Sự trỗi dậy của Vaporwave, Memphis & Brutalism trong thiết kế đồ họa
Hẳn ít nhất đã một lần bạn nhìn thấy hoặc nghe đến Vaporwave, Memphis hay Brutalism, nhưng thật sự chúng là gì và khác nhau như thế nào? Hãy cùng iDesign đến với bài viết sau đây của tác giả Shahriyer Suvo, hiện đang là một Graphic Designer kiêm Illustrator để hiểu thêm về 3 phong cách này nhé!
Bài viết sau đây thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Shahriyer Shuvo
Tại Behance Portfolio Reviews Dhaka #6, tôi đã thuyết trình về các phong cách thiết kế đồ họa phổ biến vào giữa năm 2016 và đầu năm 2017 nhưng mọi người không thực sự biết các phong cách đó là gì. Họ chỉ xem các tác phẩm của nhiều nhà thiết kế khác và cố gắng điều chỉnh tác phẩm của họ giống như vậy mà không hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau thiết kế hoặc đối tượng của nó.
Bài thuyết trình của tôi bao gồm 3 phong cách riêng biệt đã trở nên phổ biến, ngay cả trong cộng đồng ở đất nước Bangladesh của tôi. Nhiều người không rõ cũng không để tâm tìm hiểu vì họ chỉ thấy đẹp về mặt thẩm mỹ và không biết lịch sử đằng sau, vì vậy tôi sẽ giải thích nguồn gốc và đặc điểm của từng phong cách.
Vaporwave
Bắt đầu xuất hiện trên tumblr và reddit từ đầu năm 2010, Vaporwave về cơ bản là một thể loại âm nhạc có hình ảnh đẹp mắt, mang tính ảo giác xuất phát từ tiểu văn hóa những năm 80 và 90. Nó mang phong cách âm nhạc điện tử thử nghiệm, đậm âm hưởng của nhạc jazz năm 80, funk và thể loại thời đại mới kết hợp và hòa quyện vào nhau. Bài hát đáng chú ý nhất để định nghĩa vaporwave có lẽ sẽ là MACINTOSH PLUS – リサラク 420 / 現代の (có nghĩa là Computing of Lisa Frank 420//contemporary).
Bây giờ chúng ta hãy bàn về hình ảnh. Các tác phẩm nghệ thuật mang phong cách Vaporwave chủ yếu là các bức ảnh glitch, phong cách thiết kế đồ họa cũ (như Word Art), tượng và con số La Mã, các yếu tố nhiệt đới (cây cọ, đại dương, núi, cá heo), văn hóa Nhật Bản (chữ, cảnh thành phố), nghệ thuật pixel 8bit, và vì lý do nào có cả trà đá arizona.
Ở khu vực quốc tế, nhiều nghệ sĩ như Flume, Getter, Drake sử dụng các phong cách như vậy trong video của họ và được xem là một thể loại meme (xem RARE và các ví dụ địa phương). Mặc dù chủ yếu được sử dụng trong âm nhạc và ảnh chế (memes), phong cách này mang đến một sự mới mẻ cho các tác phẩm nghệ thuật hoài cổ (retro).
Memphis
Memphis là một phong cách từ những năm 80, về cơ bản đã định nghĩa lại ngành công nghiệp thiết kế và trong cả thập kỷ: Nếu bạn hỏi ai đó thập niên 80 trông như thế nào, câu trả lời sẽ là vô cùng sặc sỡ và đó chính là memphis – những mảng màu sáng đậm nét với các hoa văn và khối hình học ngẫu nhiên xếp chồng lên nhau.
Phong cách này về cơ bản được giới thiệu bởi nhóm Memphis, bắt đầu vào năm 1981 và được dẫn dắt bởi kiến trúc sư người Ý Ettor Sottsass. Mặc dù có trụ sở tại Milan, Ý, họ đã có kiến trúc sư và nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới. Cái tên thực sự đến từ lời của một bài hát của Bob Dylan đang được phát trong cuộc họp của công ty. Phong cách nghệ thuật của họ bắt nguồn từ thiết kế cấp tiến ở Ý, khá phổ biến trong năm 1960, về cơ bản đã cố gắng không tuân theo các quy tắc của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc.
Khi bạn nghĩ về memphis bạn sẽ luôn thấy rằng nó tươi sáng, táo bạo, đầy màu sắc và đẹp đẽ. Ví dụ điển hình của memphis chính là bộ nhận diện thương hiệu của Cartoon Network và MTV.
Brutalism
Brutalism (Phong cách thiết kế theo chủ nghĩa thô mộc) có xuất xứ ban đầu từ Tây Âu là phong cách thiết kế nội thất thô mộc theo các khối bê tông. Theo phong cách này, bê tông không mang đến sự thô ráp và không phải cứ dùng bê tông là theo đúng chủ nghĩa, nhưng bê tông là cách rẻ nhất để thực hiện các công trình. Cụm từ “chủ nghĩa thô mộc” bắt đầu phổ biến trong năm 1950 khi được các nhà phê bình kiến trúc người Anh sử dụng.
Bạn có thể nghĩ chủ nghĩa thô mộc xuất phát từ tiếng Anh “brutalim” (tàn bạo) nhưng nó thực sự bắt nguồn từ tiếng Pháp Béton brut, có nghĩa là ‘bê tông thô’. Phong cách này đã được sử dụng phổ biến từ lâu và nếu bạn nhìn kỹ, nhiều tòa nhà công cộng cũ như thư viện và các tòa nhà chính phủ được làm theo phong cách này. Các nhà làm phim sử dụng hình ảnh các tòa nhà theo chủ nghĩa thô mộc trong các bộ phim về tương lai phản địa đàng, giống như các bộ phim kinh dị hay dùng hình ảnh các tòa nhà theo kiến trúc gothic.
Bây giờ làm thế nào điều này lại liên quan đến thiết kế đồ họa? Chủ nghĩa thô mộc về cơ bản đã được giới thiệu lại như một giải pháp thẩm mỹ trong thiết kế web vào đầu năm 2016. Các thiết kế của nó bao gồm Màu sắc tươi sáng và Xung đột hỗn loạn. Chủ yếu phong cách thiết kế web này trông thô, giống như một tệp html không có css hoặc javascript, chỉ là đánh dấu thô. Bạn có thể thấy kiểu chữ giống nhau trong các phông chữ đơn cách hoặc tối giản, và mọi thứ đều rời rạc, không có quy tắc cụ thể nào cho bố cục.
Bạn có thể nghĩ rằng những lỗi này trông giống như vô ý, nhưng nếu mọi thứ được thực thi đúng cách, kiểu phong cách này không làm cản trở nhiều khả năng sử dụng của các trang web thông thường và làm mới mẻ các định dạng website có phần nhàm chán hiện nay. Một vài ví dụ là các trang web như Google Font, Bloomberg, The Verge, MTV và Dropbox.
Đó chủ yếu là những gì tôi đã nói trong 15 phút tại Behance Portfolio Reviews Dhaka #6, đã có một thời gian tuyệt vời kết nối với những người tham dự. Mong rằng với bài viết này, bạn sẽ có thêm kiến thức để nhận biết các xu hướng hiện nay trong thiết kế đồ họa.
Người dịch: Long Hwarang
Nguồn: Medium.com