Bạn đã biết gì về 3D Motion Design?
Đồ họa chuyển động là một lĩnh vực thú vị trong thế giới sáng tạo nghệ thuật. Sự xuất hiện của đồ họa chuyển động dần phổ biến kể từ khi có công nghệ truyền hình, phim ảnh. Vậy bạn đã biết những gì về đồ hoạ chuyển động hay còn gọi là Motion Design?
Bài viết này được viết bởi anh Nguyễn Hoàng Anh, CEO và founder của Freaky Motion và đồng thời cũng là giảng viên lớp Basics of Motion Design tại Red Cat Academy.
Hiện nay, vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng về Motion Design. Mỗi một chuyên gia về Motion Design lại cho ta một khái niệm khác nhau về câu chữ nhưng đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể hiểu:
1. Motion Design và Motion Graphics?
Nhiều người vẫn dùng hai từ này thay phiên nhau. Một số nhà thiết kế cho rằng từ Motion Graphics mang ý nghĩa hạn hẹp và không định nghĩa rõ vai trò của một nhà thiết kế chuyển động. Nhưng đến thời điểm hiện tại, bạn có thể dùng một cụm từ đầy đủ ý nghĩa hơn là Motion Graphic Design.
2. Motion (Graphics) Design là gì?
Motion Design là một hình thức nghệ thuật mang sức sống cho các bản vẽ thiết kế thông qua chuyển động. Hay hiểu nôm na, Motion Design là cách đưa đồ họa chuyển động theo một mục đích mà nhà thiết kế muốn. Theo dòng lịch sử, sự phát triển của Motion Design trước hết đến từ những chuyển động (Kinetic) chữ (Typography), giúp ta biến hoá những chữ cái tĩnh trở nên sống động.
Tương tự, những Graphic Element (đồ họa, hình ảnh, shapes, form, stroke, line…) đơn giản như hình vuông, tròn, tam giác, … đều có thể kết nối với nhau bằng những chuyển động thú vị và trở nên vui nhộn hơn.
Motion Design cũng được sử dụng để mang những bức ảnh chụp (Still Photography) trở thành một đoạn video thú vị.
Những dữ liệu quay (Live action footage) được sử dụng như một yếu tố đồ hoạ kết hợp với những hiệu ứng hình ảnh khác làm tăng kích thích thị giác cho người xem. Trong video dưới đây, anh chàng nghệ sĩ này sẽ biễu diễn và hãy kiên nhẫn xem nhé, bạn sẽ thấy các yếu tố đồ hoạ như khối hộp, line art xuất hiện và chuyển động theo anh chàng này nhìn vô cùng bắt mắt. Đó chính là Motion Design.
Để tăng cường trải nghiệm của người xem, 3D được phát triển và đây là một thành phần quan trọng giúp cho Motion Design trở nên biến ảo và thú vị hơn.
Khi nghe qua những khái niệm chung, chúng ta thường dễ nhầm tưởng Motion Design là một dạng phim hoạt hình hoặc một dạng hiệu ứng đặc biệt dùng cho phim ảnh, đây thực sự là một vấn đề được đưa ra tranh luận mỗi khi ai đó muốn tìm ra một định nghĩa về Motion Design. Vậy điều gì khiến Motion Design trở nên khác biệt?
Motion Design và Animation: Motion Design tập trung vào sự liên kết giữa các yếu tố graphic trong khi Animation tập trung vào cá tính và khả năng diễn hoạt của nhân vật.
Motion Design và VFX (kỹ xảo/hiệu ứng hình ảnh): Với sự phát triển của công nghệ, Motion Design phát triển lên tầm hoà trộn với các yếu tố VFX mà ở đó những Motion Designer “cao thủ” cũng sánh ngang với các VFX Artist và hoàn toàn có thể tạo ra các hiệu ứng VFX đẳng cấp. Điều này có thể nhận thấy rõ qua các showreel tổng hợp sản phẩm của những Motion Design/ VFX Studio.
