Kim chỉ nam về màu sắc trong Branding

Màu sắc trong branding thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố: brief của khách hàng, kinh nghiệm của designer, sở thích hay thậm chí là theo xu hướng từng năm,… nhưng đâu mới là sự kết hợp đúng đắn để cho ra một bảng màu hoàn hảo? Bài viết này sẽ có những gợi ý hữu ích dành cho bạn.

Theo một nghiên cứu của đại học Loyola Maryland, bộ não luôn ghi nhận về màu sắc trước tiên, sau đó mới đến hình ảnh và kiểu chữ; một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng, màu sắc có thể gia tăng khả năng nhận thức của bộ não lên đến 80 phần trăm. Vì thế, nếu bạn đang muốn xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo được sức ảnh hưởng và thuyết phục khách hàng mua thiết kế của bạn, vậy thì màu sắc chính là yếu tố then chốt mà bạn không thể bỏ qua.

Lý thuyết về màu sắc trong branding

Để tạo ra một sự kết hợp hài hòa về màu sắc, trước hết, các designer cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản: lý thuyết về màu sắc và bảng tuần hoàn màu sắc. Nhưng liệu bạn có bao giờ thắc mắc, những nguyên tắc này có ý nghĩa như thế nào trong branding?

Lý thuyết về màu sắc cổ điển dựa trên bảng tuần hoàn màu sắc

Theo Jonny Naismith, giám đốc sáng tạo của Moving Brands New York, lý thuyết về màu sắc có thể cung cấp những xuất phát điểm cực kì hữu ích cho việc ra quyết định về bảng màu trong một dự án về nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể tìm kiếm những màu sắc thật đặc biệt từ những nguồn tham khảo khác nhau.

Sáng tạo là một thị trường bão hòa với đầy rẫy những ý tưởng và gợi ý khiến mọi thứ trở nên thật khó khăn để tìm ra được một màu sắc phù hợp.

Moving Brands luôn cố gắng tận dụng mọi nguồn tham khảo và thông tin hữu ích nhất để tạo ra màu sắc ấn tượng và đáng nhớ, vượt xa khỏi chuẩn mực thông thường. Chất liệu, nhiếp ảnh, hoặc sản phẩm bày bán tại các cửa hàng… sẽ là những gợi ý tuyệt vời giúp bạn tìm ra màu sắc hoàn hảo cho dự án.

Trong giai đoạn nghiên cứu, các nhà thiết kế của Moving Brands luôn vận dụng công cụ để tìm kiếm những màu sắc thật sự phù hợp, có thể kể đến như Colour CC, Adobe colour, Pantone’s Studio app giúp chuyển đổi màu sắc trong các bức ảnh thành một bảng màu và bạn hoàn toàn có thể sử dụng những màu sắc này cho các thiết kế của mình, hoặc một công cụ khác – đó là Colorable – giúp bạn kiểm định lại sự kết hợp màu sắc của mình liệu có phù hợp với Web Content Accessibility Guidelines (WCAG – tiêu chuẩn hỗ trợ hiển thị của một website) hay không.

Moving Brand tạo ra một tổ hợp màu sống động với những bảng màu trung tính cơ bản cực kì hữu ích cho các designer

Tổng giám đốc sáng tạo của tổ chức Interbrand – Sue Daun đồng ý với những lợi ích mà lý thuyết màu sắc mang lại, nhưng bà cũng nói thêm, những nguyên tắc về màu sắc sẽ không phát triển theo bất kì khuôn khổ cứng nhắc nào.

Trong khi nhiều công cụ hỗ trợ về màu sắc được phát triển dựa trên những cảm nhận trực quan thì trong branding, bạn sẽ phải truyền đạt nhiều thứ hơn nữa, sáng tạo nhiều hơn nữa, và thoát khỏi những khuôn khổ truyền thống để có thể tạo ra tác phẩm mang dấu ấn của mình.

Không có một công thức hoàn hảo nào vì mỗi công việc và mỗi thương hiệu đều sẽ có sự khác biệt. Thỏa thuận với những khách hàng khác nhau sẽ hướng đến các mục tiêu khác nhau. Sẽ có những hướng đi, những chỉ dẫn mới dành cho các đối tượng riêng biệt, xây dựng nên phong cách và những công thức “hoàn hảo” cho từng đối tượng.

Ý tưởng về màu sắc trong quy trình sáng tạo

Bất kì một nhân tố nào trong các thiết kế đều cần được đánh giá kĩ lưỡng, vì khi bạn kết hợp màu sắc phù hợp sẽ tạo nên sự tương quan trong đồ họa và mang lại bộ mặt hoàn toàn mới cho thương hiệu. Sẽ không có công thức độc nhất nào cho việc phối màu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không cần một tiến trình cụ thể để tạo nên bảng màu hoàn hảo.

