Artifacts: Kỉ niệm 40 năm công trình mang tinh hoa tư tưởng văn hóa của các thời đại trước
“Artifacts” là sản phẩm gắn liền với yếu tố thời gian – một chiếc hộp giúp chúng ta có được góc nhìn khác về thời gian và lịch sử, về cách mà nghệ sĩ nhìn lại những gì mình đã tạo ra, cách mà các thời đại được hồi tưởng lại và cách cuộc sống của chúng tiếp tục vận hành.
Năm 1979, Steven Watson và Carol Huebner Venezia gửi 200 thư mời đến các nghệ sĩ mà họ chưa từng gặp mặt với đề nghị đóng góp cho một dự án liên quan đến thập kỷ vừa qua. Kết quả là Artifacts at the End of a Decade (tạm dịch: Những tạo tác ở cuối thập kỉ), một quyển sách đóng vai trò như chiếc hộp thời gian chứa đựng những hệ tư tưởng văn hóa của những năm 1970 đã ra đời.
Là một vật thể theo đúng nghĩa của nó, cuốn sách này bao gồm 44 tác phẩm độc đáo trong lĩnh vực nhiếp ảnh, gốm sứ, sợi chất liệu, in ấn, quần áo, hội họa và tranh vẽ được kết hợp lại với nhau, quy tụ các nghệ sĩ như Martha Rosler, Fab 5 Freddy, Laurie Anderson, Sol LeWitt, Michelle Stuart, Futura, John Ashbery, Robert Wilson, Lucinda Childs, Robert Kushner cùng nhiều nhân vật khác.
Được tạo ra trong phiên bản giới hạn 100 bản, quyển sách có thể được tìm thấy trong các bộ sưu tập tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Tate Britain, bảo tàng Hamburger Bahnhof, bảo tàng Victoria and Albert, bảo tàng Kunstmuseum Den Haag và vâng vâng. Khi quyển sách ra mắt vào năm 1981, nhà phê bình nghệ thuật John Perreault đã mô tả nó là “một tuyển tập các loại hình nghệ thuật”.
Vào dịp kỷ niệm 40 năm, quyển sách vẫn giữ nguyên giá trị của mình khi tiếp tục tạo ra nhiều cuộc bàn luận quan trọng. Sự kiện này sẽ được đánh dấu bằng một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại tại Đại học Massachusetts ở Amherst diễn ra cho đến ngày 5 tháng 12 năm 2021, nơi lần đầu tiên Artifacts sẽ được trưng bày với toàn bộ chi tiết kể từ năm 1989. Đồng giám tuyển bởi Jessica Scott và Jill Hughes từ bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật đương đại, triển lãm này thúc đẩy khán giả suy ngẫm ý nghĩa của những tác phẩm, đồng thời cung cấp không gian để chiêm nghiệm về quá khứ từ góc nhìn của một tác phẩm tổng hợp phản ánh yếu tố văn hóa.
Trong cuộc trò chuyện giữa Widewalls và Steven Watson, nhiều chi tiết đã được bật mí để mọi người hiểu thêm về dự án độc đáo này. Steven nói về những hệ tư tưởng văn hóa những năm 1970, ý tưởng ban đầu đằng sau dự án, quá trình hợp tác, dịp kỷ niệm quan trọng này và nhiều hơn thế nữa.
Ghi lại tinh thần tư tưởng của thời đại
Có thể nói, bối cảnh văn hóa của những năm 1970 mang đặc trưng của chủ nghĩa đa nguyên và sự bao quát ở nhiều cấp độ và những thứ khác. Ông có thể chia sẻ một chút về thời điểm này và tinh thần tư tưởng hóa lúc ấy không? Ông có so sánh như thế nào giữa bối cảnh văn hóa này với bối cảnh đương đại?
Đó là một câu hỏi bao trùm và tôi sẽ chỉ trả lời được một phần. Khi nhìn lại, tôi rất ngạc nhiên rằng chúng tôi có thể tạo ra một dự án hợp tác lớn như vậy. Nó được tổ chức mà không cần tài trợ hoặc bảo trợ từ phòng trưng bày hay các chuyên gia trong thế giới nghệ thuật. Cốt lõi của quyển sách này là về ý tưởng, phụ thuộc vào sự tham gia của các nghệ sĩ – những người bị cuốn hút vào ý tưởng, thay vì hướng đến lợi ích thương mại nào. Sự thể hiện ngoạn mục của nó đã phản ánh một cấu trúc xã hội khác trong thế giới nghệ thuật và cho thấy ít sự chi phối từ các các phòng trưng bày. Đó là thời đại của những không gian khác biệt và các kết nối gần gũi.