3. 3D Motion Design
Câu chuyện về 3D được bắt đầu trong khoảng 40 năm trở lại và thực sự phát triển rộng rãi vào thập niên 90. Trước thời điểm đó do giới hạn về công nghệ tái tạo hình ảnh 3D, nên việc ứng dụng của loại hình nghệ thuật này không được nhiều như cách mà các nhà làm phim, quảng cáo thực hiện tại thời điểm này. Ở thời kỳ đầu, 3D Motion Design được sử dụng cho những đoạn hình hiệu tiêu đề (Ident, Title Design) cho các đài phát sóng trên truyền hình. Hiệu ứng được tạo thực tế hoặc thông qua một cỗ máy lớn có tên là Scanimate.
Song song trong thời gian đó là sự phát triển của ngành công nghiệp CGI (Computer-generated imagery), VFX (Visual Effect) và Games.
Motion Design: Captain America: The Winter Soldier Title Sequence
VFX: King Kong Concept
VFX: Deadpool Breakdown
Games: Ghost Recon Wildlands
4. Motion Design đang phát triển như thế nào ở Việt Nam?
Tại Việt Nam, sự nhìn nhận về Motion Design vẫn còn mơ hồ và không rõ ràng ở cả tư duy, hình thức thể hiện hay nội dung và giá trị thực sự. Việt Nam gia nhập với thế giới Motion Design chậm hơn so với các nước khác và có giai đoạn khởi đầu hỗn loạn. Motion Design trước kia được nhìn nhận như một phần nhỏ của Animation hoặc một phần nhỏ của VFX, nhưng cho đến nay, thực sự nó là một ngành công nghiệp chuyên biệt mà kỹ năng của một Motion Designer có thể được sử dụng ở các ngành sáng tạo khác nhau.
Một Motion Designer không còn phải “lăn tăn” mình là một Animator hay VFX Artist mà được định nghĩa như một nhà thiết kế sử dụng một dạng ngôn ngữ hình ảnh sáng tạo gây cảm hứng cho người xem thông qua hiệu ứng chuyển động thú vị và mô tả được nội dung thông điệp của sản phẩm. Với một định nghĩa như vậy, rõ ràng kỹ năng của một Motion Designers trong thế giới mới là bất tận và yêu cầu sự tìm tòi, học hỏi nhiều hơn.
Cho tới thời điểm này, rất khó để tìm ra một đơn vị đào tạo bài bản tại Việt Nam thực sự hiểu và mang lại giá trị đích thực của Motion Design. Có nhiều trường đại học cũng như trung tâm đào tạo đi theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo sử dụng công cụ một cách thuần tuý. Chúng tôi đánh giá điều đó thật sự ảnh hưởng đến giá trị học tập cũng như kết quả đầu ra, khi cách đào tạo thầy viết trò chép, hoặc thầy làm trò copy lại chỉ khiến rãnh mòn trong tư tưởng học tập bị tăng cao và hoàn toàn không phù hợp với ngành công nghiệp này. Motion Design đòi hỏi sâu sắc ở kỹ năng tư duy, kể chuyện, logic sau đó là đến khả năng tương tác với khoa học máy tính. Nếu các độc giả thực sự muốn tìm hiểu hay bước chân vào lĩnh vực 3D Motion Design thì các bạn nên có một cách đánh giá thật khoa học và nhìn nhận vấn đề rõ ràng, không chỉ là bộ mặt màu hồng của sự điên loạn trong tự do sáng tạo mà là sự kỉ luật trong cách tổ chức hệ thống tư duy, phần mềm để tạo ra kết quả mong muốn.
Khi sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ, khoa học máy tính phát triển không ngừng, đi cùng là sự sáng tạo vô cùng của lĩnh vực nghệ thuật kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về tư duy học và hoạt động trong lĩnh vực Motion Design trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Việc phát triển sau không có nghĩa là chậm, thế hệ trẻ của Việt Nam luôn có sự đam mê và khả năng sáng tạo, sẽ luôn bắt kịp thậm chí là vượt qua những gì mà thế giới đạt được. Vấn đề là tư duy được định hướng và cách thức tiếp cận vấn đề bài bản sẽ tạo ra bước đà thật tốt cho các bạn muốn đi theo lĩnh vực này.
Nguồn: redcatacademy.com