nghệ sỹ Việt Nam lên ý tưởng và thực hiện. 3 số đầu của Cơm Thập Cẩm hướng tới sự đa dạng. Mục tiêu CƠM HỘP đặt ra cho những số sau là tập trung vào chất lượng và nội dung. Chẳng hạn như tổ chức solo show để nghệ sỹ trình diễn kỹ thuật làm art toys của mình.
Lúc bắt đầu, CƠM HỘP là một cuộc kinh doanh văn nghệ. Cả team đều yêu thích văn hoá art toys, muốn xây dựng cộng đồng dành cho thú vui này. Mọi thứ được thực hiện gấp rút trong 2 tháng, chuẩn bị từ branding đến logistic đến không gian. Ai cũng sợ để lâu dễ nản, thấy có lửa thì phải làm liền, chứ chưa thực sự nghĩ mình sẽ phát triển đến mức nào. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mọi thứ trở nên nghiêm túc hơn, sự tin tưởng của cộng đồng dần đặt lên mình. Áp lực làm sao để duy trì, để tạo những cái ích lợi lớn hơn được hình thành và trở thành động lực.
Cuối cùng, xin kết thúc bài viết này bằng lời nhắn mà Ben gửi đến những ai đang theo đuổi art toys: “Mong gặp các bạn ở các event, pop up show của CƠM HỘP để chúng tôi có cơ hội được chia sẻ, kết nối và trao đổi thêm nhiều thông tin thú vị xoay quanh thú vui và sân chơi art toys này.”
Thực hiện bởi: Teo Non
Thiết kế: Tuyết Nhi
Ảnh do CƠM HỘP Sài Gòn cung cấp