Quyển Artifacts at the End of a Decade là một tuyển tập về thập kỷ đầy sôi nổi với những sản phẩm được tạo ra vào đúng thời điểm khi văn hóa phương Tây bắt đầu thay đổi. Dự án này bắt đầu như thế nào?
Vào mùa hè năm 1979, tôi có xem một cuộc triển lãm sách của các nghệ sĩ có tên In the Shadow of Marcel Duchamp (tạm dịch: Trong bóng tối của Marcel Duchamp). Với sự nhiệt tình và ngây thơ trong chuyến đi đến trung tâm thành phố New York, tôi ngay lập tức nghĩ đến việc tạo ra một cuốn sách tổng hợp của các nghệ sĩ và nó sẽ là chiếc hộp thời gian chứa đựng những tư tưởng văn hóa thời đại cuối những năm 70. Tôi đã liên lạc với người bạn thân của mình, Carol Huebner Venezia, người có hiểu biết về sách của các nghệ sĩ và nắm rõ cách điều hành xưởng in ấn tại trường đại học William Paterson. Tôi là bác sĩ tâm lý tại một phòng khám sức khỏe tâm thần nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi mời những người mà mình quen biết cũng như các cá nhân mà họ đề nghị.
Mạng lưới kết nối ấy đã phát triển theo một cách không ngờ. Tất cả được thực hiện thông qua thư tay và bưu thiếp hay còn gọi là thư từ bưu điện vào thời đó và nó phản ánh bản chất “thủ công” của toàn bộ quá trình giao tiếp. Các liên hệ không được xác định thông qua thuật toán máy tính mà là liên lạc cá nhân. Ban đầu, Artifacts sẽ là sản phẩm định dạng 2D, rẻ tiền, thô sơ ứng dụng các kỹ thuật Xerox (kỹ thuật sao chép không dùng mực in), dập cao su, in offset nhưng sau đó tôi đề xuất định dạng trang theo kích thước của chiếc túi nhựa Ziploc. Đột nhiên, Artifacts trở thành ấn phẩm định dạng 3 chiều với “các trang” làm từ chất liệu thép Korten cùng bản thu âm trong đĩa Flexi và hình vẽ graffiti phun sơn trên nhựa. Trong một ngày dài, một nhóm người đã tạo nên sản phẩm tổng hợp và cuối cùng đó là một chiếc hộp cực kỳ nặng thay vì là một cuốn sách.
Chiếc hộp chứa đựng văn hóa thời đại
Với các tác phẩm độc đáo về nhiếp ảnh, gốm sứ, sợi chất liệu, in ấn, quần áo, hội họa và tranh vẽ được kết hợp với nhau, cuốn sách này là một đối tượng riêng biệt theo đúng nghĩa của nó khi đã mở rộng khái niệm về những khả năng một cuốn sách có thể biến đổi. Ông có thể chia sẻ đôi điều về những ý tưởng đằng sau hình thái vật lý của Artifacts và ông nghĩ khía cạnh này phản ánh tác phẩm như thế nào?
Chúng ta biết mọi thứ về sự tuần hoàn của các phong trào nghệ thuật những năm 60 – văn hóa đại chúng, chủ nghĩa tối giản, nghệ thuật quang học, chủ nghĩa khái niệm, vâng vâng. Tuy nhiên, dường như không có định nghĩa nào được đưa ra về chúng vào những năm 70. Chế độ bá quyền đã bị phá vỡ và thuật ngữ kiến trúc “hậu hiện đại” được đưa ra để chỉ bất cứ điều gì xuất hiện lúc đó. Những gì phù hợp với khung cảnh chung của “thế giới nghệ thuật” lúc ấy bao gồm các buổi trình diễn, thiết kế công nghiệp, video, nghệ thuật truyện tranh, “thủ công”, graffiti và thời trang. Sự bao quát là những gì chúng tôi đang cố gắng đạt được, tựa như một lát cắt xuyên qua khoảnh khắc đáng chú ý.
