/viết một tay/ Những ‘cá lớn’ trong nghệ thuật có lẽ bạn đã mắc câu?

“Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối.” Tựa như mặt hồ lấp loáng ánh trăng vàng với những cá lớn cá bé bơi lội tung tăng đợi chúng ta thưởng thức. Cá thì ngon và trăng thì sáng, quá tuyệt để có thể khước từ!

Nhân ngày Cá tháng Tư, tôi sẽ “bắt” cho bạn một ít “cá lớn” trong nghệ thuật, bàn tiệc đã bắt đầu. Nào bất đầu thưởng thức thôi!


Con cá lớn đầu tiên

Nhắc đến nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nổi tiếng, trong đầu chúng ta ít nhiều thần thánh hóa họ với sức sáng tạo siêu phàm, dị biệt và có hành động cũng như suy nghĩ điên cuồng. Không những thế cuộc đời của họ hấp dẫn như một bộ phim đầy ắp tình tiết kịch tính kinh điển.

Cuộc sống khốn khổ, tài năng nhưng đi kèm là sự mục nát trong nhân cách hay lối sống, sự thành công sau nhiều thất bại bền bỉ,… Rất nhiều huyền thoại được thêu dệt, dù là ở chi tiết nhỏ nhất trong cuộc đời của những nghệ sĩ cũng trở nên dị thường qua con mắt người khác.

Bạn thực sự nghĩ Vincent van Gogh cắt phăng tai trái của mình trong cơn điên loạn ư? Ôi không, nó chỉ là một vết cắt nhỏ xíu xiu ở tai trái và chẳng nghiêm trọng. Nhưng đã bị thổi phồng trở thành một hành động kì quái và khiến nó trở thành một biểu tượng khó lòng bị đánh sập trong lòng người hâm mộ. Vô số phiên bản về người họa sĩ điên và bên tai trái bị cắt được săn đón nhiệt tình.

Bạn tin rằng đời sống cá nhân và nhân cách của Egon Schiele – một trong những họa sĩ người Áo biểu hình quan trọng nhất của những năm đầu thế kỷ 20 là “rác rưởi”,“khiêu dâm”? Hình tượng người nghệ sĩ “lắm tài nhiều tật” thật sự còn khi đọc những dòng thơ này:

Sensation
High vast winds turned my spine to ice
and I was forced to squint.
On a scratchy wall I saw
the entire world
with all its valleys, mountains and lakes,
with all the animals running around
shadows of trees and the patches of sun
reminded me of clouds.
I strode upon the earth
and had no sense of my limbs
I felt so light.

Tạm dịch:
Cảm giác
Những con gió lớn trên cao làm sống lưng tôi lạnh băng
và tôi buộc phải liếc nhìn
Trên một bức tường trầy xước tôi thấy
cả thế giới
với tất cả những thung lũng, ngọn núi và mặt hồ,
với tất cả những con vật đang chạy quanh
bóng cây và tia sáng mặt trời
nhắc tôi về những đám mây.
Tôi bước dài trên mặt đất
và không cảm thấy xác thịt* mình nữa
Tôi nhẹ hẫng.

*limbs ở đây có thể hiểu theo rất nhiều nghĩa (tay, chân, đôi cánh của chim hoặc nhánh của cây…), khi đặt vào ngữ cảnh trong bài thơ có thể hiểu là ‘quên đi xác thịt, cơ thể của mình’

“Con cá lớn” ở đây không phải ngẫu nhiên và chủ đích mà họ tạo ra để chúng ta cắn câu. Chính chúng ta là người muốn những câu chuyện hấp dẫn, những cuộc đời tréo nghoe dị thường. Sẽ thật khó tin khi nhìn một tác phẩm quá tuyệt vời, quá táo bạo nhưng lại được tạo bởi một người ăn vận như nhân viên công sở, sơ vin cẩn thận, chỉn chu và nghiêm túc trong từng cử chỉ. Đó không phải là điều chúng ta muốn. Chúng ta muốn độc đáo, chúng ta muốn ảo tưởng dị biệt thành sự thật. Và chúng ta cắn câu. Chỉ đơn giản là vậy!

Tại sao người ta lại nghĩ giới nghệ sĩ đặc biệt? Cũng chỉ là công việc thôi mà!

Andy Warhol

Mà công việc thì cần năng suất. Nghệ sĩ phải làm nhiều việc hơn là chỉ làm nghệ thuật nếu họ muốn tìm khán giả cho nó. Họ phải viết đi viết lại tiểu sử của mình liên tục. Họ phải cung cấp cho công chúng một hình tượng nghệ sĩ với cuộc đời kịch tính, đầy rẫy những tính huống éo le và khác thường.

