Tiếng nói của người da màu và vấn đề phân biệt chủng tộc qua những bộ phim nổi tiếng
Năm 2020 có lẽ là một năm nhiều biến động đối với thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng, chưa thoát khỏi thiệt hại nghiêm trọng từ Covid-19, nước Mỹ lại đối mặt thêm làn sóng biểu tình lan rộng để thể hiện sự phẫn nộ trước cái chết của người đàn ông người da màu tên George Floyd, 46 tuổi.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Hollywood đã có những tác phẩm xuất sắc về đề tài nhân quyền. Những bộ phim về người da màu và vấn đề phân biệt chủng tộc cũng được các nhà phê bình đánh giá cao, thường xuyên thắng các giải Oscar. Hôm nay, hãy cùng iDesign khám phá những bộ phim được đánh giá cao về người da màu và vấn đề phân biệt chủng tộc nhé.
*Tâm sự nhỏ: Bài viết có liên quan đến nội dung phim, bạn có thể cân nhắc trước khi đọc nhé!
1. Black Panther (2018)
Black Panther là nhân vật siêu anh hùng da màu đầu tiên được sáng tác trên thế giới. Thực tế thì đây không phải tên gọi của một anh hùng cụ thể nào, mà là danh hiệu dành tặng các đời vua của vương quốc Wakanda thần bí. Ở một khía cạnh nào đó, Black Panther không gì khác gì cuộc cách mạng nhằm thay đổi chủ nghĩa tôn sùng da trắng và ánh nhìn của xã hội. Marvel Studio cần một hướng đi mới mẻ nhưng phải cực kỳ nhạy cảm để tách khỏi lối mòn làm phim của mình, họ chọn vị vua của Wakanda, và đây chính xác là lần đầu tiên, một tác phẩm điện ảnh gắn mác siêu anh hùng lại nhận được sự thu hút đặc biệt với không chỉ với giới chuyên môn phim, mà còn là các nhà quan sát xã hội và chính trị gia.
2. 12 Years a Slave (2013)
Bộ phim chuyển thể từ hồi ký cùng tên của Solomon Northup – một người Mỹ da màu sống ở New York bị bắt cóc và đưa xuống các tiểu bang miền Nam làm nô lệ. Vụ việc diễn ra từ năm 1841, ngay trước Nội chiến Hoa Kỳ, đã gây chấn động đất nước. 12 Years a Slave phát hành năm 2013 và đã nhận nhiều bình luận tích cực, được nhiều cơ quan thông tấn ở Hoa Kỳ bình chọn là phim xuất sắc nhất năm 2013. Phim đạt doanh thu hơn 158 triệu USD so với chi phí 20 triệu USD.
3. Mudbound (2017)
Sử dụng hình ảnh bùn đất từ tên phim và xuyên suốt bộ phim là biểu tượng ẩn dụ, Mudbound đã truyền tải thành công ý nghĩa về nạn phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ thời hậu chiến cũng như cuộc sống nghèo khó, dưới đáy xã hội như bùn đất của những người da màu ở vùng quê nghèo khó.
Bộ phim Mudbound hiện đã giành được 19 chiến thắng và 31 đề cử tại các Liên hoan phim và Giải thưởng khác nhau, trong đó có 2 đề cử Quả cầu vàng (Golden Globes) được trao giải vào năm 2018. Là một bộ phim ngập tràn cảm xúc của nữ đạo diễn Dee Rees, Mudbound là bộ phim về người da màu sáng giá nhất trong mùa Oscar 2018.
4. Corona (2020)
Corona là tên một phim kinh dị độc lập của đạo diễn Mostafa Keshvari người gốc Iran hiện đang sống tại Canada. Phim đang được quảng bá là tác phẩm đầu tiên làm về đại dịch COVID-19.
Là một người châu Á sống ở phương Tây, như mọi người “đồng hương Châu Á” khác của mình, đạo diễn Keshvari luôn thấm thía ý nghĩa của cụm từ “kì thị dân châu Á”. Thông qua bộ phim, ông thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình: “Virus không lựa chọn người nhiễm bệnh. Virus không phân biệt và kì thị, tại sao chúng ta lại như vậy?” Cuối cùng thì con virus vốn dĩ không phân biệt ai, mà chính chúng ta phân biệt kì thị lẫn nhau, chỉ vì nuôi dưỡng con “virus sợ hãi” trong mình, “giờ là lúc nhân loại phải hợp sức lại để đẩy lùi dịch bệnh” chính là thông điệp mà đạo diễn đặc biệt nhấn mạnh thông qua bộ phim.
5. 12 Angry Men (1957)
12 Angry Men (tạm dịch: 12 người đàn ông giận dữ) là một bộ phim Mỹ sản xuất năm 1957, được chuyển thể từ vở kịch truyền hình cùng tên của Reginald Rose. Bộ phim được chính Rose viết kịch bản, sản xuất, và do Sidney Lumet đạo diễn. 12 Angry Men là bộ phim thể loại tòa án, kể về một bồi thẩm đoàn có 12 người đàn ông da trắng đang bàn thảo kết luận phiên tòa xử cậu bé Puerto Rico tội giết cha. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ đề cập tới vấn đề phân biệt chủng tộc.
6. Moonlight (2016)
Sau 12 Years a Slave, Moonlight (tạm dịch: Ánh trăng) trở thành bộ phim tiếp theo về chủ đề người da màu chiến thắng hạng mục Phim hay nhất năm tại Oscar 2017. Bộ phim khai thác đề tài xung đột xã hội và sắc tộc qua cuộc đời của Chiron, một cậu bé da màu ở Mỹ. Moonlight được chia thành 3 chương khác nhau trong cuộc đời Chiron: Cậu bé da màu sống cùng bà mẹ nghiện hút khi còn nhỏ; tuổi vị thành niên với những khám phá về giới tính và tuổi trưởng thành sau nhiều biến cố.
Khác với những bộ phim khai thác đề tài sắc tộc khác của Hollywood, Moonlight cuốn hút người xem nhờ lối kể chuyện mang hơi hướng cổ điển. Khán giả được dõi theo từng bước đi trong cuộc đời của Chiron, từ cậu bé nhỏ nhắn, yếu ớt bị bắt nạt, tới tuổi dậy thì tìm cách thích nghi với xã hội và trưởng thành.
7. Get out (2017)
Get out (tạm dịch: Trốn thoát) là một phim điện ảnh kinh dị được biên kịch, sản xuất và đạo diễn bởi Jordan Peele, đây cũng đồng thời là tác phẩm điện ảnh đầu tay của ông. Bộ phim đã lồng ghép nạn phân biệt chủng tộc trong lòng nước Mỹ vào câu chuyện “về ra mắt nhà bạn gái” của anh chàng Chris (Daniel Kaluuya) dưới góc nhìn của thể loại kinh dị – hài. Năm 2019, bộ phim thứ hai của Jordan Peele có tên Us cũng tiếp nối Get Out trở thành một bộ phim kinh dị ăn khách xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc.
Biên tập: Thao Lee