Đi tìm chân lý cơ bản của hội hoạ
Những yếu tố cơ bản vô cùng quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật và chúng là kim chỉ nam để bạn vươn đến thành công như một nghệ sĩ thực thụ.
Artwork by @thanos.mkr23
Bất kì ai học hành đàng hoàng trong lĩnh vực hội họa sẽ nhận thức được tầm quan trọng của những yếu tố cơ bản. Điều này giống như phần móng của một tòa nhà: Bạn cần cái nền vững chắc trước khi xây lên bất cứ gì.
Dù bạn muốn trở thành một nghệ sĩ hình ảnh, concept, animator, nhà minh họa hay bất cứ điều gì liên quan đến lĩnh vực 2D/3D art, những điều cơ bản luôn luôn quan trọng. Nhưng ta sẽ bắt đầu học từ đâu?
Bài viết này sẽ giải thích một số yếu tố cơ bản kèm theo những nguồn tham khảo hữu ích. Cách tốt nhất để cải thiện bản thân chính là luyện tập thường xuyên. Nhưng bạn cần luyện tập có mục tiêu để đạt kết quả tốt nhất.
Kết cấu
Khái niệm kết cấu rất rộng nhưng cũng vô cùng quan trọng. Những nghệ sĩ có khả năng nhận ra kết cấu sẽ thấy được nhiều thứ hơn ngoài tờ giấy phẳng 2D (hay màn hình). Họ có thể tạo ra những vật thể nhìn rất thật vì trông chúng rất sống động.
Kết cấu tạo ra mọi thứ. Cơ thể con người có nhiều hình dạng và kết cấu, đặc biệt là gương mặt. Khả năng nhìn nhận và thấu hiểu kết cấu sẽ cần thiết để bạn trở thành nghệ sĩ thành công. Đây cũng chính là lí do mà kết cấu là yếu tố cơ bản đầu tiên.
Artwork by Ken Chang
Vậy thì làm sao để luyện cách vẽ kết cấu? Tốt nhất là bạn nên bắt đầu vẽ các loại hình. Tất cả mọi thứ trên thế gian này đều có thể được vẽ dưới dạng hình cầu, hình nón, hình trụ và hình hộp. Nếu có thể vẽ được những hình này trong mọi hướng khác nhau thì bạn có thể tạo ra mọi thứ.
Nếu bạn muốn có kĩ năng xác định kết cấu tốt hơn, hãy luyện tập vẽ đường gạch chéo. Chỉ dẫn này sẽ giúp bạn có khởi đầu thuận lợi và kèm theo những ví dụ tuyệt vời.
Đây có thể được coi là kĩ năng dễ thực hành nhất nhưng để thuần thục nó không phải là điều dễ dàng. Bạn cần phải luyện tập rất nhiều để nhìn nhận chứ không chỉ đơn thuần là sao chép.
Khi bắt đầu vẽ, hãy xem qua the Drawabox lessons để học vẽ kết cấu nha.
Phối cảnh
Một kĩ năng nhất định phải thuần thục là khả năng vẽ theo phối cảnh. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài viết hay nói về khái niệm phối cảnh và vai trò của nó. Nhưng những nội dung mà bạn có thể đọc miễn phí ngoài kia không nhiều đâu. Tuy nhiên có rất nhiều hướng dẫn về phối cảnh trên Youtube nếu kĩ năng tìm kiếm thông tin của bạn đủ tốt. Đây có lẽ là nơi tốt nhất để bắt đầu học hỏi.
Nhìn nhận theo phối cảnh là khi bạn biết rằng vật thể càng xa mắt người thì càng nhỏ lại. Những thuật ngữ như đường chân trời – horizon line và điểm tụ – vanishing point là điều cơ bản nên bạn phải tìm hiểu chúng trước khi học vẽ phối cảnh. Bạn chỉ có thể vẽ phối cảnh tốt hơn khi luyện tập. Nó cũng là yếu tố gắn kết mọi thứ mà bạn vẽ ra. Ví dụ, bài tập cuối cùng là vẽ hình hộp và hình trụ. Để vẽ được những hình này thật chính xác, bạn cần đặt chúng trong phối cảnh, cho dù bạn hiểu quy luật phối cảnh hay không. Hãy cứ luyện vẽ mọi thứ và tìm tòi những điều mới lạ. Khi đủ tò mò, bạn sẽ tìm ra những hướng dẫn về phối cảnh và làm theo. Một vài đoạn video sẽ gợi ý bạn nên sử dụng thước trong khi những cái khác khiến bạn phải luyện mắt. Khái niệm này không khó để hiểu nhưng rất tốn thời gian để thuần thục. Và điều hay ho nhất về phối cảnh chính là bạn không cần phải lo lắng về sắc thái, giá trị, màu sắc hay độ sáng. Những yếu tố này là cần thiết nếu bạn muốn một sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng bài tập vẽ phối cảnh đơn giản chỉ cần một sắc thái riêng lẻ.
