Khi thể xác là một tác phẩm và đồ họa trở thành nơi phô bày nỗi xấu hổ của phụ nữ
Khi truyện tranh là một phương tiện cho phép nhiều nữ họa sĩ đối diện với cách họ nhìn cơ thể của mình và cách cơ thể họ được nhìn nhận bởi đàn ông.
Trong Commute: An Illustrated Memoir of Female Shame (Đi rồi về: Hồi ký minh họa về nỗi xấu hổ của phụ nữ), Erin Williams tự vẽ chính mình hàng chục lần. Các hình minh họa thô ráp dựa trên cơ thể thật của cô di chuyển qua các trang hồi ký, vừa là một người chịu đựng sự ủy khuất, vừa là một nhân vật đậm chất tình dục đang hồi phục sau chấn thương. Trải dài một ngày duy nhất, thêm vào đó là những dòng suy tư luẩn quẩn, cuốn hồi ký kể về cả hành trình đi rồi về nhà hàng ngày, lẫn những hành trình lớn hơn, từ trải nghiệm tình dục chớp nhoáng đến sự tê liệt và tình mẫu tử. Nghĩa là điều đó cũng mang lại những khó khăn tương đương, đôi khi đầy xấu hổ: “Đã có nhiều buổi sáng thức dậy và không thể nhớ được liệu đêm qua tôi có quan hệ tình dục không, tôi đã cho một ngón tay vào vùng kín để xem có bị đau không,” Mariah viết như thế bên dưới một bức vẽ chính mình, đang luồn tay vào dưới chiếc quần sọt nhăn nhúm.
Xuyên suốt quá trình, cô xem xét cách cơ thể của mình được sử dụng trên cả hai phương diện riêng tư và công khai, cũng là một câu hỏi đặc biệt thú vị khi người nghệ sĩ đại diện cho chính mình hết lần này đến lần khác. Cô xây dựng một phương trình trong đó ham muốn bằng với sự tồn tại của chính mình, và vật lộn với việc, nếu chỉ có hai lựa chọn đó, sau cùng cô sẽ muốn bị đối xử như đồ vật hay bị phớt lờ.
Cho đến năm 1989, Comics Code (Luật truyện tranh) đã cấm các mô tả “quan hệ tình dục bất hợp pháp” trong truyện tranh chính thống (tiểu thuyết hình ảnh hoặc truyện tranh được bán bởi một nhà xuất bản phân phối), và từ hạn chế này, mảng truyện tranh đã phát triển một không gian ngầm (underground) cho những giải phóng. Các nghệ sĩ bắt đầu làm việc mà không phải lo lắng về tính thương mại, bởi vì chúng chắc chắn không được thương mại. Đây là tinh thần của Aline Kominsky-Crumb khi bắt đầu vẽ những cơ thể ngông cuồng trong sự xấu xí của chúng, Phoebe Gloeckner phát hành truyện tranh chứa đầy những hình vẽ siêu thực về bạo lực tình dục tuổi teen, và Alison Bechdel bắt đầu bộ truyện tranh dài kỳ Dykes to Watch Out For.
Cảm giác xấu hổ vượt xa khỏi thể xác và hành vi tình dục, nhưng từ những câu chuyện đầu tiên của loài người – Eve ăn táo và nắm lấy bất cứ thứ gì gần đó để che cơ thể – nỗi xấu hổ, đặc biệt là nỗi xấu hổ của phụ nữ, thường liên quan đến thể xác hoặc ham muốn. Thể xác là không gian không ai có thể thoát ra, và vì thế đó là nơi mà chúng ta tự phóng chiếu chính mình lên thế giới và nhận lại được sự quan sát từ bên ngoài. “Chính vẻ bề ngoài tự nó đã thường được xem là ‘quá dung tục’,” Hillary Chute đã viết như vậy trong Graphic Women: Life Narrative and Contemporary Comics, đề cập đến cách mà hồi ký của phụ nữ đôi khi bị soi xét bởi những ngờ vực.
Sự xấu hổ của phụ nữ thường được lồng ghép với chấn thương tinh thần, tình dục và sự trần trụi. Như Williams viết trên Commute, “sự xấu hổ là một công cụ của áp bức”, và thông qua truyện tranh, các nữ nghệ sĩ đang đối mặt với bức tự họa lốm đốm của họ thông qua việc vẽ cơ thể, những sang chấn tâm lý và ham muốn của chính mình.
“Nỗi xấu hổ là một phần lớn trong các tác phẩm và truyện tranh của các nữ nghệ sĩ”, ông Chute nói. “[Vì] truyện tranh là một hình thức của sự thân mật, về khả năng nhìn thấu bên trong một người.”
