Hội chứng “nghiện” công nghệ có phải là một dạng của tình yêu?

Chúng ta sử dụng công nghệ để giao tiếp với mọi người, như một phương thức để định hình chính mình trong thế giới hiện đại, tự mình xâu chuỗi với khớp nối “đông đúc” và tự vẽ nên hình ảnh mà ta muốn phô diễn ra thế giới. Nhưng điều này có thật sự mang lại những giá trị như chúng ta vẫn hằng mong muốn?

Công chúng biết đến Debbie Millman phần nhiều qua Design Matters – tác phẩm podcast đầu tiên và dài nhất về thiết kế (podcast hoặc nói chung là netcast, là một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe) trên thế giới. Nhưng còn hơn thế, Debbie Millman còn xuất hiện với vai trò là nhà văn, nhà giáo dục, nghệ sĩ và nhà thiết kế người Mỹ tài năng sở hữu nhiều tác phẩm ấn tượng.

Qua cuộc triển lãm mới nhất của mình “Text Me: How We Live in Language” (tạm dịch: Hãy nhắn cùng tôi: Cách chúng ta sống trong ngôn ngữ) tại Viện Bảo Tàng Thiết kế Atlanta, hãy cùng tác giả Rob Alderson trò chuyện đôi chút với Debbie về từ ngữ, mối quan hệ giữa chúng ta và con chữ đã thay đổi như thế nào.


Đi tìm câu trả lời cho hội chứng “nghiện” công nghệ

Rob Alderson: Một trong những ý nghĩa mà triển lãm của chị muốn truyền tải, đó là “để được nhìn về cách chúng ta sống trong ngôn ngữ và cách mà ngôn ngữ định hình cuộc sống của chúng ta”. Chị hãy giải thích rõ hơn một chút về điều này nhé!

Debbie Millman: Chúng ta chịu sự lệ thuộc vào ngôn ngữ. Chẳng ai có thể dự đoán trước được, việc gởi đi những tin nhắn bằng văn bản lại có thể trở nên phổ biến đến như vậy. Cũng như việc những chiếc điện thoại bàn rồi đã bị khai tử. Chúng ta dường như cảm thấy thoải mái với việc đối thoại qua những con chữ trong tin nhắn, hơn là qua việc chuyện trò trực tiếp bằng điện thoại. Mặc dù ai cũng hiểu rằng, việc nói chuyện qua điện thoại sẽ diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Rob Alderson: Liệu có phải chỉ đơn giản là công nghệ làm thay đổi nền văn hóa nhân loại, hay phải chăng chính chúng ta đã luôn chờ đợi điều gì đó xảy đến. Đó có phải là cách “thả” cho chúng ta sự tự do và thoát khỏi những cuộc chuyện trò qua điện thoại?

Debbie Millman: Tôi nghĩ rằng công nghệ đã thay đổi văn hóa, nhưng sau đó, tôi lại nghĩ theo một hướng ngược lại. Và dường như điều này cũng đúng, tức là văn hóa cũng đã tác động và làm thay đổi nền tảng và xu hướng phát triển của công nghệ.

Tôi thường đùa rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại với nền văn hóa bị giới hạn bởi 140 kí tự trên Twitter. Chúng ta dần trở nên rất giỏi trong việc giấu đi những ý tưởng, ý kiến hoặc những đánh giá trong suy nghĩ của mình.

Rob Alderson: Điều đó tốt hay xấu?

Debbie Millman: Cả hai!!! Tôi cho rằng sẽ thật lạ lùng khi đánh giá về tính khả thi của việc kết nối và truyền tin tức trên phạm vi toàn cầu. Bằng một cách thức bất ngờ nào đấy, tin nhắn mà bạn gởi đến cho 453 bạn bè trong danh sách của mình có thể sẽ trở thành một tin nhắn công khai với bất kì ai, dù bạn muốn hay không muốn.

Chúng ta sống trong những thiết bị hiện đại của chính mình, và chịu đựng sự cô lập trong cuộc sống thực, bởi chúng ta không có ai để đặt lòng tin hay sự kết nối cùng.

Giờ đây, chúng ta có thể nhìn thấy được cách mà công nghệ đang dần ảnh hưởng đến nền văn hóa đương đại. Chà!! Loài người đã được định sẵn là luôn mong muốn và cần phải được kết nối. Bạn có tò mò rằng khi nào chúng ta trở nên hạnh phúc nhất không? Các nhà thần kinh học đã tìm ra được điều này – rằng chúng ta hạnh phúc nhất khi bộ não của chúng ta có sự cộng hưởng hài hòa với những người xung quanh. Đó là khi chúng ta cảm thấy rằng mình an toàn nhất.