Không chỉ sáng tạo tác phẩm mà chính bản thân họ cũng phải tái tạo một “bản thể” khác để phù hợp với thị hiếu công chúng. Huyền thoại ư, thần thánh ư? Không nhiều đến thế đâu! Họ đến cuối cùng vẫn là con người và cũng chỉ là con người như bao người. Họ cũng chỉ đang tìm cách tồn tại và sống!

Hoặc đăng ký dưới một cái tên khác. Đăng ký với tư cách nam giới. Đăng ký khi 25 tuổi. Đăng ký với tư cách một người mới ra trường. Hoặc có thể tôi 80 tuổi. Điều đó có tốt hơn không?

Nữ nghệ sĩ Victoria Haven

Con cá lớn thứ hai

Có chắc thế không? Có chắc là bạn nghĩ thế không? Suy nghĩ thật cẩn thận và thật trung thực với câu hỏi hẵng lên tiếng nhé! Với tôi, thú thật rằng mình không chắc…

Đầu tiên, hãy nói về những tác phẩm thất bại chưa từng được biết đến của những nghệ sĩ lớn. Những nghệ sĩ lớn, có chắc rằng những tác phẩm của họ đều luôn xuất sắc? Chúng ta luôn chỉ được cho thấy cái mà họ muốn chúng ta thấy, những tượng đài hoàn hảo không tỳ vết của những sản phẩm thất bại và non kém. Những nghệ sĩ lớn, dù thế nào thì cũng ít nhiều có những tác phẩm không được như ý, những tác phẩm thiếu đi sự tuyệt vời như chính giá trị con người họ. Vậy những tác phẩm nó đã đi đâu về đâu?

Bị phá bỏ, bị đào thải! Đó là câu trả lời. Không chỉ bị đào thải bởi công chúng, những người kinh doanh nghệ thuật mà còn chính bởi những nghệ sĩ và những người giảng dạy lịch sử nghệ thuật. Con người chúng ta luôn sợ thất bại và những nghệ sĩ thành danh họ còn sợ hơn thế. Những chuỗi thành tích chói lọi trong sự nghiệp đôi khi bị phá hủy trong tích tắc bởi một tác phẩm non kém dù ở mặt kỹ thuật hay nội dung. Lịch sử cũng vậy, cũng không trung thực như chúng ta tưởng, bởi lịch sử được viết bởi con người. Hư vinh về những thành công khiến những tác phẩm “đáng xấu hổ” bị loại bỏ. Thật đáng tiếc biết bao, nếu chúng được nhắc đến có lẽ chúng ta sẽ có những góc nhìn đa chiều hơn về nghệ thuật. Hoặc ít nhất, một cách hơi “vị kỷ”, chúng ta sẽ tự tin hơn phần nào vì hóa ra những bậc thánh thần ấy “con người” hơn chúng ta nghĩ thì sao?

Gác qua một bên những tác phẩm mãi mãi ở trong bóng tối, còn những kiệt tác nghệ thuật chúng thực sự là kiệt tác sao?

Nàng Mona Lisa của đại danh họa người Ý Leonardo da Vinci luôn được tung hô và ngợi khen. Tốn không ít giấy mực của nhiều nhà phê bình nghệ thuật và cũng tốn không ít chất xám của những người muốn phân tích nụ cười muôn đời bí hiểm của nàng ta. Tôi đã từng nhìn chăm chăm, cố gắng phân tích những chi tiết vì sao nó trở thành một kiệt tác nhưng… Thành thật mà nói tôi chẳng nhìn thấy gì hơn ngoài một bức chân dung với kỹ thuật tốt nhan nhản như những bức chân dung của những họa sĩ khác dưới thời Phục Hưng. Chấm hết, không có gì hơn nữa. À không ít nhất là khung cảnh nên thơ phía sau nàng còn khiến tôi có chút ít thán phục cỏn con.

Bạn đã từng thấy những tác phẩm trong giai đoạn 1908 đến năm 1912 của Piet Mondrian về những cái cây chưa? Dù được xem là những dấu hiệu khởi phát tuyệt vời cho làn sóng mãnh liệt càn quét công chúng với những tác phẩm trừu tượng, đơn giản của các màu sắc và hình khối sau này vẫn khiến tôi không thể chấp nhận nổi. Chúng đẹp ở đâu để có thể dũng cảm cất lên lời khen ngợi?