Vẽ minh họa cung cấp cơ hội không chỉ mô tả tính thực tế của thể xác, mà còn thể hiện cách người ta nhìn thấy chính mình. Chute cho rằng, “[Truyện tranh] đang được vẽ và viết từ một quan điểm đại diện của tác giả,” Chute nói. Thông qua việc sử dụng các hình thức biếm họa và đôi khi kỳ quặc, các hình ảnh tranh cãi về cơ thể phụ nữ có thể có công dụng khác so với truyền hình trực tiếp, phim hoặc thậm chí là tiểu thuyết văn xuôi. Vì truyền hình bị hạn chế nội dung ở một mức độ nào đó, bởi độ trần trụi của cơ thể thực, đặc biệt là những bộ phận gây kích thích. Trong văn xuôi, có thể gây khó hiểu và sao nhãng khi mô tả cách một cánh tay đưa đẩy và chiếc rốn khi chồm về phía trước hoặc cúi xuống, nhưng trong truyện tranh, chúng ta luôn được nhắc về cơ thể mỗi khi nó được vẽ trên mỗi ô truyện, qua từng trang sách.
Chẳng hạn như truyện Will Someone Please Have Sex With Me của Gina Wynbrandt thuật lại nỗi cô đơn và ham muốn tình dục không được thỏa mãn của một phụ nữ trẻ bằng những chi tiết ngượng ngịu và đường nét đậm. Biểu cảm khuôn mặt của cô liên tục được phóng đại – lưỡi cô thè ra khỏi miệng cùng dáng vẻ bộc lộ rõ sự cường điệu.
Một ví dụ cực đoan về biếm họa thể xác có thể được tìm thấy ở Hyperbole and a Half nổi tiếng của Allie Brosh, cả trong sách và webcomic. Chủ đề của Brosh thường là sự lo lắng và cơn trầm cảm của cô, cơ thể cô tự vẽ cho mình không phải là một cơ thể con người xét theo phương diện thực tế: đó là một đốm hình mì với tay chân khẳng khiu như que tăm, một hình nón màu vàng làm kiểu tóc đuôi ngựa trên khuôn mặt tựa con ếch. “Đây là một dạng nhân vật tiến hóa và không giống tôi, nhưng theo một cách nào đó, nó gây ấn tượng với tôi,” Bros Brosh trả lời phỏng vấn vào 2013 trên NPR. “Đó là một thứ vô lý, thô thiển nhưng đó thực sự là những gì bên trong con người tôi, và đó là cách chính xác hơn để thể hiện bản thân mình.”
Có một thứ gì đó vốn đã cực đoan về việc vẽ chính mình, nhưng phô bày cơ thể phụ nữ sẽ khiến nghệ sĩ bị soi xét rất nhiều. Khi cuốn sách đầu tiên của tôi, một cuốn hồi ký đồ họa ra mắt, tôi đã rất ngạc nhiên bởi những bài phê bình chú ý đến vẻ ngoài của tôi. “Phần thừa trên các bức chân dung tự làm cho bức ảnh của cô ấy gợi sự kỳ quặc nhẹ ở phía sau,” một bài phê bình cho biết, “Vì bức ảnh trông rất giống nhưng cũng hơi mâu thuẫn với với chính cô.” Chắc là vì tôi đã vẽ chính mình quá sát thực tế mà cũng không sát thực tế.
Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho chính cơ thể mình mỗi khi tôi ngồi vẽ. Tôi nên cắt bỏ cuộn mỡ đó hay tôi nên làm nổi bật nó? Tôi có nên làm mượt tóc không? Tôi thường chụp ảnh tham khảo bản thân trước khi vẽ những tư thế khó. Có một ảnh thấy núm vú của tôi lộ một tí khỏi chiếc áo tank top, vậy tôi có nên vẽ chi tiết đó không? Nếu tôi có núm vú thì có nghĩa gì? Nếu không có núm vú thì nghĩa là sao?