Loài người đã được định sẵn là luôn mong muốn và cần phải được kết nối. Chúng ta hạnh phúc nhất khi bộ não của chúng ta có sự cộng hưởng hài hòa với những người xung quanh. 

Chiếc iPod đầu tiên ra mắt chỉ sau 6 tuần kể từ sự kiện 11/9. Từ thời điểm 2011 đến đầu năm 2005, nếu bạn nhìn vào phản ứng của dư luận xung quanh loại công nghệ hoàn toàn mới vào lúc ấy, có thể phần nào chính bạn cũng có thể đoán trước được “lời phán quyết” của thiết bị này – rằng chúng ra sẽ sử dụng iPod để làm thu hẹp lại khoảng cách của xã hội. 

Rồi Myspace ra đời trong năm 2005 và nhanh chóng sở hữu lượng truy cập nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Ứng dụng này trở thành phương thức chủ yếu để chúng ta kết nối, và điều này chỉ thay đổi và phủ sóng với mức độ không thể tưởng tượng nổi cho đến khi Facebook ra đời.

Những thiết bị điện tử với vô số chức năng hiện đại đang “giăng bẫy” khiến nhiều người có cảm giác rằng mình đã “rơi vào lưới tình” của chúng, nhưng sự thật không phải như vậy.

Chúng ta “rơi” vào sự thèm khát kết nối – loại bản năng của con người sẽ dễ dàng được thỏa mãn bởi sự hiện đại của công nghệ, nhưng điều này chỉ diễn ra trong chốc lát.

Ở thời điểm hiện tại, bất kì ai cũng dễ dàng có được khả năng kết nối với mọi người. Nhưng đây cũng chính là lúc chúng ta dần định vị lại bản thân chúng ta và tạo ra thương hiệu của riêng mình, thông qua Instagram, Facebook và trên cả Twitter. Một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đó là những bạn trẻ thuộc thế hệ Z (GenZ) hay còn được gọi là Generation D. Họ luôn dễ dàng cảm thấy chán nản chỉ bởi không nhận được số nút like như mong muốn, và sau đó, chính họ sẽ cảm thấy không tốt về bản thân mình.

Chúng ta sử dụng mạng xã hội như một phương thức giúp chúng ta định hình chính mình trong thế giới hiện đại. Tự mình xâu chuỗi bản thân với khớp nối “đông đúc” đầy những người và tự vẽ nên hình ảnh mà chúng ta muốn phô diễn cho thế giới. Nhưng điều này thật sự rất nguy hiểm và đôi khi, dẫn dắt chúng ta đến những hậu quả khó có thể lường trước.

Rob Alderson: Sự phát triển mạnh mẽ của Instagram và Snapchat mở ra một thế giới đầy những hình ảnh hoa mỹ và giúp người dùng “tự tái tạo” lại hình ảnh của chính mình. Ý kiến của chị về điều này ra sao?

Debbie Millman: Đôi khi những hình ảnh đấy không đến từ sự nguyên bản. Đó có thể là hình ảnh tuyệt vời nhất của họ. Nhưng vẫn còn những ngày chúng ta phải đấu tranh với stress, say xỉn sau những cuộc vui thâu đêm đến kiệt sức, hay những ngày lười biếng khiến bạn chẳng muốn tô điểm cho vẻ xinh đẹp của mình. Bạn sẽ không thấy chúng hiện diện trên Instagram.

Rob Alderson: *cười lớn* Thật ra vẫn còn nhiều vấn đề khác tồn tại xung quanh cuộc sống “ảo” trên mạng xã hội, đó là không ai muốn đọc nhiều. Nếu để ý, chúng ta có thể nhận ra rằng xã hội đang dần loại trừ những kí tự văn bản – công cụ mà chúng ta đã “tôn thờ” và sử dụng trong suốt nhiều thập kỉ qua và chuyển dần sang xu hướng của những hình ảnh và video. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Debbie Millman: Đây thực sự là điểm mấu chốt.

Cư dân trên mạng xã hội không chỉ không muốn đọc, mà phần lớn còn có xu hướng thể hiện rằng mình đã đọc về điều đó rồi.

Cũng giống như việc bạn thoải mái bày tỏ ý kiến của mình chỉ qua việc đọc tiêu đề của một bài báo mà bỏ qua phần nội dung chính trong bài báo đó. Và tôi nghĩ rằng, có nhiều thứ đã thay đổi vì chính nhu cầu của loài người hiện đại. Chúng ta cảm thấy “ngộp thở” giữa những kí tự trong tin nhắn, những hộp thoại inbox và thế giới quảng cáo màu mè. Tôi cho rằng việc đọc đang dần trở nên khan hiếm hơn nhưng đó cũng là một điều tất yếu, bởi con người sẽ dần thích nghi với cuộc sống có quá nhiều thứ đang cố gắng thu hút sự chú ý của họ.

