Quá trình thực hiện bao bì thủ công ‘cây nhà lá vườn’ của Amateur Coffee (Đà Lạt)
Làm chủ một quán café nhỏ xinh có lẽ là mong muốn thú vị của nhiều người, đặc biệt là các bạn làm việc trong lĩnh vực thiết kế. Hai vợ chồng anh chị Hưng Lê Ngọc và Lưu Thiên Trúc, cùng làm graphic designer, cũng không phải ngoại lệ.
Sau khoảng 10 năm sinh sống ở Sài Gòn, họ quyết định chuyển tới Đà Lạt – vốn dĩ là một địa điểm yêu thích của cả hai, để bắt đầu những điều mới mẻ.
Cặp đôi cùng mở quán Amateur Coffee trong một căn nhà gỗ. Không chỉ quản lý, họ còn tự tay làm mọi khâu từ A đến Z bắt đầu từ việc thu hái, chế biến cà phê.
Hãy cùng lắng nghe lời chia sẻ của họ về quá trình thiết kế bao bì cho Amateur Coffee.
Quan điểm riêng về thiết kế
Theo quan điểm và kinh nghiệm của cá nhân mình, thiết kế là quá trình cảm nhận, tìm hiểu và xử lí trên một hoặc nhiều đối tượng nhằm định hướng người tiếp nhận đối tượng đó (bản thân mình cũng có thể chính là người tiếp nhận) trải nghiệm được và đúng những cảm giác, cảm xúc theo ý đồ của người thiết kế. Ý đồ đó có thể xuất phát từ mong muốn của khách hàng trong trường hợp thiết kế mang tính thương mại.
Quá trình tự thực hiện bộ bao bì cho sản phẩm cà phê
Mình tìm hiểu, sử dụng những cách thức dễ tiếp cận và chính những cách thức đó sẽ tạo ra đặc trưng cho sản phẩm. Khi gặp một vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện, thay vì tìm cách giải quyết nó ngay thì mình sẽ tạm ngưng lại và tìm kiếm những hướng tiếp cận đơn giản, cân đối hơn.
Mình có định hướng ngay từ đầu là tạo ra một loại cà phê theo cách thức đơn giản. Cà phê được xử lý theo phương thức sơ chế khô (natural process) bao gồm các khâu thu hái trái chín, phơi dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng một tháng, xát trái khô để thu hạt nhân xanh, rang hạt bằng nồi gang và đóng gói.
Trong suốt quá trình này, việc hạn chế sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị chuyên dụng tuy tốn nhiều thời gian hơn và đòi hỏi nhiều sự lưu tâm nhưng đổi lại mình có thể thấy rõ sự chuyển biến của hạt cà phê qua mỗi bước. Đồng thời có thể linh hoạt hơn trong việc thử nghiệm và dễ dàng chế biến hạt cà phê với một số lượng nhỏ. Bao bì cà phê cũng cần và nên tái hiện được cảm giác đơn giản đó.
Đầu tiên, mình liệt kê các thông tin thường xuất hiện trên bao bì cà phê là những gì. Sau đó, phân tích xem khi sản phẩm đến tay người tiếp nhận, những thông tin nào thực sự cần thiết và có ảnh hưởng đến các trải nghiệm, cảm giác của họ, những thông tin nào cần loại bỏ. Tiết giảm thông tin là rất cần thiết vì việc in ấn phần nhiều được thực hiện thủ công.
Tiếp theo sẽ là thử các cách thức để đặt phần giấy chứa thông tin lên trên bao nhôm một cách hiệu quả và đơn giản (không cần dán bằng decal hoặc dùng kẹp cố định mà chỉ gấp và gài vào bao nhôm).
Cuối cùng là việc in ấn. Việc tự in cũng như không in trực tiếp lên bao nhôm giúp mình chủ động trong việc in một số lượng nhỏ (vấn đề về số lượng in luôn gây đau đầu cho dân làm thiết kế khi muốn đưa ra sản phẩm thật), đồng thời tạo ra được đặc trưng cho sản phẩm.
Về chất liệu mình sử dụng loại giấy bìa có giá thành rẻ, dễ in, màu sắc sẵn có phù hợp với phân loại cà phê. Phần hình ảnh các dụng cụ chế biến được in trắng đen bằng máy photocopy, những nhà in tại Đà Lạt chỉ có thể in bằng những cách thức hết sức cơ bản như vậy thôi. Phần thông tin và minh hoạ được in bằng dấu cao su tự cắt cùng với mực mua tại nhà sách.
Mỗi thứ đều đặc biệt mà cũng lại bình thường
Quá trình mở quán, làm cà phê và thiết kế bao bì có cả khó khăn, thuận lợi, khám phá. Chúng mình nhận ra mỗi thứ đều đặc biệt mà cũng lại bình thường. Hy vọng mọi người sẽ thích và cùng nhau chúng ta tạo ra những điều mới mẻ và có giá trị. Quán cà phê này chỉ là một phần trong mong muốn của chúng mình, tại đây vẫn còn nhiều tiềm năng để thực hiện những dự án khác trong tương lai.
Amateur Coffee
Địa chỉ : Đối diện khu du lịch thác Datanla, đường đèo Prenn, phường 3, Đà Lạt
Facebook: https://www.facebook.com/taymoamateurs
Instagram: https://www.instagram.com/taymo.amateurs/
Phỏng vấn: Chilaxu
Biên tập: 19August