Năm 2017, nhà văn và họa sĩ minh họa Mira Jacob đã thực hiện cuốn hồi ký đồ họa của riêng mình, Good Talk: A Memoir in Conversations. “Xin chào, bạn có thể dành một giây để nói về việc vẽ khỏa thân không? Tôi cần biết nếu những gì tôi vẽ trông cứ như gà khỏa thân,” cô ấy nhắn tin vào một buổi chiều. Cô ấy cho tôi xem một bức cô tự vẽ mình khỏa thân đầu những năm 20 tuổi. “Bạn có nghĩ rằng tôi sẽ bị vùi dập không?” cô hỏi. Jacob đã từng tự vẽ mình trần truồng trước đây – ít nhất là không phải cho ấn bản công cộng – và cô có một chút lo lắng về việc thể hiện bản thân trong thời kỳ đầu trưởng thành. Bức minh họa không được tạo ra để thấy xấu hổ. Nó đi kèm với việc mô tả một cô gái trẻ đang hưởng ứng các mối quan hệ tình dục đầy thú vị, nhưng bức vẽ đã mở ra một sự bất an vượt ngoài ý định tường thuật trên trang giấy. Giống như những người phụ nữ khác, cô đã dành cả đời để im lặng và luôn âm thầm đánh giá ngoại hình của mình, bức vẽ đã làm tăng thêm sự lo lắng rằng cách cô vẽ cơ thể sẽ khiến độc giả chỉ trích hoặc chối từ cô. Câu hỏi các bức vẽ có giống gà hay không, hay quá nhút nhát, cũng làm sáng tỏ một vấn đề khác: Có một cách để vẽ một cơ thể trần trụi mà không nhất thiết phải đủ tính đồ họa.
Jacob đã đưa ra một giải pháp tạm thời: Khi cô vẽ cơ thể mình trần trụi, cô đã phóng đại phần lông của mình. “Chỉ cần cho nó rậm rạp hơn,” chúng tôi bắt đầu nói nhau biết khi nào bức vẽ cần phải “xấu hơn”. Cuộc chật vật của Jacob để đại diện cho cơ thể của cô trên trang giấy dường như khớp với các câu hỏi hàng ngày của Williams trong Commute – che giấu cơ thể cũng là để bảo vệ nó khỏi một dò xét. “Những người ghét nó sẽ chẳng sợ đâu,” Jacob nói với tôi “nhưng cho nó rậm rạp thêm hẳn là một bước khởi đầu tốt.”
Vẽ cơ thể phụ nữ không nhất thiết là phải đối mặt với sự xấu hổ, nhưng theo nhiều cách, đó là lời nhắc nhở bản thân rằng được sống trong một cơ thể cũng khó khăn biết mấy. Trong cảnh đầu tiên của The Best We Could Do của Thi Bui, người kể chuyện đang bán khỏa thân trên giường bệnh viện. Khi cô ấy đồng ý gây tê ngoài màng cứng, kim tiêm vào cột sống của cô được phóng đại lớn tới mức gần bằng cơ thể cô.
Nhà phê bình Tahneer Oksman gọi phẩm chất này là “cảm giác đi trước ngôn ngữ của cơ thể”. Thông qua hành động vẽ truyện tranh, họa sĩ đang chuyển cảm giác nội tại thành một màn thể hiện mang tính vật lý bên ngoài, theo Oksman điều đó phản ánh cách mà sự xấu hổ được trải nghiệm. “Bạn cảm thấy xấu hổ trước cả khi bạn gọi tên được nó… [Truyện tranh có thể truyền tải] sự dư thừa của cơ thể và sự khó chịu của nó mà không cần dùng ngôn ngữ.”
Tuyển tập mới Drawing Power: Women’s Stories of Sexual Violence, Harassment, and Survival cung cấp tác phẩm của hơn 60 nghệ sĩ phải đối đầu với sự khó chịu này. “Nhiều đấng mày râu sẽ nhìn vào truyện tranh của tôi và sau đó giật mình,” họa sĩ nữ quyền huyền thoại Roberta Gregory viết trong Adult Comics, khi đề cập đến Naughty Bits, bộ truyện tranh mà cô sáng tác từ những năm 90 cho đến khi phát hành lần cuối vào năm 2004. Gregory gợi ý khá rõ ràng rằng tác phẩm này không dành cho những người đàn ông cảm thấy bị cự tuyệt bởi chúng. Noncompliant của Jennifer Camper truyền tải một thông điệp tương tự. “Tôi hiếm khi làm truyện tranh tự truyện,” cô viết. Camper đã sáng tác nhiều tác phẩm quan trọng về tấn công tình dục, nhưng cô ấy đã dừng việc vẽ chính mình. “Tôi sẽ tự quyết định truyện tranh của mình,” cô ấy viết.
Theo Oksman, điều khó khăn nhất về sự xấu hổ đó là một dạng tự cô lập, trong đó phụ nữ được dạy giữ những cảm xúc này riêng tư để tránh xấu hổ thêm khi chia sẻ nó. Nếu sự xấu hổ thực sự là một hành động áp bức, việc rút kinh nghiệm từ những sỉ nhục hàng ngày đến những tổn thương tình dục sâu sắc có thể được coi là một bài tập giải thoát.
Người dịch: Long Hwarang
Nguồn: theguardian.com