Nếu muốn bắt đầu tìm hiểu về vẽ phối cảnh, bạn nên đọc qua hai quyển sách. Đầu tiên là quyển Perspective Made Easy, rất rẻ và cơ bản cho dân mới vào nghề. Đối với những nghệ sĩ tầm trung (hay những người mới vào nghề nhưng đủ tự tin) thì nên học hỏi ông Scott Robertson trong cuốn sách How To Draw. Quyển này sẽ cho bạn những lời khuyên thực tế cùng những bài tập và case studies giúp bạn cải thiện vô cùng nhanh chóng. Có rất nhiều quyển sách nói về vẽ phối cảnh, vì thế hãy lên kế hoạch về cách học và điều gì nên học. Nhưng nếu muốn có nhiều lựa chọn hơn, dưới đây là một vài quyển sách khác về phối cảnh mà bạn có thể tìm thấy niềm hứng thú.
- Basic Perspective Drawing: A Visual Approach
- Perspective Made Easy: A Step-by-Step Guide
- Perspective for Artists
Phân tích giải phẫu
Một số người cho rằng giải phẫu không phải là yếu tố cơ bản bởi vì một bức vẽ tốt không cần đến nó. Tuy nhiên, nó là một yếu tố quan trọng trong những tác phẩm chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí vì bạn sẽ áp dụng nó vào bất kì vật thể sống nào định vẽ. Một khi hiểu được cách vận động của các khớp xương, bạn sẽ nhìn thấy được cách mà xương và cơ di chuyển. Điều này không chỉ áp dụng cho con người mà còn với bất cứ một con vật hay sinh vật có cấu tạo xương.
Nhưng giải phẫu là chủ đề mà bạn có thể tìm hiểu cả năm trời nhưng vẫn chưa thể thuần thục. Đó là một kĩ năng cơ bản nhưng rất khó để luyện tập. Dù vậy bạn phải bắt đầu học hỏi, thật chậm và tập trung vào một chủ đề thôi. Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu về giải phẫu, dưới đây là hai nguồn đọc tham khảo mà tôi đề nghị nên đọc qua:
Đầu tiên là Human Anatomy for Artists của Goldfinger. Cái này rất khô khan và không phải là một nguồn tham khảo một lần. Tuy nhiên nó sẽ là một cuốn sách tham khảo hiệu quả vì nội dung rất bao quát và đáng tin cậy.
Những nghệ sĩ mới vào nghề học giải phẫu sẽ thấy anatomy video course của Proko rất tuyệt. Khóa học chia thành 3 phần khác nhau, vì thế bạn có thể chọn những thứ mà mình thật sự muốn học.
Đây là những điều tôi sẽ nhất định vận dụng để học giải phẫu khi mới vào nghề. Stan là một giáo viên tuyệt vời về mặt hướng dẫn cũng như lựa chọn ngôn từ khi giải thích. Trong khi tôi phải tìm ra những nguồn kiến thức về giải phẫu và chìm ngập trong đống tài liệu, nguồn tham khảo từ Proko là vừa túi tiền và hợp lí cho những người mới bắt đầu. Phân tích giải phẫu rất khó học. Lý do không chỉ là vì kĩ thuật mà còn là khối lượng thông tin. Đừng để bị choáng ngợp! Học giải phẫu một chút thôi để còn xem qua những thứ khác nữa. Hãy dành thời gian xem qua figure drawing sessions bất cứ khi nào có thể. Không điều gì tốt hơn khi học hỏi từ những ví dụ cụ thể.
Giải phẫu học sẽ giúp bạn hiểu ra thành phần và quan hệ giữa chúng. Hướng dẫn Tuts+ guide này là một nơi tham khảo tốt để bắt đầu nhập môn lĩnh vực này đấy.