Tại Interbrand, vào giai đoạn bắt đầu phát triển ý tưởng, mọi người trong team sẽ cùng nhau nghiên cứu về những đặc điểm mang dấu ấn riêng của thương hiệu, xây dựng nên những mô phỏng ban đầu. Tiếp đến là xác định màu sắc chủ đạo và tỷ lệ phân chia sao cho hợp lý, mục đích vận dụng màu sắc là gì. Bất kì mọi quyết định đều sẽ tập trung vào câu chuyện mà dự án muốn gởi gắm. Tất cả đều phải thật rõ ràng và đồng điệu với nhau.

Interbrand đã vận dụng các gam màu xanh sống động nhưng hài hòa trong dự án cùng thương hiệu Siemen

Tập đoàn toàn cầu chuyên về xây dựng và phát triển chiến lược Siegel+Gale cũng có cách tiếp cận tương tự. Để tìm được bảng màu “chuẩn”, các thành viên trong team sẽ bắt đầu với những câu hỏi cơ bản nhất: thông điệp mà mọi người muốn gởi gắm là gì? Và bằng cách nào có thể truyền tải hết những thông điệp này đến người xem? Các designer của Siegel+Gale sẽ làm việc trực tiếp với các chuyên gia chiến lược để tìm ra câu trả lời, và nhanh chóng tạo ra những mô phỏng toàn diện để phát triển các ý tưởng chính. Sau đó, sẽ có giai đoạn kiểm nghiệm lại để chắc chắn rằng concept trong project sẽ nhận lại được những phản hồi tích cực.

Khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng, bạn sẽ khám phá ra cách đưa những ý tưởng sơ khởi này vào thực tế. Hình ảnh, màu sắc chính là ngôn ngữ trực quan nhất, vì vậy, bạn cần xem xét cẩn thận mức độ nội dung muốn đưa vào thiết kế của mình. Mỗi thương hiệu nên xác định phong cách cụ thể để làm điểm nhấn cho riêng mình, sau đó, màu sắc sẽ giúp bạn kể phần còn lại.

Màu sắc có ngôn ngữ riêng, nhưng để chọn được một bảng màu phù hợp, đôi khi bạn sẽ cần đến sự tùy hứng.

Khi đi tắm, mỗi người sẽ có những hành động khác nhau, như việc bắt đầu kì cọ trước hay dùng xà phòng trước, nhưng tất cả đều sẽ hướng đến một mục đích duy nhất là làm sạch cơ thể mình.

Màu sắc và tâm lý học

Tại sao lý thuyết màu sắc có thể sẽ không mấy hữu dụng khi xây dựng ý tưởng branding?

Vì những khuôn mẫu truyền thống đó dễ dàng vận dụng với tác phẩm của designer hay họa sĩ, nhưng lại thiếu đi nguyên tắc về tâm lý học và hành vi bên trong của con người – những yếu tố không thể thiếu trong việc kết nối thương hiệu đến với đối tượng người dùng.

Theo Karen Haller, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ứng dụng tâm lý học vào màu sắc cho biết trên thực tế, có rất nhiều màu sắc mà bạn không thể liệt kê hết được chứ không chỉ gói gọn trong bảng tuần hoàn màu. Để thật sự nắm bắt cách sử dụng màu sắc và mang lại hiệu ứng mong muốn, bạn cần hiểu được cách mà màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý người xem, theo những góc độ khác nhau như: tâm thần học, vật lý học và các mức độ cảm xúc.

Haller cảnh báo rằng, có rất nhiều lý thuyết về tâm lý học bình dân (pop psychology) và bạn sẽ rất lúng túng khi lựa chọn cho mình một yếu tố phù hợp. “Nhiều người vận dụng tâm lý học trong việc lựa chọn màu sắc, tiếng nói mà màu sắc thể hiện và những dấu ấn cá nhân trong việc thiết kế, sau đó trộn lẫn tất cả thành một tổng thể cho thiết kế của mình. Nhưng đôi khi, hiệu ứng mang lại không được như mong muốn. Có thể bởi vì bạn đã không kết hợp hài hòa những yếu tố trên”.

Tiếng nói của màu sắc

Yếu tố này thường phụ thuộc vào một nền văn hóa nhất định. Ví dụ như ở Trung Quốc, màu đỏ thường tượng trưng cho sự may mắn nhưng màu trắng lại đại diện cho sự chết chóc. Trong khi đó, tại các nước theo đạo Hồi, màu xanh lá cây sẽ tượng trưng cho nhà tiên tri Muhammad, vì vậy không thể dùng màu xanh cho việc thiết kế sản phẩm, nhưng một vài ngân hàng vẫn có thể sử dụng màu này cho logo của họ để truyền tải thông điệp về niềm tin và sự minh bạch.