Rob Alderson: Tôi có cảm giác rằng ngôn ngữ chữ viết đang dần mất đi quyền năng của chúng, mất đi ý nghĩa mà ngôn từ thể hiện vì vòng xoáy của xã hội và chính trị đang lạm dụng ngôn ngữ để đánh bóng tên tuổi của họ.

Debbie Millman: Chắc chắn rồi, chẳng còn phải nghi ngờ gì cả. Luôn có những “sự thật thay thế” hiển thị trước mắt chúng ta một cách rõ ràng. Điều này làm tôi thật sự lo ngại.

Ngôn ngữ tạo ra những “đường dẫn” giúp cho bộ não tiếp nhận thông tin và từ đó, giúp con người nhận biết được thực tại đang diễn ra như thế nào. 

Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để định hình và tái hiện lại cuộc sống của chính mình, về cách chúng ta sống, về những thứ diễn ra xung quanh chúng ta và ý nghĩa của cuộc đời. Sự thật rằng chúng ta đang sử dụng ngôn ngữ một cách bừa bãi, lộn xộn và thiếu đi tính chính xác để mở ra những cánh cửa dẫn đến thiên đường mà chúng ta ao ước. Nhưng điều này là một sự sai lầm rất kinh khủng! 

Thử tưởng tượng xem, khi chúng ta xây dựng thế giới quan và niềm tin của chúng ta dựa trên những điều không chính xác, và cộng đồng ấy cứ không ngừng lớn lên. Thật đáng sợ!

Chúng ta đang lạc lối!


Mối liên hệ khăng khít giữa ngôn ngữ, thiết kế và nghệ thuật

Rob Alderson: Tạm bỏ qua những câu chuyện u ám như ở trên nào. Tiếp đến hãy cùng độc giả chia sẻ về niềm đam mê của chị khi khám phá mối liên kết giữa nghệ thuật, ngôn ngữ và công việc thiết kế. Hãy chia sẻ một chút về cách mà chị nhìn nhận mối liên hệ này?

Debbie Millman: Tôi cho rằng chúng ta sử dụng ngôn ngữ để làm giàu vốn kiến thức và xây dựng niềm tin, giá trị của chúng ta. Và còn cả những bí mật, hay cách mà chúng ta giải thích về những thứ xung quanh nữa. Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ như những tòa nhà, giúp chúng ta bảo vệ một khối lượng lớn những kí ức và kiến thức mà chúng ta học hỏi được. Ngoài ra, ngôn ngữ còn giúp kết nối chính chúng ta với nhân loại, với quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Tôi luôn cho rằng cái cách mà sự thật tồn tại, và cách mà chúng ta đang nắm giữ sự thật, chúng cùng tồn tại với nhau thật sự rất quyến rũ! Tôi đã truyền tải những điều ấy vào các tác phẩm của mình

Sau nhiều năm trong nghề, tôi nhận thấy thực ra mình không hứng thú với việc hoàn thành một tác phẩm bằng việc đắm mình vào quá trình tạo ra chúng.


Bài tập nhiệm màu về sứ mệnh cuộc đời

Debbie Millman: Tôi đã dành một mùa hè năm 2005 để học hỏi thầy Milton Glaser tại trường Visual Arts. Tôi còn nhớ khi ấy, thầy đã từng yêu cầu tất cả sinh viên hãy lên một kế hoạch – 1 sứ mệnh cuộc đời mà họ theo đuổi trong 5 năm tới với sự chi tiết nhất có thể – với những việc mà chúng ta đang làm, nơi chúng ta sống, những người bên cạnh chúng ta, và loại công việc mà chúng ta muốn làm và tôi thật sự đã hoàn thành đề bài thầy giao một cách rất nghiêm túc.

Không chỉ trả lời những câu hỏi mà thầy đưa ra, tôi đã lên một danh sách tất cả những giấc mơ mà tôi khao khát có được.

Trong lớp học của thầy Milton, chúng tôi được khuyến khích không chia sẻ với nhau về điều này, thậm chí là bất kì đáp án cho bài tập nào mà chúng tôi được giao, vì hành động này có thể vô tình “dẫm nát” giấc mơ của ai đó.