Bố cục
Rất khó để dạy một ai đó kĩ năng về xác định bố cục từ căn bản vì nó liên quan đến những tác phẩm hoàn chỉnh. Bạn sẽ dựng được bố cục khi có sẵn tất cả những yếu tố và ghép chúng lại với nhau. Bố cục chung của một tác phẩm là rất quan trọng. Những nghệ sĩ thường cân nhắc sử dụng những thứ như quy tắc một phần ba hay tỉ lệ vàng. Cho dù chúng có xác định được bố cục hay không thì những phương pháp trên thường được mọi người lựa chọn.
Việc chọn lựa bố cục bị ảnh hưởng bởi kích thước, góc độ, phối cảnh và nền trước hoặc sau. Có thể nói rằng kĩ năng cơ bản này sẽ ngày càng được vận dụng nhiều khi đi sâu vào quá trình sáng tạo.
Composition by Gabriel Buitrago (Behance)
Nhưng vẫn có một vài điều cần cân nhắc khi luyện tập và càng quan trọng hơn nữa khi bạn làm việc trong lĩnh vực digital painting vì mỗi bức tranh sẽ có một khung cảnh riêng. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bí quyết về bố cục nhưng để dạy nhập môn về bố cục mà không có thực hành thì vô cùng khó khăn. Lời khuyên của tôi là hãy học hỏi từ những nghệ sĩ khác. Dù thế nào đi nữa, bạn sẽ bị lôi cuốn bởi những tác phẩm thật sự nổi bật. Hãy lưu chúng lại và cất trong một tập tin như một nguồn cảm hứng. Thường xuyên xem lại mỗi thứ và cố gắng thể hiện ý tưởng của bạn với bố cục tương tự.
Tôi cũng đề nghị là bạn nên biết một chút về bố cục vì nó liên quan đến nhiếp ảnh. Nó góp phần tạo nên một bức ảnh lung linh và những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường tuân theo những hướng dẫn về bố cục tương tự. Tài liệu tham khảo tốt nhất là một quyển sách có tên Mastering Composition viết bởi Ian Roberts. Nó được biên soạn vài năm trước nhưng rất đáng giá và cực kì hữu ích trong mọi loại hình nghệ thuật. Ngoài ra, nó còn có bản CD/sách audio nếu bạn thích.
Nếu bạn luyện tập chăm chỉ và không ngừng nâng cao khả năng dựng bố cục của mình, tôi đảm bảo rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đây là một kĩ năng cơ bản mà bạn sẽ phải mất thời gian để học hỏi và thấu hiểu. Nhưng một khi hiểu ra thì bạn sẽ không bao giờ quên nó đâu. Hai quyển sách mà tôi đề nghị cho những người muốn học dựng bố cục là Pictorial Composition bởi Henry Rankin Poore và một cuốn với tựa đề vô cùng đơn sơ Composition bởi Arthur Wesley Dow.
Sắc độ và ánh sáng
Chủ đề sắc độ – value cực kì nhiều chi tiết vì nó bao gồm mọi thứ liên quan đến vẽ nét. Kiến thức về kết cấu sẽ giúp bạn rất nhiều khi học về sắc độ. Nếu bạn hoàn toàn không biết gì về sắc độ, hãy cứ vẽ và cố gắng viền lại. Bạn có thể xem qua đoạn video miễn phí trên Youtube chỉ dẫn về vẽ viền nét, nhưng sẽ không có cái nào cung cấp tất cả những điều bạn cần. Tôi đề nghị bạn nên xem qua nghiên cứu về sắc độ, đặc biệt là khi mới bắt đầu học. Bạn có thể cảm thể áp lực nhưng chúng rất hay đấy.
Hãy bắt đầu với những bức vẽ tĩnh và sau đó thực hành vẽ chân dung. Stan Prokopenko có một khóa dạy vẽ chân dung rất hay có thể giúp bạn luyện vẽ những khuôn mặt rất thật và làm chủ sắc độ. Đơn giản là chỉ cần vẽ những vật thể xung quanh ngôi nhà, những thứ có thể cho bạn kết quả mĩ mãn. Những vật thể tĩnh sẽ không di chuyển, vì thế bạn sẽ dễ nghiên cứu hơn và phân bổ thời gian và sức lực hàng ngày hoặc hàng tuần. Nghiên cứu về sắc độ chủ yếu là về ánh sáng và bóng. Nhưng bạn cần phải chú ý đến một vấn đề kĩ thuật của ánh sáng nếu muốn học về vẽ viền kĩ thuật. Ánh sáng ám chỉ bóng và ngược lại. Bạn không thể có ánh sáng mà thiếu đi yếu tố bóng.