Dấu ấn cá nhân trong thiết kế

Dấu ấn cá nhân thường sẽ liên quan đến kí ức hoặc kinh nghiệm mà cá nhân đó có được. “Bạn có thể ưa thích màu đỏ gạch vì bạn đã từng đến vùng Tuscany của Ý, hoặc bạn chọn màu đỏ truyền thống vì điều này gợi nhắc cho bạn về chiếc xe đạp thân thương thuở ấu thơ.”

Có vị khách hàng nào đã từng nói rằng bảng màu của bạn trông giống màu phòng ngủ của con gái họ chưa? Hoặc khi bạn từng tham dự vào bất kì cuộc tranh luận bất tận nào, bạn sẽ nhận ra rào cản của việc sử dụng dấu ấn cá nhân để lựa chọn màu sắc, và cuối cùng, bạn sẽ có được đáp án cuối cùng cho mình.

Bên cạnh đó, có một vài nguyên tắc bạn cần tránh. Không giống với 2 yếu tố trên, việc vận dụng màu sắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm thức của người xem, về cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Theo Haller, những phản ứng trên không hoàn toàn bộc lộ một cách khách quan, mà có thể hình thành từ trong niềm tin của mỗi người.

Sự diễn giải màu sắc của một tập người rất đa dạng (bạn có thể cảm nhận màu đỏ đi kèm với cảm giác hưng phấn, và một số người khác thì cho rằng màu đỏ tượng trưng cho sự hung hãn), nhưng khi tâm lý học được kết hợp với màu sắc, các phản ứng trên có thể được dự đoán chính xác đến mức ngạc nhiên.

Chén Thánh của sắc màu

Haller không phải là người duy nhất có nhận định này. Trong những năm 80, một nhà tâm lý học màu sắc – Angela Wright – đã phân tích sự liên kết giữa màu sắc và hành vi con người. Bà khám phá ra rằng, màu sắc có thể chia thành 4 nhóm riêng biệt với những trạng thái tâm lý tương ứng, và hoàn toàn có thể tính toán hiệu ứng mang lại dựa trên từng cấp độ màu khác nhau trong từng nhóm màu.

Wright đã phát triển một công cụ gọi là Colour Affects giúp liên kết 4 loại hành vi cá nhân cơ bản với 4 nhóm màu sắc, dựa trên những nghiên cứu chính thống của các nhà khoa học như Aristotle, Newton và một nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe.

Tập đoàn dầu nhớt BP sử dụng nhóm màu thứ nhất cho thiết kế logo; công ty chuyên về nội thất phòng ngủ sử dụng nhóm màu thứ 2; thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s sử dụng nhóm màu thứ 3; trong khi đó công ty dầu mỏ của Mỹ – Texaco sử dụng nhóm màu thứ 4.

Các màu trong một nhóm sẽ luôn hài hòa và là cùng là chất xúc tác cho những phản ứng tâm lý đặc trưng trong tiềm thức mỗi người. Ngược lại, sự kết hợp màu sắc trong những nhóm màu khác nhau sẽ tạo nên những phản ứng trái ngược và không hề tương đồng. Theo lý thuyết, nếu nhà thiết kế có thể thiết lập một bảng màu truyền tải được tất cả thông điệp của thương hiệu, thì bảng màu này hoàn toàn có thể tương tác được với các đối tượng người xem hướng đến – miễn là mỗi màu sắc được sử dụng đều nằm trong cùng một nhóm màu sắc.

Đã có hàng triệu đô la bị lãng phí khi các công ty đấu tranh để chiến dịch truyền thông của mình khơi gợi được cảm xúc người xem, hoặc sa đà vào những cuộc tranh luận không hồi kết về màu sắc, để rồi cuối cùng lại đi theo những gam màu cơ bản nhàm chán. Nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng từng nhóm màu cơ bản để tính toán những hành vi cá nhân có thể xảy ra, và củng cố thông điệp mà thương hiệu muốn gởi gắm.

Hãy chọn đúng câu hỏi

Vậy bạn đã chọn được cho mình bảng màu “hoàn hảo” chưa? Với bất kì một dự án nhận diện thương hiệu nào, luôn cần xác định đúng câu hỏi để tìm ra phong cách chủ đạo. Laurie Pressman, chủ tịch của Viện màu sắc Pantone, đã đưa ra những câu hỏi mà bạn cần liệt kê, đó là: thương hiệu của bạn đại diện cho cái gì; thông điệp mà bạn muốn truyền tải là gì; màu sắc sẽ giúp bạn kể lại câu chuyện theo cách nào; và đối tượng hướng đến là ai?

