Cham wear dress: Tranh lụa và cuộc gìn giữ nội tâm bất tử

Tìm xem tranh lụa của Cham wear dress, bạn sẽ cảm thấy những cảm xúc rất khác biệt bởi cách lựa chọn đề tài, cách phối hợp màu sắc, sắc thái ẩn chứa trong tranh của mỗi nhân vật… – tất cả được thể hiện trên vải lụa – một chất liệu cần sự kỹ tính và kỹ thuật cao. 

Hãy cùng iDesign trò chuyện với Cham wear dress để hiểu rõ hơn về thế giới của tranh lụa nhé qua góc nhìn của cô hoạ sĩ trẻ nhé! 


Tên thật: Tôn Nữ Thị Bích Trâm (hay còn gọi là Châm)

Artworks xem tại:


“Những chiếc lá” (2020 – (tranh tham gia dự án Nảy mầm )
Kích thước: 18,5 x 36,5 cm

“Có vẻ như những con mèo rất hay hoảng hốt với những thứ xung quanh chúng, cho dù chúng đã thuộc nằm lòng những gì tồn tại và diễn ra bên trong căn nhà. Không có gì là lạ khi vài con mèo đã tỏ ra ngạc nhiên và đánh nhau với sợi dây điện của máy quạt chăng ngang đường khi chúng đi, hay bối rối quay lại nhìn những cái lá nào vừa khều xuống đầu chúng lúc chúng đang tập trung suy nghĩ về một thứ khác… “Có cái gì vừa chạm vào đầu mình? Có phải ngươi không?” – con mèo nghĩ, chiếc lá run lên làm rơi vài giọt nước. Ở một diễn biến nhanh chóng sau sự trầm tư của con mèo: nó cắn cái lá đó rách tả tơi rồi phun cái xác lá ra khỏi miệng một cách khinh miệt. Người họa sĩ nhìn thấy rồi vẽ một bức tranh trước khi sự việc sắp ngã ngũ.”

– mô tả cho bức “Những chiếc lá” của nữ hoạ sĩ tranh lụa Cham wear dress

Bước rẽ đến với tranh lụa 

1. Xin chào Trâm, hãy giới thiệu bản thân với độc giả của iDesign trong vòng một câu đi nào. 

Xin chào độc giả của iDesign, mình tên là Tôn Nữ Thị Bích Trâm hay còn được biết đến với tên gọi Chamweardress. Mình là họa sĩ vẽ lụa, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Con đường dẫn Trâm đến với tranh lụa?

Thực ra, ban đầu mình không chọn tranh lụa. Giữa các chất liệu sơn dầu, sơn mài và lụa thì mình chọn sơn dầu ngay từ đầu vì đó là chất liệu mình quen thuộc nhất. Tuy nhiên mình muốn học tranh lụa để thử sức với chất liệu mình yêu thích thứ nhì sau sơn dầu. Mình đã được thử vẽ lụa từ năm hai trước khi chọn ngành, nhưng mình vẫn không chắc với sự lựa chọn này. Nhưng nếu học thử và thấy không phù hợp thì khoa vẫn sẽ cho mình đổi sang sơn dầu nên mình mạnh dạn chọn.

Trong khi học năm ba chuyên ngành lụa, mình được dẫn dắt và truyền cảm hứng bởi cô Hoàng Minh, rồi năm tư học với cô Nếp, mình càng ngày càng yêu thích chất liệu này hơn và có tình cảm đặc biệt với nó. 

Thế giới nội tâm trong những bức tranh lụa 

3. Chủ đề mà bạn thường lựa chọn khi vẽ là gì? 

Mình thường chọn những chủ đề gần gũi với cuộc sống. Mình nghe ở đâu đó, người ta nói rằng tranh vẽ phản ánh thế giới nội tâm của người họa sĩ và mình cũng không ngoại lệ.

Từ bé, mình đã nguệch ngoạc vẽ lại chân dung những người mình gặp và bối cảnh nơi mình thường đi qua thay cho việc viết nhật ký. Đến giờ, mình vẫn rất yêu thích hai đề tài này và cố gắng vẽ chỉn chu hơn mỗi ngày. Đó là một công việc hết sức thú vị. Đề tài chân dung: gia đình, bạn bè và thú cưng là những cảm hứng vô tận mà mình thường xuyên sáng tác, bởi mình chỉ tự tin vẽ điều mà mình hiểu rõ. Trước khi vẽ, mình thường suy nghĩ và nghiên cứu đối tượng rất kĩ, xem điều gì khiến mình yêu thích và bị ấn tượng bởi đối tượng đó (có thể là tính cách, trang phục, nét đẹp hình thể,…) rồi sau đó tìm cách thể hiện rõ nhất điều đó lên tranh.


Em Thư 17 – Little sister Thu 17
Kích thước: 120 x 60 cm
“Trước khi vẽ bức tranh, mình bị ấn tượng bởi đôi mắt và khuôn mặt bướng bỉnh của em gái khi nó trong độ tuổi mới lớn.”