Với tính chất tổng hợp nhiều lĩnh vực, cuốn sách quy tụ các nghệ sĩ thị giác, nhạc sĩ, vũ công, nhà thiết kế thời trang, vâng vâng. Nói về các tác phẩm trong cuốn sách, ông muốn đề cập đến điểm nhấn cá nhân nào?
Tôi khá thận trong khi chọn các tác phẩm yêu thích vì nó đi ngược lại với khái niệm về Artifacts như một thực thể bao quát trong chiếc hộp. Tuy nhiên, tôi sẽ đề cập đến ba tác phẩm mang lại niềm vui cho mình.
Các trang về nghệ thuật graffiti được vẽ bởi các thành viên của một nhóm có tên là Soul Artists, bao gồm Fab Five Freddy và Futura. Họ muốn các tác phẩm của mình có kích thước lớn và được vẽ trên chất nhựa để có thể gợi lên bức tranh trên cửa sổ tàu điện ngầm khi nó xuất hiện ở trên mặt đất được ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua. Mỗi tác phẩm graffiti là duy nhất và thật tuyệt vời khi nhìn thấy tất cả ở cùng nhau.
Sonja Katchian đã đóng góp một bức ảnh tuyệt vời về cựu vận động viên, nhà hoạt động từ thiện Mohammed Ali tham gia huấn luyện ở Zaire cho trận đấu của ông với George Foreman. Ông có chiến lược thi đấu của mình với cái tên “dựa lưng vào dây đai” và một trang trong Artifacts đã chứa đoạn dây từ sự kiện đó cùng với chữ ký của Ali.
Trang về Michelle Stuart là một hình ảnh xúc động về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Ý nghĩa của tác phẩm ấy đã phát triển qua nhiều năm khi khí hậu thay đổi. Hành tinh của chúng ta bây giờ có thể đang trên bờ vực với những lỗi lầm không thể nào sửa chữa được nhưng Michelle Stuart đã nhìn thấy những mối nguy hiểm rình rập từ 40 năm trước.
Hiện tại và tương lai của Artifacts
Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 40 của quyển sách, ông đã thực hiện video phỏng vấn với các nghệ sĩ tham gia vào dự án này với sứ mệnh mô tả các tác phẩm và tư tưởng văn hóa thời đại của những năm 1970. Ông có thể chia sẻ thêm về điều đó không?
Artifacts được gắn với yếu tố thời gian – một chiếc hộp thời gian. 44 tác phẩm, được niêm phong và lưu trữ mang tính chất rất khác khi chúng được tìm thấy vào 40 năm sau đó. Chúng là những di vật của một thời đại đã qua. Khi xem lại những nghệ sĩ đóng góp vào dự án, chúng ta có được một góc nhìn khác về thời gian và lịch sử, về cách mà họ nhìn lại những gì mình đã tạo ra, cách mà các thời đại được hồi tưởng lại và cách cuộc sống của chúng tiếp diễn.
Toàn bộ quá trình thực hiện các video này rất thú vị khi tôi làm việc cùng với người đồng nghiệp 30 tuổi William Markarian-Martin. Anh ấy không chỉ là một biên tập viên xuất sắc và hiểu biết rộng mà còn có sự cảm thụ về nền văn hóa hiện tại. Chúng tôi đã mở rộng sứ mệnh ban đầu của mình sang việc tạo ra một trang web ARTIFACTS.movie với sứ mệnh giới thiệu nhiều điều hơn về kỷ nguyên thập niên 70-80. Chúng tôi bắt đầu với một nhóm người hữu hạn, những người đóng góp cho công trình chung và bây giờ chúng tôi đang mở rộng cánh cửa chào đón một nhóm nghệ sĩ rộng lớn hơn. Trang web sẽ hoạt động vào cuối năm nay.
Dịp kỷ niệm quan trọng này cũng sẽ được tổ chức bằng một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Đại học Massachusetts ở Amherst. Cách thức thực hiện giám tuyển của buổi triển lãm là gì và ông nghĩ nó sẽ mang lại những góc nhìn mới nào?
Cách mà triển lãm của Đại học Massachusetts được tổ chức là hai sinh viên tốt nghiệp ngành lịch sử nghệ thuật, Jill Hughes và Jessica Scott, được trao cơ hội tạo ra một cuộc triển lãm hoàn toàn từ các tác phẩm trong bộ sưu tập của bảo tàng. Họ phát hiện ra rằng mình đã nhiều lần bị thu hút bởi những tác phẩm có nhãn, “Artifacts at the End of a Decade“, nhưng không biết điều đó có nghĩa là gì. Khi tìm thấy chiếc hộp, họ đã rất ngạc nhiên về nội dung của nó và quyết định dành toàn bộ cuộc triển lãm cho các tác phẩm này.