Hay những tác phẩm của Vincent van Gogh – một celeb thực thụ trong giới nghệ thuật có thật sự tuyệt vời? Tôi là người hâm mộ trung thành của Vincent van Gogh, nghiên cứu và mê đắm biết bao tác phẩm, không kiềm được sự rung động mãnh liệt khi bắt gặp những kiệt tác của ông được tái hiện ở nhiều định dạng và phiên bản khác nhau. Nhưng thẳng thắn và thật thà, tôi không nghĩ Vincent van Gogh là người vẽ giỏi hay đầy những kỹ thuật điêu luyện. “Bedroom in Arles” chính tôi từng phải thốt lên kinh ngạc rằng: “Cái quái gì thế này, vẽ thế này cũng được xem là nghệ thuật? Một đứa học sinh cấp hai là tôi dư sức vẽ được như thế!”.

Liệu tôi có phải một kẻ nông cạn và ngu ngốc khi không thể hiểu sâu xa những kiệt tác nghệ thuật được cả thế giới công nhận? Nội tâm kêu gào, những tác phẩm đó không đẹp nhưng… người ta – những nhà phê bình nghệ thuật tin cậy và cả thế giới đều bảo nó là kiệt tác. Ừ vậy thì… nó đẹp… dù…

Này bạn có từng giống tôi không? Nếu có thì may quá tôi không cô đơn rồi!

Như đã nói nghệ thuật thực chất là một công việc. Và công việc không chỉ để thỏa mãn khát khao cống hiến hay được công nhận nó còn phải giúp nghệ sĩ tồn tại, đảm bảo xoay sở ổn cho những nhu cầu đời thường nhất. Thực hiện nghệ thuật vì thế cũng là một hình thức buôn bán và đã là buôn bán thì chúng ta cần có những nhà môi giới, các chiến lược marketing và cả một hệ thống để hoạt động như các buổi đấu giá, các giải thưởng nghệ thuật, các bài báo phê bình,… Những nghệ sĩ lớn, những kiệt tác đương nhiên bản thân đã có những giá trị, nhưng nếu không được “chỉ tận tay và day tận mặt” thì có bao nhiêu người hiểu và chấp nhận?

Ta dùng ngôn từ mô tả điều gì đó mà mọi người đều đã thấy qua kênh thị giác. Cú hích gợi bằng ngôn ngữ vô cùng vi tế này giúp người đọc trở về ngân hàng kí ức chứa các trải nghiệm. Nó giúp tâm trí chúng ta bừng sáng.

Roberta Smith – nhà phê bình của New York Times

Nghệ thuật và nghệ sĩ cần người hiểu để công nhận. Nếu chúng ta không cảm nhận được những ý nghĩa cao siêu vô hình ẩn sâu những tác phẩm, chúng ta có cả một hệ thống gồm những người sẵn sàng để chỉ cho ta thấy đây là những kiệt tác, đây là những ý tưởng mang tính thời đại, với hàng tá những tung hô có cánh cho những điều có nhìn mãi cũng không thể phát hiện hay hiểu nổi.

Đôi khi rất nực cười, danh tiếng của những tác phẩm lại không phải ở chính nó mà ở những chuyện bên lề, đầy rẫy những bí mật được tạo dựng kỳ cục. Như nàng Mona Lisa, cũng chỉ là một nụ cười nhưng tâm lý ẩn giấu ư? Hừm, có cần thiết không? Khi nàng đâu có thể cất lời: “Bingo, bạn đoán chính xác!” để chúng ta cứ mãi đau đầu phán đoán từ năm này qua tháng nọ.

Trong thế giới nghệ thuật, nhà phê bình nghệ thuật là một kẻ chào hàng cao thượng.

Rhonda Lieberman, nhà phê bình nghệ thuật tự do

Kiểu gì bạn cũng sẽ bị cắn câu bởi sự thao túng của ngôn từ. Nếu may mắn hiểu được những tung hô tinh tế thậm chí cao siêu đó bạn sẽ thực sự cảm được tác phẩm và trở thành người hâm mộ trung thành tuyệt đối. Nhưng nếu không may thì bạn sẽ vẫn cắn câu thôi, “con cá bé bự” về những điều tuyệt vời phía sau tác phẩm vẫn sẽ gắn chặt mà bạn khó lòng buông được.

Bởi đó là những nghệ sĩ lớn và nếu “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực” Adolf Hitler thì những điều tương tự cũng sẽ như thế. Dù lấn cấn về những tác phẩm hay những nghệ sĩ, liệu có xuất sắc đến thế? Thì với những lời ngợi khen và hiệu ứng tâm lý “bầy đàn”, muốn tìm những điểm chung, thì sự tự nghi ngờ vụn vặt cũng sẽ nhanh chóng bị cất sang một bên để sẵn sàng thưởng thức món cá ngon lành được bày sẵn.


Con cá lớn thứ ba

Không, không, không và không!