“Săn gấu” – “Bear hunting” (2019)
Kích thước: 31 x 38 cm

“Giấc mơ của Thỏ” – “Dreamy” (2020)
Kích thước: 26 x 52 cm

Đề tài mình yêu thích thứ hai là vẽ bối cảnh. Và “Chuyến xe đêm” – tác phẩm đầu tiên nằm trong series “Hành khách” là tác phẩm mình tâm đắc nhất, tuy chưa hoàn hảo nhưng khiến mình vỡ ra nhiều thứ và nó gần với tưởng tượng của mình nhất trong các tác phẩm. Mình đã thực sự ấn tượng với không gian và ánh sáng trong xe ở những lần đi xe khách giường nằm đầu tiên.

“Chuyến xe đêm” (“Midnight blue” -2019)
Tranh nằm trong series “Hành khách”
Kích thước: 94 x 66 cm

Mình tiếp tục đi nghiên cứu, thu thập dữ liệu từ những lần đi xe khách khác nhau, từ vị trí ngồi và thời điểm khác nhau trong ngày để vẽ những bức còn lại.


“Mặt trời mọc” (“The sunrise”- 2019)
Tranh nằm trong series “Hành khách”
 Kích thước: 132 x 84 cm
“Im lìm” (“Sleepy” – 2019)
Tranh nằm trong series “ Hành khách”
Kích thước: 153 x 76 cm

“Lên đèn” (“Light up” – 2019)
Tranh nằm trong series “Hành khách”
Kích thước: 126 x 83 cm

4. Bảng màu sắc đặc trưng cho các bức tranh lụa của bạn?

Mình thích tông màu trầm nhưng thường không có màu sắc đặc trưng. Mỗi bức tranh là một tông màu khác nhau. Mình thường chọn tông màu mà mình nghĩ là phù hợp với mẫu: có thể là màu mà đối tượng được vẽ yêu thích, một màu nào đó có sẵn trong trang phục của họ hoặc bối cảnh, hoặc là màu có ý nghĩa nào đó với mình (ví dụ ở tranh “Dư âm”, mình vẽ một cô gái Bắc có sở thích lưu giữ những thứ quý giá nên mình chọn tông màu nâu để thể hiện sự ấm áp và hoài niệm, hoặc ở tranh “Em Thư 17”, cái nhìn bướng bỉnh, lạnh lẽo của cô em gái tuổi mới lớn được mình nhìn qua lăng kính màu xanh dương. Ở tranh “Em Tiên 24” mình dùng tông màu tím củ dền để vẽ cảm nhận buồn bã của mình khi cô em gái trong tranh sắp đi lấy chồng).


“Em Tiên 24” (“Little sister Tien 24” – 2020)
Kích thước: 57 x 99 cm

5. Tranh lụa của bạn có bố cục đặc trưng không?

Mình thích vẽ bố cục dọc và hẹp vì nó thể hiện tốt sự kịch tính. Khi xem tranh của mình trên Facebook hoặc Instagram, người xem có thể lướt từ trên và tò mò xem bên dưới sẽ là gì.

“Dư âm” ( 2020 )
Kích thước: 66 x 120 cm

6. Theo Trâm, liệu có hạn chế và lợi thế nào trong khả năng biểu đạt của tranh lụa?

Sau khi được học ở trường và tự vẽ nhiều bức tranh lụa, mình nhận thấy việc đặc tả khối, không gian xa rất hạn chế trên tranh lụa. Bù lại tranh lụa rất phù hợp để vẽ những chủ đề cận cảnh. Chất liệu lụa mềm mại, trong trẻo đem lại nhiều lợi thế trong việc biểu đạt cảm xúc.

Do tính chất của lụa vẫn là vải nên gần đây nhiều họa sĩ đã thử nghiệm một số chất liệu khác kết hợp trên tranh lụa để bày tỏ rõ ràng hơn ý đồ của mình: thêu, đính hạt, vẽ bút nhũ,… (bạn có thể xem thêm các tác phẩm tranh lụa của anh Trần Nguyễn Trung Tín,…)

Quá trình sáng tạo với tranh lụa 

7. Nào, hãy giới thiệu một chút về dụng cụ vẽ tranh lụa của bạn? Nếu được, bạn có thể chia sẻ địa điểm mua các vật liệu này không?

Để vẽ hoàn tất một bức tranh lụa, ta cần trải qua nhiều công đoạn: căng lụa lên chassi để vẽ, vẽ lụa, biểu lụa.. Mỗi công đoạn mình sẽ sử dụng một số dụng cụ nhất định.

Để căng lụa cần có ráp bấm ghim, chassi lụa, lụa, hồ gạo (bạn có thể dễ dàng mua ở họa phẩm Đại học Mỹ thuật hoặc họa phẩm 62 bên hông trường). Để vẽ lụa cần có bút chì, màu (mình mua màu Holbein tuýp 15ml tại Họa Cụ Theartshop Stationery Arts & Crafts và màu Mission tuýp 15ml ở Họa cụ Arbat), pallete (mình có nhiều pallete từ nhựa đến gốm, bạn có thể tận dụng hũ yogurt, hộp đựng trứng, khay nước đá…), cọ (4 cây cọ đầu tiên trên hình gồm cọ tự nhiên để vẽ và quét nước và cọ cao su để chặn keo mình mua ở họa phẩm 62; cây cọ bảng cuối mình mua ở Cực phẩm họa cụ. Cây số 3 và 5 là hai cây cọ yêu thích của mình vì nó mềm và giữ nước vừa phải )… Để biểu lụa cần có vải biểu (mình mua vải bố loại mỏng và thấm nước ở Bạt – bố – dù Hoàng Sơn đường Nguyễn Thái Bình) hoặc giấy, hồ gạo (mua ở họa phẩm Đại học mỹ thuật hoặc họa phẩm 62 bên hông trường). 