Đối với tôi và Carol Venezia, thật hấp dẫn khi thấy Artifacts được mô tả bằng các thuật ngữ lịch sử nghệ thuật và thấy những mối liên hệ mà chúng tôi đã không có được trong quá trình tạo ra nó. Nói tóm lại, công trình này đã được tạo ra với một bản kế hoạch đơn sơ cách đây 40 năm nhưng giờ đây nó đã có một cuộc đời độc lập, ý nghĩa của nó và nó cũng sẽ dần thay đổi theo năm tháng.
Cuốn sách là một chiếc hộp thời gian chứa đựng nhiều thứ và tạo ra nhiều thảo luận quan trọng trong nhiều năm. Ông thấy dự án và tác động của nó ở hiện tại so với ý tưởng ban đầu khi bắt tay vào thực hiện là như thế nào? Ngoài ra, ông nghĩ nó liên quan đến thời buổi hiện tại như thế nào?
Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một chiếc hộp thời gian phản ánh các chất liệu của thời đó, từ sợi Lycra trong chiếc váy của Betsey Johnson đến quy trình sao chép màu khô mới được phát triển trong tác phẩm nghệ thuật cắt dán của Sandi Fellman và bản thu đĩa Flexi của Laurie Anderson và Martha Rosler.
Chúng tôi muốn tạo ra một vật thể bất chấp mọi thể loại và hình thức. Nhà phê bình nghệ thuật John Perreault đã viết trong một bài luận rằng:
Nếu chúng ta tạo ra một chiếc hộp thời gian hôm nay, nó có thể sẽ trở thành các định dạng kỹ thuật số. Có thể Artifacts vào năm 2021 sẽ trở thành tài sản NFT, một danh mục được lưu trữ trên nền tảng kỹ thuật số. Hoặc có thể đó sẽ là một trang Instagram thể hiện tác phẩm của một nhóm nghệ sĩ chỉ được kết nối với nhau thông qua không gian mạng? Hoặc có lẽ nó sẽ là phản hồi cho sự thất vọng với các xu hướng hiện tại trong nghệ thuật kỹ thuật số, một bộ sưu tập từ các nghệ sĩ trên toàn thế giới, những con người tiếp tục làm việc trong các hình thức vật lý. Dù ở bất kỳ hình thức nào đi nữa thì cuối cùng nó sẽ thể hiện được tình hình thường thức nghệ thuật đương đại vào năm 2021.
Cho đến nay, cuốn sách là chủ đề của một số cuộc triển lãm và là một phần của một số bộ sưu tập tại bảo tàng. Ông nhận định tương lai của Artifacts như thế nào?
Cho đến nay, Artifacts đã có hơn 60 cuộc triển lãm và tôi nghĩ rằng sẽ còn rất nhiều sự kiện như thế diễn ra trong thời gian tới. Đó là một công trình ngày càng được quan tâm khi mang theo những tinh hoa của thời xa xưa. Chúng tôi đã thực hiện những video phỏng vấn với các nghệ sĩ để làm tư liệu hỗ trợ cho các cuộc triển lãm trong tương lai. Tôi thấy rằng chúng hấp dẫn và chứa đựng nhiều thông tin hơn so với những tiêu đề gắn dưới những tác phẩm. Vì Artifacts có thể được “tiếp thu” và cung cấp rất nhiều thông tin, tôi nghĩ rằng nó sẽ tìm được vị trí của mình, đặc biệt là trong các viện bảo tàng của trường đại học. Tôi thấy rằng nó sẽ được điều chỉnh nhiều lần thông qua sự thay đổi của văn hóa.
Ảnh feature: Artifacts at the End of a Decade; ảnh thực hiện bởi Steven Petergorsky.
Hình ảnh khác thực hiện bởi Carol Huebner Venezia.
Về tác giả:
Elena Martinique, bí danh của Jelena Martinović, tốt nghiệp ngành triết học và quan tâm đến nghệ thuật và phê bình. Tổng biên tập tại Widewalls.
Biên tập: Đáo