Một khi học sâu hơn về vẽ, bạn sẽ quan tâm đến màu sắc và độ sáng tối. Nhưng bạn nên có kĩ năng truyền tải được thông điệp thông qua bức tranh khi sử dụng những thứ cơ bản nhất. Bóng xuất hiện khi thiếu đi ánh sáng, vì thế luôn có một bên của vật thể được chiếu sáng nhiều hơn những phần khác. Theo lý thuyết thì đúng nhưng khi áp dụng vào thực tế thì sẽ hơi khác một tí.
Hãy xem qua this Tuts+ article nếu bạn muốn biết thêm về ánh sáng và bóng. Sắc độ có thể giữ nguyên khi bạn sử dụng màu sắc hay xài bản trắng đen. Đây chính là vẻ đẹp khi học về sắc độ bởi vì nó thật sự giúp bạn cải thiện được kĩ năng chọn lựa màu sắc. Cùng xem qua color keys and composition bởi nghệ sĩ người Singapore AC Masoen.
Color scripts by AC Masoen
Những hiểu biết của ông về ánh sáng được thể hiện rất rõ ràng phía trên. Phần chú giải rendering không chặt chẽ lắm nhưng nội dung đủ chất lượng để truyền tải thông điệp xuyên suốt. Điều này chứng minh sự cần thiết của kiến thức về sắc độ và ánh sáng. Khi đề nghị tài liệu tham khảo, tôi không thể nào bỏ qua cuốn How To Render. Scott Robertson là một nghệ sĩ tài hoa và cuốn sách này được xem là tài liệu hướng dẫn tốt nhất cho những người mới bắt đầu tìm hiểu sắc độ. Nội dung rất bao quát và chứa nhiều kiến thức. Tất nhiên là sẽ nhiều hơn những gì mà một người mới vào cần biết nhưng đó chính là lý do tại sao nó chất lượng vì quyển How To Render sẽ là người thầy dẫn dắt bạn trong chặng đường sắp tới.
Để biết thêm nhiều kiến thức hơn, tôi khuyên bạn nên xem qua Light for Visual Artists bởi Richard Yot. Một quyển sách được đánh giá rất cao trong lĩnh vực này. Bắt đầu học từ lĩnh vực sắc độ có vẻ rất liên quan nhưng thật ra là một chủ đề khác của lý thuyết màu sắc. Lĩnh vực này quá rộng để bạn có thể khám phá hết tất cả. Nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu về màu sắc thì hãy chắc rằng mình đã đọc qua Color and Light bởi James Gurney. Chắc chắn đây là một quyển sách hay nhất để nạp thêm kiến thức về sức ảnh hưởng của màu sắc trong hội họa. Quyển sách cuối cùng tôi khuyến khích bạn đọc sẽ kết hợp tất cả những kĩ năng cơ bản trên thành một. Nó được gọi là Art Fundamentals và được biên soạn bởi ba nghệ sĩ concept chuyên nghiệp trong ngành. Cuốn sách bao quát tất cả những lĩnh vực cơ bản như phối cảnh, ánh sáng, phân tích giải phẫu và bố cục.
Nó không phân tích chuyên sâu như những quyển khác nhưng là một trong số ít những cuốn sách tập trung chủ yếu vào những yếu tố cơ bản. Nó cũng được viết bởi những nghệ sĩ concept lão luyện, vì thế phương pháp giảng dạy của họ thích hợp với những cá nhân có mong muốn tham gia vào lĩnh vực này. Cuối cùng thì cách bạn học tập ra sao hay quyển sách hoặc khóa học nào đã từng tham gia không quan trọng. Điều cốt yếu chính là thời gian mà bạn bỏ ra để thực hành. Vì thế hãy chọn ra những thứ mình yêu thích nhất và bắt tay vào việc thôi! Nếu có khả năng thực hành trong thời gian từ 6 tới 12 tháng để luyện những kĩ năng cơ bản, bạn sẽ trông thấy sự tiến bộ rõ rệt đấy!
Những yếu tố cơ bản vô cùng quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật và chúng thật sự mở đường để bạn vươn đến thành công như một nghệ sĩ thực thụ.
Người dịch: Đáo
Nguồn: Concept Art Empire