Nếu bạn hướng đến một nhóm đối tượng toàn cầu, thì liệu nền văn hóa của từng địa phương sẽ nhìn nhận màu sắc mà bạn lựa chọn theo những ý nghĩa nào?

Thương hiệu Mast lựa chọn các gam màu tự nhiên khi tung ra sản phẩm mới

Bà còn bổ sung thêm một yếu tố quan trọng, đó là màu sắc và các xu hướng về màu sắc có thể khuyến khích và thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng. “Hãy xem xét về việc bạn có nên sử dụng một gam màu đi ngược lại truyền thống để truyền tải câu chuyện của mình? Và liệu màu sắc đó có làm nên sự khác biệt cho bạn so với các đối thủ cạnh tranh? Sự độc đáo luôn đáng giá hơn những gì bạn nghĩ.”

Công ty tư vấn SomeOne có trụ sở đặt tại London cũng luôn vận dụng nguyên tắc trên. Quy trình của công ty, là khảo sát và nghiên cứu về các đối thủ cạnh tranh, sau đó thiết lập nên những quy tắc chung và cuối cùng, tìm ra những chỗ trống cần khắc phục và đưa những phân tích này cho các khách hàng của mình. Để kiểm định về tính khả thi của chiến lược, công ty sẽ bắt đầu kiểm tra những ứng dụng trực quan hóa trước khi quyết định in ấn, và sau đó kiểm nghiệm khả năng tiếp cận và tính hữu ích cho dự án.

SomeOne sử dụng gam màu tươi sáng, lạc quan cho thương hiệu St Catherine’s Hospice nhằm kêu gọi quyên góp

(…)

Để chọn được bảng màu “chân ái” cho thiết kế của mình, các designer cần phải hiểu được cách mà màu sắc tương tác lẫn nhau. “Có hàng nghìn sắc độ xanh lá cây. Và bạn cần phải hiểu rõ về ý nghĩa mà mỗi sắc độ màu mang lại liệu có phù hợp với nội dung bạn muốn truyền đạt hay không?” – chia sẻ từ Haller. Bất kể lựa chọn của bạn là gì, cũng đừng lo ngại rằng mình sẽ vượt ra khỏi những nguyên tắc truyền thống!

Con người luôn có sẵn sợi dây kết nối cảm xúc với màu sắc. Sau những cảm nhận đầu tiên, tiềm thức con người mới bắt đầu tiếp nhận hình dáng, logo và rồi bắt đầu đọc những con chữ kèm theo sau đó. Theo cách nào ư? Ngọt ngào, rực rỡ, mạnh mẽ hay sâu sắc? Hãy chơi đùa với màu sắc – một cách chân thật – và để màu sắc kể chuyện với thế giới.

Lược dịch: Thụy

Tổng hợp từ nguồn: Creative Bloq

Cùng tác giả

#Tag

Adobe colour bảng tuần hoàn màu sắc branding color theory Colour CC Dấu ấn cá nhân trong thiết kế Kiến thức lý thuyết màu sắc màu sắc màu sắc branding Màu sắc và tâm lý học ngôn ngữ màu sắc Pantone’s Studio app sáng tạo màu sắc thiết kế nhận diện thương hiệu

iDesign Must-try

Facebook công bố nhận diện thương hiệu mới
Facebook công bố nhận diện thương hiệu mới
Meta đã công bố giai đoạn đầu tiên của quá trình làm mới thương hiệu cho Facebook, vẽ lại logo và wordmark, đồng thời giúp màu xanh đặc trưng của…
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Dự án rebranding Chuồn Chuồn Bistro & Bar: ‘Lựa chọn yếu tố cảm xúc là điều đầu tiên InSpace nghĩ đến’
Dự án rebranding Chuồn Chuồn Bistro & Bar: ‘Lựa chọn yếu tố cảm xúc là điều đầu tiên InSpace nghĩ đến’
Tôn trọng thiên nhiên và phát triển bền vững là xu hướng kinh doanh trong những năm gần đây của nhiều doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực F&B. Không…
Dsuy: Sáng tạo dựa trên nước Đức, thiết kế nhận diện thương hiệu linh hoạt FVS
Dsuy: Sáng tạo dựa trên nước Đức, thiết kế nhận diện thương hiệu linh hoạt FVS
Thuật ngữ Flexible Visual System (FVS), văn hóa bản địa ở Đức, một phần về phương pháp tìm hiểu (research) sẽ được gợi mở trong bài viết này… Là người…
7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Màu sắc
7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Màu sắc
Màu sắc là yếu tố thị giác tạo ra hiệu ứng mạnh nhất tới cảm xúc của chúng ta. Chúng ta sử dụng màu sắc để tạo ra tâm trạng…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…