Hình ảnh pallete dùng để pha màu của Cham wear dress

8. Các công đoạn hình thành một bức tranh lụa gồm những gì? Bạn thích nhất bước nào và điều gì làm bạn suy tư nhất khi thực hiện?

Như mình đã nói ở phía trên, bước làm mình thấy thú vị và suy tư nhiều nhất là bước nghiên cứu, tìm hiểu, thu thập dữ liệu về cái mình muốn vẽ, nhưng bước làm mình thích nhất là vẽ lụa. Những lần đi cọ đầu tiên sau quá trình chuẩn bị luôn làm cho mình sung sướng.

9. Bạn thường sử dụng loại màu vẽ gì? Bạn có bao giờ vẽ bằng màu nước tự nhiên?

Mình thường vẽ bằng màu nước Holbein và Mission, đôi khi cũng vẽ bằng màu Daniel Smith nhưng hơi hạn chế vì hạt màu của dòng này khá to, vẽ dễ đóng cặn, mình vẫn chưa tìm được cách kiểm soát. Để màu nhanh thắm hơn một chút, mình pha thêm một ít mực vào màu vẽ. Mình dùng mực tàu và mực winsor and newton.

10. Loại lụa bạn dùng để làm nền tranh? Lụa này có đặc tính như thế nào?

Trong quá trình học, mình thấy có 2 loại lụa tơ tằm phổ biến dùng để vẽ lụa: lụa thô và mịn. Lụa thô thớ to khỏe khoắn, xù xì, khi vẽ tạo cảm giác thô mộc còn lụa mịn sợi mướt, thớ nhỏ và khít hơn. Sau khi vẽ cả hai loại, thì mình nhận thấy lụa mịn phù hợp với mình hơn.

11. Tranh lụa cần được bảo quản như thế nào?

Sau khi biểu lụa, mình cắt tranh ra khỏi chassi rồi bỏ vào khung kính để bảo quản, tránh xa những nơi quá nóng hoặc ẩm thấp.

Niềm hi vọng cho tương lai của tranh lụa Việt Nam 

12. Họa sỹ tranh lụa mà bạn yêu thích? Có họa sỹ trẻ nào cũng đang theo đuổi vẽ tranh lụa giống như bạn?

Mình thích tranh lụa của chị Nguyễn Thị Minh Nhựt Vũ Thị Hà vì sự trong trẻo, ngọt ngào, gần gũi và đáng yêu ở chủ đề chân dung em bé, tranh lụa của bạn Nguyễn Toàn Luật thì có tạo hình nhân vật lạ và cách bạn đặt vấn đề rất hay, ….

13. Thời kỳ vàng son của tranh lụa Việt Nam là lúc nào? Bạn nghĩ gì về tương lai của tranh lụa Việt Nam? Liệu có cách nào để hồi sinh?

Tranh lụa cũng có lúc thăng trầm như các chất liệu hội họa khác, đều có thời kì nở rộ và phát triển rực rỡ, rồi thoái trào, có nguy cơ biến mất và rồi quay trở lại một cách ngoạn mục. Nếu như thời kì trước, tranh lụa Việt Nam được biết đến với với những chủ đề dung dị, nhẹ nhàng, tông màu nâu sòng, nâu cánh gián đằm thắm (tiêu biểu là tranh Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ…) thì thời nay các họa sĩ trẻ lại sử dụng những tông màu rực rỡ, tươi tắn và theo đuổi những chủ đề mới lạ, đa dạng hơn làm nên sự phong phú của tranh lụa Việt Nam.

Tranh lụa ngày nay hiện đang có những chuyển biến rất tích cực sau giai đoạn thoái trào. Nhưng để danh tiếng của dòng tranh này được tồn tại lâu dài, không bị mai một, mình nghĩ rằng cần sự chung tay giữ gìn của tất cả các họa sĩ vẽ lụa bằng cách cùng trau dồi thêm về nghề hơn nữa để có thể vẽ thật nhiều tranh chất lượng. Từ đó, tranh lụa Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế và tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước và phát triển.

Cảm ơn Trâm vì đã dành thời gian chia sẻ hết sức thú vị về tranh lụa. iDesign chúc bạn giữ mãi tình yêu với tranh lụa và tiếp tục sáng tác thêm nhiều tác phẩm hơn nữa nhé! 

Phỏng vấn: Long Hwarang
Biên tập: Su.dden

Cùng tác giả

#Tag

arts cham wear dress iD interview idesign signature painter silk paintings tranh lụa vietnam artist

iDesign Must-try

Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…