Tôi vẫn còn nhớ rõ về danh sách những điều mà tôi muốn, trong đó có việc tổ chức những buổi triển lãm về nghệ thuật thiết kế. Mọi thứ đến với tôi chậm hơn dự định. Sau 5 năm miệt mài thực hành bài tập của thầy Milton, tôi có thể nói rằng 80% dự định đã thành sự thật và tiếp đến là 90% sau 10 năm,  và giờ đây, với triển lãm của chính tôi. Tôi có thể tự hào nói rằng, 100% những điều mà tôi đặt ra trong danh sách ấy đã thực sự thành hiện thực.

Rob Alderson: Đó là vì chị đã lên một danh sách chi tiết và chỉ việc làm theo những điều đã đặt sẵn, hay bởi đó chính là con đường mà chị đã lựa chọn để đi dù bất kì giá nào?

Debbie Millman: Thầy Milton đã “cảnh báo” với chúng tôi rằng đây là một bài tập có ma thuật. Và tôi đã thực sự nhận được phép màu như lời thầy nói. Và tôi thậm chí vẫn không hiểu được lý do tại sao và bằng cách nào mà bài tập này lại màu nhiệm đến thế. Tôi không biết tại sao khi bạn thừa nhận với chính bản thân mình rằng bạn thực sự quá khao khát một thứ gì đó, thì đó chính là thứ mà bạn sẽ làm. Và điều này cũng đúng với nhiều người xung quanh tôi. 

Rob Alderson: Chị còn giữ tờ danh sách màu nhiệm đó không?

Debbie Millman: Tôi giữ như một cuốn nhật kí. Thường thì một năm tôi sẽ lấy ra và đọc lại một lần. Lần đầu tiên khi tôi đọc lại tờ danh sách ấy, là khoảng 3 hoặc 4 năm sau khi tôi viết ra. Và tôi vẫn còn nhớ cảm xúc của mình khi ấy: “Ôi Chúa ơi. Điều này thật đáng kinh ngạc.”


Và đó là cách đã giúp Debbie Millman khám phá về chính bản thân cô, cũng như trở thành động lực để giúp Debbie hoàn thành những mục tiêu lớn lao của cuộc đời.

Hy vọng rằng bài viết này của iDesign sẽ gởi đến bạn thêm nhiều nguồn cảm hứng trong công việc sáng tạo!

Nguồn: We Present We Transfer

Minh họa: Jun Cen

Biên tập: Thụy

Cùng tác giả

#Tag

Debbie Millman Design Matters Generation D GenZ instagram Rob Alderson snapchat Text Me: How We Live in Language

iDesign Must-try

Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko
Những chiếc ghế huyền thoại nhà Eames, qua góc của nhà thiết kế công nghiệp Vjeko
Chắc hẳn những chiếc ghế nhà Eames (Eames chair) không hề xa lạ với những ai yêu nội thất. Hai chiếc ghế nổi tiếng Eames Lounge & Ottoman và Shell…
Thổi gió cho tâm hồn, thế giới mộng mơ của KangHee Kim
Thổi gió cho tâm hồn, thế giới mộng mơ của KangHee Kim
Có nét gì đó siêu thực, với độ sáng, sắc độ và đường nét rõ ràng, đó là những bức ảnh của KangHee Kim. KangHee Kim là một nhiếp ảnh…
‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
‘Museum of Lost Memories’: Bảo tàng chuyên lưu giữ hồi ức bị lãng quên
Một nơi chốn chứa đựng những đoạn đời mà ta đã trải qua, và rồi vô tình lãng quên sau bao năm cuộc đời trôi chảy. Nếu dạo một vòng…
Studio đứng sau sự nổi tiếng của các logo thương hiệu hàng đầu thế giới
Studio đứng sau sự nổi tiếng của các logo thương hiệu hàng đầu thế giới
Trong thập kỷ trước, rất nhiều công ty mới xuất hiện trên làn sóng công nghệ và xu hướng mới. Một trong số đó thậm chí còn thay thế những…
Những bức tranh được dân dùng Instagram yêu thích nhất trên thế giới
Những bức tranh được dân dùng Instagram yêu thích nhất trên thế giới
Gần đây, một khảo sát về các bức tranh được đăng nhiều nhất trên Instagram do CartridgeSave khởi xướng đã có kết quả. Cụ thể, khảo sát này đếm số…
Bạn có biết một tài khoản Instagram chuyên lưu giữ những bức ảnh đời thật ‘vô tình’ giống phim của Wes Anderson?
Bạn có biết một tài khoản Instagram chuyên lưu giữ những bức ảnh đời thật ‘vô tình’ giống phim của Wes Anderson?
Với sự đối xứng kinh điển, màu pastel ngọt ngào, giấy dán tường hoa văn rực rỡ và những tòa nhà bề thế mờ ảo như khung hình trong các…