Tôi đã từng lầm tưởng những tác phẩm nghệ thuật chính là hành trình tự khám phá bản thể con người của nghệ sĩ một cách cô độc. Dù hiểu rằng luôn có những sự kết hợp sáng tạo nghệ thuật nhưng tôi vẫn bị cắn câu con cá lớn này. Ít nhất là tôi tin những nghệ sĩ ký tên trên những tác phẩm là người chính tay thực hiện hoặc phải nhúng tay vào thực hiện nó nhiều nhất có thể.

Nhưng không, một vài nghệ sĩ lớn họ có cả một đội ngũ với những con người tinh hoa phía sau thực hiện tác phẩm. Một tác phẩm có thể được thực hiện độc lập bởi chính nghệ sĩ đó nhưng đôi khi nó chỉ là ý tưởng được thực hiện bởi đội ngũ trợ lý hay học trò của họ mà thôi. Đó là một hệ thống mà nghệ sĩ là người gợi ý tưởng, yêu cầu chủ đề, giám sát, quản lý từng chi tiết và hoàn thiện bước cuối cùng là xác nhận, ký tên, đóng dấu.

Takashi Murakami – cha đẻ của biểu tượng hoa mặt cười Kaikai Kiki, là một trong số ít nghệ sĩ công nhận sự dây chuyền hóa nghệ thuật này. Những tác phẩm của ông không chỉ ghi nhận duy nhất một cái tên mà là hàng chục cái tên khác nhau, là những nghệ sĩ cộng tác cùng thực hiện. Ông khao khát giúp các trợ lý của mình tự đứng vững với sự nghiệp riêng của họ.  

Rất ít nghệ sĩ tự nhận những tác phẩm của mình là một công việc mang tính chất tập thể. Mọi thứ đang dần công nghiệp hóa và hiển nhiên nghệ thuật cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Người nghệ sĩ thực hiện theo hệ thống này thì tên của họ thực chất là một thương hiệu bảo chứng cho giá trị tác phẩm, đại diện cho một đội ngũ đi kèm phía sau.

Và những người yêu nghệ thuật đôi khi với tình yêu và lòng ngưỡng mộ vẫn có thể ngây thơ cắn câu con cá này. Bởi hiển nhiên những định kiến về sự độc nhất trong sáng tạo đã in hằn quá sâu trong tâm trí mọi người và cả những người trong giới nghệ thuật. Sự độc lập trong sáng tạo vẫn là chấp niệm quá lớn cho danh vọng đôi khi đi kèm cả tiền tài với người nghệ sĩ. Cá lớn này chúng ta chỉ có thể ăn và không thể chối từ!

Làm kinh tế giỏi là thứ nghệ thuật tuyệt vời nhất. Làm ra tiền bạc là nghệ thuật, lao động là nghệ thuật, nhưng là kinh doanh giỏi mới là thứ nghệ thuật hay ho nhất.

Andy Warhol

Nam Cao đã từng cảm thán: “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối.” Vâng, nghệ thuật luôn luôn được ngập tràn những dối lừa đẹp đẽ. Tựa như mặt hồ lấp loáng ánh trăng vàng và những cá lớn cá bé bơi lội tung tăng đợi chúng ta thưởng thức. Cá thì ngon và trăng thì sáng, quá tuyệt để có thể khước từ!

Mọi điều đều có hai mặt, những dối lừa của nghệ thuật không hẳn là xấu xa, có khi còn giúp chúng ta chìm đắm hơn trong những thế giới khác đời thường của hiện tại. Và nếu bạn vẫn không thể chấp nhận những dối lừa ngọt ngào thì hãy để Pablo Picasso – người họa sĩ đại tài biện hộ cho nghệ thuật:

Art is a lie that tells the truth.

(Nghệ thuật là một lời nói dối phơi bày sự thật)

Sâu sắc chứ? Đấy là quyền năng và là đặc quyền của nghệ thuật. Hừm… gượm đã nào đây liệu có phải lại là một “con cá lớn” khác của nghệ thuật dành cho bạn hay không nhỉ? Cứ nghĩ thử xem, còn tôi, tôi sẽ không tiết lộ chút gì đâu.

Thôi nào, hôm nay là Cá tháng Tư mà! Đừng quá nghiêm túc, hãy cứ vui vẻ tận hưởng đi!

Bài viết: Y.ink

Cùng tác giả

#Tag

andy warhol egon schiele idesign signature leonardo da vinci Pablo Picasso piet mondrian takashi murakami victoria haven viết một tay vincent van gogh

iDesign Must-try

Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Dự án Rebrand GHTK: ‘DNA của một ‘kỳ lân logistics’ thuần Việt phải đến từ những góc phố, cung đường thân thuộc của đất nước’
Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) là nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao hàng lớn nhất và hàng đầu tại Việt Nam. GHTK đóng vai trò quan trọng…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Vincent Van Gogh
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…